Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

KÍN MÀ VUI – Suy niệm Thứ Tư, Tuần XI TN – Vp. Duyên Thập Tự

TN-074-TUẦN XI-thứ Tư

KÍN MÀ VUI

(2Cr 9,6-11 / Mt 6,1-6,16-18)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

 

Trong thời gian gần đây, tại Việt Nam, dư luận nổi sóng vì những chuyện tế nhị riêng tư được thông tin rộng rãi trên các trang mạng. Những chuyện liên quan đến việc quyên góp để làm từ thiện và việc sử dụng những đồng tiền, được truyền thông đăng tải dưới nhiều hình thức. Rồi các khía cạnh của đời sống của một số giới nào đó – thường là những giới nổi tiếng với những ánh hào quang – bị phanh phui một cách không thương xót. Người ta hoang mang vì không biết sự thật ở chỗ nào. Nhưng có một điều chắc chắn là sự việc này làm cho nhiều người bị tổn thương, hoặc chính những người trong cuộc hoặc là các người ái mộ những thần tượng. Có một nỗi buồn nào đó bao trùm. Người ta phô trương, rồi buồn phiền. Đó là hiện tượng của một xã hội mất đi cái “hồn”, cái “ẩn kín”, “chiều sâu” của cuộc sống và ý nghĩa của các việc thực hiện. Người ta dễ rơi vào vẻ hào nhoáng bên ngoài, để rồi chính vì những thứ bề ngoài đó mà gây nên những cuộc chiến làm tổn thương nhau. Cuộc chiến của những ngôn từ cay chua, hơn thua, khích bác.

Trái lại, cái ẩn kín bên trong – như trái tim – lại không gây nên những ồn ào, nhưng chính nhờ nó mà sự sống được bảo tồn và phát triển. Khi sự sống – sự sống của bản thân và tha nhân – được phát triển, thì đó là niềm vui, một niềm vui dạt dào. Và, trong cái nhìn đức tin, niềm vui đó hệ tại sự kiện Thiên Chúa ở nơi ẩn khuất và biết rõ để trao ban những ân phúc.

Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay gợi cho tôi về hai yếu tố: kín và vui. Ẩn kín nơi đây mang ý nghĩa tích cực. Ẩn kín và niềm vui liên kết với nhau. Tôi xin chia sẻ với anh chị em suy niệm về “KÍN MÀ VUI”.

 1. AI VUI VẺ DÂNG HIẾN THÌ ĐƯỢC THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG

Chúng ta tiếp tục câu chuyện hôm qua, đó là chuyện thánh Phao-lô khuyến khích anh chị em tín hữu thuộc giáo đoàn Cô-rin-tô tham gia vào công cuộc lạc quyên trợ giúp Giáo Hội tại Giê-ru-sa-lem đang gặp khó khăn về vật chất.

Thánh Phao-lô, trong trích đoạn thư hôm nay, chương 9 từ câu 6 đến 11, đưa ra một số chỉ dẫn để việc lạc quyên được thực hiện một cách tốt đẹp.

Trước hết, ngài đã dùng hình ảnh của người nông dân đi gieo lúa và thu hoạch những gì mình đã gieo. Ngài nêu lên một lý lẽ bình dân: “gieo ít thì gặt ít, gieo nhiều thì gặt nhiều”. Trong câu nói này, ngài mong muốn họ là những người quảng đại, những người cho đi nhiều; như thế là gieo nhiều. Và đương nhiên sẽ gặt được nhiều. Điều này có thể nói là một sự tính toán, nhưng là sự tính toán của tình yêu. Khi cho đi tình yêu, sẽ nhận lại tình yêu. Như vậy, những đồng tiền hay những tặng phẩm diễn tả sự gieo trồng. Ít hay nhiều nơi đây không hẳn là số lượng khách quan, mà là sự sẵn sàng cho đi một cách quảng đại. Chúng ta hẳn còn nhớ sự kiện Chúa Giêsu đánh giá về hai đồng xu của bà goá dâng cúng vào Đền Thờ.

Tiếp đến, ngài mời gọi đặt “tấm lòng” vào trong công việc này: “Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương”. Những đồng tiền hay những tặng phẩm phải phát xuất từ nơi ẩn kín, nghĩa là từ “lòng”, từ “tâm” của mình. Đây không phải là sự phô trương, muốn đóng góp hơn người để được đánh giá cao hơn người. Đây là nơi của một trái tim vui tươi đóng góp. Đóng góp cho việc từ thiện luôn là niềm vui; nhưng nó trở thành nỗi buồn khi có sự cạnh tranh vì hư danh. Thánh Phao-lô cảnh tỉnh điều này. Hơn nữa, niềm vui của con tim trao tặng này có mối liên hệ mật thiết với tình yêu của Thiên Chúa: ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa yêu thương những con người giúp anh chị em mình một cách “ẩn kín” của trái tim hân hoan. Thiên Chúa yêu thương những trái tim đập với nhịp vui tươi hớn hở chỉ vì yêu thương tha nhân.

Thánh Phao-lô tiếp tục với việc Thiên Chúa yêu thương. Tình yêu của Thiên Chúa luôn cụ thể, nghĩa là Thiên Chúa yêu và trao ban. Nhưng phải hiểu rằng những gì Thiên Chúa trao ban là để trao tặng lại cho người khác. “Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện”. Như thế, mỗi chúng ta là trung gian, là máng chuyển thông của những tặng ân của Thiên Chúa. Một hồ nước đọng chỉ bốc mùi hôi và phát sinh đủ loại ký sinh trùng độc hại; trái lại, một dòng nước lưu chuyển sẽ mang dưỡng chất cho mọi nơi nó tuôn đến. Hãy là dòng nước lưu chuyển, chứ đừng là vũng nước tồn đọng.

Với những điều kiện như thế – tấm lòng, niềm vui, sự ẩn kín – việc lạc quyên sẽ trở thành cơ hội của những lời cảm tạ Thiên Chúa: “Những việc chúng ta làm sẽ khiến người ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa”. Còn trái lại, sẽ là cơ hội để khích bác nhau, để cạnh tranh hư danh.

 2. CHỚ PHÔ TRƯƠNG CHO THIÊN HẠ THẤY

Chúng ta tiếp tục suy niệm về Bài Giảng Trên Núi trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Trong trích đoạn hôm nay, chương 6, từ câu 1 đến câu 6 và từ câu 16 đến 18, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng”.

Phô trương là chưng ra, bày ra, trang hoàng bề ngoài cho người ta thấy, để lấy tiếng, lấy oai. Đó là sự khoe khoang. Đó là tìm hư danh. Chúa Giêsu cảnh tỉnh đặc biệt điều này. Khi Chúa nói đến những kinh sư và người biệt phái, Chúa cũng lưu ý đến khía cạnh phô trương nơi họ. Chúa cảnh tỉnh về sự phô trương ngay cả trong những sinh hoạt thiêng liêng nhất, đó là bố thí, cầu nguyện và ăn chay.

Ba sinh hoạt này liên quan đến ba mối tương giao: bố thí là tương giao với tha nhân, cầu nguyện là tương giao với Thiên Chúa; ăn chay là tương giao với chính mình. Trong đời sống thiêng liêng, đây là ba sinh hoạt căn bản làm nên linh đạo của một tôn giáo. Tôn giáo nào cũng đề cao ba yếu tố này. Khi Chúa dặn dò các môn đệ là đừng phô trương, nghĩa là phải tránh thái độ đó, nghĩa là phải thực hiện ba việc lành này ngược với phô trương. Đó là “ẩn kín”. Đó là “kín đáo”. Phô trương là chưng ra, bày ra cho thiên hạ thấy. Ẩn kín là đưa vào trong, khuất mắt thiên hạ. Khi Chúa nói đừng phô trương các việc lành này, là Chúa trả ba việc lành này trở về cách thức đúng đắn của chúng. Kín đáo là cách thức thực hiện đúng đắn ba việc lành này.

Bố thí – hay là làm từ thiện, lạc quyên – đừng là một việc biểu diễn. Đây là việc của con tim, chứ không phải tài diễn xuất. Biểu diễn là đóng vai, không phải là chính mình, là mượn danh, để được hoan hô, được khen ngợi. Làm việc thiện cho tha nhân phải ẩn kín. Ẩn kín cho chính mình, đến nỗi “tay trái không biết việc tay phải làm”. Kín đáo hoàn toàn, tay trái dấu kín cho cả tay mặt. Điều đó như thể nói đến ẩn kín tuyệt đối. Chỉ con tim biết việc tay trái làm. Con tim thì ẩn kín. Đây là con tim hân hoan được trợ giúp tha nhân. Kín mà vui.

Cầu nguyện “đừng như những người đạo đức giả”. Họ “thích” cho người ta thấy. Cái thích diễn tả cái “thú” phô trương. Thích thú cho người ta thấy. Cầu nguyện là tương giao với Thiên Chúa, là để Thiên Chúa thấy mình và mình thấy Thiên Chúa: đó là trọng tâm. Cầu nguyện là “nhìn” Chúa và Chúa “nhìn” mình. Còn muốn để cho người ta “nhìn” và “thấy” mình cầu nguyện là hết cầu nguyện rồi, vì đã thay đổi đối tượng và trọng tâm. Hãy đi vào nơi kín ẩn, căn phòng đóng kín, căn phòng nội tâm, để thực sự gặp gỡ Thiên Chúa, lòng cạnh lòng, tim kề tim, mắt nhìn mắt. Còn gì vui bằng gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Kín mà vui.

Ăn chay là việc làm của lòng thống hối. Đây là nơi của giọt nước mắt, nhưng là giọt lệ mang lại niềm vui, vì dẫn đến sự hoán cải, canh tân. Chay tịnh thân xác chỉ có giá trị khi đưa đến chỗ canh tân tâm hồn. Cái ẩn kín là điểm đến của ăn chay. Nếu chỉ để người ta thấy, nghĩa là chỉ dừng lại bên ngoài, thì đã đánh mất đi giá trị thật sự của chay tịnh. Chay tịnh bên ngoài phải diễn tả độ sáng của tâm hồn bên trong. “Rửa mặt cho sạch”, “chải đầu cho thơm” là diễn tả nội tâm, mà chỉ có mình và Thiên Chúa biết. Ẩn kín của trái tim đổi mới. Kín mà vui.

Như vậy, qua lời khuyên nhủ của Chúa Giêsu về chuyện đừng phô trương các việc làm, chúng ta được mời gọi đi vào “bên trong”, ở lại “nơi ẩn khuất”, chìm sâu trong “chốn kín đáo”, vì nơi đó, Thiên Chúa đang chờ chúng ta.

 3. CHA CỦA ANH, ĐẤNG THẤU SUỐT NHỮNG GÌ KÍN ĐÁO

Thiên Chúa không ai thấy bao giờ, vì Người là mầu nhiệm, ở trong nơi kín đáo. Những ai đi vào nơi kín đáo có khả năng gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Chúng ta có thể gặp được Thiên Chúa mọi nơi, vì Người hiện diện mọi chốn. Nhưng để thật sự sống thân tình, cần có không gian bên trong, ẩn khuất khỏi tầm nhìn của con người. Tại sao, khi yêu nhau, người ta vẫn muốn có không gian riêng tư nhất, để có thể tâm sự thật tình, để sống những thời khắc yêu thương?

Thiên Chúa hiện diện nơi ẩn khuất, Người “thấy” những việc làm chúng ta phát xuất từ trái tim, từ động lực bên trong của tình yêu, và Người sẽ ban tặng chúng ta những phần thưởng. Nghĩa là chúng ta “gặt” được những gì đã gieo. Đó là niềm vui lớn nhất. Niềm vui được người đời hoan hô sẽ mau qua và sẽ có những chỉ trích đi theo. Niềm vui từ Thiên Chúa luôn bền vững, vì nó phát xuất từ trái tim yêu thương của Thiên Chúa. Như thế, KÍN MÀ VUI.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Sáu Tuần Thánh, Ga 18,1-19,42 : Nhìn Lên Thánh Giá Nghiệm Tình Yêu Thương

Thứ Sáu Tuần Thánh, Ga 18,1-19,42 Nhìn Lên Thánh Giá Nghiệm Tình Yêu Thương Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh mời ta...

Thứ Năm Tuần Thánh, Ga 13,1-15 : Rửa chân cho nhau

Thứ Năm Tuần Thánh, Ga 13,1-15 Rửa chân cho nhau Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong thánh lễ Tiệc ly, chiều Thứ Năm, Tuần Thánh thường có...

Thứ Tư Tuần Thánh, Mt 26,14-25 : Giuđa Người Môn Đệ Được Chúa Thương Nhất

Thứ Tư Tuần Thánh, Mt 26,14-25 Giuđa Người Môn Đệ Được Chúa Thương Nhất Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thánh Gioan tông đồ đã thấu cảm...

Thứ Ba Tuần Thánh, Ga 13,21-33.36-38: Ôi tình Chúa tuyệt vời!

Thứ Ba Tuần Thánh, Ga 13,21-33.36-38 Ôi Tình Chúa Tuyệt Vời! Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bữa tiệc mà Chúa Giêsu cùng ăn uống với các...

Thứ Hai Tuần Thánh, Ga 12,1-11: Phục vụ Chúa như thế nào?

Thứ Hai Tuần Thánh, Ga 12,1-11 Phục vụ Chúa như thế nào? Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin mừng Thứ Hai Tuần Thánh, gợi lên cho chúng...

Thứ Bảy Tuần V, Mùa Chay, Ga 11,45-56: Chết vì yêu

Thứ Bảy Tuần V, Mùa Chay, Ga 11,45-56 Chết Vì Yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chứng kiến phép lạ cả thể, Đức Giêsu cho Lazaro sống...

Thứ Sáu Tuần V, Mùa Chay, Ga 10,32-42: Tin là lựa chọn

Thứ Sáu Tuần V, Mùa Chay, Ga 10,32-42 Tin Là Lựa Chọn Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Phụng vụ Lời Chúa những ngày áp Tuần Thánh càng...

Ngày 21-3, Thánh Biển Đức qua đời, Mt 19,27-29: Buông bỏ để nhận được

Ngày 21-3, Thánh Biển Đức qua đời, Mt 19,27-29 Buông Bỏ Để Nhận Được Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bài Tin Mừng chỉ vỏn vẹn có ba...

Thứ Năm Tuần V, Mùa Chay, Ga 8,51-59: Sống Lời Chúa đời nở hoa

Thứ Năm Tuần V, Mùa Chay, Ga 8,51-59 Sống Lời Chúa Đời Nở Hoa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Lời Chúa có sức mạnh và quyền năng...

Thứ Tư Tuần V, Mùa Chay, Đn 3,14-20.24-25.28; Ga 8,21-30: Tin thờ Thiên Chúa Thật

Thứ Tư Tuần V, Mùa Chay, Đn 3,14-20.24-25.28; Ga 8,21-30 Tin Thờ Thiên Chúa Thật Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bài trích sách Đanien thuật lại câu...

Thứ Hai Tuần V, Mùa Chay, Năm B, Ga 8,1-11: Hãy về và đừng phạm tội

Thứ Hai Tuần V, Mùa Chay, Năm A/B, Ga 8,1-11 Hãy Về Và Đừng Phạm Tội Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Mặt trời chiếu sáng cho mọi...

Thứ Sáu Tuần IV, Mùa Chay, Ga 7,1-2.10.25-30: Nhiệt tâm thi hành sứ vụ

Thứ Sáu Tuần IV, Mùa Chay, Ga 7,1-2.10.25-30 Nhiệt Tâm Thi Hành Sứ Vụ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay, cho ta biết Chúa...