KINH NGHIỆM CUỘC SỐNG GIÚP GÌ CHO ĐỜI SỐNG ĐẠO?
(Bài suy niệm Thứ 6 tuần XXIX TN)
Ở mọi thời và mọi nơi con người không ngừng cố gắng tìm cách để thỏa mãn khát vọng của mình. Nếu người này mong ước có sức khỏe, việc làm ổn định, thu nhập cao… thì người khác lại mong có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, có địa vị trong xã hội,… hoặc người khác thèm khát một đời sống an vui và nhàn hạ…..vv. Người Kitô hữu cũng ước mong những điều như thế nhưng bằng ấy chưa đủ, họ còn phải hướng tới một khát vọng lớn hơn, cao hơn, chính đáng hơn, cần thiết và quan trọng hơn.
Được sinh ra là con người, được vinh dự làm những Kitô hữu của Giáo hội, được trở thành con cái đáng yêu của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta khắc khoải khôn nguôi để được ở trong Thiên Chúa, chiếm đoạt được Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa. Nếu chúng ta muốn và quyết tâm sống trọn giao ước giữa chúng ta với Thiên Chúa ngày lãnh bí tích rửa tội thì bằng muôn ngàn cách thế khác nhau chúng ta đều có thể tiếp cận với Thiên Chúa vì Ngài vẫn có đó, rất gần gũi và muốn chở che chúng ta. Một trong những phương thế rất hữu hiệu giúp duy trì và xây dựng mối tương quan bền chặt với Chúa là dùng những kinh nghiệm sống của mình để nhận biết, yêu mến, phụng sự Thiên Chúa. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo rất có lý khi viết rằng: “Tận đáy lòng, con người khao khát Thiên Chúa vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với mình, và chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm gặp chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm” (GLHTCG 27).
Kinh nghiệm sống – những trải nghiệm của một người về một sự việc nào đó, mà qua đó họ rút ra được những bài học, những cách thức làm phù hợp nhất – là điều cần thiết và thế mạnh của một người nào đó. Ai cũng mong ước có nhiều kinh nghiệm sống nhờ đó bớt đi những rủi ro hay tiêu cực không đáng có. Người có nhiều kinh nghiệm được tôn trọng, yêu quí và được người khác tìm đến học hỏi. Trong tiến trình xây dựng đời sống thiêng liêng, những kinh nghiệm cũng góp phần đáng kể, làm nền tảng cho đời sống đạo của chúng ta.
Kinh nghiệm giúp người ta biết trước biết sau để phần nào lường trước những thiệt hại không đáng có. Thực tế đã cho thấy có bao nhiêu chọn lựa, bao nhiêu quyết định được coi là hợp lý, đúng đắn và khôn ngoan không chỉ mang tính chủ quan nhưng tương đối hiệu quả đối với mọi người khi biết dựa trên kinh nghiệm sống hàng ngày. Tuy nhiên xét một cách tổng thể và toàn diện, tới một mức nào đó con người cũng đành bất lực trước sự hiểu biết giới hạn của mình, và những kinh nghiệm dù có phong phú đến đâu thì cũng không thể giải quyết mọi trường hợp cách rập khuôn theo kinh nghiệm của mình hay của nhiều người. Chỉ có Thiên Chúa mới vượt ra khỏi mọi giới hạn của con người. Và chỉ có Thiên Chúa mới đáp ứng mọi khát vọng của con người.
Trong bài Tin mừng hôm nay (Lc 12, 54-59) Chúa Giêsu cảnh giác dân chúng đừng khôn cái nhỏ nhặt mà ngu muội điều quan trọng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: “Trời sẽ oi bức”, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?”. Như vậy sứ điệp Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hôm nay là phải suy tư thêm, quan tâm hơn nữa đến những chuyện “trên cao”: đừng giới hạn xuống những chuyện dưới đất, thay vào đó bám víu vào Chúa chứ không phải đơn phương dựa vào kinh nghiệm riêng của mình.
Khi Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta về những điều vận hành của trời đất thì biết còn những chuyện khác lại không biết Người muốn nhắc nhở và yêu cầu các Kitô hữu chúng ta hãy biết dùng các kinh nghiệm của mình để có thể sống đạo cách tốt nhất. Chúa đang dạy dỗ chúng ta làm cách nào để vận dụng kinh nghiệm sống để thực hành đạo cách tốt nhất.
Con người bị giới hạn trước sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình không những về chuyện “nhân tình thế thái” mà nhất là những kinh nghiệm thuộc về lãnh vực tâm linh, về Thiên Chúa. Vấn đề của chúng ta là sống thế nào để gia tăng lòng yêu mến Thiên Chúa, làm thế nào tích lũy thật nhiều kinh nghiệm về Thiên Chúa của mình?
Thứ nhất: nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa ở khắp nơi và qua nhiều tình huống khác nhau, thời đại của ân sủng đã đến và đang chi phối cuộc sống chúng ta. Vì thế thái độ vô minh, việc từ khước thay đổi đời sống, cứ ở lì trong cái cũ…. cũng có nghĩa là từ chối Thiên Chúa, không muốn chiếm đoạt Ngài.
Thứ hai: nhận biết và gắn bó với Thiên Chúa qua cầu nguyện. Thiên Chúa vẫn đang nói với chúng ta qua nhiều biến cố của đời sống, đặc biệt việc lắng nghe và thực hành lời Chúa. Việc gặp gỡ Thiên Chúa qua cầu nguyện chân thành mới cảm nếm được Ngài, mới hiểu về Ngài: một cảm nghiệm thực sự, một kinh nghiệm thật về Thiên Chúa chứ không phải suy luận hay thuần túy là lý thuyết.
Thứ ba: đón nhận ân sủng khi đón nhận các bí tích. Các bí tích ban ân sủng, là cơ hội để chúng ta đụng chạm tới Thiên Chúa.
Tất cả những điều kể trên chúng ta có thể học với thánh Phaolô, ngài đã cảm nghiệm được chính Thiên Chúa đang sống và hoạt động qua con người mình: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20, x. Rm 8,10-11).
Cũng vậy, kinh nghiệm thiêng liêng của thánh Âu Tinh giúp chúng ta thêm xác tín hơn nữa: “Thiên Chúa còn thân mật với tôi hơn cả chính tôi thân mật với tôi nữa”: Thiên Chúa trở thành cái gì căn bản nhất, thâm sâu nhất trong tôi, hơn cả chính bản ngã của tôi.
“Lạy Chúa
Xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu lời Chúa
những kẻ khát không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,
công bằng và tình thương
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương,
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính ta” (Mẹ Têrêxa Calcutta).
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ – Rabbouni, số 7).
Mai Thi