LÀ MÔN ĐỆ CỦA CHÚA
Suy niệm Tin Mừng Lc 14,25-33; Chúa nhật 23 Thường niên, Năm C
M. Lasan Châu Sơn
Trước các cuộc bầu cử, chúng ta thấy các ứng cử viên thường quy tụ dám đông để nói những lời “có cánh”, những lời “mật ngọt”, nhằm tạo thế lực, lôi kéo cử tri về phe mình, ủng hộ cho mình. Thế mà, trong bài tin mừng hôm nay, dường như chúa giêsu đã không biết nói nhừng lời ngon ngọt, êm tai để lôi kéo nhiều môn đệ đi theo mình. Mà ngược lại Ngài còn đưa ra những điều kiện quyết liệt cho những ai muôn làm môn đệ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ tôi được”.
Chúa Giêsu nói những lời ấy trong bối cảnh đám đông dân chúng cùng đi đường với Chúa, cùng hướng đi lên Giêrusalem. Mục đích của Chúa đi lên Giêrusalen là để chịu khổ hình thập giá cứu độ nhân loại. Ấy thế nhưng, đám đông có lẽ lại nghĩ Chúa lên đó để tái lập vương quốc Israen. Bởi vậy, Chúa phải nói toạc ra sự thực để đám đông tự cân nhắc và quyết định có tiếp tục đi theo Chúa hay không. Qua những lời đanh thép đó, Chúa cho thấy rằng: Quyết định theo Chúa, không phải là thứ tình cảm bồng bột nhất thời; sớm nắng chiều mưa. Nhưng là một việc hệ trọng, lâu dài, và dẫn đến ơn cứu độ đời đời, cho nên phải dồn hết tâm- trí- lực mới có thể làm môn đệ của Chúa được.
Làm môn đệ của Chúa là sống từ bỏ
Bản dịch Tiếng Việt dùng từ “dứt bỏ”: Ai không dứt bỏ cha em, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được. Theo các nhà chú giải, nguyên ngữ thánh Luca dùng là từ “ghét”: Ai không ghét, cha mẹ anh chị em… thì không thể làm môn đệ tôi được. Một số người đã vin vào câu Kinh Thánh này, để quy kết rằng những người theo đạo Chúa là bỏ ông bà, bất hiếu với tổ tiên. Thực ra, trong cách nói của người Do Thái vào thời Chúa Giêsu cách đây hơn 2000 ngàn năm, thì ghét đối lập với yêu trong một nghĩa có tính cách so sánh hơn kém mà thôi. “Ghét” ở đây không có nghĩa như ta hiểu ngày nay, nhưng có nghĩa là yêu ít hơn, được yêu ít hơn. Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối cho nên ta phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự và hơn hết mọi loài.
Thực tế khi ta càng yêu mến Chúa thì ta càng biết yêu thương mọi người, đặc biệt là cha mẹ, ông bà những người thân thuộc của ta. Cứ thử hỏi các linh mục, đan sĩ, tu sĩ những người tự nguyện bỏ mọi sự mà theo Chúa rằng: thương ai nhất, nhớ ai nhất, cầu nguyện cho ai nhiều nhất nếu không phải là ông bà cha mẹ? Đối với anh chị em giáo dân thì sự báo hiếu với ông bà, cha mẹ còn sâu sắc hơn nữa qua từng chén cơm, manh áo, chăm sóc thuốc thang, rồi “lễ tết, chết giỗ”, sớm tối cầu nguyện cho gia tiên. Người kitô hữu sống như vậy, là dấu chứng thực người môn đệ của Chúa; luôn yêu mến và tuân giữ lời Chúa phán truyền; lời Hội Thánh khuyên dạy: Kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như mình ta vậy.
Đàng khác, làm môn đệ của Chúa là vác thập giá của mình mà đi theo Chúa. Chúa đã vác thánh giá lên đồi Canvario để chết vì yêu, thì người môn đệ cũng đi cùng một con đường đó, con đường tình yêu ngay trong cuộc sống hằng ngày.
Có một câu chuyện xảy ra tại Giáo phận Huế. Một thanh niên người Huế, đến xin cha xứ cho được nhập đạo Công Giáo. Cha xứ rất vui mừng dạy giáo lý cho anh. Hôm trước ngày lãnh Bí tích Thánh tẩy, cha xứ cho anh một giờ hồi tâm cầu nguyện trước tượng thánh giá. Sau giờ hồi tâm đó, anh hớt hả trình bày:
– Thưa cha con không dám gia nhập đạo Công Giáo nữa.
– Tại sao thế? Cha xứ ngạc nhiên hỏi.
– Suốt một giờ qua con nhìn lên thánh giá và suy gẫm mấy chữ trên đó: NIRI, và điều này làm con lo sợ. Theo người Huế: NIRI có nghĩa là y như thế này. Trở thành môn đệ của Chúa phải giống như Chúa, chết trần truồng đau đớn, trên cây thập giá. Con tự xét mình không đủ sức để làm được điều ấy nên con không dám gia nhập đạo nữa.
Vâng, là môn đệ của Chúa là nên giống y như Chúa. Nhưng thực ra, Chúa không đòi buộc chúng ta phải chết đau đớn tất tưởi y như Ngài. Nhưng là sống như Ngài đã sống. Vác thánh giá theo Chúa không có nghĩa là tìm kiếm những đau khổ, nhưng là đón nhận mọi nỗi khổ đau với tinh thần kitô hữu và biến đổi nó trong tình yêu. Trong tình yêu, mọi sự được đổi mời. Trong tình yêu, thánh giá cuộc đời ta nở hoa. Thánh giá của mỗi người mỗi khác nhau, đó có thể là thánh giá của đau yếu bệnh tật, tuổi già, thánh giá của thất bại, rủ ro, thánh giá của bất trung phản bội, bỏ rơi… Chúa mời ta vác lấy và đi theo Chúa, đi theo Chúa tiến về đích Phục sinh.
Lạy Chúa, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa. Vì Chúa đã dùng thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ. Amen