LÀM CHỨNG CHO CHÚA
(Bài suy niệm Thứ 2 tuần VI PS)
Trước khi về trời, Đức Giêsu đã nhắn nhủ các môn đệ những lời sau cùng: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16,15; Mt 28,19). Nếu năm xưa Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ phải đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân thì lệnh truyền ấy vẫn phải được tiếp tục trong suốt lịch sử Giáo hội và ngày nay đối với mỗi người chúng ta. Nói cách khác, bất cứ ai, ở đâu và giai đoạn lịch sử nào, tất cả đều có chung một nhiệm vụ là làm chứng nhân cho Đức Giêsu: “Các con là chứng nhân của Thầy” (Lc 24, 48) và “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8b).
Làm chứng cho Chúa là sứ mạng của mọi Kitô hữu: cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy (x. Ga 15, 26). Ai không biết, không sống, không có kinh nghiệm về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, ai không thực thi sứ mạng rao giảng Tin mừng đó cho người khác là một điều thiếu sót rất lớn. Ý thức quyền lợi và nghĩa vụ trọng đại này, thánh Phaolô đã nói: “Khốn thân tôi, nếu không rao giảng Tin mừng” (1Cr 9, 16). Cũng thánh Phaolô cho rằng: “Dù thế nào đi nữa, cuối cùng Đức Kitô được rao giảng là tôi mừng” (Pl 1, 18). Tông đồ Matthias sở dĩ được chọn vào số các tông đồ để ông làm chứng về một Chúa Giêsu đã chết nhưng đã sống lại (x. Cv 1, 22). Và trong bài Tin mừng hôm nay (Ga 15, 26-16, 4a), Chúa Giêsu đã quả quyết với các môn đệ ngay cả Chúa Thánh Thần cũng làm chứng về Thầy: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy”.
Người môn đệ Đức Kitô có nhiều cách làm chứng cho Chúa: bằng lời nói, cách ăn nết ở, lời cầu nguyện, hy sinh hãm mình và các việc làm cụ thể để tỏ cho người khác biết Thiên Chúa. Tuy nhiên song song với lệnh truyền làm chứng cho Chúa, Chúa Giêsu cũng đã nói trước những khó khăn, thử thách, đau khổ…. cho các môn đệ để họ không bị vấp ngã vì Chúa. Người làm chứng cho Chúa luôn luôn chấp nhận những thiệt thòi, hy sinh cả những điều được phép, nhất là gặp không ít những thách đố trong cuộc đời. Chúa Giêsu đã báo trước, thánh giá sẽ quyện lấy cuộc đời người làm chứng cho Chúa: “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23).
Có thể kể ra một vài nhân chứng vì họ đã hết lòng, hết tình để làm chứng cho Chúa:
– Thánh Phêrô và Gioan đã bị người Dothái giam giữ và cấm không được rao giảng về Chúa Giêsu Kitô trước khi được thả về. Tuy nhiên, hai thánh tông đồ đã dõng dạc tuyên bố phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm và các ngài tiếp tục loan báo Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ, dù bị đe dọa tính mạng (x. Cv 4, 1-21).
– Cũng vậy, biết bao thế hệ các thánh Tử Đạo mọi nơi trên thế giới bị vua chúa quan quyền và dân chúng thù ghét, đàn áp, đe dọa và giết hại không phải vì các ngài là những kẻ xấu làm điều gian ác, nhưng chỉ vì các ngài đã tin vào danh Đức Giêsu và đã dũng cảm tuyên xưng đức tin ấy, thể hiện qua thái độ bất khuất, không chịu bỏ đạo, không chịu im tiếng, không chịu bước qua thập giá theo lệnh của những người có quyền.
Mỗi Kitô hữu chúng ta hôm nay có nghĩa vụ làm chứng cho Chúa ngay giữa đời thường. Chúng ta không có cơ may chịu tử đạo, không bị đe dọa cấm cách như các tông đồ…. thì chúng ta có nghĩa vụ làm chứng cho Chúa ngang qua bổn phận người chồng, người vợ, con cái, tu sĩ, linh mục… mỗi người hãy chu toàn trách nhiệm đối với ơn gọi của mình, sứ mạng của mình, gia đình của mình. Chúng ta có trách nhiệm làm chứng cho Chúa bằng việc sống công bình ngay chính, liêm khiết, thật thà… theo gương Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta có thể bị chế giễu và bị đem ra làm trò đùa vì đức tin và những thực hành đức tin của mình nhưng không vì thế chúng ta chán nản, thất vọng, bỏ cuộc… Chúng ta có bị ngăn cản hay làm khó dễ trong sứ mạng, điều đó cũng hết sức bình thường. Mỗi Kitô hữu cần nhớ một qui tắc vàng, đó là người ta không thể làm chứng cho Chúa mà không cần có lòng can đảm và hy sinh.
Dầu là ai và làm công tác gì, chúng ta cũng chỉ là công cụ của Chúa để nhờ đó người ta biết Chúa. Tuy công cụ nhỏ bé chẳng đáng kể nhưng lại cần thiết. Chúa không trực tiếp tỏ mình ra cho người ta mà dùng con người nhỏ bé của chúng ta để tỏ lộ cho mọi người biết Thiên Chúa cao cả. Chúng ta chỉ là phương tiện để Chúa đến với người ta và người ta đến với Chúa. Điều này trở nên hiện thực nơi thánh Gioan Vianney, một linh mục kém cỏi dốt nát. Khi một nhà điều tra phong thánh hỏi một người trong giáo xứ về đời sống của vị cha sở (Cha Gioan Vianney) thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: “Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.
Lời quả quyết của một con chiên trong xứ đạo về vị chủ chăn của mình thật đẹp. Ông trở thành người làm chứng, ông làm chứng về vị linh mục thánh thiện đạo đức…. Ông đã thấy tận mắt, nghe tận tai, chứ không phải nghe người khác kể lại. Còn vị linh mục trở thành lời chứng trọn vẹn nhất về Thiên Chúa. Đời sống và nhân đức của vị linh mục tầm thường nhưng đã làm chứng cho người ta đầy đủ về Thiên Chúa tình yêu.
Ước gì chúng ta sống tư cách người môn đệ cách trung tín và dũng cảm để có thể làm chứng cho Chúa mọi nơi, mọi lúc trong mọi biến cố lớn nhỏ của cuộc đời mình.
Mai Thi
* Tham khảo một số bài viết trên trang web.