Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

LẮNG NGHE VÀ PHỤC VỤ

 

 

LẮNG NGHE VÀ PHỤC VỤ

(Cn 2,1-9 / Cl 3,12-17 / Lc 12,35-44)

 

Bài giảng thánh lễ chúc phong Viện Phụ Phước Vĩnh 18/08/2022)

Vp Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta vui mừng tham dự thánh lễ chúc phong Viện Phụ Maria Vinh Sơn Liêm Trần Văn Hoà, tân Viện Phụ của đan viện Thánh Mẫu Phước Vĩnh và quí cha mừng kỷ niệm ngọc khánh và ngân khánh khấn dòng.

Chúng ta nhìn thấy huy hiệu viện phụ của ngài với dòng chữ được viết bằng tiếng la-tinh “Auscultare et Servire” và được chuyển ngữ sang tiếng việt là “Phục Vụ Trong Lắng Nghe”. Cùng với dòng chữ là hình ảnh nổi bật trong huy hiệu, chiếc vành tai và bàn tay đặt trên bàn chân. Hình ảnh này diễn tả ý nghĩa dòng chữ trên: phục vụ qua việc rửa chân và lắng nghe qua hình ảnh chiếc tai rộng mở. Huy hiệu này cũng dễ hiểu không mang quá nhiều bí ẩn hay mầu nhiệm.

Có lẽ cũng thích hợp là chúng ta cùng dừng lại trong những phút này để suy niệm về định hướng mà tân Viện Phụ Vinh Sơn Liêm đã chọn cho sứ vụ bề trên của mình. Tôi xin được dừng lại nơi ba bài đọc Kinh Thánh trong thánh lễ chúc phong hôm nay để suy niệm và chia sẻ với anh chị em về việc ‘Lắng Nghe và Phục Vụ” hoặc “Phục Vụ Trong Lắng Nghe”.

Anh chị em thân mến,

Như tôi vừa nói, huy hiệu này với dòng chữ và hình ảnh cũng rất dễ hiểu, mang ý nghĩa của việc phục vụ xuyên qua việc lắng nghe, hoặc lắng nghe dẫn đến phục vụ. Tai và bàn tay đồng hành với nhau, tương tác, để việc thi hành sứ vụ viện phụ được tốt đẹp và mang lại nhiều thành quả cho bản thân viện phụ và anh chị em mà ngài được kêu gọi phục vụ. Nhưng những bài đọc Kinh Thánh lại gợi cho tôi đi vào một số ý nghĩa xoay quanh hai trục lắng nghe và phục vụ này.

  1. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Chúng ta vừa nghe bài đọc một, trích sách Châm Ngôn chương 2 từ câu 1 đến 9. Sách Châm Ngôn là bộ sưu tập các câu châm ngôn của các hiền nhân, những bậc khôn ngoan, trong đó những câu châm ngôn của vua Salomon có một vị trí quan trọng. Những câu châm ngôn – dưới dạng văn thơ – có mục đích giúp người nghe tìm ra ý nghĩa cuộc sống xuyên qua các ngôn từ và cách hành xử.

Trích đoạn mà chúng ta vừa nghe, mời gọi “lắng nghe”. Lắng nghe gì? Lắng nghe lẽ khôn ngoan, để hiểu biết và tìm ra ý nghĩa. Chúng ta thấy các động từ liên kết với nhau với dưới dạng thức điều kiện “nếu”. “Nếu lời thầy con luôn nhận lấy, huấn lệnh thầy con hằng ấp ủ, nếu tai con lắng nghe lẽ khôn ngoan và hướng lòng theo sự hiểu biết, nếu con cầu xin trí thông minh, van nài ơn hiểu biết, nếu con tìm khôn ngoan, như tìm bạc, và lùng kiếm như thể kho tàng…”. Với chữ ‘nếu’ được theo sau bởi những động từ diễn tả sự hăng say và nhiệt tâm hướng tới sự khôn ngoan và hiểu biết, thì kết quả sẽ là gì? Đó là khám phá ra ý nghĩa. Nhưng, điều gì ý nghĩa nhất? Đó là Thiên Chúa và kính yêu Ngài : “lúc đó con sẽ hiểu thế nào là kính yêu Thiên Chúa và sẽ khám phá ra sự hiểu biết Thiên Chúa có ý nghĩa gì”. Như vậy, việc lắng nghe để tìm thấy sự khôn ngoan sẽ hướng tới chính Thiên Chúa, Đấng là ý nghĩa của cuộc sống và toàn bộ hoạt động. Như chính câu kết trích đoạn sách Châm Ngôn khẳng định: “đó là con đường đưa tới hạnh phúc”.

Anh chị em thân mến, và đặc biệt kính thưa tân Viện Phụ Vinh Sơn Liêm,

Việc lắng nghe của chúng ta, trước tiên không phải nhắm đến việc phục vụ con người, mà là phụng sự Thiên Chúa, là tìm thấy niềm vui trong việc kính yêu Thiên Chúa. Lắng nghe Thiên Chúa, lắng nghe Lời Thiên Chúa, lắng nghe Đấng Khôn Ngoan, là để gặp chính Đấng Khôn Ngoan, Đấng là ý nghĩa cuộc đời của mỗi chúng ta. Như vậy, để sau này có thể phục vụ con người, việc lắng nghe dẫn chúng ta trước hết và trên hết đến việc phục vụ Thiên Chúa. Nếu không có sự phục vụ Thiên Chúa, không có việc phụng sự Thiên Chúa, việc phục vụ tha nhân dễ rơi vào một thứ ý thức hệ nào đó, một thứ đắc nhân tâm chỉ hạn hẹp trong chiều kích nhân loại, hoặc một thứ phục vụ chiều ngang không được nuôi sống bằng thứ phục vụ chiều dọc. Mỗi chúng ta cần học hỏi mãi trong ngôi trường của sự khôn ngoan, hay đúng hơn ngôi trường của Đấng Khôn Ngoan, đó chính là “Trường Học Phụng Sự Thiên Chúa” mà Thánh Phụ Biển Đức đã thiết lập, trong đó Viện Phụ phải là người đầu tàu, là người dành mọi tâm huyết và ưu tiên cho việc phụng sự này, cho việc phục vụ này.

Khi tham dự thánh lễ chúc phong tân Viện Phụ Vinh Sơn Liêm, chúng ta cầu chúc và cầu nguyện cho ngài luôn mang trong lòng nỗi ưu tư, nỗi khắc khoải luôn đầu tư tất cả sức lực, tình yêu, tâm hồn cho việc Phụng Sự Thiên Chúa, để đan viện và các anh em mà ngài được mời gọi phục vụ, trở thành những đan sĩ thật, đan sĩ thánh như cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận hằng ước mong, trong Trường Học Phụng Sự Thiên Chúa. Và một khi sống phụng sự Thiên Chúa trên hết, viện phụ sẽ sống một cuộc đời hạnh phúc và có khả năng phục vụ anh chị em mình như Thiên Chúa mong muốn.

Nhưng, anh chị em thân mến, phải chăng việc phục vụ tha nhân, phục vụ cộng đoàn, phục vụ Giáo Hội, là sáng kiến của chúng ta, là điều chúng ta chủ động? Tôi xin chia sẻ điểm thứ hai, đó là “Thiên Chúa ký thác”.

  1. THIÊN CHÚA KÝ THÁC

Chúng ta vừa nghe trích đoạn Tin Mừng theo thánh Luca chương 12 từ câu 35 đến 44. Trong trích đoạn này, Chúa Giêsu ngỏ lời với các môn đệ Ngài với lời mời gọi: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay”. Tiếp sau đó Chúa kể dụ ngôn về những người đầy tớ luôn sẵn sàng tỉnh thức đợi chủ về sẽ nhận được thành quả nào. Thành quả này vượt quá điều chờ mong và tưởng tượng của họ: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”. Chúng ta thấy ông chủ này trở thành người phục vụ, người hầu hạ, người tôi tớ.

Khi nghe Chúa giảng dạy như vậy, môn đệ Phêrô – như thay mặt cho anh em đồng môn – hỏi Chúa: “ Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?”

Tôi xin dừng lại nơi câu nói của Chúa và động từ “đặt lên coi sóc”. Chúa khẳng định việc những ai được mang danh hiệu là “quản gia” – nghĩa là những người có trách nhiệm quản trị – là những người “được đặt lên coi sóc”. Coi sóc là phục vụ, là chu toàn công việc chủ giao cho để thay mặt chủ mà điều hành, quản trị. Điều này nhấn mạnh rằng việc phục vụ, trước tiên, không phải là sáng kiến của con người, của chúng ta, mà của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa đặt một số người lên để coi sóc, để phục vụ những người khác. Điều này làm nổi bật giá trị tuyệt vời của việc phục vụ: đó là công việc Thiên Chúa muốn. Điều này cũng nhấn mạnh rằng việc phục vụ luôn phải được thi hành, chứ không phải mình muốn hay không muốn.

Câu hỏi được đặt ra là phục vụ ai và bằng cách nào? Chúa Giêsu nêu rõ “kẻ ăn người ở”. Nghĩa là tất cả những ai thuộc về ông chủ. “Kẻ ăn người ở là gia nhân, là những đầy tớ” của chủ. Nói chung, đó là những ai ‘ăn’ và ‘ở’ trong nhà ông chủ. Điều khẳng định này của Chúa diễn tả rằng người phục vụ không chọn lựa những người này để phục vụ và những người khác thì không. Không có chọn lựa về phía con người, mà tất cả những ai Thiên Chúa gửi đến. Như vậy, người quản gia – người bề trên, viện phụ – không bao giờ được đóng vai “chủ nhân ông”, không được hành xử như ‘một bạo chúa’ – điều mà thánh phụ Biển Đức đã cảnh tỉnh những ai mang danh hiệu Viện Phụ.

Và bằng cách nào? Chúa Giêsu nêu rõ “để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc”. Nghĩa là gì? Đó là việc phục vụ đem lại sự sống. Lương thực đem đến sự sống. Và khi có sự sống là có niềm vui. Đúng giờ đúng lúc, là luôn sẵn sàng cho mọi tình huống và hoàn cảnh. Một sự đáp ứng như vậy sẽ mang đến bình an cho những người “ở trong Nhà Chúa”. Điều đó Thánh Phụ Biển Đức nhấn mạnh. Đó là sự sống, niềm vui và bình an.

Anh chị em thân mến, và đặc biệt kính thưa tân Viện Phụ Vinh Sơn Liêm,

Việc phục vụ mà Thiên Chúa trao cho, không chỉ là một công vụ, mà là một thánh vụ, vì là trách vụ phát xuất từ Thiên Chúa trao ban. Để có thể chu toàn việc phục vụ này, chúng ta cần tỉnh thức và đôi tai tỉnh và thính. Chúa Giêsu, trong trích đoạn Tin Mừng, đã nói đến việc nghe chủ gõ cửa và mở ngay. Cần lắm để lắng nghe tiếng Chúa gõ – gõ nơi đôi tai thể lý và nhất là ‘đôi tai lòng’ – để mở ngay cho Thiên Chúa đến gặp gỡ những người phục vụ và những người được phục vụ. Sự hiện diện của Thiên Chúa mang đến sự thánh thiêng của phục vụ. Một thánh vụ. Chúng ta cứ phục vụ, rồi để Thiên Chúa thưởng công cách nào tuỳ Người, nhưng chắc chắn sẽ rất lạ lùng và rất thú vị. Thánh Phêrô khi ngỏ lời với các kỳ mục đã đưa ra những lời khuyên rất cụ thể: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em… Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi Vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát” (1Pr 5,1-4).

Anh chị em thân mến,

Từ đầu bài chia sẻ đến bây giờ, tôi mới đề cập đến việc lắng nghe và phục vụ của người phụ trách, của Viện Phụ. Bây giờ tôi xin suy niệm thêm về hoa trái nào mà việc lắng nghe và phục vụ – auscultare et servire – hoặc “Phục Vụ Trong Lắng Nghe” ảnh hưởng gì cho cộng đoàn được phục vụ.

  1. MỘT CỘNG ĐOÀN PHONG NHIÊU

Chúng ta vừa nghe bài đọc thứ hai, trích thư thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôsê chương 3 từ câu 12 đến 17. Trong trích đoạn này, thánh nhân đưa ra những lời khuyên để xây dựng một cộng đoàn mang tính Kitô, một cộng đoàn của Chúa Kitô, một cộng đoàn yêu thương.

Thánh Phaolô đã sử dụng những hạn từ diễn tả tình yêu huynh đệ: lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Rồi, chịu đựng, tha thứ, lòng bác ái, ơn bình an. Tất cả những điều tốt đẹp trên diễn tả thành quả của việc lắng nghe và phục vụ, hoặc phục vụ trong lắng nghe. Người quản trị Nhà Chúa, bề trên, Viện Phụ, khi lắng nghe và phục vụ, không phải để làm cho bản thân mình có giá trị hay thêm giá trị – đương nhiên hàm chứa điều đó – nhưng phải hướng tới điều lớn hơn bản thân mình, đó chính là cộng đoàn. Một khi Viện Phụ học biết lắng nghe và phục vụ, cộng đoàn cũng sẽ biết lắng nghe nhau và phục vụ nhau. Và sự phục vụ nhau nơi đây không dừng lại nơi vật chất, nơi những cử chỉ bên ngoài như cúi xuống rửa chân cho nhau – như các đan viện Xitô Việt Nam vẫn thực hành trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Việc ‘Phục Vụ Trong Lắng Nghe’ phải hướng trước hết và ưu tiên tới những thiện hảo thiêng liêng mà Thánh Phụ Biển Đức dùng diễn ngữ “phần rỗi các linh hồn”. Ngài khuyên Viện Phụ đừng quá lo lắng đến của cải vật chất mà xem nhẹ phần rỗi các linh hồn. Và một trong những diễn tả đẹp nhất của phần rỗi các linh hồn, đó là xây dựng nên một cộng đoàn yêu thương, bác ái, mà các Tổ Phụ Xitô đặt tên cho đan viện là “Trường Học Đức Ái”. Nơi trường học này, các đan sĩ ngày đêm học yêu thương bằng cách lắng nghe Lời Chúa, bằng việc phục vụ nhau. Nơi Trường Học Đức Ái này, nơi cộng đoàn này, nơi đan viện này, tất cả đều tăng thêm. Tăng thêm điều gì? Thánh Phaolô, trong trích đoạn thư Côlôsê, đã nêu rõ: “Lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú”. Phong nhiêu vì Lời Chúa Kitô được nhiều anh em lắng nghe. “Hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng”. Phong nhiêu trong việc phục vụ Thiên Chúa của các đan sĩ dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện trong các giờ kinh phụng vụ. “Làm và nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha”. Phong nhiêu của mọi việc phục vụ nhau – qua lời nói và bằng hành động – đều được thực hiện vì động lực là Chúa Giêsu và hướng tới Chúa Cha. Đó là những thành quả tuyệt vời của một vị bề trên, của một Viện Phụ biết “Phục Vụ Trong Lắng Nghe”.

Anh chị em thân mến và đặc biệt kính thưa tân Viện Phụ Vinh Sơn Liêm,

Ai trong chúng ta cũng muốn việc lắng nghe và phục vụ của chúng ta mang lại nhiều hoa trái tốt lành. Những hoa trái đó, trước hết là chính cộng đoàn, là chính những anh em mà Thiên Chúa gửi đến để chúng ta lắng nghe và phục vụ. Đó là những hoa trái sống động.

Hôm nay, nhân dịp thánh lễ chúc phong tân Viện Phụ Vinh Sơn Liêm, chúng ta được cùng với hai vị cao niên là cha Augustinô Lê Trọng Hồng và cha Phaolô Tịnh Nguyễn Tuyên Phương, mừng ‘Ngọc Khánh Khấn Dòng’; đồng thời cùng với một vị trung niên là cha Phanxicô Salesio Trần Huy Huề mừng kỷ niệm “Ngân Khánh Khấn Dòng”. Đây là những hoa trái sống động và cụ thể mà bao thế hệ bề trên và Viện Phụ đã dày công vun đắp. Sự kiện các ngài mừng kỷ niệm khấn dòng diễn tả cho chúng ta ý nghĩa sâu xa của việc phục vụ kép: phục vụ Thiên Chúa và con người, của việc lắng nghe Lời Chúa và anh chị em, để trung tín đến ngày hôm nay. Và đó cũng là lời mời gọi tân Viện Phụ học biết cách “Phục Vụ Trong Lắng Nghe” để anh em trong đan viện Phước Vĩnh thêm thành viên và các thành viên sống trung tín trong ơn gọi cho đến mãn đời.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta hiện diện trong thánh lễ chúc phong tân Viện Phụ và mừng kỷ niệm ngọc khánh, ngân khánh khấn dòng của ba cha thuộc đan viện Phước Vĩnh. Cùng với các ngài, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa, cầu nguyện và mến chúc các ngài đạt được điều mà thánh Phaolô khẳng định: “Tôi đã được Chúa Kitô chiếm đoạt rồi”.

Được Chúa Kitô chiếm đoạt là hạnh phúc lớn nhất của Kitô hữu, đặc biệt của những ai sống đời thánh hiến. Tất cả đang cùng nhau đi trên con đường phục vụ Thiên Chúa và con người, với tâm thái của những con người đang lắng nghe Lời Chúa tỏ lộ Thánh Ý Người. Chúng ta cầu chúc cho cộng đoàn Phước Vĩnh thực hiện Lời Trối của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận được ghi trong thiệp mời: “Một đi chung cùng nhau, vui vẻ theo Thánh Ý Cha chúng ta”.

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...