Chúa Nhật VIII TN B – Lễ Chúa Ba Ngôi 2018
BA NGÔI TÌNH YÊU HUYỀN NHIỆM NHƯNG THẬT GẦN
(Đnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20)
Mầu nhệm Ba Ngôi là mầu nhiệm cực trọng, trung tâm đức tin Kitô Giáo và cũng là đỉnh cao, điểm quy chiếu mọi hoạt động của Hội Thánh. Chúng ta dùng ngôn ngữ tình yêu để suy niệm về Chúa Ba Ngôi. Chúng ta nhận ra và sống với Chúa Ba Ngôi, huyền nhiệm tình yêu cao sâu khôn dò nhưng thật gần gũi gắn bó.
1. Chúa được mặc khải là Ba Ngôi Tình Yêu
Con người tự mình không thể hiểu được về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, nhưng phải nhờ Đức Giêsu mặc khải cho biết. Đức Giêsu đã quả quyết: “Không ai có biết được Người Con trừ Chúa Chúa Cha, cũng không ai biết được Chúa Cha trừ Người Con và kẻ mà người Con mặc khải cho” ( Mt 11, 27). Đức Giêsu là hình ảnh phản chiếu trọn vẹn Chúa Cha, thấy và biết Ngài là thấy và biết Chúa Cha, vì Ngài với Chúa Cha là một ( x. Ga 10,30). Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đã được mặc khải nhiều lần trong cuộc đời và sứ vụ của Đức Kitô. Ở biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan (x. Mt 3,16-17); Biến cố biến hình trên núi Tabor, (x. Mt 17,5) và trong tường thuật Tin Mừng hôm nay (x. Mt 28,19).
Để nói, để hiểu được phần nào về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, chúng ta chỉ có thể dùng một loại ngôn ngữ đó là ngôn ngữ tình yêu. Thánh Gioan đã định nghĩa về Thiên Chúa: Thiên Chúa là tình yêu (x.1Ga 4,16). Tình yêu chính là con đường vừa diễn tả, vừa mặc khải sống động và đầy đủ ý nghĩa nhất về Chúa Ba Ngôi.
- Tình Yêu Một Chúa Ba Ngôi.
Đặc tính thứ nhất của tình yêu là không chấp nhận sự đơn lẻ nhưng mở ra tương quan liên vị. Nếu Thiên Chúa chỉ có một ngôi vị, làm sao có thể diễn giải được tình yêu. Thiên Chúa trở nên vị chúa ích kỷ, quy về mình và tự yêu mình. Tình yêu luôn mở ra, vươn tới các ngôi vị khác, không loại trừ, tiêu diệt nhưng luôn nhân thừa và làm cho phong phú. Thiên Chúa được tuyên xưng là Chúa duy nhất nhưng lại có Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì là Ba Ngôi nên Thiên Chúa thông truyền tình yêu qua lại cho nhau.
- Tình Yêu Ba Ngôi Một Chúa
Đặc tính thứ hai của tình yêu là duy nhất, nên một. Chúng ta quan sát trong tình yêu giữa người nam va người nữ, khi chưa yêu nhau, họ là hai người xa lạ, khác biệt: một nam một nữ. Nhưng khi khởi sự đặt mối tương quan tình yêu và khi tình yêu đạt tới sự chín mùi, họ không còn xa lạ, là hai nhưng đã trở nên gần và trở nên một: một vợ chồng, một xương một thịt, hợp nhất cả tinh thần lẫn thể xác.
Hình ảnh trên cũng diễn tả phần nào về sự hợp nhất trong tình yêu của Ba Ngôi. Chúng ta tuyên xưng Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, là Ba Ngôi riêng biệt. Nếu không có tương quan tình yêu, Ba Ngôi vẫn còn xa lạ, độc lập và có thể gọi là ba Chúa khác biệt. Nhưng vì cả Ba Ngôi luôn có mối liên hệ tình yêu huyền nhiệm sâu thẳm, nên ba đã trở nên một, duy nhất và là một Chúa mà thôi.
- Tình yêu Ba Ngôi làm phát sinh sự thiện hảo
Đặc tính thứ ba của tình yêu là làm phát sinh hiệu quả. Tình yêu quy ngã tự nó sẽ tàn lụi và khai tử. Tình yêu đúng nghĩa phải đạt tới sự sung mãn là phát sinh hiệu quả của tình yêu. Thánh Toma định nghĩa : ” điều tốt tự nó có sức lan tran- Bonum est diffusivum sui“. Tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa vì không quy về mình, nhưng trao ban, hiến tặng cho nhau nên làm phát sinh hoa trái tình yêu là tạo nên gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, là sáng tạo vũ trụ vạn vật và con người. Con người và vũ trụ vạn vật chính là hoa trái tình yêu trao ban của Chúa Ba Ngôi.
Vâng, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi dù có dùng cách suy diễn nào đi nữa mãi mãi vẫn là mầu nhiệm khôn dò khôn thấu, đúng như lời kinh chúng ta đọc: “Khi suy ơn rất trọng ấy chẳng khác gì lấy hết nước biển mà đổ vào chén nhỏ“. Dầu vậy, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không vì thế mà đã trở nên xa lạ với con người, trái lại mầu nhiệm này rất gần và thấm nhập sâu xa vào nhịp sống của người tín hữu.
2. Chúa Ba Ngôi Cao Sâu Nhưng Thật Gần
Ba Ngôi trong từng nhịp sống
Chúng ta được mang lấy ấn tích của Chúa Ba Ngôi khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy. Chúng ta sống thân tình với Chúa Ba Ngôi khi mỗi ngày chúng ta lặp đi lặp lại dấu Thánh Giá Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Trong các cử hành phụng vụ Thánh Thể, vị chủ tế nhân danh Chúa Ba Ngôi để chào cộng đoàn tín hữu, xin bình an, ân sủng của Ngài ở cùng. Rồi trong việc cử hành các giờ phụng vụ, mọi lời ca ngợi, cảm tạ, cầu xin của người tín hữu hay của cả Giáo hội, tất cả thường khởi sự và kết thúc bởi công thức tuyên xưng và tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa.
Ba Ngôi vẫn sáng tạo, cứu chuộc, thánh hóa
Ở bài đọc I, Môsê nhắc lại những kỳ công Chúa đã làm cho dân Chúa, nhờ đó họ nhận ra Ngài, trung tín với Ngài và giữ giới răn của Ngài để được hạnh phúc và tồn tại.
Chúng ta hãy nhận ra Chúa Cha – Đấng Sáng Tạo, khi ban tặng cho chúng ta từng ngày những ân huệ tạo dựng mới của thân xác linh hồn: Các tế bào cũ của cơ thể phải chết đi nhường lại cho những tế bào mới xuất hiện; khí thở, sự vận chuyển lưu lượng kỳ diệu của máu; Sự đào thải của hệ bài tiết… Ngài rút lại tất cả chúng ta trở về cát bụi; Chúng ta hãy nhận ra Chúa Kitô – Đấng Cứu Chuộc, qua các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể và Hòa Giải, Ngài đã ban ơn sủng nhằm tái tạo, đổi mới và ban sự sống đời đời cho chúng ta; Chúng ta hãy nhận ra Chúa Thánh Thần – Đấng Thánh Hóa, khi không ngừng từng giây phút, trang điểm cho ta, cho Giáo Hội những ân sủng mới, làm cho ta được đổi mới phần xác hồn, xứng vẻ đẹp thần thánh.
Học yêu như Chúa Ba Ngôi
Chúng ta không chỉ nhận ra sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi và những ân huệ Ngài ban, nhưng còn phải học và rập khuôn đời mình theo nếp sống của Chúa Ba Ngôi.
Nơi Chúa Ba Ngôi, tình yêu là trung tâm. Tình yêu làm cho Chúa tuy là Ba nhưng đã hợp nhất nên Một, chỉ là Một nhưng lại là Ba. Tình yêu này đã không chấp nhận sự phân rẽ, ly tán, càng không chấp nhận sự đơn độc, yêu mình, ích kỷ. Sống mầu nhiệm Ba Ngôi và làm cho mầu nhiệm này triển nở, chúng ta cần phải loại trừ mọi thứ toan tính ích kỷ, chỉ biết yêu mình, quy về mình, nhốt mình trong sự thoải mái. Đức Thánh Cha Phanxicô giúp chúng ta xác tín về con đường tình yêu: “Mỗi lần chúng ta gặp gỡ một con người trong tình yêu, chúng ta đặt mình vào một điều kiện thuận lợi để khám phá một điều gì mới mẻ về Thiên Chúa. Mỗi lần chúng ta mở mắt để nhận ra những người khác, thì đức tin của chúng ta được sáng suốt hơn để nhận ra Thiên Chúa” (GE, 272). Rồi Ngài cũng mời gọi các tu sĩ hãy trở thành “chuyên viên hiệp thông“, khi xóa đi trong lòng của mình, trong cộng đoàn mình: “những lời chỉ trích đàm tiếu, ghen tương, tị hiềm, đố kỵ và tất cả những gì đang có nguy cơ phá vỡ sự hiệp nhất” (x. Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, II,3). Cần mở ra con đường tình yêu gần như vô tận theo khuôn mẫu Chúa Ba Ngôi.
Sống mầu nhiệm tình yêu Chúa Ba Ngôi, chúng ta còn phải làm lan tràn sự tốt lành thiện hảo và nên thánh. Đức Thánh Cha xác định căn tính của đời sống tín hữu: “Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống cuộc đời với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi công việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống” (Tông Huấn Sự Thánh Thiện Trong Thể Giới Hôm Nay, số 14). Hãy nên hoàn thiện như Chúa Ba Ngôi bằng cách làm lan tràn sự tốt lành. Chúng ta đừng đánh mất cơ hội và đừng lười biếng làm những sự tốt lành, dù chỉ là một việc nhỏ.
Lạy Chúa Ba Ngôi, là Chúa Cha Đấng sáng tạo, là Chúa Con Đấng cứu chuộc, là Chúa Thánh Thần thánh hóa. Xin dạy chúng con biết tôn thờ Ngài cho phải đạo. Xin làm cho chúng con, đang khi sốt sáng cử hành mầu nhiệm về Ngài, biết sống và thông truyền mầu nhiệm cực thánh này cho anh chi em của mình, để họ cũng được ghi dấu ấn thánh của Ngài, tuyên xưng niềm tin nơi Ngài và nhờ đó được hưởng ơn cứu độ muôn đời.