LỄ GIÁNG SINH: Thánh lễ Chính Ngày
HÀI NHI GIÊSU
TIẾNG NÓI CỦA NHỮNG NGƯỜI NGHÈO
Is 52, 5-10 ; Dt 1,1-6 ; Ga 1,1-18
Suy niệm
Mỗi dịp giáng sinh về chúng ta thường quỳ bên máng cỏ để chiêm ngắm con Thiên Chúa giáng trần, Hài Nhi Giêsu chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại đã ban Con của Người cho chúng ta. Cho dù Hài Nhi chưa có tiếng nói, nhưng chính con người của Ngài chính là Lời của Thiên Chúa đang ngỏ với nhân loại. Trong hang Bê-lem giá lạnh, Chúa đang nói thì thầm với chúng ta về tình yêu của Người.
Tình yêu của Thiên Chúa vượt qua thời gian và không gian, Người luôn tỏ mình ra cho con người bằng nhiều cách khác nhau. Như trong thư Do-thái có câu: “Thủa xưa nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1,1-2). Đó chính là một tình yêu cao cả mà Chúa đã ban cho toàn thể nhân loại, yêu đến độ bỏ trời xuống đất tìm con người và thể hiện tình yêu đó bằng chính việc Con Chúa giáng trần hòa mình với những con người nghèo khổ trong đêm giáng sinh.
1. Hài Nhi Giêsu là tiếng nói thay cho người nghèo
Trước hết, trong hang đá năm xưa Hài Nhi Giêsu phải tạm trú trong chuồng súc vật, Người trở nên một người nghèo khổ nhất của nhân loại. Chúa sinh ra không nhà không cửa, không có chỗ tựa đầu, không được người ta quan tâm thăm hỏi. Người trở nên một con người nghèo nhất của thế giới nhận loại. Chính vì cái nghèo của Chúa mà Chúa đang lên tiếng thay cho những trẻ em nghèo khổ đang lang thang trên đường đời, vẫn còn đó những kiếp người lam lũ khổ sở, đang phải sống trong những nơi nhà ổ chuột tanh hôi, hay nơi những cống rãnh, không có cơm ăn và không có áo mặc, không được người ta yêu thương và quan tâm ưu ái của mọi người. Chúa xuống thế làm người mang thân phận nghèo khó cùng cực khốn khổ và nghèo hèn như họ trong chuồng xúc vật năm xưa chịu cái rét.
Bên cạnh đó, trong hang Bê-lem, chúng ta thấy Chúa đang rét run không chăn chiếu và cũng không mùng mền, không nhà cao của rộng, không có kẻ hầu người hạ, không có áo ấm che thân, chỉ có mấy con vật đứng bên cạnh hà hơi cho Chúa ấm một chút. Chính vì cái nghèo khổ cùng cực này mà Chúa lên tiếng cho những con người đang phải chịu cảnh thiên tai bão lụt, những nạn nhân của chiến tranh khủng bố vừa qua, đã làm cho bao con người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, không có thức ăn, không có nước uống… Có biết bao gia đình tang tóc mất đi người thân, cha mất con, chồng mất vợ, con cái mất cha mẹ… tạo nên cảnh chia ly buồn thảm. Vì thế, Chúa Giêsu Hài Đồng đến đang lên tiếng thay cho những người đó, và cũng là điều nhắc nhở cho chúng ta phải có trách nhiệm với những con người đau khổ.
Sau cùng trong hang Belem, Hài nhi Giêsu đang bị bạo Chúa Hê-rô-đê tìm cách giết chết, vừa chào đời người đã bị hứng chịu cảnh áp bức bất công. Nhìn lại một cách thấu đáo chúng ta thấy rằng để bảo vệ ngai vàng của mình Hê-rô-đê đã mất hết lương tri giơ tay tàn sát các trẻ em vô tội, và Chúa phải chạy trốn sang Ai cập. Là nạn nhân của sự tàn sát bất công, Hài Nhi Giêsu đang lên tiếng thay cho những nạn nhân này. Chúng ta đang sống trong một thế giới tiến bộ về khoa học nhưng đánh mất đi tiếng nói lương tâm của mình, tra tay hại những trẻ em còn nằm trong lòng mẹ, đã tạo nên sự bất công, đã làm cho biết bao nhiêu trẻ thơ không được cất tiếng khóc chào đời. Biết bao nhiêu trẻ thơ mất đi quyền sống, biết bao người đang bị tấn công, áp bức, bóc lột sức lao động, và bên cạnh đó, có những người lao động không được trả lương cách đúng múc. Thì hôm nay Chúa đến gian trần bằng cách lên tiếng bênh vực những con người xấu số, trả lại cho họ ý chỗ đứng của họ trong lòng nhân loại. Nhờ đó Hài Nhi Giêsu còn đang chất vấn tất cả những người thánh hiến và những người giáo dân về quyền được sống của anh chị em đồng loại.
Lại nữa, Chúa đến trên trần gian này không chỉ lên tiếng thay cho các nạn nhân, nhưng Chúa còn chia sẻ niềm vui và niềm tin với họ. Người đã sống như một người nghèo không nhà không cửa “không có một chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Người đồng hành với những anh em như bầy chiên không người chăn dắt. Người đồng hành với những anh em bị thiên tai khi ở trên thuyền trong cơn bão (x. Mt 8, 23-26), chịu đói khát đến bên cây vả mà không tìm được trái nào (x. Mc 11,12-14). Người cũng bị người ta không tôn trọng ở quê hương mình, Người cũng bị người ta lên án khi các môn đệ bứt lúa ăn trong ngày sa-bát (x. Mt 12,1). Cuối cùng, Người cũng đứng trong hàng ngũ những kẻ bất công bị lên án tử hình rồi chịu chết một cách nhục nhã trên cây thập giá (Mt 27, 11-26). Đó là chính là tình yêu Chúa thi thố cho con người bằng tất cả trái tim của mình.
Trong hang đá năm xưa Hài nhi Giê su không cất tiếng nói, nhưng cất tiếng khóc. Tiếng khóc của Chúa đang chất vấn mỗi người chúng ta phải biết sống yêu thương chia sẻ với những người đang thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần, sống quảng đại với anh em, sống tha thứ và nhường nhịn lẫn nhau, sống quên mình vì người khác, sống cho đi mà không cần sự đáp trả. Nhất là sống như Đức Thánh Cha mời gọi, là không lên án ai, không làm tổn thương đến người khác. Tiếng khóc của Chúa đang vang vọng trong lương tâm của chúng ta là hãy luôn tôn trọng phẩm giá của người anh em, tôn trọng quyền được sống và hạnh phúc của con người.
2. Hài Nhi Giêsu – Người đồng hành
Giáng sinh đến là báo hiệu việc Con Thiên Chúa đến ở lại và đồng hành với chúng ta, Chúa đem đến cho chúng ta một tình yêu tràn đầy mà không ai có thể lấy mất được và không ai có thể làm lu mờ được. Chúa không đến như một người xa lạ, không đến như một ông chủ mà Chúa đến mang thân yếu hèn như chúng ta, chia sẻ kiếp sống làm người như ta. Người đồng hành với ta trong những khó khăn thử thách của cuộc sống. Người ban cho chúng ta một niềm vui lớn là mở rộng tâm hồn đón Chúa. Bên cạnh đó, Chúa đến đem cho chúng ta một hy vọng mới, khơi mở cho chúng ta những bế tắc của cuộc đời và phá bỏ những ngổn ngang của sự ghen tương ích kỷ, những rào cản làm chúng ta không đến với tha nhân và khai thông nguồn tình yêu của Chúa trong mỗi con người, mở ra cho chúng ta chân trời hạnh phúc. Đồng thời cho chúng ta có thể giải quyết được những trăn trở của cuộc sống mà hướng vọng đến tương lai cao đẹp hơn.
Thậy vậy, tình yêu của Thiên Chúa thật bao là tuyệt vời, Người đã đến nhân gian, ban niềm vui hòa bình cho nhân loại, đồng bàn với những người tội lỗi, nâng đỡ và ban của ăn cho những con người nghèo khổ bần cùng, cùng chung chia niềm vui Giáng Sinh. Nhờ đó chúng ta lại càng hiểu cho thấu đáo tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, không phân biệt kẻ sang người hèn, người cơ bần hay người giàu có.
Tóm lại: Giáng sinh là ngày Thiên Chúa thì thố tình yêu của Người cho chúng ta, cho chúng ta được chiêm ngắm tình yêu đó qua trẻ thơ Giêsu nằm trắng hồng trên mớ cỏ xanh, cho chúng ta hiểu được giá trị của tình yêu của Thiên Chúa là thế nào. Thánh Gioan đã nói một cách mạnh mẽ: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga, 3,13). Và trong Tin Mừng thánh Gioan có viết “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta chúng ta đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” ( Ga,1,14).
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, chúng con xin hết lòng cảm tạ Chúa đã yêu thương chúng con, xin giúp chúng con biết lắng nghe lời Chúa dạy từng giây từng phút trong cuộc sống, để chúng con luôn biết quan tâm đến những anh em túng nghèo, yêu thương và kính trọng anh chị em mình như Chúa đã từng yêu thương. Amen
Soeur M. Phaolothánh Giá – Đan Viện Phước Hải