LỄ THÁNH GIA THẤT (30/12/2022)
Bài đọc năm B (Hc 3,2-6,12-14 / Cl 3,12-21 / Mt 2,13-15.19-23)
Suy niệm Lời Chúa : Vp Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
GIA PHONG NAZARETH
Mỗi lần mừng lễ Thánh Gia Thất, chúng ta mang trong mình ước muốn noi gương Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse, để gia đình hoặc cộng đoàn của mình cũng trở thành “một thánh gia”. Hình ảnh Thánh Gia Nazareth luôn là gương mẫu cho mọi thành viên của Hội Thánh hoàn vũ và các Hội Thánh tại gia. Nhưng đâu là những thành tố của Thánh Gia để qua đó, chúng ta muốn hoạ lại trong đời sống? Các bài đọc Lời Chúa gợi cho chúng ta nhận ra một thứ gia phong năng động tại Thánh Gia. Chúng ta gọi đó là “GIA PHONG NAZARETH”
- MỘT GIA PHONG ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN CÁC NHÂN ĐỨC
Điểm nhấn đầu tiên nơi “Gia Phong Nazareth” là các nhân đức.
Trước hết là các nhân đức nhân bản. Trong bài đọc một – trích sách Huấn Ca – tác giả nhấn mạnh đến lòng hiếu thảo của những người con đối với các bậc sinh thành nên mình. Đây là một nhân đức căn bản, nền tảng cho đời sống gia đình. Chữ hiếu phải mang tính năng động, nghĩa là nó phải được lưu chuyển trong các thế hệ. Người con hiếu thảo sẽ trở thành người cha có những người con hiếu thảo. Lòng hiếu thảo cũng mang tính chất “hiện sinh”, nghĩa là nó chuyển động trong chính cuộc sống. Đó là sự chăm sóc, cảm thông trong hành trình nhân sinh. Tiếp đến là các nhân đức “thiêng liêng”. Những nhân đức này vừa mang tính nhân bản, vừa mang tính chất Kitô; vì những nhân đức này được thăng hoa bởi những con người “được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương”. Thánh Phaolô – trong trích đoạn thư gửi tín hữu Côlôsê – đã nêu lên một chuỗi các nhân đức: lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, tha thứ. Và “trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là giây liên kết tuyệt hảo”.
Khi chiêm ngưỡng Thánh Gia Nazareth, chúng ta tin chắc rằng sợi giây liên kết các thành viên gia đình này là tình yêu, là đức ái. Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu, thì Con của Người là hiện thân của chính tình yêu đó, một tình yêu của Thiên Chúa thật và Con Người thật. Cho nên tình yêu đó mang tính nhân bản và thần thiêng. Tình yêu đó hiện diện ngày trong một gia đình nhân loại: Thánh Gia Nazareth. Tình yêu đó bao gồm mọi nhân đức, trên đó Gia Phong Nazareth được hình thành.
Nét đẹp của một gia đình, chính là gia phong. Đó là phong cách sống của các thành viên trong gia đình. Gia phong đó phải mang tính năng động, hiện sinh, nghĩa là nó chi phối đời sống chứ không phải một thứ gia bảo được bảo quản trong tủ kiếng hoặc trong bảo tráp. Nét đẹp của gia phong là chính các nhân đức nhân bản và thiêng liêng như liệt kê trên kia. Như vậy, muốn xây dựng gia đình, cộng đoàn, trở thành “mái ấm”, điều cần thiết trước tiên là mỗi thành viên thủ đắc những nhân đức, vì nhờ chúng mà nền tảng gia đình được thiết lập vững chắc. “Gia Phong Nazareth” luôn là kiểu mẫu giúp chúng ta xây dựng gia đình, cộng đoàn mình.
- MỘT GIA PHONG ĐƯỢC ĐIỀU HƯỚNG BỞI THÁNH Ý THIÊN CHÚA
Điểm nhấn thứ hai nơi Thánh Gia Nazareth là thánh ý Thiên Chúa Cha. Nơi gia đình này, lương thực chính yếu là điều Thiên Chúa Cha muốn. Thánh Gia Nazareth được điều hướng bởi ý muốn của Thiên Chúa Cha. Nhưng thánh ý Thiên Chúa Cha không phải là những ý niệm, mà chính là hành động cụ thể. Đó là bước đi, dõi theo ý định của Thiên Chúa Cha. Nhưng đâu là nơi diễn tả thánh ý Thiên Chúa?
Trích đoạn Tin Mừng theo thánh Matthêu như mời gọi chúng ta cùng bước đi với Thánh Gia trong hành trình cuộc sống của Các Ngài. Đó là hành trình “trốn sang Ai Cập” và một thời gian sau “trở về đất Israel”. Tại sao lại có những chuyển động này? Tại sao lại chuyển động theo những hướng kia? Chúng ta nhận thấy rằng thánh Giuse và Mẹ Maria không tự chọn hành trình này, vì hành trình này nguy hiểm, vất vả, gian nan. Và chính hiện trạng cuộc sống – theo sự khôn ngoan con người – không cho phép thực hiện. Nhưng Các Ngài đã bước đi đến Ai Cập và rồi lại trở về Đất Tổ. Ai đã điều hướng Các Ngài?
Chúng ta biết qua trích đoạn Tin Mừng rằng Các Ngài ra đi vì một mối đe doạ đến từ bạo vương Hêrôđê. Thánh ý Thiên Chúa thường tỏ hiện qua trung gian các biến cố và sự cố. Nhưng điểm đến – đất Ai Cập – là do chính Thiên Chúa, qua sứ thần, báo cho biết để đến lánh nạn. Và khi trở về Đất Hứa của các Tổ Tiên, Các Ngài vẫn đi theo chỉ dẫn của Thiên Chúa, và cùng với sự khôn ngoan của Các Ngài. Như vậy, thánh ý Thiên Chúa – xuyên qua biến cố và những soi dẫn – trở thành nguồn sống cho “Gia Phong Nazareth”. Các ngài bước đi theo nhịp cuộc sống với xác tín chọn theo thánh ý Thiên Chúa Cha.
Phải chăng đó chính là chọn lựa của chúng ta với tư cách cá nhân và cộng đoàn? Thật vậy, nếu chúng ta không “cùng đi” với “mẫu số chung” là “thánh ý Thiên Chúa”, mà chỉ chạy theo ý muốn riêng tư của mỗi người, thì gia đình, cộng đoàn chúng ta không thể có sức mạnh để tiến bước đúng hướng. Chính thánh ý Thiên Chúa điều hướng cuộc đời chúng ta.
- MỘT GIA PHONG TRÀN NGẬP TIẾNG NGỢI CA THIÊN CHÚA
Điểm nhấn thứ ba nơi Thánh Gia, đó là cầu nguyện. Bầu khí của gia đình này là sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự hiện diện đó không phải là “xuất thần”, mà là một sự hiện diện mang đậm dấu ấn hiện sinh và năng động. Sự hiện diện của Thiên Chúa Cha, của Thánh Thần Thiên Chúa, giúp Các Ngài sống cái hằng ngày một cách trọn đầy và vui tươi, hạnh phúc, dù giữa những khó khăn cuộc sống.
Thánh Phaolô – trong trích đoạn thư Côlôsê – đã mời gọi các tín hữu, gia đình các Kitô hữu: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu, và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha”.
Chúng ta có thể tưởng tượng bầu khí an bình, hạnh phúc của Thánh Gia Nazareth. Bầu khí đó được thăng hoa bằng cầu nguyện, bằng những thánh ca, thánh thi, mà chắc chắn Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu, vẫn ngâm nga, hát lên mỗi ngày và nhiều lần trong ngày. Cầu nguyện làm cho Thánh Gia Nazareth vui tươi, hạnh phúc. Và chính cầu nguyện là một thành tố quan trọng trong việc hình thành “Gia Phong Nazareth”.
Hội Thánh Chúa – các Hội Thánh tại gia là các gia đình Kitô cũng như Hội Thánh thu nhỏ là các cộng đoàn tu trì – phải là nơi sống động sự hiện diện của Thiên Chúa. Và một yếu tố cần thiết, quan trọng, đó chính là cầu nguyện. Cầu nguyện bằng chính Lời Chúa. Cầu nguyện đem đến sự bình an và sự hiệp nhất, như thánh Phaolô đã cầu chúc: “Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy anh em hãy hết dạ trí ân”. Tri ân Thiên Chúa. Cảm ơn nhau. Và đưa tất cả vào trong cầu nguyện. Cầu nguyện chi phối tư tưởng, hành vi của mỗi người, của gia đình, của cộng đoàn chúng ta.
Mừng lễ Thánh Gia Nazareth, chúng ta nghĩ đến Hội Thánh, đến các gia đình, các cộng đoàn tu trì và đặc biệt Hội Dòng Xitô Thánh Gia của chúng ta. Khi chọn Thánh Gia Nazareth làm bổn mạng cho Hội Dòng tương lai, cha tổ phụ Biển Đức Thuận mong ước từng thành viên và các cộng đoàn trong Hội Dòng thấm đượm đời sống của Thánh Gia. Phải chăng cha tổ phụ mong muốn các đan sĩ Xitô Thánh Gia thủ đắc và làm phong phú hơn “GIA PHONG NAZARETH”?