Lời đáp Xin vâng, chương trình cứu độ được thực hiện
(Lc 1,26-38)
Đaminh Hạnh Lê Văn Chương, Phước Hiệp
Trước khi suy niệm về ngày Lễ Truyền Tin, thiết nghĩ chúng ta nên tìm hiểu xem truyền tin là gì? Tại sao gọi là Lễ Truyền tin?
Theo cách hiểu thông thường của người bình dân, truyền tin là truyền đạt tin tức, là truyền đi một thông điệp của người này cho người kia, của tổ chúc này cho tổ chức khác… Theo Từ Điển Tiếng Việt, Nhà Xuất Bản Thanh Niên thì: “Truyền Tin là cơ quan truyền tin”. Còn theo Từ Điển Công Giáo thì nói: “Truyền: là chuyển từ người này sang người kia; Tin: là những sự kiện. Truyền tin là báo cho biết một sự kiện. Vậy, truyền tin là chuyển đi một thông điệp của người này muốn nói với người kia, hay của tập thể này muốn nói với tập thể nọ qua một trung gian. Như ngày lễ truyền tin mà Giáo Hội mừng kính hôm nay là một minh chứng. Vậy Lễ Truyền Tin là gì?
Lễ Truyền Tin là lễ cử hành mầu nhiệm Nhập Thể, khởi sự với việc Thiên Sứ Gabriel báo tin cho cô Maria biết cô sẽ thụ thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, cô sẽ sinh một con trai và đặt tên là Giê-su, Người chính là Con Một của Thiên Chúa. Đức Maria đã thưa: “Vâng, tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Thiên Sứ nói”. Từ giây phút ấy, người con của Đấng Tối Cao đã trở thành Đấng Cứu Thế. (Lc 1,26-38). Bởi vậy, trước đây lễ này được phụng vụ Giáo Hội xếp theo lễ về Đức Maria, nhưng bây giờ phụng vụ Giáo Hội xếp lễ này là bậc lễ kính Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thử liên tưởng lại một chút, chúng ta sẽ thấy một sự trùng hợp kỳ lạ. Sự trùng hợp ấy là, cứ theo chu kỳ thường niên của năm phụng vụ, Giáo Hội thường xếp Lễ Thánh Giu-se bạn trăm năm của Đức Maria trước Lễ Truyền Tin là một tuần. Tại sao vậy? Phải chăng Lễ Thánh Giu-se bạn trăm năm của Đức Maria và Lễ Truyền Tin có gì đó đặc biệt?
Trong lễ thánh Giu-se bạn trăm năm của Đức Maria, sách Tin Mừng Mát-thêu có một trình thuật nói về sự việc truyền tin, nhưng là truyền tin cho thánh Giu-se (Mt 1,18-25). Hôm nay, lễ Truyền Tin, Tin Mừng thánh Luca cũng có một trình thuật về truyền tin, nhưng truyền tin cho Đức Maria (Lc 1,26-38). Mở đầu sách Tin Mừng Luca, có hai trình thuật song song. Đó là hai trình thuật về sự việc thánh Gio-an Tẩy Giả ra đời (Lc 1,5-25) và trình thuật về sự việc Đức Giê-su ra đời (Lc 1,26-38). Tuy nhiên, theo trình thuật thứ hai thì cuộc truyền tin đã xảy ra tại Na-za-rét vô danh, nhưng lại mặc khải cho chúng ta biết Đức Giê-su là ai. Như vậy, trong hai trình thuật song song nói trên, tác giả nhấn mạnh mối tương quan giữa Đức Giê-su và ông Gio-an Tẩy Giả: Đức Giê-su hơn hẳn ông Gio-an Tẩy Giả, cũng như Đức Maria hơn hẳn ông Da-ca-ri-a. Vậy, ta thử tìm hiểu xem hai cuộc truyền tin này có gì khác biệt?
– Truyền tin cho thánh Giu-se
Theo Tin Mừng Mát-thêu 1,18-25 thì, việc truyền tin cho thánh Giu-se không những là báo tin cho thánh nhân biết là Đức Maria đã mang thai là do quyền năng Thiên Chúa, nhưng còn báo tin cho ngài biết ngài có sứ mệnh đặt tên cho con trẻ. Vì, trong khi con trẻ cần có một danh phận hợp pháp trước mặt người đời, và cũng để hợp với lời hứa xưa là con trẻ thuộc hoàng tộc Đa-vít, nên Thiên Chúa đã chọn thánh Giu-se vì ngài cũng thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Có thể nói, nhờ thánh Giu-se mà Đức Giê-su thuộc dân tộc Do-thái, được thuộc hoàng tộc Đa-vít trước mặt pháp luật.
Hơn nữa, nhiệm vụ đặt tên còn bao gồm nhiệm vụ nuôi dưỡng, dạy dỗ và yêu thương về phương diện nhân bản, bởi lẽ làm cha không phải chỉ là truyền thông sự sống sinh lý như các thú vật mà thôi, nhưng còn nuôi nấng, dạy dỗ, yêu thương, nghĩa là những trách nhiệm mà chỉ có loài người mới thực hiện được.
– Truyền tin cho Đức Maria
Trong trình thuật truyền tin cho thánh Giu-se thánh Mát-thêu đã cho chúng ta thấy, thánh Giu-se đã được Thiên Chúa trao cho sứ vụ là làm cha nuôi Con Thiên Chúa. Nghĩa là: đặt tên, nuôi nấng, dạy dỗ…
Trong trình thuật truyền tin cho Đức Maria, thánh Luca lại cho chúng ta thấy, Đức Maria cũng được Thiên Chúa trao cho một sứ vụ như thánh Giu-se nhưng quan trọng hơn. Quan trọng hơn chỗ nào? Theo trình thuật Tin Mừng Luca: “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì”. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”( Lc 1,28-33).
Qua đoạn trình thuật trên thánh Luca cho chúng ta thấy. Sứ điệp gởi đến cho Đức Maria là: người sẽ thụ thai và sinh hạ một đứa con, nhưng đứa con này không phải sinh hạ theo cách bình thường mà là sinh hạ một cách phi thường. Phi thường ở chỗ, đứa con này không phải hạ sinh theo nhục thể, nhưng do khí huyết (Thánh Thần). Sinh con mà người phụ nữ vẫn “trinh tiết”…
Tóm lại, qua hai trình thuật về truyền tin, hai tác giả Tin Mừng Mát-thêu và Luca cho chúng ta biết hai sứ điệp khác nhau của hai nhận vật là Giu-se và Đức Maria.
Trình thuật truyền tin cho thánh Giu-se của Tin Mừng Mát-thêu cho thấy: Đức Chúa đã giao phó vận mạng cho thánh Giu-se là phải bảo vệ Đức Maria trước pháp quyền con người cũng như đặt tên, nuôi nấng, dạy dỗ và bảo đảm danh phận cho Đức Giê-su về phần pháp nhân.
Trình thuật truyền tin cho Đức Maria của Tin Mừng Luca lại cho thấy: Đức Chúa mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm “Nhập thể” và mầu nhiệm “Nhập thế” của Đức Giê-su Con Một của Ngài. Nhờ lời đáp “xin vâng” của Đức Maria, Con Thiên Chúa đã “Nhập thể” nơi cung lòng Đức Maria. Đồng thời, cũng “Nhập thế” làm người như bao người dưới sự bảo trợ của thánh Giu-se. Amen.