TN-134-TUẦN XIX-thứ Bảy
LÒNG DẠ TRẺ EM
(Mt 19,13-15)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 19 từ câu 13 đến 15, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta nên giống như trẻ nhỏ, vì Nước Trời là của ai giống như chúng. Con đường thơ ấu thiêng liêng mà chị thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su đã sống và đề nghị, đã được đề cập rất nhiều. Rất nhiều người đã tìm ra con đường nên thánh nhờ linh đạo này.
Hôm nay, khi nghe lại trích đoạn Lời Chúa, tôi suy nghĩ đến “LÒNG DẠ TRẺ EM”, hay nói một cách văn hoa hơn, “TÂM HỒN TRẺ THƠ”. Dù sử dụng kiểu nói nào, điều tôi khám phá ra là để chính bản thân tôi được “hoán cải nên như trẻ nhỏ” để được vào Nước Trời. Sự hoán cải ở đây là có lòng dạ trẻ em, vì từ lòng dạ đó, sẽ hiện thực nếp sống và hành động xứng hợp. Tôi sẽ dừng lại những chi tiết mà trình thuật ngắn gọn của bài Tin Mừng nêu lên, để tìm ra những gì có thể ẩn dấu trong lòng dạ trẻ nhỏ giúp tôi sống đời ki-tô hữu ý nghĩa hơn.
– “BẤY GIỜ NGƯỜI TA DẪN CÁC TRẺ NHỎ ĐẾN VỚI ĐỨC GIÊ-SU”
Chúng ta có thể tưởng tượng cảnh tượng các em được những người lớn dẫn đến với Chúa Giê-su. Những người lớn ở đây có thể là cha mẹ hay những ai có lòng yêu thương các em. Những người lớn này cũng có lòng yêu mến Chúa Giê-su. Họ muốn đưa các em đến với Chúa, vì chính họ cũng đã cảm nghiệm việc đến với Chúa mang lại niềm vui như thế nào. Các em sẵn sàng để những người lớn này dẫn đi. Lòng dạ các em rất tin tưởng họ. Các em có niềm tin đơn sơ đối với những người lớn này, vì các em tin là họ sẽ làm cho các em điều tốt. Và điều tốt đó là dẫn đến với Chúa Giê-su. Các em chưa biết Chúa Giê-su là ai, nhưng thái độ vui tươi và phấn khởi của những người lớn này làm cho các em lây niềm vui phấn khởi. Các em không lý luận, nhưng trực giác cho các em biết là việc dẫn đi này mang lại niềm vui. Lòng dạ của trẻ em là thế: lòng dạ được hướng dẫn bởi trực giác đơn sơ và niềm tin đơn sơ. Chúng ta là người lớn, chúng ta lý luận nhiều và nhiều quá đến chỗ đánh mất sự đơn sơ, chất phác của tâm hồn trẻ thơ. Chúng ta ngại để người khác dẫn chúng ta đến với Chúa Giê-su. Chúng ta muốn tự mình đến. Đúng thôi! Nhưng chúng ta lại ít đến với Chúa Giê-su, ít tự nguyện và vui tươi, phấn khởi đến gặp Chúa. Chúng ta cần học nơi các trẻ em này, sẵn sàng và mong ước được đưa đến gặp Chúa Giê-su Ki-tô.
– “ĐỂ NGƯỜI ĐẶT TAY TRÊN CHÚNG”
Các em được dẫn đến với Chúa để Chúa đặt tay trên các em. Hành động đặt tay diễn tả sự chúc lành, là đón nhận ân phúc. Trong một số quốc gia, trẻ nhỏ không muốn người ta, nhất là người lạ, đặt tay trên đầu. Nhưng trong đất nước Việt Nam chúng ta, khi tỏ lòng thương mến và khen em nào, người lớn xoa đầu em. Việc đưa các em đến với Chúa để Người đặt tay trên các trẻ em, những người lớn kia muốn rằng các em được ân phúc, được hạnh phúc. Nghĩa là họ đã hiểu rằng nơi Chúa có những điều đó và Chúa ban phát cho. Các em đến và rất vui mừng, nhảy nhót, khi được Chúa đặt tay trên đầu, trên vai và cả ôm hôn. Có thể em nào cũng muốn đến trước để Chúa chúc lành, và cũng muốn ở lại để Chúa đặt tay lâu hơn. Chúng ta vẫn thấy những em nhỏ đi theo cha hoặc mẹ lên Rước Lễ để được linh mục đặt tay. Tôi nhìn thấy các em vui lắm, cười tươi. Trẻ em không lý luận nhiều, chúng muốn được như thế, vì chúng “cảm thấy”. Và cảm thấy như vậy là đủ rồi. Là người lớn, chúng ta muốn tự quyết mọi chuyện. Chúng ta ngại cúi đầu để Chúa chúc lành cho một cách dễ dàng, chúng ta ngại để Chúa “đụng chạm” đến mình. Chúng ta vẫn muốn tìm phúc lành bằng con đường phấn đấu, vất vả, khổ đau – nghiã là phải trả giá – hơn là đến với Chúa để Chúa chúc lành. Lòng dạ trẻ em, đơn giản và bột phát, mời gọi chúng ta chọn con đường “nhỏ hơn” của sự tín thác và hy vọng.
– “VÀ CẦU NGUYỆN”
Cầu nguyện là thánh hiến, là thánh hoá. Chúa cầu nguyện cho các trẻ em được đưa đến với Chúa, là Chúa đưa các em đến tận Thiên Chúa Cha và trao các em cho tình yêu quan phòng của Chúa Cha, cũng như sự dìu dắt của Chúa Thánh Thần. Chúa thánh hiến và thánh hoá các em để các em được bước đi trong con đường tốt lành. Các em chẳng hiểu gì cả khi Chúa cầu nguyện cho các em. Các em cũng chẳng có tâm tình “thiêng liêng” nào cho xứng – vì các em còn quá nhỏ – nhưng sự hiện diện của các em bên cạnh Chúa đang cầu nguyện là đủ rồi. Chúa thực hiện những gì tốt đẹp cho các em đang hiện diện bên Chúa. Các em ở bên Chúa, đủ rồi! Chúa ở bên các em. Đủ rồi! Là những người lớn, chúng ta muốn tự mình nêu lên vấn đề, tự mình giải quyết và bước đi. Đúng thôi, vì đó là dấu chỉ của người trưởng thành. Nhưng, trong đời sống thiêng liêng, việc ở bên Chúa lại là cần thiết hơn tất cả, vì là nơi của nguồn thánh hoá. Lòng dạ trẻ em không hiểu xa, hiểu sâu, nhưng ở bên cạnh Chúa nói lên tất cả. Chúa Cha, Chúa Thánh Thần ở với các em, đủ rồi! Thật ra, “chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng Thánh Thần cầu thay nguyện giúp chúng ta (x.Rm 8,26), và chúng ta cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng cầu nguyện cho chúng ta và với chúng ta. Chúng ta cần lòng dạ trẻ em khi đến cầu nguyện với Chúa, lòng dạ đơn sơ và khiêm hạ. Chúng ta học với trẻ em ở bên Chúa, như các em ở bên cha mẹ các em, với sự hiện diện đơn sơ, hồn nhiên.
– “CÁC MÔN ĐỆ LA RẦY CHÚNG”
Chúng ta tưởng tượng thêm một chút nữa. Các trẻ em được dẫn đến với Chúa Giê-su để Chúa đặt tay và cầu nguyện, chắc chắn chúng không có nghiêm trang như các thiếu nhi thánh thể xếp hàng lên Rước Lễ. Chúng nói cười vui vẻ, ồn ào, nhảy nhót nữa. Vì đây là nơi của niềm vui mà. Hành động của các em làm các môn đệ khó chịu, nên các ông la rầy chúng. Tại sao la rầy? Vì các ông không muốn Chúa bị làm phiền. Chúa cần nghỉ ngơi. Nhưng Chúa lại không chấp nhận thái độ la rầy của các ông. Trong câu chuyện song song, thánh Mác-cô viết: “Thấy vậy, Người bực mình…” (Mc 10,14). Các ông tôn trọng Chúa và muốn để Chúa yên. Chúa lại không muốn điều đó. Các em đến làm phiền Chúa, Chúa lại vui. Đây là tấm lòng của Con Người yêu thương. Cha mẹ yêu thương con cái, và khi con cái cần đến mình, làm phiền mình, lại cảm thấy vui. Còn trái lại, muốn yên cái thân mình, đó là dấu hiệu của thiếu tình yêu và niềm vui. Là người lớn, chúng ta muốn yên thân không muốn bị làm phiền và cũng vì thế, chúng ta không muốn “làm phiền Thiên Chúa”. Vì thế, chúng ta cứ để Chúa yên nghỉ nơi Chúa, còn mình yên phận nơi mình. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa muốn luôn bị làm phiền, ngay cả đêm hôm đi tìm bánh ăn (x.Lc 11,5-13). Chúng ta hãy có lòng dạ trẻ em đến với Chúa: không nghĩ ngợi xa xôi, nhưng chạy ào đến với Chúa, làm phiền Chúa về mọi chuyện của cuộc sống mình. Thiên Chúa của chúng ta muốn chúng ta làm phiền. Hạnh phúc của Người ở nơi đây, ở chuyện này, nếu chúng ta dám nói như thế.
Một vài suy niệm tản mạn trên giúp tôi khám phá ra cách thức tôi đến với Chúa Giê-su, Chúa của tôi. Tôi vẫn tự hỏi: Chúa Giê-su là gì đối với tôi? Câu trả lời, tôi vẫn còn đang tìm, vì câu trả lời đó không đến từ suy tư hay những kiến thức thần học tôi đã thủ đắc, mà đến từ “lòng dạ” của tôi đối với Người và thể hiện trong thái độ của tôi sống với Người.
Một vài chi tiết của bài Tin Mừng thuật lại việc các trẻ em được dẫn đến với Chúa Giê-su để Người đặt tay và cầu nguyện, thức tỉnh cách tiếp cận trong quá khứ của tôi với Chúa. Quá xa cách, dè dặt, đắn đo và ngại ngùng. Đã đánh mất dần chất “đơn sơ” và “bột phát” của tình yêu ban đầu nồng ấm và hân hoan. Lòng dạ trẻ em gợi lên trong tôi cách thức sống thực tại “Nước Trời” ngay trong cuộc đời này, nhất là trong mối tương giao của tôi với Chúa Giê-su, Đấng yêu thương tôi tha thiết và luôn gắn bó với tôi, đến nỗi “không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Người” (x. Rm 8,39).