Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

MỘT ÁNH NHÌN XUYÊN SUỐT – THỨ BẢY XXXIV TN – VP DUYÊN THẬP TỰ LÊ VĂN ĐOÀN

TN-238-TUẦN XXXIV-thứ bảy

MỘT ÁNH NHÌN XUYÊN SUỐT

(Lc 21,34-36)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Hôm nay là ngày cuối cùng của năm phụng vụ. Trong những ngày qua, chúng ta đã suy niệm với nhau về những ngày cùng tận của vũ trụ, của lịch sử nhân loại, sẽ xảy ra vào ngày Chúa Ki-tô quang lâm. Một sự thật, đó là chúng ta không biết khi nào xảy ra thời gian cuối cùng đó, như chính Chúa Giê-su cũng đã khẳng định là chỉ có Chúa Cha mới biết thôi. Chúng ta suy niệm về những điều trên với mục đích là mỗi chúng ta chuẩn bị cho ngày Chúa Ki-tô đến với mình vào ngày ra đi khỏi đời này. Đó là ngày Chúa Ki-tô quang lâm đối với mỗi chúng ta.

Chúa Giê-su, qua những kiểu nói khác nhau, nhắc đến những tai hoạ sẽ xảy ra trước ngày trọng đại của Chúa đến, đồng thời cũng mời gọi mọi người và mỗi chúng ta cần có những thái độ xứng hợp nào để sống và chuẩn bị giờ phút quan trọng đó.

Hôm nay, nhân ngày cuối năm phụng vụ, tôi nghĩ tới “MỘT ÁNH NHÌN XUYÊN SUỐT” cần thiết cho bản thân tôi để ánh nhìn đó giúp tôi nhìn từng sự kiện trong toàn bộ vấn đề. Tôi thiết nghĩ một ánh nhìn như thế giúp chúng ta vượt qua một số tâm trạng nào đó để hướng đến một toàn thể đầy đủ.

  1. NHỮNG TAI HOẠ VÀ KHỔ ĐAU

Với diễn từ mang tính khải huyền trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 21 -mà chúng ta suy niệm trong những ngày qua- Chúa Giê-su nói đến những tai hoạ gây nên những khổ đau dưới nhiều phương diện. Chúng ta có thể liệt kê đến khoảng ba mươi tai hoạ: Đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá (câu 6), chiến tranh và loạn lạc (c.9), chiến tranh giữa các quốc gia (c.10), những trận động đất lớn, ôn dịch và đói kém, những hiện tượng kinh khủng, những dấu lạ xuất hiện trên trời (c.11), những cuộc bắt bớ, ngược đãi và bị nộp (c.12), làm chứng qua tử đạo (c.13), ơn ngôn ngữ và khôn ngoan (c.15), gia đình chia rẽ và bị giết chết (c.16), bị mọi người thù ghét vì danh Chúa Giê-su (c.17), cuộc sống được cứu (c.18-19), thành Giê-su-sa-lem bị vây hãm (c.20), trốn chạy và di cư (c.21), ngày báo oán và hoàn tất Kinh Thánh (c.22), khốn khổ và thịnh nộ (c.23), cái chết thê thảm, lưu đầy, Giê-su-sa-lem bị xúc phạm (c.24), xáo trộn vũ trụ và thời tiết (c.25), kinh sợ đến muốn chết đi và những tầng trời rung chuyển (c.26).

Tất cả những hình ảnh trên tạo cho chúng ta cảm nghĩ u buồn và gây nên trạng thái hoảng loạn và lo sợ. Những hiện tượng trên – tai hoạ thiên nhiên hay nhân hoạ – ai trong chúng ta, ít nhiều và với mức độ khác nhau, cũng đã từng trải qua, đã cảm nghiệm ngay trong thân xác và tâm hồn mình. Mỗi ngày các loại tai hoạ trên vẫn diễn ra ở những nơi nào đó trên trái đất này. Không có một ngày hoàn toàn bình an trên hành tinh xanh của chúng ta. Đó là thực tế. Khi sống ngay trong lòng những tai hoạ được diễn tả như trên, con người dễ rơi vào hoảng loạn: đó là tâm trạng hết sức bình thường của con người. Sợ hãi luôn gắn liền với cuộc sống. Và nhiều khi đối với nhiều người trong cuộc, họ đã đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, vào tha nhân và chính bản thân. Họ trở nên những con người thất vọng và bi quan. Nhưng cũng có rất nhiều con người sống các biến cố đó với tâm thái tích cực và hy vọng. Họ đã thay đổi được bản thân và ngay cả hoàn cảnh sống. Còn đối với chúng ta, những Ki-tô hữu là những người có đức tin vững mạnh, chúng ta cần sống đức tin và đức cậy trong những hoàn cảnh bi đát và đau thương đó hơn bao giờ hết. Chính đức tin và đức cậy sẽ thay đổi tâm trạng và giúp chúng ta sống những hoàn cảnh đó một cách thích hợp và xứng đáng với tư cách một Ki-tô hữu. Và đó cũng là cách thức chúng ta chuẩn bị trong cuộc sống hiện tại đang khi hướng về ngày Chúa Ki-tô quang lâm đến với mỗi chúng ta.

  1. MỘT SỰ CHUẨN BỊ THÍCH HỢP VÀ XỨNG ĐÁNG

Có hai cách chuẩn bị thích hợp và xứng đáng: tiêu cực và tích cực. Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đưa ra chỉ thị rõ ràng: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời…” và “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.

Sự chuẩn bị một cách tiêu cực là không rơi vào điều làm cho tâm hồn ra nặng nề. Một tâm hồn nặng nề thì không thể tiến bước được. Chúa đề cập đến hai yếu tố làm cho tâm hồn ra nặng nề: trước hết là chè chén say sưa. Chúng ta còn nhớ dụ ngôn về một người đầy tớ được chủ đặt làm quản gia coi sóc của cải và chăm sóc gia nhân của ông. Người đầy tớ quản gia đó nghĩ trong lòng ‘còn lâu chủ ta mới về’, nên hắn đánh đập tôi trai tớ gái và say sưa với bọn chè chén. Ai trong chúng ta cũng biết những tác hại của rượu: nó làm cho người ta say và quên hết mọi sự, nhất là không sống với trách nhiệm của mình. Rượu uống quá độ làm mất đi nhân phẩm và rơi vào u mê, gây nên bao nhiêu điều đau khổ cho những người thân và người chung quanh. Chè chén say sưa làm nặng nề cuộc sống của mình và tha nhân. Tiếp đến là lo lắng sự đời. Đây là nỗi lo toan và bận tâm để làm sao thu góp của cải trần gian càng nhiều càng tốt mà quên đi cùng đích của cuộc sống. Qua những lời Chúa giảng dạy, chúng ta nhận ra nhãn quan của Chúa về vấn đề này. Trong Bài Giảng trên núi, Chúa đã nói rõ điều đó; và qua các dụ ngôn về những người giầu có, những người phú hộ, chúng ta cũng hiểu được số phận của họ ra sao, tâm trạng họ thế nào, khi mà giờ ra khỏi trần gian đã điểm. Đừng để cho mình bất ngờ khi giờ ấy đến, khi muốn nắm lấy tất cả mà không thể được. Chúa mời gọi chúng ta thanh thoát và sống trong niềm tin cậy vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em”.

Sự chuẩn bị tích cực, đó là “tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Tỉnh thức – ngược lại với say sưa – là tâm thái của người đang chờ đợi, đang khao khát. Người ta chỉ tỉnh thức khi sống trong niềm hy vọng. Chúng ta sẽ còn dịp suy niệm về thái độ này trong Mùa Vọng. Cầu nguyện luôn – cầu nguyện liên lỷ – là sống mối tương giao với Thiên Chúa bằng lòng yêu mến của mình. Ngày xưa cũng như ngày nay, những người muốn tập để sống cầu nguyện liên lỷ, họ thực tập “những lời nguyện tắt”. Đó là những câu cầu nguyện ngắn gọn xuất phát từ tâm hồn và được diễn tả qua những từ ngữ trên môi miệng. Thí dụ lời nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến”, hoặc “Lạy Chúa Trời, xin đến giúp con; muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ con”, được nhắc đi nhắc lại trong tâm trí, có khi cả nơi cửa miệng, sẽ giúp nối kết ngay với Thiên Chúa. Những lời nguyện tắt này như mũi tên bắn ra đúng hồng tâm, một cách mau lẹ và trực tiếp. Đây là một cách thức cầu nguyện giúp đạt đến cầu nguyện liên lỷ và rất dễ thực hiện, bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào. Chúng ta nên tập thói quen “dừng lại” trong tâm trí với khoảng thời gian do mình tập thành thói quen, để hướng tâm hồn về Chúa. Và đó là sự chuẩn bị tốt nhất để đón gặp Chúa. Nếu đã gặp Chúa như một thói quen, thì khi Chúa đến ngày quang lâm cho chính mình, chúng ta sẽ đứng vững trước mặt Chúa. “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy tới và đứng vững trước mặt Con Người”.

  1. VUI ĐÓN NGÀY CHÚA ĐẾN

Chúng ta cần cầu xin Chúa cho chúng ta cảm nghiệm niềm vui có Chúa, niềm vui sống với Chúa, niềm vui ở lại trong Chúa. Đây chính là những cảm nếm trước ngày Chúa đến với mỗi chúng ta khi chúng ta được mời ra khỏi đời này về Nhà Cha Trên Trời. Niềm vui này là tiên hưởng niềm vui vĩnh cửu. Đó là niềm vui được trở nên con người mới trong trời mới đất mới. Niềm vui đó Chúa vẫn ban, và đó chính là niềm vui của Chúa.

Hôm nay, ngày cuối năm phụng vụ, chúng ta cần dừng lại để thẩm định xem trong suốt năm phụng vụ qua, chúng ta có ánh nhìn nào: ánh nhìn cục bộ hay xuyên suốt? Ánh nhìn xuyên suốt giúp chúng ta nhìn từng biến cố, sự cố, sự kiện, trong toàn bộ. Toàn bộ đó chính là công cuộc cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện nơi Chúa Giê-su Ki-tô.

Ước gì năm phụng vụ sắp kết thúc mở ra cho chúng ta trong năm phụng vụ mới một giai đoạn mới trong cuộc đời Ki-tô hữu, để “ÁNH NHÌN XUYÊN SUỐT” về những gì xảy ra trong cuộc đời này là dấu chỉ giúp khám phá ra hành động của Thiên Chúa để chúng ta dấn bước vào công cuộc của Chúa, công cuộc cứu độ nhân loại, mà chúng ta vừa là đối tượng đón nhận vừa là tác nhân để rao truyền và mang đến cho tha nhân ơn phúc cứu độ của Chúa Ki-tô. Đó là Tin Mừng sống động và phát triển nơi mỗi chúng ta và thế giới này. Ước mong sao!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...