Thứ tư, 15 Tháng Một, 2025

MỘT ĐỊA CHỈ TRÊN CAO – Đại lễ Đức Mẹ lên trời (M. Vianney Đỗ Thống Nhất – Phước Sơn)

 

 

Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời

 

Bài đọc I: Kh 11,19; 121-10

Bài đọc II: 1Cr 15,20-27

Bài Tin Mừng: Lc 1,39-56

 

Một địa chỉ trên cao

Chúng ta vẫn tuyên xưng: “Trời là của Chúa, đất cũng là của Chúa” (Tv 88,12) nhưng lịch sử Ngành Hàng Không Vũ Trụ đã ghi nhận một vài điểm mốc quan trọng như sau:

Vào ngày 12.04.1961, Đại tá Gagarin, một phi hành gia người Liên Xô, trong con tàu vũ trụ mang tên Phương Đông, đã là người đầu tiên bay được vào trong vũ trụ với thời gian là 1 giờ 48 phút. Thành công này đã mở ra một hành trình khám phá mới cho những khát vọng bay lên trời của con người.

Rồi vào ngày 21.12.2001, triệu phú Dennis Titô, người Mỹ, đã chấp nhận trả cho Cơ quan vũ trụ Nga (Liên Xô cũ) 20 triệu Đô-la (USD) để được trở thành vị khách du lịch vũ trụ đầu tiên của thế giới. Hành động của nhà triệu phú Dennis Titô như ngầm khẳng định rằng: Được lên trời hay được bay vào vũ trụ là bằng chứng chứng tỏ sự thành đạt và thành công của một người đang sống ở dưới đất. Sự thành đạt và thành công này là một gợi mở cho sức phấn đấu của loài người.

Dựa theo tiêu chí đó, vào ngày 1.7.2008, một Công ti quảng cáo Nhật Bản là First Advantage bắt đầu nhận đặt hàngviệc đăng ký kết hôn trên vũ trụ. Đôi lứa nào trả cho Công Ti khoảng 240 triệu Yên (tức khoảng 2,26 triệu USD) là sẽ có thể làm lễ “kết tóc xe duyên” trên vũ trụ trong chuyến bay của tàu con thoi ở độ cao 100 km. Trong chuyến bay kéo dài 1 giờ này, đôi uyên ương sẽ trải qua tình trạng phi trọng lực trong vài phút để nói lời cam kết yêu nhau, trước sự chứng kiến của ba khách mời mà họ được quyền tự do chọn lựa (x. Nhật Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày Chúa Nhật – 6.7.2008; trang 19). Sự kiện này như muốn chứng minh rằng: Trời là nơi làm cho người ta được hạnh phúc hay là bằng chứng xác nhận sự hạnh phúc của con người.

Cả ba ý nghĩa trong các sự kiện lịch sử của Ngành Hàng Không Vũ Trụ trên đây đều có thể trở thành những gợi ý giúp chúng ta suy niệm và chiêm ngắm sự kiện Đức Maria được lên trời cả hồn lẫn xác.

Đức Maria được lên trời cả hồn lẫn xác là một sự kiện đức tin trong hành trình đức tin của Giáo Hội.

Đức Maria được lên trời cả hồn lẫn xác là một xác tín đức tin trong quá trình thể hiện đức tin của Giáo Hội.

Đức Maria được lên trời cả hồn lẫn xác là một khám phá đức tin trong tiến trình xây dựng đức tin của Giáo Hội.

Vì thế, việc Đức Maria được lên trời cả hồn lẫn xác đã làm cho Trời trở thành một địa chỉ trên cao. Địa chỉ ấy mời gọi chúng ta đi vào hành trình khám phá mới, tức khám phá những ân huệ từ trời cao. Địa chỉ ấy cũng mời gọi chúng ta đi vào một quá trình phấn đấu mới để có được những thành đạt và những thành công từ trời cao. Nhưng nhất là địa chỉ ấy cũng chính là địa chỉ hạnh phúc và là kho tàng hạnh phúc đích thực mà con người phải tìm ra và mua cho bằng được, với bất cứ giá nào. Đây cũng chính là ba gợi ý giúp chúng ta suy niệm Lời Chúa của ngày lễ, qua kiểu nói của Đức giám mục Giuse Vũ Duy Thống là “Đức Maria – địa chỉ trên cao”.

 

  1. Đức Maria là địa chỉ trên cao mời gọi chúng ta khám phá những ân huệ từ trời cao.

Khám phá này được bắt đầu và hoàn tất trong một xác tín đức tin rằng: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Nếu không tin Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa thì chúng ta sẽ không khám phá được gì, vì tất cả những ân huệ mà Đức Maria đã nhận được từ Thiên Chúa đều phát xuất từ địa vị và danh hiệu “Mẹ Thiên Chúa” của Đức Maria.

Nếu không tin Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa thì chúng ta sẽ thấy lời chào Mẹ là “Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28) của sứ thần Gáp-ri-en và những ân huệ diễm phúc của Mẹ đều là những nội dung vô lý.

Ngược lại, nếu ai tin Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa thì sẽ thấy lời khẳng định sau đây của Đức Maria là một xác tín đức tin: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1,48-49).

Nếu ai tin Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa thì sẽ thấy việc Đức Maria được lên trời cả hồn lẫn xác là một kết thúc hợp lý hay là một phần thưởng chính đáng, bởi nếu Con của Mẹ là Đức Giêsu Kitô đã phục sinh và lên trời cả hồn lẫn xác thì không lẽ gì người đã tạo nên thân xác của Đức Giêsu lại không được chia sẻ phần vinh phúc ấy của Ngài, đúng như lời Thánh Phaolô đã khẳng định trong nội dung của Bài đọc II là: “Mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: Mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1Cr 15,22-23).

Như vậy, từ sự liên đới của Đức Maria với Đức Kitô, chúng ta cũng khám phá ra sự liên hệ của chúng ta với Đức Maria và với Đức Kitô. Chính sự liên hệ này bảo đảm cho việc chúng ta được thông phần hay được chia sẻ những ân huệ của Đức Maria. Do đó, nếu khám phá được những ân huệ bởi trời cao từ địa chỉ là Đức Maria thì chúng ta cũng sẽ khám phá ra được những ân huệ đến từ trời cao của chúng ta. Sự khám phá này khuyến khích chúng ta đi vào quá trình phấn đấu để có được những thành đạt và thành công từ trời cao.

 

  1. Đức Maria là địa chỉ trên cao mời gọi chúng ta phấn đấu để “thành công”

Trong hàng trăm, hàng triệu nhà triệu phú trên thế giới mà triệu phú Dennis Titô đã ra sức phấn đấu để được trở thành người đầu tiên trong loài người đi du lịch vào vũ trụ, điều ấy nói lên sự thành công của ông so với những nhà triệu phú hay tỷ phú khác, bởi cũng có biết bao người sẵn sàng chi tiền để làm như ông mà không được.

Rồi việc ông có tài sản ở mức hàng triệu Đô-la (USD) là dấu chứng ông là người thành đạt ở thế gian. Thế nên sự thành công và thành đạt của ông là gợi ý nhắc chúng ta về việc mình phải sống những thực tại ở trần gian này sao cho thành đạt và nhờ sự thành đạt ấy, chúng ta “có vốn” để đầu tư mà được bay vào Thiên Đàng.

Hướng phấn đấu này hoàn toàn có thể nằm trong khả năng siêu nhiên của chúng ta, vì Đức Maria là người mẹ của nhân loại và đã thành công trong hướng phấn đấu ấy thì Mẹ cũng giúp chúng ta đi vào lộ trình mà Mẹ đã mở đường khai thông.

Hơn nữa, chúng ta xác tín vào lời khẳng định của Đức Maria về sự liên hệ trong ân sủng của Mẹ với chúng ta, vì “Thiên Chúa đã nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,55).

Vì thế, được đặt mình trong sự liên hệ ân sủng của Đức Maria, chúng ta sẽ thấy Mẹ là địa chỉ trên cao như một mời gọi chúng ta hãy cố gắng tìm cách, tìm phương tiện, tìm lộ trình để tìm ra và tìm tới địa chỉ ấy, bởi địa chỉ ấy là địa chỉ cuộc đời; là địa chỉ đời đời; là địa chỉ hạnh phúc của chúng ta và của mọi người.

 

  1. Đức Maria là địa chỉ trên cao, cũng là địa chỉ và là kho tàng hạnh phúc của chúng ta

Địa chỉ và kho tàng hạnh phúc này không giống như địa chỉ và hạnh phúc mà các đôi uyên ương đã chịu bỏ tiền ra để được “kết tóc xe duyên” trên vũ trụ, bởi thời điểm kết hôn của con người chỉ là dấu chỉ nói lên điều hạnh phúc của con người chứ không phải là một bằng chứng bảo đảm rằng nếu ai kết hôn thì sẽ là người mãi mãi được hạnh phúc. Chẳng vậy mà ở Việt Nam, con số các cặp vợ chồng li dị đang tăng lên từng năm theo cấp số cộng, để rồi cứ sau bốn năm, con số các cặp vợ chồng li dị lại tăng lên gấp đôi (x. Nhật Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày thứ sáu – 27.6.2008; trang 3).

Nhưng địa chỉ và kho tàng hạnh phúc ấy chính là “Đền thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia giao ước xuất hiện trong Đền Thờ. Và có điềm lớn xuất hiện trên trời, một Người Phụ Nữ, mình khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 11,19; 12,1).

Như thế, ở trên trời, người hạnh phúc là người được ở trong Đền Thờ của Thiên Chúa, được Thiên Chúa trang điểm cho bằng mọi vẻ đẹp của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú; nghĩa là được trang điểm bằng ơn cứu độ, bằng sự công chính và bằng các ân sủng cùng các nhân đức siêu nhiên. Những trang điểm này sẽ không bao giờ bị thay đổi hoặc hao mòn theo thời gian như sự thay đổi và hao mòn của vũ trụ trần gian và những gì trong đó (tiêu biểu là sự thay đổi của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú … theo ngày, giờ, năm, tháng).

Nhắc lại điều này, có lẽ là thừa đối với nhiều người bởi họ đã biết chắc và tin chắc rằng: Nước Trời là Nước Thiên Chúa; là Nước Thiên Đàng; là nơi hạnh phúc vĩnh cửu mà họ luôn hằng phấn đấu để mong chiếm được với bất cứ gía nào.

Cách tiêu biểu, xin ghi nhận vài ý thơ mà một vị giám mục đã cảm hứng viết lên như một lời tuyên xưng đức tin về hạnh phúc trời cao của những người đang quyết tâm sống như thế:

“Đức Maria, địa chỉ trên cao

Dạy cho con biết qua bao tháng ngày

Biết đường sống thánh từ này

Ngày mai sẽ được thẳng bay về trời”.

(ĐGM Giuse Vũ Duy Thống – Hạt nắng vô tư; NXB Tôn Giáo 2007; trang 66).

M. Vianney Đỗ Thống Nhất – Phước Sơn

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật – Chúa Chịu Phép Rửa: Chúa Bước Xuống Để Nâng Ta Lên

Chúa Nhật – Chúa Chịu Phép Rửa: Chúa Bước Xuống Để Nâng Ta Lên Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là...

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Lc 3,15-16.21-22: Người môn đệ của Đức Giêsu sống tinh thần tự hủy

    NGƯỜI MÔN ĐỆ CỦA ĐỨC GIÊSU SỐNG TINH THẦN TỰ HỦY  (Lc 3,15-16.21-22) M. Giuse Tuấn, Phước Lý  Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội, Chúa...

Chúa nhật Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12) Con quyết đi tìm Ngài trong cuộc sống

Chúa nhật Chúa Hiển Linh, Mt 2,1-12 Con Quyết Đi Tìm Ngài Trong Cuộc Sống Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hàng năm cứ vào mùa Giáng...

Lễ Hiển Linh: Tìm ai hay tìm cái gì

    Chúa Nhật Chúa Hiển Linh 05.01.2025 TÌM AI HAY TÌM CÁI GÌ (Mt 2,1-12) M. Bosco, Phước Sơn Lễ Hiển Linh là lễ kỷ niệm việc Chúa tỏ...

Ngày 1-1, Lễ Mẹ Thiên Chúa: Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21 Bình an của Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta

Ngày 1-1, Lễ Mẹ Thiên Chúa: Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21 Bình An Của Thiên Chúa Luôn Ở Cùng Chúng Ta Lasan Ngô Văn Vỹ,...

01/01 Lễ Mẹ Thiên Chúa, Lc 2,16-21: Kỳ diệu thay Đấng là Mẹ Thiên Chúa

  KỲ DIỆU THAY ĐẤNG LÀ MẸ THIÊN CHÚA (Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21) Trường Kha, Phước Lý Tình mẫu tử cũng chính là tình cảm mãi...

01/01 Lễ Mẹ Thiên Chúa, Lc 2,16-21: Có Mẹ đồng hành

    CÓ MẸ ĐỒNG HÀNH (Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21) M. Luca Ngọc, Phước Thiên Ngày đầu năm mới dương lịch, Giáo Hội cho chúng ta mừng...

Chúa Nhật Thánh Gia Thất, Năm C (1Sm 1,20-22.24-28; 1Ga 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52) Gia đình thánh giữa đời thường

Chúa Nhật Thánh Gia Thất, Năm C (1Sm 1,20-22.24-28; 1Ga 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52) Gia Đình Thánh Giữa Đời Thường Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hàng năm,...

Lễ Thánh Gia, Lc 2,41-52: Hiếu Nghĩa

    HIẾU NGHĨA (1Sm 1,20-22.24-28; 1Ga 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52) M. David, Vĩnh Phước Qua các bài đọc trong Lễ Thánh Gia hôm nay, Giáo Hội cho ta chiêm...

Lễ Thánh Gia Thất, Lc 2,41-52: Gia Đình Thánh

  GIA ĐÌNH THÁNH ( Lc 2,41- 52)  M. Têrêsa Avila, Phước Hải Gia đình là nền tảng của Giáo Hội và xã hội, bởi gia đình đóng...

Giáng Sinh – Lễ Ban Ngày (Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-8) Ngôi Lời đã làm người và sống giữa chúng ta

Giáng Sinh - Lễ Ban Ngày (Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-8) Ngôi Lời Đã Làm Người Và Sống Giữa Chúng Ta Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Giáng Sinh – Lễ Rạng Đông (Lc 2,15-20) Chúa Kitô – Mặt Trời Công Chính

Giáng Sinh - Lễ Rạng Đông (Lc 2,15-20) Chúa Kitô Mặt Trời Công Chính Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, muôn dân đã được thấy ơn...