Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

MỘT ĐỜI TÌM KIẾM CHÂN LÝ – thánh AUGUSTINÔ (28/8)- Vp Duyên Thập Tự

TN-148-LR-thánh AUGUSTINÔ (28/8)

MỘT ĐỜI TÌM KIẾM CHÂN LÝ

 (1Ga 4,7-16 / Mt 23,8-12)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Hôm qua chúng ta đã mừng lễ thánh Mô-ni-ca, thân mẫu của thánh Au-gút-tinô. Hôm nay chúng ta được mừng lễ người con là chính thánh Au-gút-ti-nô. Nếu cuộc đời của người mẹ là kiên trì cầu nguyện trong khổ đau nước mắt, thì cuộc đời của người con là một cuộc tìm kiếm khôn nguôi. Vì cuộc tìm kiếm không ngơi nghỉ của người con, nhiều khi đã rơi vào những triết thuyết nguy hiểm đến phần rỗi đời đời, mà dòng nước mắt của người mẹ không ngừng tuôn rơi. Nhưng chính vì không thoả mãn với những thầy dạy trần gian mà Au-gút-ti-nô đã cảm thấy mãi băn khoăn trong kiếm tìm, nên cũng đã lây nỗi băn khoăn cho người mẹ; để rồi cả hai sẽ mãn nguyện khi trái tim cả hai mẹ con được nghỉ ngơi ở nơi mà ánh sáng êm dịu soi chiếu đến. Ánh sáng đó là Chân Lý, là chính Chúa.

Nơi thánh Au-gút-tinô, chúng ta khám phá rất nhiều điều quan trọng, căn bản cho suy tư triết học, thần học và đời sống thiêng liêng. Hành trình đời sống của ngài được chính ngài viết trong cuốn “Les Confessions” – được dịch là Tự Thuật – nhưng thực ra, đó là những Lời Tán Tụng Thiên Chúa tình yêu và quyền năng. Hôm nay, dịp mừng lễ ngài, chúng ta cùng dừng lại suy niệm về cuộc đời thánh nhân với ánh nhìn “MỘT ĐỜI TÌM KIẾM CHÂN LÝ”

 1. “THAO THỨC MÃI”

Trong cuốn sách Tự Thuật, ngay ở những dòng đầu tiên, thánh Au-gút-ti-nô đã nói lên tâm trạng của ngài như đại diện cho cả nhân loại: “Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa nên trái tim chúng con thao thức mãi cho đến khi nó được an nghỉ trong Chúa” (TT chương 1). Đây là định hướng của cả cuộc đời thánh nhân: một cuộc đời thao thức. Thao thức là không thể nghỉ ngơi, không thể ngủ yên, là khắc khoải. Vậy ngài thao thức gì? Ngài thao thức một ĐỐI TƯỢNG khả dĩ làm con tim của ngài an nghỉ. Đối tượng đó là gì? CHÂN LÝ. Cuộc đời của thánh Au-gút-ti-nô dành trọn vẹn cho cuộc kiếm tìm khôn nguôi này.

Vậy ai là người cho thánh Au-gút-ti-nô nghỉ ngơi? Ngài đã thưa lên với Chúa: “Ai cho con đuợc nghỉ ngơi trong Ngài? Làm sao Ngài đến được trong trái tim con, làm nó say sưa, để con quên hết mọi đau khổ, mà ôm ấp Ngài, kho tàng duy nhất của con?” (TT chương 1).

Vậy là chàng trai trẻ dong duổi đi tìm kiếm chân lý. Bước chân kiếm tìm đã dẫn chàng đến tận Các-ta-giơ, gặp gỡ những vị thầy, những triết thuyết, ngay cả thuyết nhị nguyên, với lời hứa của họ sẽ dẫn chàng đến chân lý. Nhưng rồi, chỉ là thất vọng. Thánh Au-gút-ti-nô đã thốt khi nhớ lại quãng thời gian này: “Ôi! Chân Lý! Chân Lý! Ngay từ thời đó, linh hồn con than thở hướng về Ngài trong khi họ cứ mãi nói về Chân Lý, bên tai con, đề tài thường nghe nói tới lập đi lập lại trong những cuộc nói chuyện cũng như trong những cuốn sách dầy cộm! Và người ta đã bày dọn cho con món gì nào, trong khi mà con đói cồn cào về chân lý? Toàn là hưu và vượn, trời xanh gió mát, những cuốn sách về chân lý chứ không phải chân lý…” (TT chương 3).

Rồi trong cuộc tìm kiếm, chàng trai trẻ Au-gút-ti-nô đã kết thân với một người bạn, một người bạn ngay từ thời cắp sách đến trường khi còn nhỏ. Trong thời gian này, họ kết thân với nhau bền chặt nhất. Nhưng rồi, người bạn qua đời, để lại cho Au-gút-ti-nô một nỗi trống vắng. Nhớ lại biến cố này với cảm xúc trống rỗng, thánh Au-gút-ti-nô thốt lên với Chúa: “Đúng ra đó, không phải là Ngài mà là một ảo giác trống rỗng… Thật vậy, con đi đâu bây giờ để chạy trốn trái tim mình? Ra khỏi chính mình thì chạy đi đâu? Tránh đâu cho khỏi sự đeo đuổi của bản thân? “ (TT chương 4).

Rồi đôi chân chàng trai Au-gút-ti-nô rời Các-ta-giơ để đặt đến tận Rô-ma. Nơi đây, chàng đã nhìn thấy ánh sáng mờ mờ soi chiếu trên điều chàng tìm kiếm. Nhưng trong thâm tâm, chàng cảm thấy một sự xung đột nội tâm: “Nếu con tìm cách ngã người dựa vào đức tin Công giáo thì tâm hồn con, chỉ cảm thấy toàn xung đột và ghê tởm…” (TT chương 5). Từ nơi đây, chàng nộp đơn để dự tuyển vào chức vụ giáo sư khoa hùng biện tại Mi-lăng, và chàng đã đến đó. Đây là một cơ duyên đưa đẩy chàng trai Au-gút-ti-nô gặp gỡ Giám Mục Am-rô-si-ô. Vị giám mục thánh thiện và khôn ngoan này, qua các cuộc tiếp xúc, đã dần đưa Au-gút-ti-nô đến với ánh sáng Chân Lý. Và chàng quyết định: “Cho nên con đã quyết tâm: đi vào trong Hội Thánh Công giáo, theo vết chân của bố mẹ con. Con sẽ ở lại đó với tư cách là tân tòng, thời gian cần thiết, cho tới khi nào tia sáng xác tín đầu tiên sẽ đến hướng dẫn bước chân con.” (TT chương 5).

Nhìn lại con đường tuổi trẻ đi qua với khao khát kiếm tìm, cả một hành trình dài và trượt ngã, để cuối cùng thấy ánh sáng cuối đường hầm, thánh Au-gút-ti-nô thốt lên: “Ôi! Lạy Chúa, niềm hy vọng của tuổi trẻ, đối với con, Chúa đi đâu vậy? Chẳng phải là Ngài đã dựng nên con, phân biệt con với động vật bốn chân, đã tạo cho con khôn ngoan hơn cả chim trời đó sao? Vậy mà con mày mò trong bóng tối, ròng rã suốt một con đường trơn trượt, con đi tìm bên ngoài con, Thiên Chúa của lòng con. Con đã chạm đáy biển, đã đánh mất hết mọi tin tưởng và hy vọng gặp được chân lý” (TT chương 6).

 2. “TRÁI TIM CỦA MẸ”

Và cuối cùng, Au-gút-ti-nô đã được lãnh bí tích thanh tẩy, với sự hiện diện của mẹ Mô-ni-ca. Trước đó, ông Pa-tri-xi-ô đã theo đạo. Thánh Au-gút-ti-nô đã viết lên những dòng thật dài để ca ngợi mẹ ngài. Đây là một vài trích đoạn: “Cuối cùng mẹ cũng đưa chồng mình trở lại với Chúa, vào cuối đời. Ngay cả khi ông gia nhập đức tin, mẹ không còn khóc nữa về điều mẹ phải gánh chịu trước đó. Cũng là nữ tỳ của những tôi tớ Ngài, mẹ đem lại cho những ai biết bà nhiều lý do để tán tụng, tạ ơn và yêu mến Ngài: Mỗi người đều cảm nhận sự hiện diện Ngài trong trái tim mẹ, những hoa trái của đời sống thánh thiện làm chứng… Bà đã nuôi dưỡng những đứa con trai mình bằng việc thai nghén, sửa dạy chúng mỗi khi chúng lìa xa Ngài. Cuối cùng, trong khi mà nhờ ơn Chúa, chúng con được phép làm tôi tớ Ngài, trước khi mẹ nhắm mắt lìa đời, tất cả chúng con đều được ơn chịu phép rửa tội, và từ đó sống thành cộng đoàn thì mẹ chăm sóc chúng con như thể mẹ là đứa con gái chúng con vậy.” (TT chương 9)

Rồi mẹ Mô-ni-ca từ trần. Thánh Au-gút-ti-nô hồi tưởng những giây phút đó: “Con vuốt mắt cho mẹ. Nỗi buồn tràn ngập trái tim con; khiến con đổ lệ không ngừng; bỗng theo lệnh cứng rắn của thần trí, con thôi khóc… Nhưng tại sao nơi con đau khổ vẫn đè nặng, nếu không phải là vết thương nơi con rất mới. Dù sao con lấy làm sung sướng về chứng tá mẹ đã có về con. Cho tới khi mẹ ngã bệnh, mẹ thường vuốt ve và nói: “Con là đứa con tốt của mẹ. Mẹ chưa bao giờ nghe con nói nặng hay tỏ ra xấc xược với mẹ cả, bà vừa tuyên bố vừa ôm con. Tuy vậy, lạy Thiên Chúa Đấng Tạo Hoá, làm sao so sánh được sự kính yêu của con đối với mẹ và đau khổ con gây nên cho mẹ? Cho nên bây giờ đơn độc, con không còn mẹ để an ủi, điều mà mẹ làm rất tốt, con bị tổn thương tận đáy lòng, nay con chỉ có một mảnh đời vì mẹ và con chỉ có một sự sống.” (TT chương 9)

Sở dĩ thánh Au-gút-ti-nô có một lòng yêu kính mẹ mình, là mẹ đã là một trung gian để Thiên Chúa dẫn đưa ngài đến nguồn ánh sáng cứu độ. Tận thâm tâm, thánh Au-gút-ti-nô biết ơn mẹ Mô-ni-ca sâu xa. Và ngay khi viết những dòng chữ trong cuốn Tự Thuật, cảm xúc nơi thánh Au-gút-ti-nô vẫn tuôn tràn: “Bây giờ, lạy Chúa, trên giấy trắng mực đen, con xin tán tụng vinh quang danh Ngài, ai muốn đọc thì đọc, muốn bình luận thế nào thì tuỳ. Có ai cho rằng khóc mẹ mình một khắc đồng hồ là có tội sao, người mẹ mới chết trước mắt con, người mà bao nhiêu năm đã phải khóc khi nhìn thấy con sống tội lỗi dưới mắt Chúa sao? Ôi! ước gì độc giả đừng chế diễu con, nhưng đúng hơn, đến lượt người ấy có được lòng tốt khóc than tội lỗi con cái bên cạnh Ngài, lạy Cha chung của những anh em trong Đức Ki-tô” (TT chương 9). Và thánh Au-gút-ti-nô nhớ lại lời trăn trối của mẹ vào lúc sắp qua đời: “Mẹ chỉ ao ước chúng con cầu nguyện cho mẹ trong thánh lễ, nơi mà không ngày nào mẹ vắng mặt… Những ai đọc những dòng này, xin cầu nguyện cho Mô-ni-ca, nữ tỳ Ngài và cùng với Pa-tri-xi-ô xưa kia là chồng bà, qua xác thịt họ, bằng cách nào con không biết, Ngài đã đưa con vào cuộc đời này.” (TT chương 9).

 3. “CHÚA ĐÃ CHẠM ĐẾN CON”

Vào cuối hành trình đi tìm Chân Lý, thánh Au-gút-ti-nô đã nghiệm thấy “AI ĐÓ” đã chạm đến trái tim khắc khoải của mình để nó được nghỉ ngơi: “Lạy Chúa, với ý thức không phải đáng ngờ mà là chắc chắn, con yêu Ngài. Qua Ngôi Lời, Ngài đã gõ trái tim con và con đã yêu Ngài…” (TT chương 10). Thiên Chúa đến gõ trái tim thánh Au-gút-ti-nô để gọi mời ngài đi vào bên trong chính mình, nơi đó ngài đã nhfn thấy ánh sáng, để có thể thốt lên: “Khi được nhắc nhở phải trở về với chính mình, nhờ Chúa hướng dẫn, con đã đi vào tận thâm tâm con, và con đã vào được vì có Chúa nâng đỡ. Con đã vào, và mắt linh hồn con có thế nào chăng nữa, nhờ nó, con đã thấy một thứ ánh sáng không hề thay đổi…Ôi, Chúa là chân lý vĩnh cửu, là tình yêu chân thật và là sự vĩnh cửu dấu yêu! Chúa là Thiên Chúa của con, đêm ngày con khao khát Chúa… Này Chúa vẫn ở trong con, mà hồi ấy con cứ ở ngoài và cứ tìm Chúa bên ngoài!… Chúa rực sáng, Chúa chiếu toả và đã xua tan sự mù loà của con. Chúa toả hương thơm, con hít lấy và con khao khát Chúa. Con đã nếm thử và bây giờ con đói, con khát Chúa. Chúa đã chạm đến con và con nóng lòng tìm bình an của Chúa” (TT chương 10).

Thánh Au-gút-ti-nô đã để cho Chúa chạm vào trái tim của mình, và đã tìm thấy Chúa trong sâu thẳm linh hồn. Cuối cùng, ngài đã tìm thấy Chúa, tìm thấy sự nghỉ ngơi cho tâm hồn. “Ôi! Lạy Thiên Chúa, xin ban cho chúng con sự bình an, sự nghỉ ngơi của ngày sa-bát, một sự bình an không có chiều tàn… (TT chương 13). Và đây thánh nhân kết thúc sách Tự Thuật bằng lời cầu mong: “Cuối cùng, chúng con hy vọng rằng, sau khi hoàn thành, chúng con có thể nghỉ ngơi; còn Ngài trái lại, Đấng không cần bất cứ thứ gì, Ngài luôn được nghỉ ngơi vì sự nghỉ ngơi chính là Hữu Thể Ngài” (TT chương 13).

Để chuẩn bị mừng lễ thánh Au-gút-ti-nô, tôi có dịp đọc lại sách Tự Thuật, và hôm nay tôi trích lại một só đoạn văn để chúng ta nhận ra vài nét sơ yếu của hành trình tìm kiếm Chân Lý nơi thánh nhân. Từ sự thao thức khôn nguôi, đến dậm trường tìm kiếm xuyên qua những bóng tối và lầm lạc, để cuối cùng tìm thấy Chân Lý là chính Chúa. Và như thế là mãn nguyện, là nghỉ ngơi.

Chúng ta cùng với thánh Au-gút-ti-nô hát lên cùng với Vịnh Gia: ‘Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến…” (Tv 62,2).

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...