Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Muối và ánh sáng (Mt 5,13-16)

TĨNH TÂM THÁNG 2/2003

MUỐI VÀ ÁNH SÁNG

(Mt 5,13-16)

M. Clara, Phước Thiên

Đức giáo hoàng Biển Đức XVI, trong diễn văn khai mạc triều đại giáo hoàng đã nói với toàn thể dân Chúa: “Chúng ta không phải là một sản phẩm ngẫu nhiên và vô nghĩa của thuyết Tiến hóa. Mỗi chúng ta là một kết quả của một sự suy tư của Thiên Chúa. Mỗi chúng ta được mong đợi, mỗi chúng ta được yêu mến, mỗi chúng ta là một sự cần thiết”.

Lời của vị giáo hoàng như những tiếng chuông reo lên và ngân vang trong lòng mỗi người, rằng mỗi chúng ta là một sự cần thiết, mỗi chúng ta có một vị trí và sứ mạng bất khả thay thế.

Bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhìn nhận nơi chúng ta một giá trị cao quý, Ngài nói: “Chính anh em là muối cho đời, chính anh em là ánh sáng cho trần gian”.

Đó không chỉ là một sự chân nhận giá trị mà còn là một lệnh truyền. Suy tư lệnh truyền ấy trong tâm tình của một đan sĩ Xitô Thánh Gia, con cái cha tổ phụ Biển Đức Thuận, người cha đáng kính mà chúng ta sắp kỷ niệm 90 năm ngày giỗ tổ, chúng ta có thực sự thấy mình là muối và là ánh sáng cho con người và thế giới hôm nay? Và làm cách nào để giữa những khó khăn của thực tế cuộc sống, chúng ta sống ơn gọi cách thiết thực và ý nghĩa hơn, để muối trong chúng ta không nhạt và ánh sáng không tắt?

1. Người đan sĩ trở nên muối và ánh sáng

“Chính anh em là muối cho đời, chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Muối và ánh sáng khác nhau về bản chất và cách thế tồn. Muối, tức natri clorua (NaCl) là dạng vật chất ở tinh thể rắn, có vị mặn, thu được từ nước biển hay các mỏ muối. Còn ánh sáng là một dạng thực thể phi vật chất, không thể sờ nắm, cân đong đo đếm được. Muối tác động đến môi trường xung quanh cách âm thầm, kín đáo, không thể quan sát bằng mắt thường. Ngược lại, ánh sáng tự bản chất thì luôn tỏ lộ, luôn quang tỏa.

Tuy về bản chất và cách thế tồn tại khác nhau nhưng muối và ánh sáng lại có sự cần thiết cho cuộc sống như nhau. Thực vậy, hai thực thể ấy cần thiết đến nỗi sự sống không hiện hữu nếu không có muối và ánh sáng. Tiếng Latinh có câu: “Không có gì hữu ích cho bằng mặt trời và muối”.

Nếu muối và ánh sáng không thể thiếu cho sự sống thì các đan sĩ, những người sống trong không gian của nội vi đan viện, cách nào đó, có thực sự cần thiết cho con người và thế giới hôm nay? Hay đúng hơn, chúng ta có phải là muối và là ánh sáng? Trước lời mời gọi của  Chúa Giêsu, thiết nghĩ nên nhắc lại những xác quyết cũng như những mong đợi của Giáo hội đối với chúng ta.

Trong Sắc lệnh Perfectae Caritatis về đức ái trọn hảo, Công đồng Vaticanô khẳng định với toàn dân Chúa: Trong các hội dòng chiêm niệm, các đan sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và thinh lặng, trong việc chuyên lo cầu nguyện, đến nỗi dù nhu cầu hoạt động tông đồ có khẩn thiết đi nữa, thì những hội dòng ấy vẫn luôn phải giữ một địa vị cao quí trong Nhiệm Thể Chúa Kitô… Họ là vinh dự của Giáo hội và là mạch tuôn trào các ơn thiêng (PC 7).

Cũng thế, trong số 7 Tông huấn Vita consecrata  về đời sống thánh hiến, thánh Gioan Phaolô II khẳng định: “Các dòng hoàn toàn sống đời chiêm niệm, … là một lý do hãnh diện cho Giáo hội và một nguồn mạch đưa lại những ân sủng thiên quốc”. Ngài nói rằng, nhờ nếp sống và sứ mạng của mình, chúng ta làm chứng về “quyền chủ tể của Thiên Chúa trên lịch sử” và “tiên báo vinh quang mai ngày sẽ đến”. Thánh  Giáo hoàng xác quyết rằng chúng ta cống hiến một chứng tá độc đáo về tình yêu của Giáo hội dành cho Chúa, và góp phần vào sự tăng trưởng của Dân Thiên Chúa.

Trong huấn từ nói với các Viện phụ Biển Đức ngày 30.9.1966, Đức Giáo hoàng Phaolô VI nhấn mạnh rằng: “Sự hiện diện của các con như một dấu hiệu, một điềm báo về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người”. Ngài chất vấn chúng ta “Các con hát: ai nghe? Các con cử hành các mầu nhiệm: ai chú ý? Dường như những người khác không hiểu các con và đánh giá đúng về các con; hình như sự cô tịch kìm hãm đời sống các con. Nhưng không” – vị Giáo hoàng nói – “Có người đã lưu ý đến việc các con luôn thắp lên một ngọn đuốc; có người đã hiểu rằng nội vi các con đang chiếu tỏa ánh sáng và sức nóng; có người dừng lại, nhìn ngắm, suy nghĩ”. Một lần nữa Đức giáo hoàng Phaolô VI nói không chút nghi ngờ rằng “Các con đưa con người thời đại này lên cao. Các con cung cấp cho sự suy tư của họ điểm khởi hành thường là dẫn họ tới ơn cứu độ và một năng lực mới”.

Gần đây nhất, đức giáo hoàng Phanxicô, trong tông hiến Vultum Dei quaerere về các nữ tu chiêm niệm đã nói rằng: “Giáo hội cần các con như một người thuỷ thủ nơi biển xa cần một ngọn hải đăng để hướng dẫn anh ta về bến an toàn”. Vậy nên ngài mong muốn chúng ta, các nữ đan sĩ: Hãy là những ngọn hải đăng, những ngọn đuốc sáng hướng dẫn những người nam và nữ trong hành trình đi qua đêm tối của họ trong thời đại này. Hãy là những người lính gác ban mai, sứ giả vào lúc rạng đông.

Ngài hy vọng rằng qua đời sống được biến đổi trong thinh lặng, chúng ta hãy cho Giáo hội và thời đại  hôm nay thấy Đấng là “Đường, là Sự thật và là Sự sống (x. Ga 14,6)”. Ngài bảo chúng ta: “Hãy gào lên như thánh An-rê đã làm với Simon: “Chúng tôi đã nhìn thấy Chúa” (Ga 20,18).

Như vậy, qua văn kiện của Giáo hội, phải chăng Thiên Chúa một lần nữa muốn nói với chúng ta, những đan sĩ chiêm niệm rằng: chính ơn gọi chúng ta cần thiết cho con người và thế giới hôm nay, chúng ta là muối và là ánh sáng cho trần gian?

Chúa Giêsu không hy vọng rằng chúng ta sẽ trở thành muối và là ánh sáng nhưng Ngài nói: Chính các con là muối và là ánh sáng cho thế gian. Như vậy, người khẳng định tự bản chất chúng ta là muối và là ánh sáng nhưng muối và ánh sáng mà Chúa nói đến cụ thể là gì? Để biết được điều đó, chúng ta xem lại những tính chất giống nhau của hai thực thể này. Muối và ánh sáng đều có những tính chất như: hy sinh, không giả dối, quảng đại, xóa mình, không phân biệt môi trường cũng như đối tượng mà nó hiện diện và cống hiến…, tự hiến cho con người và sự sống. Như thế, muối và ánh sáng có những tính chất của tình yêu. Hay đúng hơn muối và ánh sáng mà Chúa nói là “tình yêu”. Lời Chúa trong sách Isaia cho chúng ta khẳng định trên: “Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58,7-10). Vậy, trở nên muối và ánh sáng là trở nên tình yêu? Chúng ta, các đan sĩ nhờ sự hiệp thông với Chúa, trở nên tình yêu cho con người và thế giới hôm nay.

2. Đan sĩ làm sao để muối không nhạt và ánh sáng không tắt

“Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Làm sao để muối trong chúng ta không nhạt và ánh sáng không tắt, làm sao để tình yêu trong chúng ta không nhạt phai? Như muối và ánh sáng liên kết với cội nguồn thế nào, chúng ta chỉ có thể là hiện thân của tình yêu nếu như biết liên kiết mật thiết với Chúa và xóa mình, sống tinh thần tự hủy.

a. Sống gắn bó với Chúa

Dù hằng ngày có hàng ngàn con sông lớn nhỏ chảy ra biển cùng với những đợt mưa lũ kéo dài hằng năm khiến cho lượng nước lớn đổ xuống biển. Cùng với điều đó, một lượng lớn muối được khai thác để cung cấp cho các nhu cầu cần thiết. Thế nhưng, theo các nhà khoa học, nước biển ngày càng mặn. Nguyên nhân vì sao? Họ cho biết là vì có những mỏ muối khổng lồ dưới đáy biển không ngừng tan ra theo năm tháng.

Liên hệ đến điều đó chúng ta có thể nói rằng chính Chúa là mỏ muối dưới đáy đại dương, còn chúng ta là những giọt nước biển; Ngài là nguồn cội của ánh sáng đích thực như Vịnh gia tuyên xưng: “Đức Chúa là ánh sáng và là sự cứu độ của tôi” (Tv 27,1) và chính Đức Giêsu cũng nói: “Ta là sự sáng thế gian” (Ga 8,12), còn chúng ta là những hạt sáng trong dãi ánh sáng là chính Chúa. Vậy, sống gắn bó với Chúa là điều kiện đầu tiên để tình yêu của người đan sĩ không phai tàn và cạn vơi.

Cha tổ phụ Biển Đức Thuận nhắn nhủ chúng ta: phải lo sống kết hợp với Chúa luôn, mọi việc ta làm cho chúa. Chi cũng cho Chúa hết. Như vậy ta mới cảm nếm được sự bình an của Chúa (DN 107).

Kết hợp với Chúa là sống tâm tình người con trước sự hiện diện của Chúa là cha hằng yêu thương chúng ta không chỉ lúc ở trong nhà thờ mà là mọi khoảnh khắc của đời sống chúng ta. Là yêu thích khám phá để có thể ngỡ ngàng trước tình thương và lòng tha thứ của Thiên Chúa.

Đâu là dấu chỉ của người sống gắn bó với Chúa? Đó là luôn biết liên đới và quảng đại với anh chị em mình. Bởi lẽ “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối”. Còn “Ai yêu thương anh em mình, thì ở lại trong ánh sáng” (1 Ga 2,9-10). Cha tổ phụ Biển Đức Thuận còn nhấn mạnh: Cái đạo ăn chay, đạo đánh tội, đạo chầu Thánh thể, các đạo ấy dễ mà không chắc; còn cái đạo yêu thương anh em, “đạo ấy thì chắc là đạo” (DN 114). Qua đó, ngài mong muốn chúng ta: hãy thương yêu nhau, hãy giúp nhau, hãy gánh đỡ gánh nặng cho nhau, nhịn nhục nhau khi lầm lỗi, lấy đức thương yêu mà che đậy nết xấu nhau, đừng xét nét anh em khi không phải việc mình (DN 122). Quả vậy, “nếu trong nhà dòng này mọi người đều bỏ mình mà lo đến anh em cách riêng thì mọi người đều được an ủi, vui vẻ biết mấy” (DN 123).

Thế nhưng, là những đan sĩ chiêm niệm, là những môn đệ theo sát Đức Kitô, tình yêu của chúng ta không được phép giới hạn chỉ với anh chị em trong cộng đoàn và Hội dòng mà còn liên đới tới tất cả mọi người vì như công đồng Vaticanô II nói: vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng chúng ta. (Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay số

b. Chấp nhận tan biến

Khi vị thiền sư đang trầm mặc lắng nghe lời vô ngôn của ngọn nến thì vị khách hành hương hỏi: Thưa thầy, lửa của ngọn nến từ đâu đến? Vị thiền sư thổi tắt ngọn nến rồi nói: “Nếu anh nói cho ta biết lửa đã đi về đâu thì ta sẽ nói cho anh lửa từ đâu đến”.

Quả vậy, người ta không biết lửa đến từ đâu và đi về đâu. Cũng thế, người ta không biết ánh sáng đến từ đâu và đi về đâu. Nó hiện diện ở khắp nơi mà như không hiện diện ở đâu cả. Ánh sáng không có cái tôi cũng như muối thấm nhập và tan biến mà không ai hay biết. Người ta nhận biết giá trị của ánh sáng khi nó quang tỏa và tác dụng của muối khi nó hòa tan. Cũng thế, đời sống chúng ta chỉ thực sự có ý nghĩa khi biết tan biến cái tôi để tự hiến mình như một “của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1).

Muốn lớn lên trong ơn gọi thì chúng ta phải sống tinh thần tự hủy. “Muốn cho được thương yêu anh em, phải ra khỏi mình là bỏ mình đi (DN 207). Khi còn những giận hờn, chấp nhất, ganh tỵ… là do cái tôi của chúng ta lớn quá, là do ta đã không để cho “Người phải nổi  bật lên còn tôi phải nhỏ lại”. Chúng ta chưa khiêm nhường đủ.

Khiêm nhường là sống cái mình là, không giả tạo, không nói rằng tôi không phải là ngói trên mái nhà, không là ánh sáng,… không, khiêm nhường là đứng ở vị trí của mình để sống bản chất ơn gọi và làm tròn vai trò được giao phó. Khiêm nhường là sự thật, là đón nhận bản thân như mình là với những tiêu cực và tích cực, điểm sáng và tối, với những vấp váp và những khả năng, những tội lỗi và khao khát vươn lên…

Khiêm nhường chính là khả năng buông bỏ để cho sự bình an đích thực của Chúa hiện diện và ngự trị trong tâm hồn. Người khiêm nhường, sống tinh thần tự hủy là tin tưởng tuyệt đối vào Đức Kitô Đấng đã tự hủy mình ra không, đã chết nhục nhã trên thánh giá và đã sống lại. Chính người đã đảm nhận thân phận con người, để nâng chúng ta lên, đặt làm “ánh sáng cho muôn dân” để ta mang ơn cứu độ của Người “đến tận cùng cõi đất” (Is 49,3).

Như thế, khi và chỉ khi chúng ta sống gắn kết với Chúa và mang lấy tinh thần tự hủy, xóa mình ra không thì chúng ta mới làm cho ánh sáng của mình không tắt và muối trong chúng ta không nhạt.

Chiến tranh đang ngày càng trở nên căng thẳng hơn tại Siria. Lãnh đạo các nước đang đánh đổi mạng sống và sự bình an của người dân để tìm kiếm điều gì? Thế giới đang đói khát quyền lực nhưng cái thực sự họ cần lại là tình yêu. Bởi như đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói trong thời gian Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Cologne 2005: “Điều gì có thể cứu chúng ta nếu không phải là tình yêu”? Nối tiếp tinh thần của cha tổ phụ Biển Đức Thuận, chúng ta hãy “là tình yêu” cho con người và thế giới hôm nay bằng cách sống gắn bó với Chúa, bước ra khỏi con người cũ của mình để được thanh tẩy và biến đổi, để đi đến vùng ngoại biên và mang lấy một trái tim mới để có thể cảm thông và chia sẻ nhiều hơn. “Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

 Thứ 3 Tuần IV PS, Ga 10, 22-30: Chiên đích thực của Chúa

 Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh Chiên Đích Thực Của...

18 Tháng Mười Hai – Mt 1,18-24

EMMANUEL THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA Lm M.Phêrô Khoa Lê...

19 Tháng Mười Hai – Lc 1,5-25

  TIN MỪNG CHO ÔNG BỐ VÀ SỨ VỤ CỦA NGƯỜI...

21 Tháng Mười Hai – Lc 1 39-46

  BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC MẸ THIÊN CHÚA VIẾNG THĂM Lm M.Phêrô...

22 Tháng Mười Hai – Lc 1,46-56

  BÀI CA NGÀN TRÙNG MAGNIFACAT Lm M.Phêrô Khoa Lê Trọng...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đan Viện Xitô TM Phước Thiên Mừng Hồng Ân Thánh Hiến Đan tu ngày 31-12-2022

HỒNG ÂN THÁNH HIẾN ĐAN TU Ngày 31-12-2022 https://www.flickr.com/photos/194987287@N04/52601604573/in/album-72177720304903591/ Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, hôm nay cộng đoàn Phước Thiên chúng con vui mừng vì...

Mong chờ Chúa đến

MONG CHỜ CHÚA ĐẾN Bùi Lễ Thy, TVPT Không ai lại mong đợi điều mình đã thấy rồi, người ta chỉ mong đợi điều mà...

Đời người và các linh hồn

ĐỜI NGƯỜI VÀ CÁC LINH HỒN Bùi Lễ Thy, TVPT Các linh hồn, các ngài là ai? Thưa các ngài chính là những người đã...

Kinh Mân Côi – Lời kinh hòa bình

KINH MÂN CÔI LÀ LỜI KINH HÒA BÌNH   Bùi Lễ Thy, TVPT   Mẹ yêu của con! Tháng Mười về làm con nhớ đến Kinh Mân...

Suy tư với chị Thánh Têrêsa 01-10

SUY TƯ VỚI CHỊ THÁNH TÊRÊSA Bùi Lễ Thy, TVPT Từ thuở thơ ấu em đã được nghe về Hạnh các Thánh. Trong đó em đã...

HỒNG ÂN TUYÊN KHẤN SƠ KHỞI NGÀY 25-05-2022

HỒNG ÂN TUYÊN KHẤN SƠ KHỞI 25-05-2022 Trong tâm tình tri ân cảm tạ Thiên Chúa, Nữ Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Phước Thiên Mừng...

ĐẶT VIÊN ĐÁ XÂY NHÀ NGUYỆN CẦU NỮ ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU PHƯỚC THIÊN 01-05-2012

 VIDEO THÁNH LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ XÂY NHÀ NGUYỆN CẦU https://www.youtube.com/watch?v=r5msV1sror8 XEM HÌNH ẢNH THÁNH LỄ TẠI ĐÂY MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐAN VIỆN NĂM 2012 CỔNG VÀO...

PHƯỚC THIÊN MỪNG LỄ CUNG HIẾN NHÀ NGUYỆN CẦU 10-05-2014

Video Thánh lễ Cung hiến  https://www.youtube.com/watch?v=r4r_cUid05U  Xem hình ảnh thánh lễ Tại đây

LỚP TRIẾT DÒNG NỮ KHÓA I NĂM 2017-2018

NGÀY 18/9/2016 LỚP TRIẾT HỌC DÒNG NỮ KHAI MẠC THÁNG HỌC THỨ 3 CỦA NĂM I https://www.flickr.com/photos/147977068@N06/30288411142/in/album-72157686084625073/ HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ NÚI LONG HƯƠNG https://www.flickr.com/photos/147977068@N06/30107489130/in/album-72157686084625073/ THĂM TÔN GIÁO...