Thứ Hai, 16 Tháng Chín, 2024

NÉT ĐẸP CỦA CHỮ CÙNG- Thứ Tư tuần XIXTN- Vp. Duyên Thập Tự

TN-131-TUẦN XIX-thứ Tư

NÉT ĐẸP CỦA CHỮ CÙNG

 (Đnl 34,-12 / Mt 18,15-20)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Khi suy niệm các bài đọc Kinh Thánh hôm nay, tôi khám phá ra nét đẹp của chữ “CÙNG”. Đây là thái độ của những người sống trong Giáo Hội, của người lãnh đạo đoàn dân Xuất Hành.

Chúng ta nghe trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 18 từ câu 15 đến 20. Đây là một trích đoạn trong bài giảng thứ tư trong cấu trúc Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Đây là bài giảng về Giáo Hội (chương 18). Hôm nay, Chúa Giê-su nói đến hai hoạt động chính trong Giáo Hội, đó là sửa lỗi nhau và cầu nguyện chung.

Chúng ta cũng nghe bài đọc một, trích sách Đệ Nhị Luật chương 34 từ câu 1 đến 12. Đây là những câu cuối cùng của sách Đệ Nhị Luật, tường thuật cái chết của ông Mô-sê để khép lại một giai đoạn quan trọng trong lịch sử dân tộc Ít-ra-en – giai đoạn ra khỏi Ai-cập và sống trong sa mạc bốn mươi năm -, và mở ra một trang mới với việc chiếm hữu và định cư nơi Đất Hứa này. Ông Mô-sê chấm dứt những ngày đồng hành cùng dân chúng với cái chết bên ngoài Đất Hứa.

Tôi xin chia sẻ với anh chị em một vài NÉT ĐẸP CỦA CHỮ CÙNG được sống trong lòng Giáo Hội.

 1. CÙNG MỘT VẬN MẠNG

Khi khuyên dạy các môn đệ về việc sửa lỗi người anh em, nghĩa là sửa lỗi nhau, Chúa Giê-su muốn nói đến nền tảng quan trọng của công việc đó, chính là cùng một vận mạng. Vận mạng ở đây là ơn cứu độ. Tất cả các môn đệ Chúa đều có cùng một vận mạng là ơn cứu độ. Đây là nền tảng và xác tín rất quan trọng để có thể thực hiện việc sửa lỗi nhau. Sửa bảo nhau tránh xa tội lỗi và bỏ đàng tội lỗi là muốn cho nhau được cứu độ, được đạt tới ơn cứu độ. Nếu không có nền tảng này, việc sửa lỗi nhau trở thành một gánh nặng và gây nên những khổ đau. Tất cả chúng ta liên đới với nhau trong ơn cứu độ, vì chúng ta liên đới với nhau trong cùng một thân thể, trong cùng một sự sống.

Việc sửa lỗi cho nhau để hối lỗi và tránh xa tội lỗi phải được thực hiện với tất cả nghệ thuật. Đây là một công việc của tình yêu, nghĩa là muốn anh em mình không sa vào sự hư mất. Những bước tiệm tiến – từ chuyện trao đổi riêng tư, đến sự hiện diện của một vài chứng nhân và cuối cùng và toàn thể cộng đoàn Giáo Hội – là để anh em mình nhận ra thực trạng bản thân và trở về. Đây là nghệ thuật “cứu”, chứ không phải mưu toan “vất bỏ”. Sửa lỗi là để cứu sống, chứ không phải giết chết. Đó là đi vào chính đường lối của Thiên Chúa, Đấng muốn tội nhân hối lỗi và được sống (x.Ed 18,21-28). Đó cũng là lời mời gọi đầu tiên của Chúa Giê-su: “hãy sám hối”. Đó là nghệ thuật về phía con người, nghĩa là làm hết sức để người anh em trở về, bỏ đường tội lỗi. Nhưng, nếu không đạt đến kết quả mong chờ, thì sao? Lúc đó hãy trao cho Chúa người anh em tội lỗi, vì Chúa có cách cứu giúp. Khi coi họ là người tội lỗi hay người thu thuế, nghĩa là nhận định tình trạng của người anh em của mình thật đáng thương – vì lún sâu trong tội và có thể đã ngoan cố trong tội – thì hãy giao cho lòng thương xót và quyền năng hoán cải của Thiên Chúa, vì Chúa đến tìm cứu những gì hư mất. Hãy luôn thắp lên niềm hy vọng, niềm tin tưởng vì “đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả” (1Cr 13,7). Anh em hối cải và trở về luôn là một niềm vui lớn nhất, vì đó là niềm vui của chính Thiên Chúa và thiên đàng (x.Lc 15,7.10).

Là ki-tô hữu, là môn đệ Chúa Ki-tô, chúng ta làm nên một Thân Mình và liên đới mật thiết với nhau về ơn cứu độ. Vận mạng chung của chúng ta là ơn cứu độ. Chúng ta có cùng một vận mạng. Chúng ta là một cộng đoàn vận mạng.

 2. CÙNG CẦU NGUYỆN

Yếu tố thứ hai Chúa Giê-su nói đến là việc cầu nguyện. Cầu nguyện là gặp gỡ thân tình giữa chúng ta với Thiên Chúa. Đó là cuộc gặp gỡ thân tình cá vị của mỗi người với Thiên Chúa. Nhưng khi mỗi người gặp gỡ với Thiên Chúa, thì sự hiện diện của Thiên Chúa là nền tảng chung của một cộng đoàn đang cầu nguyện. Chúa Giê-su nói: “Vì nơi đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa”. Cầu nguyện vừa mang tính cá vị đồng thời mang chiều kích cộng đoàn, chiều kích Giáo Hội. Chúa Giê-su là nơi kết nối những con người đang cầu nguyện với Chúa Cha. Chúa Giê-su đang cầu nguyện với chúng ta, cho chúng ta, khi chúng ta nhân danh Người; vì Người là Đầu của thân thể mà chúng ta là các chi thể.

Chúa Giê-su còn khẳng định: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho”. Nơi đây, điều được nhấn mạnh là “đồng tâm nhất trí” và “đồng thanh” cầu xin. Đây là nét đẹp của chữ CÙNG khi cầu nguyện. Chính chữ cùng này có sức mạnh và vươn tới tận Thiên Chúa, Đấng sẵn sàng ban ơn. Nhưng chúng ta chỉ có thể “đồng tâm”, “đồng ý”, “đồng thanh”, nếu trong cuộc sống chúng ta đối xử với nhau bằng sự “đồng cảm” và cả “đồng sinh đồng tử”. Nghĩa là chúng ta “CÙNG” đi trên con đường của Chúa Giê-su, mà con đường đó chính là Thánh Ý của Chúa Cha. Cầu xin là gì, nếu không phải là xin cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Ước gì chúng ta thể hiện chữ “cùng” trong tương giao hỗ tương để khi cầu nguyện, chữ “cùng” đó cũng được hiện thực, vì chúng ta sống thế nào thì chúng ta cầu nguyện như vậy, cũng như chúng ta cầu xin điều gì thì chúng ta cũng sống điều cầu xin đó. Điều cầu xin và sống điều cầu xin phải đi đôi với nhau. Và điều cầu xin cần thiết phải mang đậm dấu ấn của chữ “cùng”.

 3. CÙNG ĐỒNG HÀNH

Chúng ta có một minh hoạ cụ thể nơi ông Mô-sê. Ông là người được Thiên Chúa chọn để thi hành sứ vụ giải thoát dân Chúa ra khỏi cảnh nô lệ Pha-ra-ô và dẫn đưa họ về Đất Hứa. Ông đã thi hành sứ vụ Thiên Chúa trao bằng việc đồng hành với dân trong suốt hành trình ra khỏi Ai-cập và nhất là trong thời gian bốn mươi năm sa mạc. Ông chia sẻ tất cả những khó khăn, những thử thách của sa mạc và cuộc sống trong sa mạc. Là người lãnh đạo dân, ông sống gấp đôi những vất vả đó. Ông không bao giờ bỏ cuộc. Gặp gian nan thử thách, ông kêu cầu lên Thiên Chúa để xin Người hành động cứu giúp dân vượt qua khó khăn. Ngay cả những khi Thiên Chúa tức giận dân, muốn diệt trừ họ và hứa cho ông một dân mới, ông luôn cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho dân. Ông không bỏ dân. Ông nặng tình với dân. Ông quá yêu thương họ. Ông luôn đồng hành với họ. Đó là nét đẹp của chữ “cùng”: cùng sống, cùng đi, cùng chịu đựng vất vả gian nan.

Rồi vì dân phản loạn, ông cũng bị vạ lây bằng phán quyết của Thiên Chúa là không được vào Đất Hứa. Hơn một lần, ông xin Thiên Chúa xét lại phán quyết; nhưng khi Thiên Chúa nói: “Thôi đủ rồi. Đừng nói chuyện đó với Ta nữa” (x.Đnl 3,23-28). Ông chấp nhận trong sự tuân phục, trong sự “đồng phận” với dân. Trích đoạn hôm nay đề cập đến cái chết của ông: một cái chết cô đơn, không ai bên cạnh. Đây là một cái chết gây “sốc” cho chúng ta. Nhưng đó là cái chết của người đã chu toàn sứ vụ được trao, nên giống như anh em dân tộc mình là “bỏ thây trong sa mạc”. Ông đã cùng đi, cùng sống với dân, và giờ đây ông chết như họ. Đây là nét đẹp của chữ “cùng”.

Nhưng có một nét đẹp nhất của chữ “cùng” tạo nên những nét đẹp của đời sống ông Mô-sê, đó là chữ “cùng” với Thiên Chúa. Ông đã sống thân tình với Thiên Chúa như “hai người bạn”. Thiên Chúa đã cùng đi với ông và ông cùng đi với Thiên Chúa trong suốt hành trình cuộc sống của ông, của dân và của sứ vụ. Ông “cùng” với Thiên Chúa trong những gì đẹp nhất, đặc biệt nhất, mà trích đoạn sách Đệ Nhị Luật mô tả ngắn gọn: “Trong Ít-ra-en, không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Mô-sê, Người mà Đức Chúa biết rõ, mặt giáp mặt”. Nơi ông có Thiên Chúa của ông. Nơi Thiên Chúa của ông có ông. Ông và Thiên Chúa của ông luôn “CÙNG”, trong sự đối diện thân thương nhất, thân tình nhất.

Lời Chúa hôm nay mở cho chúng ta nhìn ra một vài NÉT ĐẸP CỦA CHỮ CÙNG. Ước gì chúng ta, ngày lại ngày, khám phá thêm những nét đẹp khác – còn rất nhiều – trong Lời Chúa, trong cuốn sách thiên nhiên và nhất là trong tương giao huynh đệ; để hành trình chúng ta cùng bước đi trong trần gian này cấu thành một tiến trình tốt đẹp hướng về Nhà Cha Trên Trời.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 15/9, Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (Ga 19,25-27) – Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo

Ngày 15/9, Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (Ga 19,25-27) - Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chuyện kể rằng: “Một...

Ngày 22/8, Đức Maria Trinh Nữ Vương: Lc 1,26-38

Ngày 22/8, Đức Maria Trinh Nữ Vương: Lc 1,26-38 Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Trong một thị kiến Đức Mẹ nói với thánh nữ Fautina rằng:...

Thứ 6, Tuần XVIII TN, B, Mt 16,24-28: Điều kiện và kết quả

ĐIỀU KIỆN VÀ KẾT QUẢ (Mt 16,24-28) M. Nguyên Sỹ, Thiên Phước Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đặt điều kiện với những ai muốn làm...

Ngày 8/8, Thánh Đa Minh, linh mục, Mt 16,13-23: Nói với Chúa – Nói về Chúa

Ngày 8/8, Thánh Đa Minh, linh mục, Mt 16,13-23 Nói Với Chúa - Nói Về Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Các Lời nguyện trong Giờ Kinh...

Thứ Bảy Tuần XVII Thường niên, Mt 14,1-12: Làm chứng cho Chúa giữa đời thường

Thứ Bảy Tuần XVII Thường niên, Mt 14,1-12 Làm Chứng Cho Chúa Giữa Đời Thường Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ông Gioan nói với vua Herode: “Ngài...

Thứ Tư Tuần XVII, Thường niên, Mt 13,44-46: Đi tìm “kho báu”

Thứ Tư Tuần XVII, Thường niên, Mt 13,44-46 Đi tìm “kho báu” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ấy bán tất cả những gì mình có mà...

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...