Thứ Bảy, 5 Tháng 4, 2025

Ngày 20-08: Lễ thánh Bê-na-đô: “MUỐI CHO ĐỜI” (Hiền Lâm)

 
Ngày 20-08: LỄ THÁNH BÊ-NA-ĐÔ
(lễ trọng trong dòng Xi-tô)
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5,13-19
“Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”.
 
II. SUY NIỆM
“MUỐI CHO ĐỜI”
Vai trò của mọi Kitô hữu hôm nay là giữ cho xã hội khỏi suy thoái, đồng thời giúp cho xã hội được thăng tiến. Lời Chúa hôm nay là một lời mời gọi các Kitô hữu làm chứng cho Tin Mừng trong cuộc sống, như ánh sáng soi thế giới và như muối ướp cho đời.
 
1. Anh em là muối cho đời.
Muối được kể là một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống con người. Muối vừa làm phân bón cho đất đai màu mỡ, vừa làm gia vị cho các món ăn thêm thơm ngon đậm đà, vừa bảo quản thực phẩm cho khỏi hư thối.
Khi Chúa Giêsu định nghĩa: “Anh em là muối cho đời”, Người muốn Kitô hữu chúng ta gắn liền với cuộc đời và hòa mình với mọi người, như muối thấm vào thức ăn và giữ cho nó khỏi hư và thêm đậm đà. Nghĩa là giữ cho xã hội khỏi bị suy thoái và làm cho cuộc sống thêm hương vị và ý nghĩa nhờ đời sống đạo đức.
Khi muối dùng để ướp thực phẩm thì muối phải chịu tan biến đi, thì Kitô hữu khi dấn thân làm chứng cho Chúa cũng biết chấp nhận hoà tan, biến mình đi trong chất mặn vị kỷ, để hiến dâng cho đời hương vị thơm ngon, mặn nồng của quảng đại và vị tha.
Thế nhưng, Chúa Giêsu cũng lưu ý: “Nếu muối đã nhạt thì chỉ có vứt bỏ đi và để cho người ta chà đạp”. Thật vậy, vị mặn là yếu tố quan trọng và là bản chất của muối, nên nếu muối ra nhạt thì chẳng đáng gọi là muối, vì chẳng ướp được gì nữa. Cũng vậy, khi đánh mất bản chất Kitô hữu của mình thì đời sống đạo chỉ là vô ích và trở nên phản chứng cho người ta xúc phạm danh Chúa và đạo thánh Người.
 
2. Anh em là ánh sáng cho trần gian.
“Thiên Chúa mới là Ánh Sáng” (1Ga 1,5) và chỉ có Chúa Giêsu mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8,12). Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ là Kitô hữu chúng ta trở thành ánh sáng cho thế gian. Vì thế, muốn trở thành ánh sáng như Chúa Giêsu, chúng ta phải ở gần Người và kết hiệp với Người, bởi “gần đèn thì ta được toả sáng”. Chúng ta trở thành ánh sáng cho thế gian khi phản chiếu vinh quang Chúa bằng đời sống chứng nhân.
“Thà thắp lên một ngọn nến hơn là cứ ngồi đó mà than khóc bóng tối”. Chúng ta ngồi than trách thế giới hôm nay tuy tiến bộ về khoa học kỹ thuật lại là một thế giới nhạt nhẽo, mất ý nghĩa, một thế giới tối tăm và vẩn đục xấu xa tội lỗi, nhưng chúng ta lại không dám dấn thân thì thật là vô ích. Chúng ta hay phàn nàn về sự xuống cấp và suy đồi đạo lý, nhưng người Kitô hữu ít khi nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trước thực trạng đó. Thế giới chìm trong bóng đêm tội lỗi đang rất cần những tia sáng để giảm bớt và xua tan. Ánh sáng có sức mạnh hơn bóng tối – một cây nến nhỏ được thắp lên cũng đủ làm ánh sáng tràn ngập một căn phòng lớn.
Khi lan toả ánh sáng cho thế gian, người Kitô hữu cũng chấp nhận sự tiêu hao bằng những vất vả hi sinh, tựa như ngọn nến cháy phải chịu tiêu hao để cả căn phòng được sáng. Thật vậy, người Kitô hữu phải mất đi cho chính mình, phải tan biến đi để Ánh Sáng Chúa Kitô được loan toả khắp nơi, khắp mọi nhà và khắp mọi tâm hồn.
 
3. Không ai đốt đèn rồi để xuống đáy thùng.
Không ai đốt đèn mà lại để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên đế để mọi người thấy ánh sáng… Nghĩa là Đức Tin của chúng ta không phải “đạo tại tâm” giấu diếm, mà cần được toả sáng, để mọi người nhìn vào đó mà nhận ra Chúa.
Ánh sáng thì không thiên vị phân biệt ai, tựa như ánh mặt trời lan tỏa khắp nơi, chiếu sáng mọi người và mọi nhà. Cũng vậy, ánh sáng của chúng ta phải “đặt trên đế” – phải ở trên cao, vượt trên mọi danh vọng, tiền tài, lạc thú”.
Vẫn còn nhiều Kitô hữu, có khả năng nhưng lại rụt rè, đặt ngọn đèn đời mình dưới thùng. Nghĩa là họ không dám dấn thân vào đời, vì sợ nguy hiểm, vì thiếu tự tin hoặc vì hiểu sai thế nào là khiêm tốn thực sự.
Niềm tin cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể của một người có đức tin. Khi làm điều gì, người có đức tin vào Chúa sẽ hành động dưới sự hiện diện của Thiên Chúa và lý tưởng đời sau. Còn người không có đức tin thì làm mọi cách kể cả thủ đoạn để đạt được điều trước mắt mà thôi.
 
4. Kiện toàn lề luật.
Bất cứ quốc gia hay tổ chức lớn nhỏ nào trong xã hội loài người đều cần có luật, để giữ kỷ cương phép tắc, giữ trật tự an ninh và đảm bảo sự công bằng xã hội. Chúa Giêsu cũng khẳng định Người đến không phải để phá bỏ lề luật mà là để kiện toàn Lề Luật và lời các Ngôn Sứ.
Việc kiện toàn ít nhất mang những ý nghĩa sau:
Đối với Do Thái, lề luật và ngôn sứ liên kết với nhau, nên việc kiện toàn của Chúa Giêsu có nghĩa là Người thực hiện và đưa đến mức độ viên mãn những gì Thiên Chúa hứa trong Sách Thánh. Người là điểm đến và ứng nghiệm những gì chép trong Cựu Ước. Luật không bị mất hiệu lực một chấm một phẩy nào, nhưng đạt tới sự viên mãn nơi Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô.
Chúa Giêsu không phá bỏ lề luật cũ, nhưng“gạn đục hơi trong”, thích nghi với thời đại của Đấng Messia, đặt tiêu chuẩn đức ái và sự sống trên những bó buộc giết chết.
Muốn huấn luyện việc ý thức nơi trái tim chứ không phải giữ luật chỉ vì sợ bị phạt. Từ nay trong Chúa Giêsu, luật được tuân giữ với tinh thần tự do và yêu mến Chúa, chứ không phải là một sự bó buộc phải làm hay phải giữ.
Từ nay luật mang lấy một diện mạo mới là luật vì sự sống con người chứ không phải kềm hãm con người theo mặt chữ.
Cuối cùng, vì luật cũ được khắc trên bia đá nên cứng ngắc và giết chết, còn luật Tin Mừng được khắc trên tâm hồn nên uyển chuyển và đầy sức sống.
Như vậy, kiện toàn lề luật mà Chúa Giêsu dạy không bãi bỏ luật nhưng mặc cho luật một tinh thần mới, nghĩa là vượt qua sự giữ luật cách tiêu cực để thi hành cách tích cực trong Chúa Kitô:
• Giữ luật không vì sự bó buộc phải làm mà là với cả sự tự do muốn làm vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân,
• Biến luật từ việc kìm hãm bản thân thành sự thanh thoát thánh hoá bản thân,
• Giữ luật không dừng lại ở sự thể hiện ở ngoài mà là cả một tâm hồn ngay thẳng và trong sạch.
 
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng, cuộc sống chúng con phải tỏa sáng qua bao điều tốt đẹp chúng con làm vì Chúa, để mọi người nhận ra Chúa là Nguồn Ánh Sáng mà bước theo hầu vượt ra khỏi bóng đêm tội lỗi. Xin cho chúng con dám dấn thân vì Tin mừng của Chúa, chấp nhận tiêu hao mà tan biến đi, để như men muối chúng con ướp mặn thế giới trong tình thương Danh Chúa được mọi đời tôn vinh. Amen.
 
Hiền Lâm.
 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Con đường: Suy niệm Chúa Nhật V Mùa Chay – C

Chúa nhật 5 mùa chay C CON ĐƯỜNG Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11 Án Khảm Muốn tiến tới phải ra đi. Muốn đi phải có đường. Không...

Chúa Nhật IV Mùa Chay: Điều kiện để trở về

Điều kiện để trở về Lc 15,1-3.11-32 M. Bosco Hùng      Sám hối trở về là hành động cần được thực hiện, đặc biệt trong mùa...

Chúa Nhật IV Mùa Chay, Lc 15,1-3.11-32, C: Ăn nói lên đẳng cấp

    Chúa Nhật IV Mùa Chay, Năm C  ĂN NÓI LÊN ĐẲNG CẤP  (Gs 5,9a.10-12; 2Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32) Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt Lời Chúa hôm nay...

Ngày 25/3, Lễ Truyền Tin (Lc 1,26-38) Xin Mẹ dạy con hai tiếng “Xin Vâng”

Ngày 25/3, Lễ Truyền Tin (Lc 1,26-38) Xin Mẹ Dạy Con Hai Tiếng “Xin Vâng” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy mỗi...

Lễ Truyền Tin 25/03, Lc 1,26-38: Xin vâng

  XIN VÂNG (Is 7,10-14; 8,10; Hr 10,4-10; Lc 1,26-38)   Trường Kha, Phước Lý Trong cuộc sống của con người luôn có những biến cố xảy ra, những...

Lễ Truyền Tin: Xin vâng trong niềm tín thác

    XIN VÂNG TRONG NIỀM TÍN THÁC  (Lc 1,26-28) M. Catherine Labouré, Phước Thiên “…Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi...

Chúa nhật III, Mùa chay, Năm C (Lc 13,1-9): Hồng ân sám hối

Chúa nhật III, Mùa chay, Năm C (Lc 13,1-9) Hồng Ân Sám Hối Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Có một thực tế chúng ta cần nhìn nhận...

Chúa Nhật III Mùa Chay, C, Lc 13,1-9: Sám hối trở về với Chúa

    SÁM HỐI TRỞ VỀ VỚI CHÚA (Lc 13,1-9) M. Phêrô Bình, Phước Lý Trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi: “Hãy sám hối và tin...

Chúa nhật III Mùa Chay – C: Hãy thật lòng trở về với Chúa

  Chúa nhật III Mùa Chay - C HÃY THẬT LÒNG TRỞ VỀ VỚI CHÚA M. Gioan Bosco Thật, Phước Hải Chúa Nhật II Mùa Chay vừa qua, Đức Giêsu...