Ngày 20/8, Lễ thánh Bênađo viện phụ
Bênađô người đan sĩ Xitô
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Có lẽ dưới nhãn quan của một số người, thì dòng Xitô xem ra kém cỏi chẳng giúp ích gì nhiều cho Giáo hội và xã hội. Nhưng có thật như vậy chăng? Thực tế lịch sử cho thấy dòng Xitô đã để lại nhiều thành tựu trên nhiều lãnh vực như khoa học, kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, ngoại giao… Dòng Xitô có nhiều đan sĩ làm thánh giáo hoàng, giám mục, tiến sĩ lỗi lạc, trong đó phải kể đến thánh Bênađo mà Giáo Hội kính nhớ.
Vậy, Bênađo là ai? Thưa, Bênađo là đan sĩ Xitô. Bênađo được sinh ra năm 1090, tại Pháp, trong một gia đình quý tộc danh giá, giàu sang. Lớn lên Bênađo đã toàn tâm phụng sự Thiên Chúa trong nếp sống Đan tu Xitô.
Bênađo đã có những đóng góp vô cùng lớn lao cho Giáo hội. những danh hiệu gắn liền với ngài là: Tiến sĩ chảy mật, cây đàn của Đức Trinh Nữ Maria, người cố vấn cho các giáo hoàng, tuyên uý đạo quân Thập Tự Chinh (lần II), người bảo vệ đức tin, người hàn gắn sự ly giáo, học giả Kinh Thánh, thần học gia, hùng biện gia, người canh tân đời sống đan viện… Như chúng ta biết vào khoảng đầu thế kỷ XII, giữa lúc dòng Xitô bên vực suy tàn, thì chàng Bênađô tròn 20 tuổi tìm đến, lôi cuốn thêm 30 người nữa, gồm cả anh ruột, chú ruột và thân phụ vào dòng, làm cho Xitô được hồi sinh.
Thánh Benado đã thiết lập nhiều đan viện. Trong đó, đan viện Xitô Kơlevô- thung lũng sáng có thời được coi như quan trọng hơn cả giáo đô Roma. Bởi vì, từ Đức Giáo hoàng, các giám mục cho đến các vua chúa, quận công, bá tước, sứ thần tòa thánh, cùng những nhân vật tai to mặt lớn đều tuốn đến đan viện này để xin Benado chỉ giáo, hoặc liên hệ qua thư từ để lãnh ý khôn ngoan của ngài.
Bên cạnh đó, Thánh Bênađo có nhiều đóng góp phát triển xã hội. Thói đời, người ta thường nhân danh công lý để lạm quyền dùng binh đao kiếm pháp để mà bành trướng thế lực. Nhưng Bênađo thì không như vậy. Ngài làm việc âm thầm nơi bàn giấy, dùng ngòi bút viết thư gửi đi khắp nơi. Nhờ những lá thư ấy với lời lẽ khôn ngoan hòa nhã đã giải hòa được các vua chúa quận công bá tước đang đánh nhau tranh dành quyền lực và lãnh thổ, nhờ vậy mà xã hội được bình an. Cho nên thánh Bênađo được mệnh danh là “người của thế kỷ XII”.
Do đâu mà thánh Benađo có được sự khôn ngoan tuyệt vời và niềm an vui tột đỉnh như vậy? Thưa, nhờ thánh nhân đã tha thiết gắn bó với Đức Khôn Ngoan như bài đọc trích sách Khôn Ngoan diễn tả: “Tôi nguyện xin và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu và Thần Khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi”. Đức Khôn Ngoan ấy thánh nhân đã tìm thấy nơi thập giá Đức Giêsu Kitô, sự khôn ngoan mà thế gian cho là điên dại, thì thánh nhân quyết định dấn thân, từ bỏ danh thế dòng dõi quý tộc, để đi vào nơi thanh vắng tĩnh mịch, sống một cuộc đời âm thầm khổ hạnh, chiến đấu với ý riêng và dục vọng; có lần ngài phải trầm mình vào hồ nước lạnh giữa trời đông mới lấy lại được sự thanh tịnh trong tâm hồn. Thánh nhân đã chấp nhận mất tất cả vì Nước Trời nên đã chiếm được Nước Trời làm gia nghiệp.
Thánh nhân đã nỗ lực một đời để sống theo những lời Chúa dạy nên đã trở nên muối cho đời, nên ánh sáng cho trần gian ngang qua cuộc sống đan tu khiêm hạ của mình làm vẻ vang cho Giáo hội và hữu ích cho xã hội.
Ước chi, nhờ lời cầu nguyện và gương lành của Thánh Bênađo Người Đan Sĩ Xitô hối thúc tất cả chúng ta cũng biết chọn sự Khôn Ngoan nơi thánh giá Chúa Giêsu Kitô trước thế giới ồn ào, bom chen, hào nhoáng này để chiếm được Đức Kitô nguồn giàu sang phú quý, nguồn khôn ngoan tuyệt đỉnh, nguồn bình an vô tận làm gia nghiệp; bây giờ và mãi mãi.