Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18
Tôi đi tìm Đấng tôi yêu
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã ký Văn kiện nâng lễ nhớ Thánh nữ Maria Madalena lên bậc lễ kính trong toàn Giáo hội. Tại sao lại có sự thay đổi này? Đức Tổng Giám mục Arthur Roche, thư ký của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, cho biết quyết định này mang ý nghĩa “phản ánh sâu sắc hơn về phẩm giá của nữ giới trong việc loan báo Tin Mừng và trong mầu nhiệm bao la của lòng Chúa xót thương.” Bốn sách Tin Mừng đều ghi nhận thánh nữ Maria Madalena là nhân chứng đầu tiên gặp Đấng phục sinh, và chính thánh nữ đã loan báo Tin Mừng này cho các Tông Đồ được biết. Thế nên, Thánh Toma Aquino gọi Thánh nữ Maria Madalena là “Tông đồ của các Tông Đồ” (Apostolorum Apostola). Bởi vậy, thật là chính đáng để nâng lễ thánh Maria Magdalena lên bậc lễ kính ngang hàng với lễ kính các Thánh Tông đồ.
Thánh nữ Maria thành Magdalena là người được gọi đầu tiên trong số các phụ nữ, bà được Chúa Giêsu chữa bệnh, đi theo và phục vụ Chúa trên hành trình rao giảng Tin Mừng (x. Lc 8,2). Maria Magdalena đã đứng dưới chân Thánh Giá của Chúa Giêsu (x. Mc 15,40-41). Bà hiện diện nơi cuộc táng xác Chúa (x. Mc 15,47) và vào buổi sáng phục Sinh, bà cùng mấy phụ nữ đã đi ra mồ Chúa (x. Mc 16,1-8). Chính bà là người đầu tiên được Chúa Phục Sinh hiện ra và sai đi báo cho các Tông Đồ tin mừng Phục Sinh (x. Mc 16,9 ; Ga 20,11-18).
Bài Tin Mừng được công bố trong thánh lễ kính thánh Maria Magdalena, trích Tin Mừng theo thánh Gioan, ghi lại việc Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra với Maria Madalena.
Maria Magdalena ra mộ Chúa ngay từ “sáng sớm khi trời còn tối”. Có lẽ vì trời còn tối nên bà chưa nhận thấy sự gọn gàng bên trong mộ. Mặt khác, bóng tối của đức tin khiến cho bà chỉ thấy tảng đá lấp cửa mộ đã bị lăn sang một bên. Bà lập tức chạy về báo cho ông Phêrô và Gioan với một tâm trạng thật buồn thảm: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Maria Magdalena thực sự đau buồn, thực sự sốc trước ngôi mộ người mình thương mến đã bị thay đổi. Đau khổ đã làm Maria Magdalena quên mất lời Chúa loan báo về cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Nhưng dù đang rất đau khổ nhưng bà vẫn một niềm hy vọng sẽ gặp Chúa. Cho nên một lần nữa bà lại chạy ra mộ Chúa. Rồi khi các tông đồ đã đi về thì bà vẫn ở bên mộ mà khóc. Bà vẫn kiên trì tìm Chúa giữa tiếng khóc than đau buồn. Nỗi đau khổ của bà quá lớn, đến nỗi ngay cả khi Chúa đứng ngay bên cạnh và hỏi han mà bà không biết. Hình ảnh đó nói lên rằng đối với Maria Magdalena: Chúa là tất cả, không có Chúa tất cả mọi sự chỉ là vô nghĩa, chỉ còn buồn thảm thất vọng ê chề.
Với một tâm hồn khắc khoải kiên trì kiếm tìm Chúa cuối cùng Maria Magdalena đã gặp được Ngài. Từ tột cùng nỗi đớn đau của mình, bà đã được Chúa phục sinh thức tỉnh với một giọng nói ngọt ngào: Maria. Tiếng gọi thân thương của Chúa làm cho bà vỡ òa niềm vui; một niềm vui khôn sánh. Niềm vui Tin Mừng khiến bà reo lên sung sướng: “Lạy Thầy!”. Không những thế, Maria Magdalena lại được Chúa sai đi loan Tin Mừng cho các Tông đồ. Vâng lệnh Chúa, ngay lập tức bà loan Tin Mừng ấy cho các Tông đồ. Và các Tông đồ tiếp tục loan Tin Mừng đến tận cùng trái đất; trong đó có mỗi người chúng ta hôm nay.
Hành trình đức tin của Maria Magdalena có thể nói tóm gọn như thế này: Maria Magdalena đang phải đau khổ thể xác tâm hồn- bà đã tìm đến tin theo và phục vụ Chúa. Bà đã trung thành với Chúa trong mọi nỗi gian nan- bà đã gặp được Tin Mừng, bà hân hoan chia sẻ Tin Mừng cho các Tông đồ.
Cũng như Maria Magdalena, Chúa mời gọi chúng ta quảng đại dâng hiến vật chất tinh thần cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Hơn nữa Chúa trao cho chúng ta niềm vinh hạnh đem Tin Mừng cứu rỗi cho người khác, ngang qua cuộc sống của chúng ta. Chớ gì chúng ta cũng biết nhiệt tình yêu mến, kiên trì tìm kiếm Chúa trong mọi hoàn cảnh vui buồn thường ngày. Xin cho chúng ta xác tín rằng Chúa đang ở bên chúng ta và đang âu yếm gọi tên chúng ta giữa đêm tối cuộc đời này, nhờ đó mà được luôn sống an vui. Amen