Thứ tư, 6 Tháng mười một, 2024

NHẬN XÉT – TUẦN XXIX-thứ Sáu – VP Duyên Thập Tự

TN-203-TUẦN XXIX-thứ Sáu

NHẬN XÉT
(Rm 7, 18-25a / Lc 12,54-59)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su trách những người đương thời về vấn đề nhận xét: họ biết nhận xét về những hiện tượng thiên nhiên, nhưng lại không biết nhận xét về thời đại mình đang sống. Nhận xét là cho ý kiến về một người nào hay một việc nào. Muốn cho ý kiến, trước hết phải biết. Biết có thể do học hỏi, tư duy hay kinh nghiệm. Nhận xét về những hiện tượng thiên nhiên cần thiết trong mối liên quan đến cuộc sống thể lý hay kinh tế, như người ta theo dõi dự báo thời tiết để làm việc này hay tránh việc kia. Nó thuộc phạm vi bên ngoài. Còn biết đến thời đại, nghĩa là qua những dấu chỉ thời đại – thời điềm – người ta nhận ra những gì rất quan trọng liên hệ đến ý nghĩa và vận mạng, thí dụ như phần rỗi linh hồn hay ơn cứu độ.
Như vậy, nhận xét luôn là một hoạt động cần thiết, quan trọng, không những cho bản thân và còn cho tha nhân. Hai bài Lời Chúa hôm nay dẫn chúng ta tới sự nhận xét do kinh nghiệm, để từ những dấu chỉ bên ngoài, chúng ta khám phá ra điều gì liên hệ mật thiết đến vận mệnh của chúng ta.

1. NHẬN XÉT CỦA THÁNH PHAO-LÔ VỚI KINH NGHIỆM BẢN THÂN
Trong bài đọc một, trích thư Rô-ma chương 7 từ câu 18 đến 25a, thánh Phao-lô nhận xét về cuộc sống của ngài – hay đúng hơn cuộc sống con người – dưới hình ảnh của một cuộc chiến nội tâm giữa thiện và ác, giữa điều muốn mà không làm, giữa điều không muốn mà cứ làm: “Muốn điều thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không…nhưng điều ác tôi không muốn thì tôi cứ làm.” Tại sao lại xảy ra như vậy? Thánh nhân nhận diện nguyên nhân của sự kiện này, đó là tội “tội vẫn ở trong tôi”. Như vậy, tội là một sức mạnh, nó hoạt động trong tâm hồn và ảnh hưởng trên mọi quan năng tinh thần cũng như thể lý. Nhưng tội từ đâu mà đến?
Thánh Phao-lô, trong chương 5, đã nói đến nguyên nhân của sự hiện diện của tội: đó là nguyên tội “vì một người duy nhất, mà tội đã xâm nhập trần gian…mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Đây không chỉ là một đạo lý mà còn là một kinh nghiệm, kinh nghiệm đớn đau, mà ai cũng cảm nghiệm rất rõ ràng. Tội lỗi hoạt động trong và giữa con người. Bao nhiêu tội ác về mọi phương diện là diễn tả bên ngoài của nguyên lý tội lỗi bên trong.
Chúng ta phải có can đảm nhận xét như thánh Phao-lô: tội lỗi ở trong chúng ta và hoạt động nơi chúng ta. Chính nhận xét này giúp chúng ta thẩm định con người của mình, để tránh ảo tưởng ru ngủ. Thánh Phao-lô, sau khi nhận xét những gì xảy ra nơi chính bản thân, đã kêu lên: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” Đây là một tiếng kêu cứu phát xuất từ “tấm lòng tan nát khiêm cung”, khi đối diện với những bóng tối của bản thân. Nhưng tiếng kêu cứu đó đã gặp được Đấng Cứu Độ. Thánh nhân trả lời ngay: “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!”. Đây là nhận xét lớn hơn nhận xét trên kia. Nhận xét về Chúa Giê-su lớn hơn nhận xét về chính mình. Nhưng để có thể nhận xét về Chúa Giê-su Ki-tô, trước tiên chúng ta cần nhận xét về bản thân. Nhận biết chính mình là con đường nhận biết Chúa Giê-su Ki-tô.
Điều này thật quan trọng, vì đó là con đường của sự giải thoát: con đường của sự thật. Sự thật bản thân và sự thật của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhận ra mình tội lỗi để đến với Đấng xoá bỏ tội lỗi, tha thứ tội khiên. Người thu thuế cầu xin:”Xin thương xót con là kẻ tội lỗi”, và anh trở về với ơn công chính, với ơn tha thứ. Tất cả các thánh nhân đều đã trải qua nhận xét bản thân tội lỗi để rồi chạy vào lòng Chúa xót thương. Như vậy, nhận xét về bản thân và cuộc sống thật quan trọng. Hãy khám phá ra những dấu chỉ của con người chúng ta, để khám phá ra cái gì đang điều hướng mình, và nhất là đến với Đấng là tất cả ý nghĩa cuộc đời chúng ta.

2. NHẬN XÉT CỦA CHÚA GIÊ-SU VỀ THỜI ĐẠI CỦA NGÀI
Trong trích đoạn Tin Mừng, Chúa trách những người không biết nhận xét về thời đại mình đang sống. Nghĩa là họ không quan sát xem có ai đó, có điều gì đó “lạ” xuất hiện, để quan tâm và nhận ra sứ điệp nào đó cho cuộc sống của họ.
Một nét khá rõ của những người thời đại của Chúa, đó là họ đi kiếm tìm những gì khá viễn vông, bằng cách xin dấu lạ trên trời hay dưới lòng đất. Họ không dừng lại nơi chính cuộc sống này, “nơi đây lúc này” để khám phá ra “dấu lạ” thật sự đang hiện diện trước mặt họ, ngay bên cạnh họ. Chúa đã nhận xét về vấn đề này: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu là ông Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy” (Lc 11,29-30). Rồi Chúa kết luận: “mà đây còn hơn ông Giô-na nữa” (c.32).
Khi Chúa trách những người đương thời không biết nhận xét về thời đại, là Chúa muốn nói rằng họ không quan tâm đến chính Chúa, đến lời và hành động của Người. Thời đại đây là thời đại Đấng Mê-si-a, thời của Đấng Cứu Thế. Họ không biết nhận xét những gì xảy ra nơi Chúa và từ Chúa, để thẩm định tầm quan trọng của bản thân Chúa và nhờ đó đời sống họ được biến đổi. Họ như người có kinh nghiệm về hiện tượng thiên nhiên để đưa ra dự đoán thời tiết, nhưng lại chẳng nuôi mình bằng kinh nghiệm về Con Người vì nơi Người biết bao hiện tượng “lạ” xảy ra. Họ hình như non yếu quá trong tâm hồn, họ không trưởng thành trong lối nhận xét: họ như những đứa trẻ lêu lỏng ngoài chợ (x.Lc 7,31-32). Tiếc cho những người đương thời với Chúa, họ hụt mất cơ hội duy nhất để nhận ra Đấng Cứu Độ đã sinh ra và sống nơi và với họ!
Nhưng nói về người ta, cũng là dịp suy nghĩ về bản thân chúng ta. Chúng ta là những Ki-tô hữu và đã biết nhận xét với tư cách Ki-tô hữu không?

3. CHÚNG TA LÀ NHỮNG KI-TÔ HỮU TRƯỞNG THÀNH?
Thánh Phao-lô, với giọng mạnh mẽ, đã trách những Ki-tô hữu Ga-lát: “Hỡi những người Ga-lát ngu xuẩn, ai đã mê hoặc anh em là người đã được thấy hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bày ra trước mắt?” (Gl 3,1). Còn thánh Gio-an đã khuyên: “Anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không” (1Ga 4,1). Những lời khuyên nhủ đó có mục đích kêu gọi các Ki-tô hữu hãy biết nhận xét, và nhận xét với tư cách một Ki-tô hữu trưởng thành.
Vậy, chúng ta đừng để mình bị trôi dạt với mọi chiều hướng đạo lý. Trái lại, chúng ta nghe theo lời khuyên nhủ của thánh Phao-lô: “Anh em đã nhận Đức Ki-tô Giê-su là Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Ki-tô… Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố vũ trụ chứ không theo Đức Ki-tô” (Cl 2,6-8).
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trở nên những “người lớn”, trưởng thành, nghĩa là biết nhận xét, để qua các dấu chỉ bên ngoài, khám phá nội tâm của bản thân, mà còn hơn nữa, chính Chúa Giê-su Ki-tô là sự sống của chúng ta. Đồng thời, khi nhận ra những dấu chỉ thời đại, chúng ta mang đến cho thời đại mình món qùa quý nhất là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu độ toàn thể nhân loại.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ 5 Tuần XXXI Thường Niên – Lc 15,1-10 Chúa nhân từ xót thương

 CHÚA NHÂN TỪ XÓT THƯƠNG Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Đức Giêsu được quần chúng hết sức kính trọng và...

Thứ 4 Tuần XXXI  Thường Niên  (Pl 2,12-18; Lc 14,25-33) Điều kiện làm môn đệ Chúa

ĐIỀU KIỆN LÀM MÔN ĐỆ CHÚA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Hôm đó có rất nhiều người đi đường với...

Thứ 3 Tuần XXXI – Thường Niên (Pl 2,5-11; Lc 14,15-24) Khách dự tiệc

  KHÁCH DỰ TIỆC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Vẫn là câu chuyện ‘bàn ăn’ mà chúng ta được Thánh sử Luca tường...

Ngày 02/11: Cầu cho các Tín hữu đã qua đời  (G 19,1.23-27; Ga 6,37-40) Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại

    Ngày 02/11: Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời  (G 19,1.23-27; Ga 6,37-40) TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI NGÀY SAU SỐNG LẠI Lm. Gioan Lasan...

Ngày 02/11: Cầu cho các Tín hữu đã qua đời – Người đi kẻ ở nhớ thương nhau

    Ngày 02/11: Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời NGƯỜI ĐI KẺ Ở NHỚ THƯƠNG NHAU Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hằng năm cứ...

2 Tháng Mười Một, Is 25,6a.7-9; Rm 8,14-23; Lc 23,33.39-43 Lời cầu đơn thành khiêm tốn

2 Tháng Mười Một, LỄ 2: CẦU CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN  LỜI CẦU ĐƠN THÀNH KHIÊM TỐN Is 25,6a.7-9; Rm 8,14-23; Lc 23,33.39-43 Lm...

Thứ 5 Tuần XXX  Thường Niên – Lc 13,31-35 Sứ vụ Đức Giêsu sắp hoàn tất tại Giêrusalem

SỨ VỤ ĐỨC GIÊSU SẮP HOÀN TẤT TẠI GIÊRUSALEM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Bài Tin Mừng hôm nay, thánh...

Thứ 3 Tuần XXX Thường Niên – Lc 13,18-21 Dụ ngôn Nước Thiên Chúa

DỤ NGÔN NƯỚC THIÊN CHÚA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Qua bài Tin Mừng hôm nay thánh Luca ghi lại...

Thứ 7 Tuần XXIX Thường Niên – Lc 13,1-9 Hãy kíp hối cải

HÃY KÍP HỐI CẢI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Với bài Tin Mừng hôm qua chúng ta đã cùng nhau suy niệm...

Thứ 6 Tuần XXIX Thường Niên – Lc 12,54-59 Dấu chỉ thời đại

DẤU CHỈ THỜI ĐẠI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Với đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Luca tường thuật Đức Giêsu giáo...

Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên (Lc 12, 49-53) Lửa mến yêu

Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên (Lc 12, 49-53) Lửa Mến Yêu Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến...

Thứ 5 Tuần XXIX Thường Niên – Lc 12,49-53 Lửa bình an

  LỬA BÌNH AN Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Xuyên qua các đoạn Tin Mừng chúng ta đã có dịp cùng nhau đọc...