Nhìn lại 3 tuần lễ hoạt động của Thượng HĐGM về miền Amazzonia, người ta thấy có sự đồng thuận lớn về những lập trường bênh vực các thổ dân miền này chống lại những chính sách xâm lược lãnh thổ, bóc lột, đàn áp, chiếm hữu bất hợp pháp.
Những đề nghị không được đồng thuận
Tuy nhiên, về những đề nghị mục vụ như truyền chức LM cho những người nam chín chắn có gia đình, gọi là viri probati, không đạt được sự đồng nhất. Ngoài ra, sự thăng tiến phụ nữ, thiết lập các thừa tác vụ dành cho phụ nữ cũng được sự ủng hộ của đa số, nhưng vấn đề truyền chức phó tế như thánh chức cho phụ nữ thì không được sự đồng thuận. Trong số 180 nghị phụ bỏ phiếu, có 137 đồng ý và 30 vị chống đề nghị truyền chức phó tế vĩnh viễn cho phụ nữ. 128 vị ủng hộ việc truyền chức LM cho những người có gia đình và 41 vị chống. 140 vị đồng ý việc lập Ủy ban nghiên cứu lập nghi lễ phục vụ miền Amazzonia và 29 vị chống.
Sự kiện gây ồn ào nơi dư luận
Trong dịp Thượng HĐGM về miền Amazzonia, cũng xảy ra một vụ được dư luận báo chí nói đến nhiều, đó là vụ những pho tượng bằng gỗ diễn tả một phụ nữ thổ dân hầu như không có quần áo, đang mang thai. Người thì bảo đó là Pachamama, nữ thần Mẹ Đất của thổ dân, người thì bảo những tượng đó chỉ tượng trưng sự sống, sự sinh sản.. Dầu sao sự kiện trong một lễ nghi thổ dân ở Vườn Vatican trưa ngày 4-10, trước sự hiện diện của ĐTC và một số GM, chức sắc, có những tín hữu thổ dân phủ phục trước những pho tượng đó, đã gây xốc nơi nhiều tín hữu, nhất là khi cảnh tượng này được truyền đi qua các phương tiện truyền thông trên thế giới. Cũng vậy khi tượng ấy được rước đi trong buổi đi đàng thánh giá của các nghị phụ và trong thánh lễ khai mạc Thượng HĐGM. Sau cùng, những tượng đó được trưng bày trước bàn thờ trong nhà thờ ”Đức Mẹ Maria bên kia cầu”, gần Vatican, và sáng chúa nhật 20-10-2019, có 2 người đã lẻn vào lấy trộm 4 tượng và quẳng xuống sông Tevere gần đó. Bộ trưởng Truyền thông của Tòa Thánh, ông Paolo Ruffini và một số vị khác lên án việc làm ấy và gọi đó là hành động thiếu đối thoại, kỳ thị chủng tộc và bất bao dung. ĐTC cũng lên án và đã xin lỗi về vụ này trong tư cách là GM Roma.
Một phản ứng từ xa
Nhưng cũng có những phản ứng từ xa, như một thư của một giáo dân từ miền nam Philippines gửi về Roma, đăng trên một mạng xã hội, với nội dung như sau:
”Những gợi ý về nghi thức từ miền Amazzonia và những pho tượng bằng gỗ diễn tả các phụ nữ mang thai có thể làm cho các nghị phụ và những vị chung quanh phấn khởi, nhưng gây khó khăn cho các tín hữu Công Giáo ở miền nam bán cầu. Vì trong các khu nhà ở ngoại ô thế giới dân chúng xem youtube và trải qua nhiều giờ xem facebook, và những pho tượng ấy có một ý nghĩa làm cho cuộc sống của các giáo lý viên và các thừa sai trở nên khó khăn phức tạp rất nhiều, đứng trước tình trạng số các tín hữu Công Giáo ngày càng liên tục giảm sút.
Đó là kinh nghiệm của bất kỳ ai thực hiện vài cuộc du hành truyền giáo ngoài Âu Châu, kinh nghiệm đứng trước những giáo phái tin lành hiếu chiến hoặc những giáo phái chủ trương sắp tận thế, họ dành phần lớn thời gian để tấn công Giáo Hội Công Giáo và lôi kéo các tín hữu ra khỏi Giáo Hội. Một trong những lý luận chủ yếu của họ là: ”Những người Công Giáo tôn thờ các ngẫu tượng”. “Người Công Giáo tôn thờ ma quỉ”, vì thế họ nói: ”Người Công Giáo không phải là Kitô hữu, vậy quí vị hãy đến với chúng tôi”.
Tôi xin kể một kinh nghiệm của tôi như một tín hữu thường, vì lý do riêng, thường phải lui tới miền cực nam Philippines, miền Mindanao. Vùng này có một số lớn dân là tín đồ Hồi giáo định cư tại đây, rồi có sự bành trướng mạnh mẽ của Tin Lành, khiến người ta dự đoán miền này cũng sẽ có một tương lai có mầu sắc Brazil, nghĩa là dân chúng ngả theo Tin Lành Pentecostal, ngay tại một quốc gia như Philippines, một trong những nước đông Công Giáo nhất thế giới.
Không có đường phố nào, kênh truyền hình hoặc tần số Radio nào mà không có sự hiện diện của các nhà truyền đạo Tin Lành: họ tìm cách chiêu dụ các tín hữu Công Giáo đi theo họ. Mục tiêu đầu tiên của họ là thuyết phục dân chúng tin rằng Giáo Hội Công Giáo là đạo giả. Thứ hai là làm cho các tín đồ ấy nộp thuế thập phân cho giáo phái. Trong bối cảnh đó, những hình ảnh cúi mình thờ lạy các thần ngoại giáo – hoặc những gì có vẻ là thần ngoại giáo – như trong lễ nghi ngày 4 tháng 10 tại vườn Vatican, trước sự hiện diện của ĐGH, đã được truyền đi khắp thế giới. Và tại Mindanao, đặc biệt ở những vùng như Nam Cotabato, nơi mà những người Tin Lành hiện nay chiếm tới 20, 25% dân số, những hình ảnh thờ thần tượng ấy đã giúp đỡ rất nhiều cho các nhà truyền đạo Tin Lành thuộc mọi loại: họ nói: ”coi kìa, những người Công Giáo thờ thần tượng. Đúng như chúng tôi vẫn nói. Như Kinh Thánh đã nói”.
”Hôm nay, tôi nói chuyện mới một thiếu nữ, một nữ giáo lý viên Công Giáo can đảm, cả cô ấy cũng lấy làm gương mù. Tôi thấy trong giọng nói của cô có sự xấu hổ vì không biết bảo vệ đức tin của cô, không biết làm sao giải thích cho các thiếu niên biết rằng, không phải là các tín hữu Công Giáo thờ thần tượng. Nhưng vì tôn trọng, cô không muốn bình luận gì trên Facebook những gì xảy tại Roma, vì nếu cô bắt đầu phê bình điều xảy ra tại Roma thì cô sẽ trở thành người trợ giúp cho Tin Lành. [Cần giải thích cho dân chúng vùng này về những điều tinh tế, về thái độ coi là điều ác trong thực tế không có như vậy. Nếu điều đó xảy ra ở Mindanao, tôi không dám tượng tượng ra phản ứng tại Phi châu hoặc Nam Mỹ.”]
Điều chắc hắn là những hình ảnh ấy, nhìn từ Nam Bán Cầu, thực sự làm đau lòng. Và chúng gây khó khăn cho cuộc sống của những người hằng ngày đã phải đương đầu với nguy cơ bị Hồi giáo khủng bố khi họ đi nhà thờ, và đàng khác phải đối đầu với sự chiêu dụ tín đồ của Tin Lành khi họ đi trên đường phố.
”Tôi hy vọng tại Roma người ta hiểu. Họ tưởng là sẽ chiếm được miền Amazzonia bằng những việc làm như thế, nhưng rồi họ đánh mất phần còn lại của thế giới….”.
Có lẽ vụ ồn ào này có thể tránh được nếu trước đó những người chủ xướng việc mang các pho tượng giải thích rõ hơn cho dư luận về ý nghĩa việc làm này, và giúp dư luận hiểu rõ đó không phải là ”thờ thần tượng”.