Thứ tư, 13 Tháng mười một, 2024

NHỮNG CĂN NHÀ BỪNG SÁNG – THỨ HAI MV T.I – VP DUYÊN THẬP TỰ LÊ VĂN ĐOÀN

MV-02-TUẦN I-thứ hai

NHỮNG CĂN NHÀ BỪNG SÁNG

(Is 2,1-5 / Mt 8,5-11)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

 Chúng ta đã bước vào Mùa Vọng. Đó là thời gian của một mùa phụng vụ với điểm nhấn là nhắc nhở chúng ta về việc chuẩn bị mừng hai biến cố của Chúa Giê-su Ki-tô liên hệ với nhân loại, với chúng ta: biến cố thứ nhất là cuộc giáng lâm của Người được cử hành vào lễ Chúa Giáng Sinh và biến cố thứ hai là cuộc quang lâm của Người mà không ai biết sẽ xảy ra vào ngày nào. Mùa Vọng mời gọi chúng ta sống sự “chuẩn bị kép” đó. Và bầu khí của Mùa Vọng – như tôi gợi ý hôm qua – đó là niềm hy vọng. Niềm hy vọng cần được bừng sáng trong các không gian của cuộc đời con người: không gian bên ngoài và không gian nội tâm.

Hai bài đọc Lời Chúa hôm nay – ngôn sứ I-sai-a chương 2 từ câu 1 đến 5 và Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 8 từ câu 5 đến 11 – mô tả những không gian bừng sáng niềm hy vọng. Những không gian đó – mà tôi nhìn như những “căn nhà” – chất chứa những điều kỳ diệu. Chúng ta mong ước trong  bản thân và toàn thể nhân loại được nhìn thấy và sống trong “NHỮNG CĂN NHÀ BỪNG SÁNG”.

  1. NHÀ THIÊN CHÚA CHIẾU SÁNG MỌI LỐI ĐI CỦA CON NGƯỜI

Ngôn sứ I-sai-a đã có một thị kiến rất đẹp về “Nhà Thiên Chúa”. Nhà Thiên Chúa toạ lạc trên một ngọn núi cao vượt trên tất cả: “Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi”. Nhà Đức Chúa là nơi hội tụ không những của dân Ít-ra-en mà của toàn thể mọi dân tộc: “Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi”. Tại sao họ lại tuôn về Nhà Đức Chúa? Nơi Nhà Đức Chúa có điều gì giúp cho họ và cuộc sống của họ? Họ hy vọng điều gì?

Và đây là những điều họ mong chờ: “Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ. Vì từ Si-on, thánh luật ban xuống, từ Giê-u-sa-lem, lời Đức Chúa phán truyền”. “Lối của Thiên Chúa”. “đường Người chỉ vẽ”, “thánh luật”, “lời Đức Chúa”: những diễn ngữ này nói lên ý muốn của Thiên Chúa. Như vậy, nơi Nhà Thiên Chúa có sự hiện diện của Thiên Chúa và Người hiện diện với tư cách một Đấng “đang ngỏ lời”. Đến Nhà Thiên Chúa là để gặp gỡ Thiên Chúa. Đến Nhà Thiên Chúa là để được Thiên Chúa chỉ dạy. Đến Nhà Thiên Chúa là để nói chuyện thân tình với Thiên Chúa. Đến Nhà Thiên Chúa là để, sau khi biết ý muốn của Người, sẽ thực hiện trong cuộc sống. Và đó là ý nghĩa cũng như hạnh phúc của cuộc đời : có Thiên Chúa, sống với Thiên Chúa, tương giao với Thiên Chúa và được Thiên Chúa hướng dẫn để sống xứng đáng như ý muốn của Người. Như thế, Nhà Đức Chúa bừng sáng tất cả những gì mà con người mong ước và khao khát. NHÀ THIÊN CHÚA CHIẾU SÁNG MỌI LỐI ĐI CỦA CON NGƯỜI.

Khi hình dung hình ảnh của “Nhà Thiên Chúa” mà mọi dân tộc tuôn về để gặp gỡ và lãnh nhận mọi điều tốt đẹp nhất, tôi nghĩ tới Giáo Hội chúng ta. Giáo Hội là Nhà Thiên Chúa. Đây không chỉ là một không gian bên ngoài với những cấu trúc, cơ cấu hay phẩm trật, mà hơn tất cả, đó là KHÔNG GIAN GẶP GỠ GIỮA THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI, vì nơi đó có sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nơi đó có Tin Mừng của Thiên Chúa. Nơi đó có các ân sủng Thiên Chúa ban. Nơi đó có kho tàng giáo huấn, giáo lý, để hướng dẫn cuộc sống. Nơi đó có những con người, đại diện cho Thiên Chúa, chỉ dạy cho anh chị em mình sống và hành động sao cho đúng với thánh ý Thiên Chúa. Tôi mong ước lắm thay cho Giáo Hội Công Giáo được luôn là Nhà Thiên Chúa, căn nhà của chân lý, mái ấm che chở mọi người thuộc mọi dân tộc, màu da, ngôn ngữ, văn hoá và cả tôn giáo. Tôi ước mong lắm thay Giáo Hội Công Giáo luôn là nơi để Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau cũng như giữa con người, thật thân tình, nồng ấm. Không những mong ước, hy vọng, mà tôi – và tất cả chúng ta – phải sống và hoạt động thế nào để căn nhà Giáo Hội luôn là NHÀ THIÊN CHÚA CHIẾU SÁNG MỌI LÓI ĐI CỦA CON NGƯỜI. Sống Mùa Vọng là luôn nuôi dưỡng niềm hy vọng, dù thực thế có khác, nhưng xác tín rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện “trong tương lai”.

  1. CĂN NHÀ NHÂN LOẠI BỪNG SÁNG BÌNH AN

Một trong những hoa trái lớn mà dân dân lũ lượt đến Nhà Thiên Chúa, đó là họ cũng biết “CÙNG ĐI VỚI NHAU”. Không những cùng đi với nhau trên không gian địa dư – như khi cùng nhau tiến lên Nhà Thiên Chúa – mà cũng sẽ biết nghe theo lời Thiên Chúa để hành xử với nhau trong cuộc sống. Vậy đâu là cách họ cùng hành động với nhau để xây dựng cuộc sống?

“Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái.” Tất cả các vũ khi huỷ diệt nay được chế tác thành những dụng cụ sản xuất để nuôi sống.

“Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ sẽ thôi học nghè chinh chiến.” Tất cả các quân trường sẽ trở thành nơi sinh sống cộng đồng. Họ sẽ dạy nhau để sống hoà thuận và nâng đỡ nhau.

Những hình ảnh trên phản ảnh của CĂN NHÀ NHÂN LOẠI BỪNG SÁNG BÌNH AN. Nơi căn nhà nhân loại này, nơi mái nhà chung, nơi mái nhà thế giới, sẽ có HOÀNG TỬ HOÀ BÌNH, VỊ VUA BÌNH AN, là CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ, đứng “làm trung gian”, “làm trọng tài”: Người mang đến hoà khí, hoà bình cho mọi người. Tất cả sống trong hạnh phúc, bình an.

Chúng ta cần mong ước, luôn nuôi hy vọng như vậy về mái nhà chung nhân loại. Không những ước mong mà phải hành động cụ thể, trong phạm vi của bản thân, để bình an ngự trị trong tâm hồn từng người và nơi mọi dân tộc. Và đó là cách thức chúng ta sống Mùa Vọng khi mong chờ ngày lễ Chúa Giáng Sinh cũng như ngày Chúa Quang Lâm. Căn nhà nhân loại bừng sáng bình an thì từng căn nhà gia đình cũng sẽ bừng sáng niềm an ủi.

  1. CĂN NHÀ GIA ĐÌNH BỪNG SÁNG NIỀM AN ỬI

Hôm nay chúng ta nghe lại trình thuật Chúa Giê-su chữa lành một người đầy tớ của một viên đại đội trưởng người Rô-ma. Đây là người đầy tớ ông rất thương mến như thể là con của mình. Ông đã cất công đi tìm Chúa Giê-su tại thành Ca-phác-na-um và nài xin Chúa: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị bại liệt nằm ở nhà, đau đớn lắm”. Qua cử chỉ đi tìm Chúa và qua những lời ông đại đội trưởng thưa với Chúa, chúng ta có thể tưởng tượng bầu khí u buồn trong căn nhà của ông, trong gia đình của ông. Một người bệnh nặng, đau đớn, chắc chắn làm mất đi những tiếng cười; vì nơi đó có sự thương cảm số phận bệnh nhân. Nhưng trong căn nhà này, nơi u buồn của bệnh tật, lại có tình yêu thương. Nhưng dù yêu thương, nơi đó lại có sự bất lực trước thảm cảnh không thể giải thoát được. Ông đại đội trưởng chỉ nêu lên sự kiện, nhưng Chúa đã hiểu rất sâu và Chúa tự nguyện đến nhà ông, đi vào không gian của gia đình ông. Nhưng, với lòng khiêm hạ và rất tế nhị – vi ông hiểu việc đi vào nhà của một người ngoại và là quan chức của nhà cầm quyền – ông xin Chúa “chỉ nói một lời” là đầy tớ của ông được khỏi bệnh. Và sự kiện đã xảy ra như lòng ông mong ước. Niềm hy vọng của ông được thoả mãn. Ông đã gặp được NGƯỜI đã hiện thực niềm hy vọng của ông. Và giờ đây, người đầy tớ khỏi bệnh và căn nhà của ông lại đầy ắp tiếng cười, niềm vui, và an ủi.

Hình ảnh của căn nhà của viên đại đội trưởng Rô-ma cũng là đối tượng mong ước của bản thân tôi và tôi tin cũng là của mọi người: đó là gia đình trở thành một căn nhà của niềm hy vọng và ủi an. Nhưng tôi xác tín rằng chỉ có Chúa Giê-su, tình yêu và lời của Người, mới đem lại niềm ủi an, niềm vui chân thật. Tôi ước mong mọi người cha, người mẹ, những người phụ trách cộng đoàn, mang niềm hy vọng và hành động như viên đại đội trưởng kia, để những ai trong gia đình, những anh chị em dưới sự coi sóc của mình, được Chúa chữa lành và mạnh khoẻ, nhất là về đời sống thiêng liêng và tình bác ái cho một cuộc sống hạnh phúc.

Lời Chúa hôm nay mở ra cho chúng ta khát vọng mạnh mẽ và sâu xa về Giáo Hội, về gia đình nhân loại và mỗi gia đình chúng ta: đó phải là những nơi bừng sáng niềm hy vọng. Chúng ta sống trong các không gian đó, với tư cách là “tông đồ của niềm hy vọng” và “tác nhân dấn thân” cho công cuộc xây dựng thế giới, Giáo Hội và gia đình. Xây dựng ngay trong cuộc đời này với tất cả nhiệt tâm, để cộng đoàn nhân loại này đạt đến điều mà chính Chúa Giê-su dã nhìn thấy trước: “Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời”. Trong Nước Trời, nghĩa là trong NHÀ CHA TRÊN TRỜI. Chúng ta hãy cùng với mọi người đi trên con đường dẫn đến đó và mời họ cùng lên đường: “Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa” chúng ta.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ 5 Tuần XXXII TN, Lc 23,33.39-43, Cầu cho các Đan sĩ giữ Luật thánh Biển Đức đã qua đời

  HÔM NAY ANH SẼ ĐƯỢC Ở VỚI TÔI TRÊN THIÊNG ĐÀNG Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Vào một buổi chiều năm...

Thứ 5 Tuần XXXII TN – Lc 17,20-25 Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông

TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA ĐANG Ở GIỮA CÁC ÔNG Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Lâu lắm rồi, dân Do thái không...

Thứ 4 Tuần XXXII TN, Mừng kính các Thánh giữ Luật Thánh Biển Đức, Mt 5, 13-16 Anh em là muối và là ánh sáng

ANH EM LÀ MUỐI VÀ ÁNH SÁNG Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Đức Giêsu đặt trước mắt chúng ta mẫu người...

Thứ 3 Tuần XXXII Thường Niên –  Lc 17,7-10 Phục vụ cách khiêm tốn

    PHỤC VỤ CÁCH KHIÊM TỐN Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh. Vẫn tiếp tục chương 17, thánh sử Luca tường thuật cho...

Thứ 5, Tuần 32 TN, Lc 23,33.39-43: Mầu nhiệm hiệp thông

    MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG(Is 25,6a.7-9; Lc 23,33.39-43) M. Kolbe, Phước Hiệp Hôm nay, Lễ cầu cho anh chị em giữ Luật thánh Biển Đức đã qua...

Thứ 2 ngày 11 tháng 11, Tuần XXXII Thường Niên – Kính thánh Martino Giám Mục, Mt 25,31-40

  KÍNH THÁNH MARTINÔ GIÁM MỤC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử Thánh Martinô sinh khoảng năm 316 trong một gia...

Thứ 7 Tuần XXXI Thường Niên – Ga 2,13-22 Kỷ niệm cung hiến đền thờ Latêranô

      KỶ NIỆM CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LATÊRANÔ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét lịch sử. Việc cung hiến Thánh đường cách trọng...

Thứ 6 Tuần XXXI Thường Niên – Lc 16,1-8 Người quản gia bất lương

NGƯỜI QUẢN GIA BẤT LƯƠNG Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Một lần nữa, chỉ riêng thánh sử Luca tường thuật...

Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên (Lc 15,1-10) Niềm vui sống đạo

    Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên (Lc 15,1-10) Niềm Vui Sống Ðạo Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong cuộc họp mặt “Niềm Vui Sống Ðạo”...

Thứ 5 Tuần XXXI Thường Niên – Lc 15,1-10 Chúa nhân từ xót thương

 CHÚA NHÂN TỪ XÓT THƯƠNG Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Đức Giêsu được quần chúng hết sức kính trọng và...

Thứ 4 Tuần XXXI  Thường Niên  (Pl 2,12-18; Lc 14,25-33) Điều kiện làm môn đệ Chúa

ĐIỀU KIỆN LÀM MÔN ĐỆ CHÚA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Hôm đó có rất nhiều người đi đường với...

Thứ 3 Tuần XXXI – Thường Niên (Pl 2,5-11; Lc 14,15-24) Khách dự tiệc

  KHÁCH DỰ TIỆC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Vẫn là câu chuyện ‘bàn ăn’ mà chúng ta được Thánh sử Luca tường...