Thứ bảy, 5 Tháng mười, 2024

NHỮNG NỤ CƯỜI – Suy niệm Thứ Bảy, Tuần XII TN – Vp. Duyên Thập Tự

TN-084-TUẦN XII-thứ Bảy

NHỮNG NỤ CƯỜI

(St 18,1-15 / Mt 8,5-17)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Con người được định nghĩa là con vật biết cười. Cười là một đặc tính căn bản của nhân loại. Cười là diễn tả bên ngoài của tâm trạng bên trong. Nếu có những cái cười toe toét thì cũng có nụ cười mỉm chi, tựa hoa hàm tiếu. Nếu có những nụ cười tươi như hoa thì cũng có những nụ cười mỉa mai hay khinh khỉnh. Như vậy, cười cũng có muôn ngàn cách, bộc lộ những hàng vạn tâm trạng khác nhau.

Nhưng có một điều chắc chắn là ai cũng muốn có nụ cười tươi, dễ mến, và cũng ước ao người khác trao cho mình những nụ cười như vậy. Nụ cười tươi như những cánh hoa nở trên cánh đồng mang lại vẻ đẹp và hương thơm cho không gian và không khí, như những tinh tú tô điểm bầu trời đêm. Một cuộc đời không có tiếng cười, là một cuộc đời bỏ đi. Một gia đình, một cộng đoàn, không có tiếng cười là không có niềm vui và niềm hy vọng. Còn cười với nhau là còn tin tưởng nhau, còn yêu mến nhau.

Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay trao cho chúng ta những nụ cười và cả những tiếng cười mà, nếu đi sâu vào sự đồng cảm, chúng ta sẽ khám phá ra chúng trên khuôn mặt của những con người đã kinh qua khổ đau. Xin chia sẻ với anh chị em về “NHỮNG NỤ CƯỜI”.

 1. ĐỨA CON CỦA NỤ CƯỜI

Chúng ta tiếp tục hành trình với ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra. Hai ông bà đã được Thiên Chúa đổi sang tên mới: Áp-ram thành Áp-ra-ham và Xa-rai thành Xa-ra. Một tên gọi mới mở ra một trang mới của cuộc sống.

Hôm qua chúng ta đã nghe Thiên Chúa nói với ông Áp-ra-ham về một người con mà Người sắp ban cho từ lòng dạ bà Xa-ra. Người con đó tên là I-xa-ác: “Chính Xa-ra vợ ngươi, sắp sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ đặt tên cho nó là I-xa-ác” (St 17,19). Theo chiết tự, Isaac (I-xa-ác) là “đứa con của nụ cười”.

Trích đoạn hôm nay, sách Sáng Thế chương 18 từ câu 1 đến 15, nói đến việc Thiên Chúa thăm viếng dưới hình dạng của ba người khách bộ hành. Ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra rất hiếu khách và đã thiết đãi họ một bữa ăn thịnh soạn. Chính ông đứng hầu họ dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa. Trong khi dùng bữa, họ nói với ông: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai”. Thiên Chúa cụ thể hoá thời điểm về điều Người nói trong trích đoạn hôm qua về người con sắp sinh ra và sẽ được đặt tên là I-xa-ác. Đã đến thời giờ Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Người. Hai mươi bốn năm qua sống trong chờ đợi, khuôn mặt của ông Áp-ra-ham – nay ông đã chín mươi chín tuổi – nhăn nheo theo năm tháng dãi dầu sương gió của cuộc sống du mục và nhất là khắc khoải đợi chờ, nay giãn nở ra và đã điểm nụ cười. Trong trích đoạn hôm qua, khi Thiên Chúa nói với ông về I-xa-ác, ông đã cười và nghĩ bụng: “Đàn ông trăm tuổi mà có con được sao? Còn bà Xa-ra đã chín mươi tuổi mà sinh đẻ được sao?” Đây không phải là nụ cười khinh khỉnh, mỉa mai trước thực tế, mà “nụ cười thầm”, nghĩa là thầm nghĩ trong bụng: bình thường với tuổi tác như thế, là bất khả; nhưng Thiên Chúa làm được, thì đúng là vui quá, vì đứa con đó là đứa con của nụ cười. Cười thầm và nghĩ thầm, vui thầm! Hôm nay, ông không cười thầm và nghĩ thầm trong bụng nữa, mà nở nụ cười tươi. Tại sao ông có thể cười tươi? Vì có sự trùng hợp: hôm qua Thiên Chúa nói, còn hôm nay ba khách bộ hành nói. Không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên mà đây là dự báo về một kế hoạch. Làm sao lại không vui, không cười được. Nhưng đây không phải là cười toe toét hay cười cả tiếng, mà là nụ cười hàm tiếu, nở vừa đủ như một mầu nhiệm vừa hé lộ.

Còn bà Xa-ra, đang ở trong lều, phía sau, nghe được lời nói đó. Bà cười thầm tự bảo: “Mình đã cằn cỗi rồi, còn hưởng vui thú nữa sao? Ông nhà mình lại là một ông lão!”. Bà cười và suy nghĩ trên bình diện con người thường tình, cũng thông cảm cho bà, vì bà chưa nghe được lời chính Thiên Chúa nói về đứa con sẽ là I-xa-ác. Nhưng bà cần phải đi vào ý nghĩa cuộc phiêu lưu của Thiên Chúa, mà bà đã theo ông Áp-ra-ham tới ngày hôm nay với chặng đường hai mươi bốn năm rồi. Chặng đường đó nhiều thử thách, ngay cả với sáng kiến của bà với chuyện nàng hầu Ha-ga và đứa con nàng sinh ra là Ít-ma-ên. Đó không phải là câu chuyện của nụ cười, mà là đầy tiếng khóc từ nhiều phía. Bây giờ bà phải tập cười, với nụ cười khác với nụ cười thường tình kia. Chính vì thế mà ba người bộ hành đã hỏi về việc bà cười trước một tin vui như thế. Và tác giả sách Sáng Thế, trong đoạn này, đã viết là Thiên Chúa hỏi về nụ cười này. Bà Xa-ra sợ và chối “con đâu có cười”. Nụ cười của bà trở thành vấn đề nghiêm trọng rồi! Nhưng đó là là việc nghiêm trọng Thiên Chúa muốn thực hiện để cho bà cười. Thiên Chúa nói: “Có, ngươi đã cười!”. Ngươi đã bắt đầu cười rồi, thì tiếp tục cười, nhưng với những nụ cười khác với hàm ý khác với hàm ý kia.

Đã đến thời giờ người con sắp sinh ra, một năm nữa khi Thiên Chúa viếng thăm lại, sẽ có một thành viên mới, thành viên này là “đứa con của nụ cười”. Cuộc đời của ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra mở ra một trang mới, đầy tươi vui, đầy tiếng cười, vì có tiếng cười của trẻ thơ, của I-xa-ác. Chúng ta hãy trân trọng quà tặng con cái mà Thiên Chúa ban cho. Trong gia đình, hãy cảm tạ Thiên Chúa với nụ cười tươi, và hãy vun đắp để tiếng cười trong gia đình đừng bao giờ tắt, nhưng được thắp sáng mãi trong hành trình cuộc sống với nhau, như ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra. Chính Thiên Chúa làm nên những nụ cười này.

 2. NHỮNG NỤ CƯỜI NỞ TƯƠI

Bây giờ chúng ta đến gặp Chúa Giê-su, với niềm tin chắc rằng Chúa sẽ làm cho chúng ta cười tươi. Chúng ta có dám tin như thế không? Thì đây là bằng chứng. Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 8 từ câu 5 đến 17, Chúa Giê-su chữa lành bệnh cho nhiều người: trước hết là cho người đầy tớ thương mến của một viên đại đội trưởng người Rô-ma, tiếp đến là mẹ vợ của môn đệ Phê-rô, cuối cùng là nhiều người bị quỉ ám và bệnh nhân.

Ai trong chúng ta đều có kinh nghiệm như viên đại đội trưởng có người thân yêu đau nặng. Mình không đau, nhưng người thân đau, thì cũng cảm thấy nỗi đau của họ. Khi bệnh nặng, bị những cơn đau hành hạ, không thể vui và cười được. Nhưng khi được chữa lành, thì chắc chắn sẽ hân hoan, sẽ cười tươi. Đây là tâm trạng tin tưởng và hân hoan của viên đại đội trưởng khi nghe Chúa nói: “ông cứ về đi! Ông tin thế nào, sẽ được như vậy”. Thánh sử ghi nhận “và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh”. Niềm vui oà vỡ ngay giờ Chúa Giê-su nói, và niềm tin của viên đại đội trưởng đã tạo nên nụ cười cho người những người khác. Tiếng cười vang lên khi cơn bệnh nặng bỗng rút lui. Từ những nơi xa cách, những con người tươi vui, nở nụ cười, được nối kết với nhau, nhờ bởi sự chữa lành của Chúa và đức tin của người cầu xin. Ước gì chúng ta cùng đau với người đau, và vui với người vui. Nở nụ cười với người đang vui với on huệ Chúa ban. Và ước gì lời cầu xin với tất cả niềm tin mang lạ nụ cười cho tha nhân.

Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm thế nào khi bị nằm liệt và lên cơn sốt. Lúc đó không cười được, nhưng chỉ rên vì cơn sốt hành. Đó là điều mà nhạc mẫu của môn đệ Phê-rô đang trải qua. Và đây Chúa đến và chữa bà khỏi cơn sốt và bà chỗi dậy. Thánh sử ghi chú “bà chỗi dậy và phục vụ Người”, nghĩa là bà nấu ăn và dọn bữa thiết đãi Chúa. Chúng ta có thể đoán được niềm vui, nụ cười và cả tiếng nói rộn ràng của bà khi nấu ăn và phục vụ Chúa cùng các môn đệ và người nhà. Nụ cười thay cho tiếng rên của cơn sốt. Đây là hoa trái của sự chữa lành mà Chúa Giê-su thực hiện. Nụ cười luôn là hoa trái của việc được Chúa chữa lành, và là diễn tả của sự phục vụ. Ước gì chúng ta biết trân trọng việc Chúa chữa lành chúng ta về nhiều phương diện, và biết vui để đáp lại tình yêu Chúa bằng niềm vui phục vụ Người.

Và cuối cùng, cả xóm làng đều rộn tiếng cười, vì biết bao nhiêu người bị quỉ ám Chúa chữa lành, biết bao người bệnh Chúa phục hồi sức khoẻ. Cả một cộng đồng lớn vang tiếng cười vui, hân hoan kể cho nhau những gì Chúa đã làm cho người thân hay chính bản thân. Ước gì chúng ta cũng biết hoà chung niềm vui của mình vào niềm vui lớn của cộng đoàn, cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn tu trì, cộng đoàn xã hội, cộng đoàn Giáo Hội và cộng đoàn thế giới. Niềm vui giúp quang toả niềm vui, nụ cười làm tăng thêm nụ cười. Xin Chúa dạy chúng ta biết vui với người vui.

Những câu chuyện về việc Chúa Giê-su chữa lành các bệnh nhân cũng như những người bị qủi ám, nghĩa là những người sống trong u buồn, đau khổ vì bị hành hạ, mời gọi chúng ta nhìn lên Chúa Giê-su để nhận ra nơi Người là Đấng “đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các tật nguyền của ta”. Điều đó có ý nghĩa gì? Đó là Chúa không nghĩ đến niềm vui riêng của mình, Người đã đến trần gian để sống thân phận con người như chúng ta, để cứu độ chúng ta. Đó là niềm vui của Người: niềm vui của Người là mang đến niềm vui cho chúng ta. Với tất cả tình yêu, chúng ta hãy tri ân Chúa. Và nếu sống trong u sầu, buồn chán, chúng ta hãy đến với Người. Người biết cách biến nỗi buồn của chúng ta thành niềm vui, biến tiếng khóc thành tiếng cười. Để khi nhận được sự biến đổi đó, chúng ta cũng trở thành những tông đồ của niềm vui.

 3. TÔNG ĐỒ CỦA NIỀM VUI

Ki-tô giáo là đạo của tình yêu. Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa là TÌNH YÊU. Chúng ta nhận được từ Chúa Giê-su giới luật yêu thương. Nơi đâu có tình yêu, nơi đó có Thiên Chúa. Nơi đâu có Thiên Chúa, nơi đó là thiên đàng. Nơi đâu là thiên đàng, nơi đó có nụ cười. Chúng ta được Chúa Giê-su trao ban chính niềm vui của Chúa: “để niềm vui của Thầy ở trong anh em và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11). Chúng ta hãy là tông đồ của niềm vui, của nụ cười, bằng cách gieo niềm vui ở bất cứ nơi nào mình đặt chân đến, nở nụ cười với những ai mình gặp gỡ. Nếu chúng ta là người gieo. trồng niềm vui, gieo trồng nụ cười, thì chính chúng ta là người đầu tiên nhận được hoa trái của niềm vui, nhận được nụ cười. Và Chúa sẽ mời gọi chúng ta: “Hãy vào hưởng niềm hoan lạc của Chúa mình”. Lúc đó, nơi đó, nơi vĩnh cửu đó, tất cả là niềm niềm vui, hoan lạc chẳng hề vơi. Nụ cười sẽ mãi mãi trên khuôn mặt các người được ở bên Thiên Chúa mãi mãi, trong phước lạc vĩnh hằng.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ 7 Tuần XXVI Thường Niên – Lc 10,17-24 Niềm vui và hạnh phúc đích thực

  NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Sau cuộc thực tập ra khơi với bao thành quả...

Thứ 2 Tuần XXVI Thường Niên – Lc 9,46-50 Ai là người lớn nhất

  AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong giai đoạn Đức Giêsu...

Thứ 7 Tuần XXV Thường Niên – Lc 9, 43-45 Con Người sắp bị nộp

  CON NGƯỜI SẮP BỊ NỘP Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Sau thời gian, Đức Giêsu công khai loan báo Tin Mừng Nước...

Thứ 6 Tuần XXV Thường Niên – Lc 9,18-22: Thầy là ai?

  THẦY LÀ AI? Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Câu hỏi: Đức Giêsu là ai? Được đặt ra không phải chỉ trong thời...

Thứ 5 Tuần XXV Thường Niên – Lc 9,7-9 Hai con người

  HAI CON NGƯỜI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Với đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe thật quá vắn, vỏn vẹn...

Thứ 4 Tuần XXV Thường Niên, Lc 9,1-6: Ra khơi

    RA KHƠI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Như chúng ta đã biết: Thánh sử Luca đã tường thuật cho chúng ta...

Thứ 4, Tuần XXV TN, Lc 9,1-6: Sống là vì sứ vụ

    SỐNG LÀ VÌ SỨ VỤ Bài suy niệm Tin Mừng Thứ tư Tuần 25 mùa Thường niên (Lc 9,1-6) M. Nguyen Sy, TP Bài Tin Mừng hôm nay,...

Thứ 3 Tuần XXV Thường Niên – Lc 8,19-21: Thành viên đích thực trong gia đình Chúa

  THÀNH VIÊN ĐÍCH THỰC TRONG GIA ĐÌNH CHÚA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Từ giã Đức Maria Thân Mẫu và gia đình quyến...

Ngày 15/9, Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (Ga 19,25-27) – Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo

Ngày 15/9, Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (Ga 19,25-27) - Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chuyện kể rằng: “Một...

Ngày 22/8, Đức Maria Trinh Nữ Vương: Lc 1,26-38

Ngày 22/8, Đức Maria Trinh Nữ Vương: Lc 1,26-38 Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Trong một thị kiến Đức Mẹ nói với thánh nữ Fautina rằng:...

Thứ 6, Tuần XVIII TN, B, Mt 16,24-28: Điều kiện và kết quả

ĐIỀU KIỆN VÀ KẾT QUẢ (Mt 16,24-28) M. Nguyên Sỹ, Thiên Phước Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đặt điều kiện với những ai muốn làm...

Ngày 8/8, Thánh Đa Minh, linh mục, Mt 16,13-23: Nói với Chúa – Nói về Chúa

Ngày 8/8, Thánh Đa Minh, linh mục, Mt 16,13-23 Nói Với Chúa - Nói Về Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Các Lời nguyện trong Giờ Kinh...