Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

NƯỚC TRỜI : CHÂN TRỜI HY VỌNG – -TUẦN XXX-thứ Ba – VP Duyên Thập Tự

TN-207-TUẦN XXX-thứ Ba

NƯỚC TRỜI : CHÂN TRỜI HY VỌNG
(Rm 8,18-25 / Lc 13,18-21)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Trong vũ trụ, có những điều chúng ta không thể hiểu thấu được, thí dụ về những thiên hà, những tinh tú cách xa chúng ta cả tỷ, cả triệu năm ánh sáng. Tốc độ ánh sáng có giá trị chính xác bằng 299.792.458 mét trên giây. Với một thời gian dài như thế, làm sao chúng ta có thể tưởng tượng được khoảng không gian xa cách giữa hành tinh trái đất với các tinh tú trên. Và còn biết bao nhiêu kỳ bí của thiên nhiên. Dù chúng ta không tưởng tượng nổi những thực thể đó, không có thể lấy gì so sánh được với chúng, chúng vẫn hiện hữu. Rồi con người vẫn là một mầu nhiệm, ngay trong thân xác, phương chi là linh hồn. Cuộc sống trần gian này còn biết bao nhiêu điều không thể hiểu thấu được, huống hồ là những thực tại mai sau. Chúng vẫn hiện hữu, dù rằng trí khôn và ngay cả trí tưởng tượng nhân loại không thể đạt tới. Chỉ có lòng khao khát, niềm hy vọng mới có khả năng mở ra những chân trời vô tận đó.
Hai bài đọc hôm nay trình bày cho chúng ta về thực tại Nước Trời. Nước Trời là một thực tại hiện diện với chính Chúa Giê-su Ki-tô. Nhưng thực tại đó vượt trên mọi suy nghĩ nhân loại. Nếu Chúa sử dùng những thực tại trần gian, liên quan đến cuộc sống con người, để giải thích, thì đó cũng là một gợi mở một số khía cạnh. Điều cần thiết là chúng ta đi vào, sống với thực tại Nước Trời một cách hiện sinh, để được khai mở cho những “CHÂN TRỜI HY VỌNG”. Hôm nay, khi đọc lại hai dụ ngôn về Nước Trời, tôi muốn nên lên một khía cạnh mà hai dụ ngôn gợi cho bản thân để có những suy niệm mang tính cá nhân giúp nuôi sống tôi. Đó là khía cạnh hy vọng.

1. NƯỚC TRỜI MỞ RA CHÂN TRỜI HY VỌNG
Chúa Giê-su, trong công cuộc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa – cũng gọi là Nước Trời – thường dùng dụ ngôn để giải thích một phần nào thực tại quan trọng này. Các dụ ngôn thường là những câu chuyện đơn giản và dễ nhớ, có hình ảnh gần gũi với đời thường, nhưng cũng có dụ ngôn mang nghĩa vĩ mô về chủ đề tôn giáo, luật lệ. Các Ki-tô hữu xem dụ ngôn là một phần quan trọng trong giáo huấn của Chúa Giê-su, thể hiện phương cách giảng đạo linh hoạt của Người đối với những người bình dân. Dụ ngôn luôn nhắm tới ý nghĩa bên kia của những hình ảnh được trình bày.
Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 13 từ câu 18 đến 21, Chúa Giê-su ví Nước Trời giống như “hạt cải được người kia gieo trong vườn mình, nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được”, và giống như “nắm men bà kia vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men”. Chúng ta đã nghe rất nhiều và quá quen với những hình ảnh này mà Chúa Giê-su sử dụng để nói về Nước Trời. Như nói trên kia, thực tại Nước Trời, không chỉ để hiểu, mà nhất là để sống, để dấn thân vào. Vậy, thực tại Nước Trời mời gọi chúng ta sống điều gì qua hai hình ảnh trên? Theo thiển ý, tôi thiết nghĩ rằng điều nhắm tới là ở phía sau, điều xảy ra sau đó. Đó là một cây lớn. Đó là khối bột dậy men. Nếu chỉ dừng lại nơi hạt giống, và ngay cả nắm men, thì chẳng đi đến đâu. Chúng vẫn là chúng, nhưng trong “thế tĩnh”. Chúng phải hướng tới điều xảy ra sau đó cho chúng. Nghĩa là chúng – hạt cải và nắm men – phải mang trong mình niềm hy vọng, phải hiện thực niềm hy vọng đó một cách cụ thể trong thành quả là cây cải lớn, khối bột dậy men.
Vậy, đối với tôi, sống niềm hy vọng hoặc nhìn thấy chân trời hy vọng, cụ thể, là gì?

2. CHÂN TRỜI ĐÓ KHÔNG GÌ SO SÁNH ĐƯỢC
Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,19). Tại sao? Chúa Giê-su đã hứa cho những người tin theo Chúa được gấp trăm ở đời này, “cùng với sự ngược đãi và sự sống đời đời ở đời sau” (x.Mc 10,30). Như vậy, chân trời hy vọng của nhân loại phải được định vị ở bên kia cuộc đời này.
Trong bài đọc một, trích thư Rô-ma chương 8 từ câu 18 đến 25, thánh Phao-lô đã đề cập đến niềm hy vọng: “Muôn loài thụ tạo đang ngong ngóng đợi ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người… Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cũng rên siêt và quần quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng… Chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn phải trông mong… Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi trông”. Vậy, chúng ta đang trông mong gì? Đó là “vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải cho chúng ta”. Vinh quang trên trời là chân trời của cuộc sống con người. Nếu vinh quang trên trời, sự giải thoát trọn vẹn, ơn cứu độ trọn đầy, thì chúng ta sẽ nhìn những hy sinh, vất vả, những khổ đâu ở đời này chẳng thấm gì so với vinh quang đó, như chính thánh Phao-lô nhận định: “Thưa anh em, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). Như vậy, những “hạt cải” nhỏ bé chúng ta gieo trồng trên trần gian này, sẽ trở thành một cây lớn đầy tràn sức sống. Vinh quang của hạt cải là cây cải to lớn có thể che chở cả chim trời. Và nắm men chúng ta trộn vào cuộc sống này sẽ làm khối bột dậy men. Vinh quang của men là khối bột dậy men để làm nên những chiếc bánh. Chân trời thật tươi sáng cho những ai đang hành động mà luôn mang trong mình niềm hy vọng lớn lao nhất. Đó là niềm hy vọng cho cuộc sống nơi đây và lúc này, nhưng phải kéo dài đến vĩnh cửu và đạt cứu cánh nơi vĩnh hằng.

3. NƯỚC TRỜI: HY VỌNG Ở LUÔAN VỚI CHÚA GIẾ-SU
Chúa Giê-su đã nói: “Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,21). Chúa Giê-su cũng đã khẳng định: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11,20). Những khẳng định đó cho thấy Chúa Giê-su đang ở đây và Nước Thiên Chúa cũng hiện diện nơi đây. Như nói trên kia, hai hình ảnh về Nước Trời nhắm tới niềm hy vọng. Vậy, câu hỏi đặt ra là Chúa Giê-su có mở ra cho nhân loại, cho chúng ta chân trời hy vọng nào. Chúa đã khẳng định với tổng trấn Phi-la-tô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này…Nước tôi không thuộc về chốn này” (Ga 18,36). Trần gian không phải là Nước Trời. Nếu trần gian này là Nước Trời thì sẽ là nơi ở vĩnh viễn và con người sẽ bất tử. Phải có một “chốn khác”, một “chân trời”. Chúa đã khẳng định: “Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 16,28). Chân trời Người muốn dẫn nhân loại đến là “nhà của Chúa Cha”, nơi Người đi trước để dọn chỗ và sẽ trở lại để đón tiếp những người được chọn để ở với Người mãi mãi (x.Ga 14,2-3).
Như vậy, khi chúng ta sống thực tại Nước Trời là chúng ta hoạt động nơi trần gian này, nhưng “mắt hướng về quê hương thật”. Đó không phải là trốn chạy trách nhiệm, mà là khao khát chân trời hy vọng. Chính chân trời này giúp chúng ta càng nhiệt tâm hơn cho sinh hoạt trần thế, với niềm hy vọng chúng sẽ phát sinh thành những thực thể “lớn hơn” như cây cải lớn từ hạt cải nhỏ, và “bùng lên” như nắm men trong thúng bột.

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...