TN-202-TUẦN XXIX-thứ Năm
PHẦN CHÚA-PHẦN TA
(Lc 12,49-53)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Mỗi lần nghe Chúa Giê-su nói về bản thân Người và những tâm tình cũng như hoạt động của Người, chúng ta nên nghĩ ngay về phía chúng ta, về phản ứng của chúng ta đối với Người. Điều đó ích lợi cho đời sống Ki-tô hữu của chúng ta, vì đó là sự đáp ứng đối với Lời Chúa để biết sống sao cho mong ước của Chúa được hiện thực. Chúa đã đề cập đến PHẦN CHÚA, và chúng ta cần đáp ứng cho PHẦN TA.
1. PHẦN CHÚA
Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 12 từ câu 49 đến 53, chúng ta nghe được những ước mong khôn nguôi của Chúa Giê-su. Chúa mong ước gì? Chúa nói với các môn đệ: “Thầy đã đến đem lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.”
Chúng ta biết rằng những lời nói trên của Chúa Giê-su ám chỉ cuộc thương khó của Người. Lửa, phép rửa và cả sự chia rẽ, diễn tả sự phán xét vào thời sau hết. Khi dùng những hình ảnh này, Chúa nói trước rằng bản thân Chúa cũng sẽ bị xét xử, sẽ bị giết chết. Đây là thứ “lửa” nung nấu tâm can Chúa. Chúa muốn bản thân Chúa bị thiêu đốt đi trở thành hy lễ toàn thiêu dâng kính Thiên Chúa Cha và đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Lửa của tình yêu tận hiến đã đến trần gian này rồi, nó cần được bảo tồn, cháy bùng trong những con người trên mặt đất này. Đây là “phép rửa” bao gồm sự thánh hoá bằng cái chết của Chúa, như thể Chúa bị dìm xuống trong nước. Chúa thao thức đi vào nơi này, nơi thánh hoá, để qua cái chết của Chúa, một nhân loại mới được sinh ra trên mặt đất này. Đây là sự chia rẽ mà Chúa là nguyên nhân, nghĩa là sẽ có những con người chọn về phía Chúa và những ai chọn theo thế gian. Thế gian đây là nơi của sự thống trị của ma quỉ và sức mạnh tội lỗi. Phần Chúa, Chúa sẵn sàng cho công cuộc cứu độ, sẵn sàng hy sinh tính mạng, để thực hiện điều quan trọng nhất cho những ai sống trên mặt đất này. Mặt đất này là nơi hiện thực ơn cứu độ. Mặt đất đây là nơi của những con người mà Chúa cũng đang mong chờ sự đáp ứng, sự đáp trả.
Đó là PHẦN CHÚA. Đối với chúng ta, khi nghe những lời này, đâu là PHẦN TA?
2. PHẦN TA
Chúng ta sẽ suy niệm về ảnh hưởng của Chúa trên chúng ta: lửa, phép rửa, sự chia rẽ, mà Chúa mang đến, tác động thế nào trong chúng ta. Đây chỉ là một vài suy niệm ngắn gọn, không thể đề cập nhiều khía cạnh của vấn đề được đặt ra.
– THẦY ĐÃ NÉM LỬA VÀO MẶT ĐẤT. THẦY NHỮNG ƯỚC MONG…
Chúng ta có thể nói rằng khi nguyên tổ chúng ta phạm tội, mặt đất này đã trở nên lạnh giá. Tội lỗi bao giờ cũng gây nên bầu khí lạnh băng. Rồi dọc dài lịch sử, tội càng chồng chất. Hành tinh này ngày càng đánh mất đi nhiệt lượng của tình yêu. Cùng với tội lỗi, đó là sự đánh mất niềm hy vọng, niềm vui và bình an. Con người cần đến nhiều nhiệt năng hơn cho cuộc sống. Đây là nhiệt năng của Tình Yêu (viết bằng chữ hoa). Chúa Giê-su đến và Người mang lửa từ trời xuống. Đây là lửa Tình Yêu của Thiên Chúa sưởi ấm và chiếu sáng cuộc sống nhân loại. Chúa Giê-su là “Vầng Đông tự chốn cao vời đến viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,78-79).
Một trình thuật trong Tin Mừng nói đến tâm hồn được sưởi ấm nhờ sự hiện diện của Chúa. Chúng ta hẳn còn nhớ câu chuyện của hai môn đệ trên đường Em-mau. Chúa Giê-su Phục Sinh đồng hành với hai người môn đệ của Chúa, nhưng họ không nhận ra. Chúa giải thích Kinh Thánh những gì liên quan đến Người. Khi nhận ra Chúa khi Chúa bẻ bánh và ngay sau đó Chúa biến mất, hai người môn đệ bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên hay sao?” (Lc 24,32).
Ai trong chúng ta đều có kinh nghiệm về sự lạnh giá tâm hồn, sự lạnh băng trong đời sống nhất là về phương diện thiêng liêng. Nơi chúng ta mất dần nhiệt lượng, và thứ lửa của những vui thú trần gian không có khả năng sưởi ấm và chữa lành làm chảy tan băng tuyết trong tâm hồn. Chúng ta cần Chúa Giê-su biết bao. Người là lửa, Lời người là lửa bừng cháy. Người ước mong lắm thay lửa của Người được bừng cháy trong lòng những ai sống trên mặt đất này. Nếu chúng ta hờ hững với Người, thì tâm hồn chúng ta vẫn mãi như mảnh đất “ngân tuyết phủ che, chưa quyét sạch đi”. Chúng ta cầu xin Chúa cùng đi và ở lại với mình, như hai môn đệ Em-mau ngày xưa. Và sẽ có sự biến chuyển, nhiệt tâm và kiên vững đến cùng. Một việc dễ, qúa dễ, nhưng chúng ta lại không làm. Chúng ta vẫn ngại có Chúa bên trong và bên cạnh mình! Xin Chúa cùng đi và ở lại với chúng ta mãi mãi. Lửa của Chúa chắc chắn bùng cháy lên!
– THẦY CÒN PHÉP RỬA PHẢI CHỊU. LÒNG THẦY KHẮC KHOẢI…
Chúa Giê-su đã chịu phép rửa là cái chết của Người trên thập giá. Đó là cuộc vượt qua của Chúa, từ cái chết đến sự sống. Chúng ta được mời gọi đi vào phép rửa của Chúa. Bằng cách nào? Đó là phép thanh tẩy chúng ta đã nhận. Nhưng vẫn phải còn sống phép rửa đó mỗi ngày, trọn hết cuộc đời. Chúng ta dừng lại nơi khẳng định của thánh Phao-lô về vấn đề này. Ngài viết trong thư Rô-ma: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4). Chúa Giê-su đã chịu phép rửa là cái chết của Người trên thập gía, nơi đó Chúa đã hoàn tất phép rửa mà Người khắc khoải thực hiện khi Người thốt lên: “thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Đó là sự hoàn tất nơi Người. Phần chúng ta, chưa hoàn tất. Chúng ta đang trên đường hoàn tất. Mỗi ngày đều phải tiến tới sự hoàn tất đó. Bằng cách nào? Thánh Phao-lô trả lời: “Con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô… Hãy coi mình như đã chết với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su” (Rm 6,6.11). Chúng ta dần dần hoàn tất phép rửa của Chúa Giê-su Ki-tô bằng cái chết của con người cũ, con người bị tội lỗi thống trị; và sống con người mới, đó là cuộc sống cho Thiên Chúa, cho Chúa Ki-tô mà thôi. Chúng ta xin Chúa hoàn tất nơi chúng ta điều Chúa đã hoàn tất nơi Chúa.
– THẦY ĐẾN ĐEM SỰ CHIA RẼ
Chúa Giê-su đã đến trần gian, và sự hiện diện của Chúa đã gây nên mối chia rẽ giữa con người, để biết ai thuộc về Người và ai không thuộc về Người. Chính Chúa đã khẳng định với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian yêu thích những gì thuộc về nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em ra khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15,18-19). Chúa cũng đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17,14). Như vậy, có cuộc chiến giữa thế gian và các môn đệ Chúa. Chúng ta không thể thoả hiệp với thế gian. Chúng ta phải chiến đấu để luôn thuộc về Chúa Ki-tô. Chúa đã đem đến sự chia rẽ này, và sự chia rẽ này mang lại ý nghĩa và giá trị của đời sống của môn đệ Chúa, đời sống Ki-tô hữu của chúng ta. Vậy, bằng cách nào chúng ta sống sự chia rẽ này, một sự chia rẽ hồng phúc? Chúa Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi ác thần… Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ” (Ga 17,15.17). Chúng ta không gây chia rẽ với anh chị em đồng loại, nhưng khỏi tinh thần thế gian, tinh thần của ma quỉ. Đó cũng là điều chúng ta cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi Kẻ Dữ”. Và nhất là sống theo sự thật là chính Chúa Ki-tô.
Lời Chúa hôm nay mặc khải cho chúng ta nỗi khát khao của Chúa Giê-su Ki-tô muốn thực hiện ơn cứu độ con người bằng sự tự hiến của Chúa. Tình yêu cứu độ đó vẫn nồng cháy suốt lịch sử nhân loại, cho chúng ta ngày nay. Chúng ta cảm tạ Chúa và xin Chúa thực hiện cho chúng ta và cho toàn nhân loại những gì Chúa Chúa khao khát nhất để mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (x.1Tm 2,4).