Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng Trị, mới ngày nào, các cha anh cất bước tiến về miền đất Nam khai sáng đời sống đan tu chiêm niệm mà nay Phước Lý đã bước vào tuổi 60, tuổi mà người đời thường ví là “hừng đông của tuổi già”. Nhưng người con sao có thể khôn lớn nếu không có sự cưu mang dưỡng dục của mẹ cha? Cũng thế, Đan viện Phước Lý sao có thể được như ngày hôm nay nếu không nhờ công sức của những vị dày công sinh thành.

Vì thế, mừng ngọc khánh Đan Viện hôm nay, với tinh thần hiếu nghĩa của người con dân Việt, người viết mạo muội phác họa sơ nét về chân dung người cha đáng kính qua tiêu đề: Cha Tổ Phụ Và Hội Dòng Xitô Thánh Gia.

 

PHẦN I. CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN- NGƯỜI LÀ AI?

1. Thời niên thiếu tại Paris

Ngày 17-8-1880, trong một gia đình bình dân thuộc thành phố Boulogne Sur Mer, cách Paris khoảng 100 km về hướng Tây Bắc, một bé trai cất tiếng khóc chào đời với tên gọi Henri-Denis. Tuy nghèo với gánh bánh mì rong ruổi khắp phố, nhưng song thân, ông Henry Cyrille Denis và bà Anne Marie Geoffoy rất đạo đức và có lòng thương người. Tử hiền tại mẫu, những đức tính cao quý của hai ông bà đã thấm đượm tâm hồn thơ dại của trẻ Henri như lời cha thổ lộ: “Tôi có phước vì ngay từ thời thơ ấu đã được mẹ dạy cho biết ham mê sự đọc kinh cầu nguyện” (Hạnh tích tr 25).

Tưởng chừng những tháng ngày hạnh phúc đang lặng trôi êm đềm, ngờ đâu, bà Geoffroy đột ngột vĩnh biệt cõi trần. Còn nỗi đớn đau nào cho bằng mồ côi mẹ, dẫu vậy, không hoang mang tuyệt vọng, Henri luôn hăng say học tập với kết quả tốt nghiệp tiểu học loại ưu cùng được cấp học bổng. Nhận thấy cần phải khỏa lấp nỗi trống vắng tình mẹ nơi tâm hồn cậu con trai, ông thân sinh tái hôn với bà kế mẫu. Phước cho Henri, bà này hiền lành đạo đức không kém gì mẹ ruột, bao nhiêu tình cảm bà dành hết cho cậu. Phần Henri không nỡ phụ lòng nên luôn yêu mến và gắn bó với bà như mẹ ruột vậy.

Năm 1893, Henri rước lễ lần đầu và lãnh phép thêm sức tại Wimile. Sau đó, qua sự giới thiệu của cha giáo sư Golliot, cậu gia nhập Tiểu chủng viện Boulogne. Sau sáu năm ở chủng viện, Henri Denis tốt nghiệp tú tài phần I, nhưng đến đợt thi tú tài phần II, do xúi quẩy của bạn bè mà kết quả rất kém. Thế nhưng, trong chương trình yêu thương của Thiên Chúa, mảnh bằng tú tài II không quan trọng bằng sự chuyển biến của một ơn gọi.

Sau khi đã đắn đo và cầu nguyện, Henri đến gặp cha linh hướng giãi bày ước nguyện. Khi nghe con thiêng liêng trình bày ý định muốn đi truyền giáo cho lương dân, cha Golliot đồng tình không chút do dự. Nhưng dù cha linh hướng đã đồng ý, Henri không khỏi lo lắng băn khoăn, bởi làm sao có thể thuyết phục được cha mẹ? Lỡ ông bà không cho đi thì sao? Thế nhưng Henri chẳng thể ngờ, song thân không những ngăn cấm lại còn khích lệ: “Ừ, con đi đâu thì đi, làm gì thì làm, song đừng kiêu ngạo nghe con” (Hạnh tích tr36).

Trong thời gian học tập tại Hội Thừa Sai Paris, Henri được liệt vào số sinh viên hạng nhất. Tuy trang nghiêm, song vui vẻ khiến ai cũng mến thương. Không chỉ đạo đức và thông minh, thầy lại có khiếu về âm nhạc lại học Latinh rất mau. Ngày 7-3-1903, thầy sáu Henri lãnh chức linh mục. Với bài sai truyền giáo tại Việt Nam, ngày 29-4-1903, cha chia tay với quý cha giám đốc và bè bạn tại Đại Chủng Viện để đi Marseille đáp tàu sang Việt Nam. Chính ông thân sinh cũng đến tiễn biệt và nói với con: “Con đi, nhớ rằng làm việc cho Chúa không bao giờ quá” (Hạnh tích tr38). Quả là một chúc ngôn quý báu dường nào! 8 giờ tối ngày 29-4-1903, tàu rời cảng Marseille vượt sóng Địa Trung Hải tiến về Viễn Đông.

 

2. Sứ vụ tông đồ tại Việt Nam

Ngày 31-5-1903, tàu cặp bến Đà Nẵng. Cha nghỉ lại ở nhà chung một ngày rồi hôm sau đến Lăng Cô, một xứ đạo phần cực nam của giáo phận Huế. Quả thiên lý năng tương ngộ, tại đây cha gặp cha sở là người đồng hương tức cố Nhơn (R.P. Mendhiboure). Hai cha tay bắt mặt mừng cùng trao đổi kinh nghiệm truyền giáo ở xứ này. Sau 10 ngày ở Lăng Cô, cha ra Huế gặp đức cha Gaspar (tên việt là Lộc). Với cái nhìn xuyên suốt, ngài nhận ra tâm hồn và ước vọng nơi vị linh mục trẻ nên đặt cho người tên Việt là cố Thuận. Ở tòa giám mục vài ngày, đức cha sai cố Thuận đi giúp cố Chính Đăng và học tiếng Việt ở Kim Long. Vốn thông minh lại thêm khiếu nhạc, nên cha không gặp nhiều vất vả. Theo chứng từ thầy Linh Hữu (Benado Thành), chưa có vị thừa sai mà nói được giọng Huế rõ ràng và đúng cung như cố Thuận (x. Sử Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam tr.24)

Sáu tháng trôi qua, cố Thuận được cử làm giáo sư Tiểu Chủng Viện An Ninh. Cha kiêm nhiều môn mà môn nào cha cũng chu toàn cách tuyệt hảo. Tác giả Hạnh Tích viết: “Một ông tây có khả năng văn chương, tu từ, kiêm đàn hát, vừa chuyên việt ngữ, lại học Hán văn có bốn năm đã có thể dạy một Tiểu Chủng Viện danh tiếng” (Hạnh Tích tr. 44). Noi gương cha Gioan Vianney, cha luôn tỏ ra là người cha dễ mến và tận tình chăm sóc các chủng sinh. Cha còn nên gương lành về đời sống nội tâm sân xa và sự thanh thoát trong cuộc sống.

Đầu năm 1908, cha được bổ nhiệm đến xứ nước Mặn, một xứ đạo nghèo nhất địa phận ở tận ranh giới Huế – Đà Nẵng. Chương trình mục vụ của cha gồm ba điểm: dạy giáo lý, tiếp cận từng nhà, cứu đói cứu bệnh. Theo tinh thần Phúc Âm, cha dốc cho họ hết những gì cha có. Thầy Micae Biện minh chứng: “Ngài yêu thương kẻ nghèo quá chừng, hằng ngày kẻ nghèo khó đến xin luôn và không bao giờ về tay không” (Hạnh Tích tr. 57). Hết tiền hết gạo, cha gánh thêm công việc dịch sách dù việc đó cực chẳng đã. Cha không chỉ cứu đói mà còn cứu bệnh, nhiều con bệnh không phân biệt lương hay giáo đều kéo đến với ngài. Đang thi hành nhiệm vụ mục vụ như thế thì đức cha gọi ngài về Tiểu Chủng Viện. Rời xứ Nước Mặn mà ruột cha đau như cắt, bởi vốn đó là việc cha mong ước từ lâu, nhưng với quý danh là Thuận, cha luôn đặt ý bề trên lên trước hết.

Về Tiểu Chủng Viện, cha đổi tính nết cách lạ lùng. Trước đây tính cha nóng nảy bao nhiêu thì nay cha nên khiêm nhường hiền hậu hơn bấy nhiêu. Thái độ sốt sắng chăm chú cầu nguyện cách lâu giờ khiến nhiều chú đem lòng thán phục.

 

M. Alberto Bá Đạt

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...