TN-095-TUẦN XIV-thứ Tư
QUYỀN
(St 41,55-57;42,5-7.17-24 / Mt 10,1-7)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Con người được định nghĩa là con vật xã hội. Nếu nhân loại được tổ chức thành xã hội, thì đương nhiên phải có cơ cấu, và cơ cấu luôn giả định phải có những người thi hành các chức năng. Để thi hành những chức năng được ấn định, người phụ trách phải được trao cho những quyền để có thể chu toàn phận vụ. Nhưng, quyền lại là điều con người luôn hướng tới, nhất là những đặc quyền, vì quyền thường đi đôi với lợi, để hợp thành quyền lợi. Câu hỏi được đặt ra là: quyền để làm gì? Đâu là mục đích của quyền? Có thể quyền được sử dụng để trấn áp người khác, đó là thứ quyền để hành hạ đối thủ. Có thể quyền được thực thi hầu mưu ích cho tha nhân. Nhưng cũng có thứ quyền chỉ mưu cầu lợi ích cho cá nhân. Như vậy, quyền là một điều cần thiết trong cuộc sống xã hội, nhưng nó còn tuỳ vào mục đích và cách sử dụng.
Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay gợi ý cho bản thân tôi về mục đích của việc sử dụng “QUYỀN” trong những phạm vi khác nhau của đời sống con người. Những nhân vật trong các trình thuật, với những cách sử dụng quyền, như gọi mời chúng ta đi vào vấn đề bình thường nhưng tế nhị này, một cách xứng hợp, vì chính khi sử dụng quyền, mỗi chúng ta có thể khám phá ra chính con người của mình trong đó.
1. CỨ ĐẾN VỚI GIU-SE
Chúng ta bắt đầu với trình thuật trong Cựu Ước. Đây là câu chuyện liên quan đến ông Giu-se, con của ông Gia-cóp. Như chúng ta biết, sau khi trở về nơi trước kia cha mình là I-sa-ác sinh sống, ông Gia-cóp đã gặp E-sau và tạo được bầu khí hoà giải, và mỗi người sống trong những khu vực riêng, xa cách nhau. Ông Gia-cóp có thêm Ben-gia-min là đứa con út được sinh ra trong tuổi già. Trong các anh em, ông Gia-cóp thương Giu-se hơn tất cả, vì tính tình chân thật của anh. Ông may cho Giu-se chiếc áo thụng nhiều mầu. Giu-se lại hay kể những giấc mơ, mà những giấc mơ đó diễn tả sự vượt trội của mình trên anh em, như những bó lúa của anh em lạy bó lúa của mình, hay như mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao lạy ngôi sao là chính mình. Anh em Giu-se rất ngứa mắt khi thấy anh khoác chiếc áo cha may riêng cho, ngứa tai khi nghe những giấc mơ. Họ không thể nói chuyện tử tế với Giu-se. Họ ghen tức và tìm cách hãm hại Giu-se. Và dịp may đến: anh em đi chăn chiên và sau một thời gian, ông Gia-cóp sai Giu-se đến với anh em để biết tình hình ra sao. Khi Giu-se đến, anh em đã có ý định thủ tiêu, và sau khi bàn bạc với nhau, họ bán Giu-se cho những người lái buôn người Ma-đi-an. Giu-se bị bán qua Ai-cập và bắt đầu cuộc sống “lên voi xuống chó” của anh. Qua bao nhiêu chặng đường khổ đau, ngay cả khi bị nhốt trong tù ngục, nhờ giải được những giấc mơ của người khác và của Pha-ra-ô, nên ông được tín cẩn và dần dần, với những thành công, ông được vua trao cho toàn quyền hành động, cốt sao để dân vượt qua những thời kỳ đói kém, mà giấc mơ của vua đã ứng nghiệm trong thực tế.
Trích đoạn hôm nay, sách Sáng Thế chương 41 từ câu 55 đến 57 và chương 42 từ câu 5 đến 7 và từ câu 17 đến 24, thuật lại toàn dân xứ Ai-cập đói và chạy đến xin Pha-ra-ô lương thực. Vua đã nói với họ: “Cứ đến với Giu-se; ông bảo gì, các ngươi cứ làm theo”. Trích đoạn cũng hướng tới các anh em của Giu-se đến Ai-cập mua lương thực và họ đã gặp ông Giu-se nhưng không nhận ra ông, còn ông thì nhận ra họ.
Sau khi nói đến bối cảnh câu chuyện, chúng ta trở về với vấn đề “QUYỀN”. Quyền ở đây trong phạm vi vật chất, trong vấn đề liên quan đến kinh tế. Pha-ra-ô đã trao toàn quyền hành động cho Giu-se. Pha-ra-ô hoàn toàn tin tưởng Giu-se vì đã nhận ra năng lực, thực tài và sự tận tâm của ông. Đây là những phẩm chất quan trọng trong vấn đề trao quyền, đó phải là trao cho người có thực tài, có đạo đức, nghĩa là có tài đức. Đồng thời, Pha-ra-ô cũng nhận ra nơi Giu-se là một người có tầm nhìn với những kế sách ngắn và dài hạn. Giu-se như hình ảnh của người lo cho công cuộc chung, đại sự. Vậy đâu là mục đích của ông Giu-se khi thi hành quyền bính? Ông đã biết tổ chức; nhưng tất cả những việc tổ chức chỉ có mục đích là cho dân được no ấm trong thời hạn hán, thiên tai. Ông đã dùng quyền để lo cho dân chúng Ai-cập và cả những dân chúng quanh: “Ông Giu-se mở hết các kho lúa mì và bán cho người Ai-cập… Từ mọi xứ, người ta đến Ai-cập để mua lúa mì của ông Giu-se, vì nạn đói hoành hành trên khắp mặt đất” (st 41,56-57). Ông dùng quyền – toàn quyền hành động mà Pha-ra-ô trao cho – để lo cho tha nhân, chứ không “đục nước béo cò”, lợi dụng tình thế khó khăn để tư túi, tư lợi. Câu nói của Pha-ra-ô: “Hãy đến với ông Giu-se” là một diễn tả rất đẹp về quyền được trao và quyền được thi hành vì lợi ích của tha nhân.
Trong đời sống chúng ta, khi tham gia vào sinh hoạt xã hội cũng nhu Giáo Hội, cộng đoàn, với những quyền được trao để thi hành nhiệm vụ, chúng ta hãy hành động làm sao để quyền được trao cho chúng ta trở thành cơ hội để phục vụ lợi ích của tha nhân. Chúng ta hành động thế nào để địa vị của mình trở thành nơi chúng ta có nhiều khả năng hơn để mang lại hạnh phúc cho tha nhân, ngay cả thuộc phạm vi vật chất. Người môn đệ Chúa cần phải trung thành và tận tâm với công việc được trao, chỉ như thế, quyền trở thành quyền phục vụ.
2. QUYỀN TRÊN CÁC THẦN Ô UẾ
Chúng ta bước vào Tân Ước. Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 10 từ câu 1 đến 7, Chúa Giê-su gọi mười hai môn đệ lại và đưa ra một vài chỉ thị để các ông đi tập sự rao giảng Tin Mừng Nước Trời.
Điều đầu tiên Chúa làm cho các ông để các ông có thể đi loan báo Nước Trời, đó là trao cho các ông quyền. Chúa biết rõ, không có quyền thì chẳng có thể làm gì được. Chính Chúa cũng đã kinh nghiệm điều đó, khi Chúa nói “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Quyền được trao ban trở thành sức mạnh để có thể vừa đối đầu với những mãnh lực sự dữ vừa để chiến thắng, giúp người khác chiến thắng sự dữ cũng như ma quỉ và để có một cuộc sống xứng đáng. Vậy Chúa Giê-su ban cho các môn đệ quyền gì? Chúa ban cho các ông “quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. Như vậy, đây là quyền hành trên ma quỉ, nghĩa là trên các thần ô uế. Nhưng ma quỉ ở đây không phải là thứ ma quỉ do đầu óc tưởng tượng của con người, mà là một sức mạnh xấu xa tàn phá, làm băng hoại con người mà nó nhập, mà nó ám, mà nó cư ngụ trong đó. Đây là quyền để hành ma quỉ: hành hạ ma quỉ. Hành hạ chúng và trừ khử chúng ra khỏi con người nó cư ngụ. Chúng ta nhớ câu chuyện Chúa chữa lành hai người bị quỉ ám hung dữ, ma quỉ nói gì? “Chúng la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi cam gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây hành hạ chúng tôi sao?” (Mt 8,29). Các môn đệ nhận quyền lực trên ma quỉ để trừ chúng, nghĩa là cho người bị chúng ám, chúng không chế xưa nay, được thoát khỏi ma quỉ và trở về với cuộc sống nhân phẩm con người và hình ảnh Thiên Chúa. Quyền để giải thoát, để đem lại tự do, tự do đích thực. Đồng thời Chúa cũng ban quyền để chữa lành hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đây là quyền đem lại cho con người hạnh phúc. Người môn đệ Chúa phải đón nhận sức mạnh từ nơi Chúa để có thể hành động như Chúa. Chúa đã sử dụng quyền thế nào, người môn đệ cũng sử dụng quyền như vậy. Chúa đã sử dụng quyền với mục đích gì, người môn đệ cũng sử dụng quyền với mục đích đó. Khác đi, không còn là môn đệ Chúa, mà là môn đệ của thế gian, và có thể là của ma quỉ.
Các môn đệ Chúa, khi nhận quyền Chúa ban, phải biết hành động đúng với mục đích mà Chúa muốn. Quyền để giải thoát. Quyền để mang lại tự đo. Quyền để phục hồi sức khoẻ tâm hồn và thân xác. Như vậy, quyền được Chúa trao không trở thành cơ hội để người môn đệ Chúa “tác oai tác quái”, “vỗ ngực xưng tên”, đề cao cái tôi, với thứ quyền oai cá nhân, mà phải là nơi thể hiện tình yêu của Thiên Chúa, sức mạnh giải phóng của Thiên Chúa. Quyền ở nơi bản thân là để mưu ích cho tha nhân.
Quyền Chúa Giê-su ban cho các môn đệ, trở thành lời hạch hỏi cho mỗi chúng ta về cách thức sử dụng những quyền Chúa trao, những năng quyền lãnh nhận: chúng ta có là những người quản lý trung tín các ân huệ của Chúa cho tha nhân hay là chủ nhân ông để hành xử một cách độc tài, chèn ép và làm cho người khác sợ hãi, không tiến tới được trong con đường ân phúc của Thiên Chúa?
3. BIẾT NGƯỜI ĐÓ LÀ AI
Người ta thường nói: muốn biết người đó là ai, thì hãy ban cho họ một chút quyền. Một chút quyền thôi, qua cách hành xử trong các mối tương giao, cũng có thể làm lộ ra tính chất và tâm tính của người hành quyền. Điều này cũng nhắc nhở chúng ta biết sử dụng quyền – như ân huệ Thiên Chúa ban vì lợi ích của tha nhân – một cách xứng hợp với tư cách người môn đệ của Chúa. Hình ảnh của ông Giu-se và lời Chúa nói với các môn đệ là những chỉ dẫn rất cần thiết và quan trọng cho mỗi chúng ta, khi chúng ta thi hành bất cứ quyền bính nào, lớn nhỏ, trong bất cứ phạm vi nào, trong bất cứ môi trường xã hội hay Giáo Hội. Xin Chúa cho chúng ta tinh thần của Chúa, là nhận và sử dụng QUYỀN ĐỂ PHỤC VỤ, vì Con Người đến để phục vụ.