Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

SÁNG!!! – TUẦN XXIII-thứ Sáu -VP Duyên Thập Tự

TN-161-TUẦN XXIII-thứ Sáu

SÁNG!!!

(1Tm 1,1-2.12-14 / Lc 6,39-42)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Trong công cuộc sáng tạo, điều đầu tiên Thiên Chúa tạo dựng nên, chính là ánh sáng. Thật vậy, theo trình thuật, lúc bấy giờ bóng tối bao trùm vực thẳm, Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng”. Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng là tốt đẹp (x.St 1,1-3). Như vậy, ánh sáng luôn cần thiết cho sự sống và sự khám phá. Nhưng để có thể nhìn thấy một đối tượng nào đó, cần có ba yếu tố. Yếu tố thứ nhất là phải có ánh sáng, vì nếu bóng tối bao phủ, sẽ không nhìn thấy gì. Yếu tố thứ hai là mắt sáng, vì đui mù, sẽ không thấy gì. Yếu tố thứ ba là đối tượng phải ở trong ánh sáng và trong tầm nhìn, vì nếu nấp trong tối tăm và quá xa, sẽ không thể nhìn thấy. Ba yếu tố này đều mang dấu ấn của độ “sáng”.

Hôm nay, khi suy niệm hai bài đọc Lời Chúa, tôi nghĩ tới một từ, đó là “SÁNG”. Sáng ở đây, trước hết là sự sáng của đôi mắt, tiếp đến là ánh sáng giúp soi rọi trên thực tại, và cuối cùng là những gì là nguồn ánh sáng. Đó là ba cấp độ của “SÁNG”. Ánh sáng ở đây được nhìn dưới góc độ liên quan đến đời sống Ki-tô hữu của chúng ta.

 

  1. CẤP ĐỘ 1 : ÁNH NHÌN CỦA ĐÔI MẮT

Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 6 từ câu 39 đến 42, Chúa Giê-su đề cập đến con mắt sáng dưới dạng một dụ ngôn: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý đến. Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em.” Dụ ngôn này mang nhiều hàm ý mà ai trong chúng ta cũng có thể hiểu và rút ra bài học cho chính mình. Qua dụ ngôn này, tôi muốn dừng lại nơi ánh nhìn.

Đôi mắt là quan trọng, vì nhờ nó mà người ta có thể nhìn thấy sự vật bên ngoài. Nhưng, theo thiển ý tôi, ánh nhìn cũng rẩt quan trọng, vì chính ánh nhìn biểu lộ tâm hồn bên trong. Ánh nhìn là tia sáng phát xuất từ tâm hồn đi qua đôi mắt để đi đến đối tượng. Ánh nhìn trong sáng diễn tả tâm hồn trong sáng, ánh nhìn đen tối diễn tả tâm hồn đen tối. Như vậy, người ta mới ví đôi mắt là cửa sổ của linh hồn.

Quay trở lại với lời Chúa nói trên, chúng ta tự hỏi: đâu là ánh nhìn tôi có về tha nhân, và ánh nhìn của tôi đối với bản thân? Nơi đây, điều quan trọng không phải là nhìn, mà là ánh nhìn của chúng ta trên người anh em và về chính mình. Vấn đề ở đây, xuyên qua ánh nhìn, đó là đánh giá về phương diện luân lý, nghĩa là ánh nhìn về giá trị. Chúng ta luôn đánh giá bản thân có giá trị hơn tha nhân – dù không tiện nói ra! – và vì thế, dễ thấy “khiêm khuyết nhỏ” nơi tha nhân mà lại không thấy “cái tệ hại lớn” nơi bản thân. Tất cả do nơi “tâm hồn”, nơi “lòng dạ” chúng ta. Chúng ta thường dọi ánh nhìn tiêu cực trên tha nhân để biện minh những điều “không đàng hoàng” nơi bản thân. Chúng ta cần rọi ánh nhìn về bản thân – ánh nhìn nội tâm và duyệt xét – mới có thể giúp mình sáng và giúp tha nhân sáng. Tự giác rồi giác tha: đó luôn là qui luật của sự tiến bộ. Chúng ta cần lắm ánh nhìn trong sáng, vừa để tài bồi trái tim nên tinh tuyền, vừa để nối kết tương giao với tha nhân và với mọi sự vật. Ước mong ánh nhìn luôn trong sáng, để khi “mắt sáng, thì toàn thân được sáng” (x.Mt 6,22-23). Đó là cấp độ thứ nhất của “SÁNG”.

 2. CẤP ĐỘ 2 : ÁNH NHÌN CỦA ĐỨC TIN

Chúng ta vừa đề cập đến đôi mắt và ánh nhìn. Đó là đôi mắt thể lý. Nhưng còn có một nơi giúp chúng ta nhìn thấy – và nhìn thấy những thực tại vô hình, thiêng liêng -, đó là đức tin. Đức tin vẫn được ví như ánh sáng, ánh sáng đức tin, vì đức tin rọi chiếu ý nghĩa của những thực tại hữu hình và vô hình. Hơn thế nữa, đức tin là một quan năng thiêng liêng – như đôi mắt thể lý – nhìn thấy những gì không thấy.

Thánh Phao-lô, trong trích đoạn thư thứ nhất gửi môn đệ Ti-mô-thê chương 1 từ câu 1 đến 2 và từ câu 12 đến 14, đã nhấn mạnh đến đức tin. Ngài viết: “Trước kia, tôi là một kẻ lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hiệp với Người”. Trong trích đoạn này, thánh Phao-lô đã nói đến hai giai đoạn trong cuộc sống của ngài. Giai đoạn thứ nhất, khi ngài còn là một người theo đạo Do thái, và là một người Pha-ri-siêu rất nhiệt thành với Lề Luật Mô-sê. Ngài đã hăng say bắt bớ các Ki-tô hữu. Chúng ta đã biết đến chuyện này. Lúc đó ngài chưa có đức tin, như ngài viết; vì thế, ánh nhìn của ngài về các Ki-tô hữu là ánh nhìn rất ác cảm vì cho rằng những con người này theo tà đạo khi tin vào một người tên là Giê-su đã bị giết chết trên thập giá. Ánh nhìn và hành động của ngài, trong giai đoạn này, là ánh nhìn của một kẻ mà ngài gọi là “lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược”. Giai đoạn thứ hai, khi được Chúa kêu gọi với biến cố tại Đa-mát, để từ nay, ngài nhìn tất ca dưới lăng kính của đức tin. Đức tin đã cho ngài nhìn ra ân sủng mà Chúa đã ban cho bản thân ngài để cùng với lòng mến, ngài được sống kết hiệp với Chúa Giê-su Ki-tô một cách rất thân thiết. Ánh nhìn đức tin đó cũng đã cho ngài thấy Hội Thánh là gì để ngài hết lòng yêu mến và làm cho Thân Thể nhiệm mầu của Chúa lớn lên, với nhiệt tâm truyền giáo. Nói tóm lại, ánh nhìn đức tin đã cho thánh Phao-lô hiểu được ý nghĩa của đời mình và tất cả những gì trong đạo thánh Chúa và trên những thực tại trần gian.

Trong cuộc sống, cùng với ánh nhìn của đôi mắt thể lý, chúng ta rất cần đến ánh nhìn đức tin trên các thực tại của cuộc sống. Tác giả thư Do thái – mà truyền thống thường cho là thánh Phao-lô -, đã định nghĩa về đức tin: “Đức tin là bảo đảm cho những điều chúng ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều chúng ta không thấy” (Dt 11,1). Và suốt chương 11, tác giả đã chứng minh đức tin của các tiền nhân – trong Cựu Ước – đã được Thiên Chúa chứng nhận. Khi viết về ông Mô-sê và việc ông dẫn dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập, tác giả đã nhấn mạnh: “Nhờ đức tin, ông bỏ Ai-cập mà không sợ cơn thịnh nộ của vua; ông vững vàng không nao núng, như thể xem thấy Đấng vô hình” (Dt 11,27).

“Như xem thấy Đấng vô hình”: Đây là ánh nhìn tuyệt vời của đức tin, không những của ông Mô-sê và phải là của các Ki-tô hữu, của mỗi chúng ta. Ánh nhìn đức tin giúp chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa trong tất cả mọi biến cố của lịch sử và trong cuộc sống này. Chính ánh nhìn đức tin làm cho chúng ta tin tưởng và vững bước ngay cả trong những lúc tăm tối nhất, như trong thời đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi hoặc biết bao giông tố về nhiều phương diện đang chụp xuống trên nhân loại. Đó cũng là ánh nhìn đức tin của thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su khi sống những khoảnh khắc mịt mờ của những thử thách trong đời sống thiêng liêng, ngài vững tin: “Bên kia mây mù, Mặt Trời của tôi vẫn chiếu sáng”. Ánh nhìn của đức tin là cấp độ thứ hai của “SÁNG”

 3. CẤP ĐỘ 3 : ÁNH NHÌN CỦA CHÚA

Chúng ta còn cần một ánh nhìn nữa, đó là ánh nhìn của Chúa. Nói cách khác, Chúa chính là ánh sáng. Thánh Gio-an, trong lời tựa của Tin Mừng, đã khẳng định: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Chính Chúa cũng nói về bản thân Chúa: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Như vậy, để đạt được sự sống đời đời, chúng ta cần đến ánh sáng là chính Chúa. Nhưng đâu là nơi, Chúa biểu lộ ánh sáng đem lại sự sống đời đời? Tôi xin dừng lại một nơi trong những nơi biểu lộ ánh nhìn của Chúa, đó là Lời Chúa.

Vịnh gia, trong thánh vịnh 118 câu 105, đã tuyên xưng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”. Thánh Phê-rô cũng đã tuyên xưng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68). Như vậy, chúng ta cần Lời Chúa là ánh sáng để chúng ta bước đi trên con đường theo Chúa, trong đời sống Ki-tô hữu. Vì Lời Chúa là chính Chúa, nên chúng ta có thể nói Lời Chúa chính là ánh nhìn của Chúa. Khi chúng ta đọc, nghe, suy niệm là chúng ta khám phá ánh nhìn của Chúa về Thiên Chúa, về con người và tất cả những gì liên quan đến ơn cứu độ. Nghĩa là Lời Chúa rọi ánh sáng trên tất cả mọi thực tại hữu hình cũng như vô hình. Chính khi khám phá ra ánh nhìn của Chúa, chúng ta sẽ biết đường lối Chúa muốn và đem ra thực hành. Và như thế, chính ánh nhìn của Chúa soi sáng cuộc đời chúng ta và chúng ta sẽ hiểu trong ánh sáng của Chúa: “Lạy Chúa, nhờ ánh sáng Ngài, chúng con nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10). Tất cả trở nên sáng trong ánh nhìn của Chúa.

Hôm nay, nhân dịp Chúa nói đến đôi mắt phải sáng để có thể nhìn rõ, và nhờ vậy, mà có thể dẫn dắt người khác được. “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?”. Chúng ta cần “SÁNG”. Đây là độ sáng của ánh nhìn của đôi mắt thể lý, là ánh nhìn trong sáng. Đây là độ sáng của ánh nhìn của đức tin . Và đây cũng là độ sáng tuyệt đối của ánh nhìn của Chúa. Chúng ta cần tất cả những cấp độ đó, để chúng ta sống với tư cách là con cái ánh sáng, để chúng ta có thể nhìn bản thân và tha nhân rõ hơn và sáng hơn.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...