CN 14 TN C
NIỀM VUI
Is 66,10-14c; Tv 65; Gal 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20
Lm. Thanh Toàn O.cist
Đọc để suy niệm Lời Chúa trong Chúa Nhật 14 thường niên năm C, trực quan cho thấy sợi chỉ xuyên suốt Cựu Ước và Tân Ước đó là niềm vui. Lời kêu gọi của ngôn sứ Isaia là Giêrusalem hãy vui lên, hãy reo hò mừng hát hỡi những ai than khóc về thành… Các môn đệ của Chúa Giêsu trở về vui mừng hớn hở vì thành công gặt hái được trong cuộc đi rao giảng Tin Mừng. Ngay cả thánh vịnh đáp ca cũng mời gọi: toàn thể trái đất hãy tung hô Thiên Chúa, hát mừng Đức Chúa, chúc tụng Thánh Danh. Điều này là chính đáng phải lẽ.
Thế nhưng càng đọc càng thấy rằng, niềm vui đó hiển nhiên cần thiết, cũng có những điều kiện của nó. Điều kiện ấy là thập giá. Thánh Phaolo trong bài đọc 2 đã điều chỉnh niềm hãnh diện của các môn đệ nói trong Tin Mừng về thành quả rao giảng của họ như sau: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” bởi vì: “Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gal 6,14).
Thật vậy, một khi đã xác lập được mối liên hệ rạch ròi, dứt khoát giữa tôi và thế gian, cũng như giữa thế gian và tôi, và sự rõ ràng rạch ròi của mối liên hệ ấy được cụ thể bằng hình ảnh ‘đóng đinh’, nghĩa là tôi đã chết đối với thế gian và thế gian đối với tôi cũng vậy, trên cơ sở đó chúng ta mới có thể chấp nhận luận lý của Thiên Chúa về công cuộc truyền giáo của Ngài: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Nếu giữa tôi và thế gian chưa được ‘đóng đinh’, rất có thể tôi sẽ không xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về, mà tôi tự ý sẽ đi gặt theo ‘sáng kiến’ của riêng tôi. Nếu độc giả thuộc linh đạo Biển Đức – Xitô sẽ hiểu ngay đó là loại ‘đan sĩ tự tu’ (nô lệ cho ý riêng và ham mê ăn uống). Nếu giữa tôi và thế gian chưa được ‘đóng đinh’, có thể tôi đã được sai đi chính thức, nhưng niềm vui do gặt hái thành quả hoạt động tông đồ mang lại có lẽ cũng chỉ là những vinh quang bề ngoài: “…cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (Lc 10,17).
Nếu giữa tôi và thế gian đã được đóng đinh, thì hoạt động truyền giáo của tôi sẽ ít nhắm đến thành quả hoạt động tông đồ (mặc dù thành quả tông đồ là mục tiêu hoạt động của tôi) cho bằng nhắm đến thành quả cứu cánh: “…nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20).
Kiểu thức “đóng đinh” như Tin Mừng mô tả thật là khó khăn đối với tôi. Tôi được sai đi. Nhưng tôi ra đi với tâm trạng sợ hãi (như chiên vào giữa bầy sói), với hành trang quá đơn giản (không túi tiền, bao bị, giày dép), với tâm trạng cô đơn trên hành trình (không chào hỏi ai dọc đường) và thậm chí không bận tâm đến việc ăn uống (…và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó)… Cùng với đó là thái độ quyết đoán trước hoàn cảnh bất lợi cho Tin Mừng: phải lên án, phải tố cáo thái độ khước từ Tin Mừng. “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,11).
Kiểu thức ‘sai đi’ như mô tả trên đây dường như chỉ liên quan đến những ai hoạt động tông đồ, đi truyền giáo ở các vùng xa vùng sâu, và không thấy những ‘chỉ dẫn’ cụ thể nào cho những đan sĩ có nội vi đan tu ? Thiết tưởng có. Những chỉ dẫn đó có giá trị phổ quát, áp dụng cho mọi đối tượng tham gia sứ vụ rao giảng Tin Mừng, có điều cách thức hoạt động khác nhau do môi trường hoạt động khác nhau. Đan viện là một Trường học (Schola) trong đó môi trường hoạt động là tương quan huynh đệ cộng đoàn. Thực hành những ‘chỉ dẫn’ của Tin Mừng trong môi trường đan viện, các đan sĩ (học viên) nhân bội giá trị thành quả tông đồ của Hội Thánh bằng chính đời sống cầu nguyện của mình. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là một điển hình.
Ước gì dưới ánh sáng Tin Mừng, những người sống đời đan tu chiêm niệm tìm được niềm vui trong khi tham gia sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng chính đời sống cầu nguyện, âm thầm dấn thân trong nếp sống khiêm hạ để thực hiện ba mục tiêu cứu cánh của tu sĩ: tôn vinh Thiên Chúa, xây dựng Giáo hội và lo cho phần rỗi thế giới. Amen.