Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Suy niệm CÁC NGÀY TRONG TUẦN I Mùa Vọng (Hiền Lâm)

 
THỨ HAI TUẦN I MÙA VỌNG
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 8,5-11
Khi Đức Giêsu vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: “Đi! “, là nó đi, bảo người kia: “Đến! “, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này! “, là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời.
 
II. SUY NIỆM
Trong Tin Mừng, ít khi chúng ta gặp thấy Chúa Giêsu khen, nhất là khi lời khen dành riêng cho một ai đó. Hôm nay, Chúa Giêsu khen ngợi niềm tin của một sĩ quan Rôma, lời khen thiết thực đến mức có sức chữa lành một người tôi tớ của vị sĩ quan này.
Điều lạ ở đây là người được Chúa Giêsu ca ngợi về niềm tin, không phải là một chức sắc tôn giáo Do Thái, cũng không phải là một đạo hữu Do Thái mà là một kẻ ngoại đạo, cầm quyền đô hộ dân Người.
Tại sao vậy? Thiết tưởng vì hai lý do:
 
1. Khiêm tốn
Xét về thế giá và địa vị, viên sĩ quan này có quyền lực đại diện cho đế quốc Rôma để cai trị một vùng của người Do Thái, ông có lính tráng và kẻ hầu người hạ, thậm chí xét về mặt chính trị, ông còn có quyền bắt, trục xuất hoặc ngăn cấm Chúa Giêsu truyền đạo.
Thế nhưng, ông nhận ra nơi con người Chúa Giêsu không đơn thuần là một thầy dạy như các kinh sư, mà là một vị ngôn sứ của Thiên Chúa, nên ông đã cảm thấy bất xứng trước mặt Ngài. Ông nhìn nhận mọi chức vụ và địa vị đều dưới quyền của Thiên Chúa, và ông đã khiêm tốn nói lên: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh”.
Lời xét mình này của ông đã được Giáo Hội dùng để cho chúng ta thân thưa với Chúa mỗi ngày trong thánh lễ trước khi đến rước Mình Thánh Chúa.
Ước gì mỗi lần chúng ta đọc lời này, chúng ta cũng có được sự ý thức về mình như viên sĩ quan trên đây, không ỷ vào địa vị mà vênh vang tự hào, nhưng quy về vinh quang Chúa, và nhìn nhận mình có là gì đều do ân huệ Chúa ban. Bởi trước mặt Chúa không phân biệt người có quyền cao chức trọng hay kể bần hàn cố nông, nhưng người cao trọng trong nước Chúa chính là hãy trở nên bé nhỏ, nghĩa là khiêm tốn.
 
2. Niềm tin
Lời của viên sĩ quan: “Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”.
Đây là một lời tuyên xưng đức tin cao độ. Với cách so sánh, ông tuy là quan nhỏ, nhưng cũng có cấp dưới và họ phải vâng lệnh ông, từ đó ông tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa, có quyền trên mọi quyền lực thần thiêng, có quyền trên mọi bệnh tật và tất cả đều phải vâng lệnh Người (quan niệm của người Do Thái tin bệnh tật là do tà thần và sự dữ). Điều đáng nói ở đây nữa là, một sĩ quan thường ỷ thế vào quyền lực và tiền bạc để lo lắng cho người đầy tớ, nhưng không, ông tin Chúa Giêsu mới có thể chữa lành và niềm tin của ông đã được đền đáp.
Còn chúng ta, đứng trước những khó khăn, đau khổ, bệnh tật… chúng ta có đặt niềm tin đủ vào Chúa để xin Ngài trợ lực không, hay là ỷ lại vào sức mình? Ước gì sau khi đọc bài Tin Mừng này, mọi người chúng ta xác tín hơn vào sự quan phòng của Chúa, để trong khi chúng ta ra sức đương đầu với những khó khăn và đau khổ của cuộc sống, biết chạy đến Chúa để được Ngài soi sáng và ban ơn trợ lực. Và trên hết, hãy tin tưởng và cầu xin Chúa chữa lành bệnh tật nơi tâm hồn chúng ta.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, nên Chúa cũng sẵn lòng cứu giúp những ai khiêm tốn, suy phục và đặt niềm tin nơi Chúa. Xin cho chúng con cũng biết khiêm tốn đến với Chúa, để được Chúa chữa lành những bệnh tật tâm hồn. Amen.
 
 
THỨ BA TUẦN I MÙA VỌNG
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 10,21-24
Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”
Rồi Đức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”
 
II. SUY NIỆM
Mọi Kitô hữu đều có quyền tự hào vì được nhận biết Thiên Chúa và được làm con của Người cách trọn vẹn ngay từ lúc lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta không chỉ dừng lại ở niềm vui được giải thoát tội nguyên tổ, mà vui mừng hơn là vì được làm con Thiên Chúa trong lòng Giáo Hội Công Giáo.
Hôm nay Chúa Giêsu vui mừng tạ ơn Chúa Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những tâm hồn bé mọn, là hết những ai đón nhận và tin vào Người:
 
1. Mầu nhiệm Thiên Chúa được mặc khải cho người bé mọn.
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”.
 
“Mặc khải” có nghĩa làm cho những gì đã giấu kín được tỏ lộ ra, mang ra ánh sáng những gì đang ở trong bóng tối, hay làm cho một người hiểu những gì họ chưa biết hay còn mù mờ.
Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan thông thái với kẻ bé mọn để dạy mọi người cần có thái độ của trẻ thơ: tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Người chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Bởi vì, thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản người ta nhận ra những gì Thiên Chúa muốn mặc khải cho.
Để hiểu Mầu Nhiệm Nước Trời, con người cần có thái độ khiêm nhường: trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa chứ không phải ỷ vào sức mình.
Đức tin ở một cấp độ cao hơn lý trí, không lệ thuộc vào lý trí, nhưng lý trí có thể làm sáng tỏ đức tin. Thay vì giản lược một Thiên Chúa khôn ngoan uy quyền vào lý trí hạn hẹp; con người phải ra sức cầu xin để Thiên Chúa ban cho hiểu được phần nào sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Chứ không phải biết được chút gì thì đã kiêu ngạo nhân danh khoa học để bác bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, hoặc không hiểu được một vấn đề thì lại cho là vô lý mà không nhận ra cái giới hạn của mình.
 
2. Biết Thiên Chúa
“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho”
 
Biết ở đây không chỉ hiểu là nhận biết, mà còn là một sự liên kết thân thiết với nhau. Biết Đức Giêsu là ai là điều cốt yếu đối với chúng ta, vì điều mà Người ban tặng cho chúng ta là vô giá: đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Nhưng nếu Đức Giêsu không đến từ Thiên Chúa và không là Thiên Chúa thì lời hứa đó chẳng có giá trị gì. Chính vì vậy mà phải khám phá ra cho được Đức Giêsu là ai, vì nhờ đó mà chúng ta tìm thấy ơn cứu độ.
Được biết Thiên Chúa và nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai thật không dễ dàng, bởi vì việc nhận biết Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu không phải do trí hiểu hay thực nghiệm khoa học, mà là một ân ban của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói: Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ nếu Chúa Con không mặc khải cho, và cũng không ai đến được với Chúa Con nếu Chúa Cha không lôi kéo họ”.
Mọi tín hữu khi nghe lời này của Chúa Giêsu, thật là hạnh phúc khi được biết Thiên Chúa là Cha và tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và là Chúa của mình.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết khiêm tốn nhận ra những giới hạn yếu đuối với mình, mà năng đến với Thánh Thể mỗi ngày, để tâm hồn chúng con được bổ dưỡng sức thần thiêng mà vượt thắng mọi khó khăn trên đường lữ thứ trần gian. Amen.
 
 
THỨ TƯ TUẦN I MÙA VỌNG
Ngày 30/11: Lễ thánh An-rê Tông Đồ
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 4,18-22
Đức Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.
 
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên, trong đó có thánh An-rê là Tông Đồ mà chúng ta mừng kính hôm nay.
Bốn Tông Đồ này là hai cặp đôi anh em ruột và cùng làm nghề đánh cá. Phêrô – Anrê và Giacôbê – Gioan.
Qua cách thức gọi của Chúa Giêsu và lời đáp trả của các Tông Đồ, chúng ta cùng suy tư một số điểm sau đây:
 
1. Chúa gọi các Tông Đồ ở đâu và trong hoàn cảnh nào?
Tại bờ biển hồ Galilê, là nơi diễn ra cuộc sống kinh tế của dân. Chúa đến cách cụ thể trong cuộc sống bình thường của con người. Chúa gọi trong hoàn cảnh cụ thể và trong bối cảnh xã hội đương thời. Chúa không phân biệt nghề nghiệp cao sang hay thấp kém, người trí thức hay bình thường. Điều này cho thấy, sứ vụ của người theo Chúa là rao giảng và sống chứng nhân cho Tin Mừng ngay trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Đồng thời, Tin Mừng được loan báo nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần chứ không phải ý riêng con người.
 
2. Chúa gọi như thế nào và gọi để làm gì?
Chúa gọi cách trực tiếp, Chúa gọi từng cá nhân với một mệnh lệnh là: “Hãy theo Thầy”. “Theo” trong ngôn ngữ Do-thái là “ở với”, là “gắn bó” với Thầy. Chúa gọi theo tính cách là người trên truyền lệnh, ai tự do tin nhận Người là chủ đời mình thì bước theo. Như vậy, Theo Chúa là gắn bó nên một với Người và ở với Người; giữ các huấn lệnh của Chúa, tin nhận và chọn Người làm chủ đời mình và sứ vụ được trao cho mình.
 
3. Sứ vụ của người được gọi.
“Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người” Nghĩa là, phải lãnh lấy một sứ vụ, một công việc mới, công việc của Thầy chứ không còn là công việc của mình nữa. Như vậy, theo Chúa không phải để trốn tránh việc đời, để an thân và lẩn trách trách nhiệm, nhưng là phải ra đi đem Tin Mừng cho thế giới và đem về cho Chúa các linh hồn.
 
4. Sự đáp trả và tinh thần từ bỏ.
Ngay lập tức, các ông bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ cha mình mà theo Chúa. Hành động ngay lập tức (chứ không phải để từ từ và so đo tính toán nữa) nói lên một sự tín thác tuyệt đối vào Chúa. Đi sau sự đáp trả là từ bỏ tất cả, vật dụng làm nghề, bỏ cơ nghiệp, bỏ nghề nghiệp và bỏ cả liên hệ gia đình để đi theo Chúa. Điều này đòi hỏi một sự dứt khoát, không vương vấn và không để điều gì vướng bận cho sứ vụ mới. theo Chúa là phải bỏ con người cũ để sống con người mới.
 
Tóm lại:
Chúa Giêsu gọi ai thì Người không quan trọng đến thời điểm nào, lý lịch ra sao mà trên hết tất cả là Ngài nhìn thấy nơi ta có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không? Chúa gọi thì không phân biệt quá khứ ta là ai, nhưng chỉ thấy ta từ lúc ta bắt đầu bước theo. Chúa gọi ta và mời gọi ta làm chứng cho Người ngay chính nơi ta sống và làm việc.
Cùng với ơn soi sáng cho ta nhìn thấy ơn gọi, điều quan trọng là ta không mặc cảm với quá khứ, mau mắn đáp trả, bỏ lại mọi sự và bước theo Chúa.
Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi bạn làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, bạn có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không, dám từ bỏ không, hay còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi?
 
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, bản chất của Ki-tô hữu là truyền giáo, để chúng con hăng say tiếp nối các Tông Đồ làm cho Tin Mừng của Chúa được lan rộng, nhờ đời sống đạo gương mẫu và việc thực thi bác ái khắp những nơi mà chúng con được sai đến. Amen.
 
 
THỨ NĂM TUẦN I MÙA VỌNG
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 7,21.24-27
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! ” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.
“Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.
 
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay nói lên điều kiện để được vào nước Thiên Chúa không hệ tại ở việc tuyên xưng hay kêu cầu danh Chúa ngoài môi miệng, mà là việc thực thi ý Chúa. Thực thi ý Chúa nghĩa là đem những lời Chúa dạy trong Tin Mừng ra thực hành trong đời sống. Và ai thực hành lời Chúa thì có một nền tảng vững chắc trong đức tin và lòng yêu mến.
 
Cha Anthony de Mello có kể câu chuyện hài hước rằng:
Có một người vô thần leo núi, chẳng may trượt té rơi xuống vực sâu, rất may ông ta bám được vào một cành cây nhô ra giữa chừng. Nhìn xuống vực sâu thăm thẳm và tay mỏi cùng cành cây sắp gãy, anh ta liền kêu lên:
– Lạy Chúa, nếu có Chúa thật thì cứu tôi đi tôi tin liền.
Bỗng có tiếng bảo:
– Có Ta chứ, có thật ngươi tin không?
Ông ta liền kêu lên:
– Thưa tin, và cứu tôi đi, về tôi sẽ loan báo cho nhiều người cũng biết mà tin vào Ngài.
Tiếng đó lại bảo:
– Nếu ngươi tin có Ta thì hãy buông tay ra khỏi cành cây.
Ông ta đáp lại.
– Ngu gì mà buông, buông mà chết à? Bộ Chúa tưởng con điên chắc?
???
 
Giống như người vô thần trong câu chuyện trên đây, nói tin Chúa thì dễ lắm, nhưng thực hành điều mình tuyên xưng thật không dễ chút nào.
Trong tình yêu cũng thế, nếu chỉ dừng lại nơi đầu môi chót lưỡi thì là thứ tình yêu giả dối. Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ Lời Thầy” (Ga 14,23). Như thế, việc tuân giữ Lời Chúa là thể hiện lòng yêu mến đích thực. Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại không tuân giữ Lời Người, vì như thế là nói dối. Thật vậy, giữa tin có Chúa và yêu mến Chúa phải là một khi tuân hành ý Chúa.
 
Tôi biết anh A chị B và tôi nhiều lần gọi tên họ, nhưng chắc gì tôi đã yêu mến họ, tôi tin có ông này bà nọ hiện hữu, nhưng chắc gì tôi yêu thích họ và tìm đến gặp họ?
Ma quỷ cũng tin có Chúa Giêsu hiện diện, nó biết rất đúng về Chúa Giêsu, thậm chí còn tuyên xưng Ngài giữa đám đông, nhưng liệu nó có yêu Ngài không? Thưa không.
 
Sống đạo, rất cần sự thể hiện ra thực tế, nhưng không ít những người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt động sinh hoạt công giáo, không tham dự các bí tích, nhất là thánh lễ, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm… Hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội Thánh. Đặc biệt, vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa, bỏ bê các việc đạo đức.
 
Điều mà chúng ta thường gặp phải là “ngôn hành bất nhất”, nói mà không làm, hoặc làm nửa vời. Nói Lời Chúa thì hay mà sống thì chẳng ra gì. Điều này được Chúa ví như xây nhà trên cát, nghĩa là không có móng, là mất gốc, mất căn bản của niềm tin, vì không bám sâu vào Lời Chúa, gặp khi thử thách xảy đến sẽ buông xuôi ngã lòng…
 
Lạy Chúa,
xin cho chúng con biết xây dựng đời mình trên nền đá vững chắc là Đức Ki-tô, để không có gì thuộc ma quỷ và thế gian có thể xô ngã được chúng con. Xin cho chúng con cũng biết dùng chính đời sống gương mẫu để làm chứng cho Chúa hơn là những lý thuyết suông nơi môi miệng. Amen
 
 
THỨ SÁU TUẦN I MÙA VỌNG
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 9,27-31
Đang khi Đức Giêsu ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: “Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi! ” Khi Đức Giêsu về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không? ” Họ đáp: “Thưa Ngài, chúng tôi tin.” Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: “Coi chừng, đừng cho ai biết! ” Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.
 
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện hai người mù được Chúa Giêsu thương chữa lành, nhờ lời kêu xin khẩn thiết và lòng tin của họ.
 
Thiết nghĩ, căn bệnh mù là căn bệnh khiến cho người mắc phải thiệt thòi nhất, có thể nói họ như một đứa trẻ chưa được sinh ra vì không được thấy ánh sáng và mọi tạo vật xung quanh mình. Chính vì thế mà họ rất khao khát, sự khao khát được thấy một điều chắc chắn có thực mà mình chưa được thấy bao giờ. Cũng như sự khao khát của con mắt đức tin về Nước Trời là thực tại có thật mà con người chưa được thấy vậy.
– Lời kêu xin của anh mù vượt qua tính tự ái và một mực kiên trì, bởi vì Chúa không chữa lành ngay, mà đợi họ đi theo về đến nhà mới chữa lành, dù ai cũng biết việc đi theo của người mù là rất khó khăn và xung quanh Chúa Giêsu lại luôn được bao bọc bởi đám đông chen lấn. Việc để họ phải lần mò theo cho đến khi Chúa về nhà như là một thử thách niềm tin.
– Hầu như mọi lần chữa lành bệnh tật cho ai, Chúa Giêsu đều nói đến lòng tin đã cứu họ. Đức Tin là điều kiện đầu tiên để được chữa lành và phép lạ chỉ xảy ra khi thụ nhân tin vào Đấng chữa lành.
– Điều đáng nói ở đây, là hai người mù không thấy gì nhưng lại nhận ra một Đức Giêsu “Con Vua Đavid”, nghĩa là một vị Chúa, một Đức Giêsu trong bản tính thần linh. Như thế, sự khao khát đã bắt đầu cho họ lòng tin, và tin nhận rằng chỉ có Thiên Chúa mới chữa lành được cho họ. Dù niềm tin đó đang chỉ là giai đoạn khởi đầu và chỉ mong được thấy cái hữu hạn có lợi cho riêng mình. Chính khi họ vượt qua thử thách về sự kiên nhẫn đi theo Chúa và cầu xin thống thiết, đức tin mới thật sự trưởng thành và được chữa lành một trật cả con mắt thể lý lẫn tâm linh.
 
Như vậy:
• Để được gặp Chúa và được Chúa chữa lành bệnh tật thể xác hay tâm hồn, chúng ta cần phải có một sự khao khát mãnh liệt, dám vượt qua mọi chướng ngại, mọi khó khăn để đến với Chúa và hết lòng kêu xin Người.
• Có thể chúng ta tuy sáng mắt thể lý, nhưng con mắt tâm linh chúng ta mù tối. Không thấy Chúa hiện diện trong Thánh Thể, trong các Bí Tích, trong tha nhân và trong mọi biến cố của cuộc sống. Đến với anh em, chúng ta chỉ nhìn thấy toàn những sự thấp hèn nhân loại mà không thấy Chúa hoạt động trong họ. Đôi mắt tâm hồn chúng ta vẫn mù nên không thấy được những lần Chúa đi qua đời ta trong những biến cố của cuộc đời.
Vậy, hãy như hai người mù trong Tin Mừng, chúng ta cầu xin Chúa cho con mắt đức tin chúng ta được sáng, để chúng ta thấy Chúa hiện diện khắp mọi nơi. Và để được Chúa soi dẫn, chúng ta cần có một sự kiên nhẫn vượt qua mọi thử thách để đức tin chúng ta đạt tới sự trưởng thành.
* Nhờ đức tin mà chúng ta được chữa lành mọi vết thương thiêng liêng trong tâm hồn, và cũng nhờ đức tin mà chúng ta có thể vượt thắng những bệnh tật thể xác. Như thánh Augustino từng nói: “Chúa sáng tạo nên con không cần con, nhưng để cứu chuộc con thì cần có con cộng tác”. Chính đức tin là sự cộng tác với ơn Chúa và phép lạ chữa lành mới diễn ra, ơn cứu độ mới được thực hiện. Chúng ta được cứu độ nhờ tin vào Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải nhờ ỷ thế vào sức mình tuân giữ lề luật.
 
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con mắt đức tin chúng con được sáng, để chúng con thấy Chúa hiện diện khắp mọi nơi, và nhờ Chúa soi dẫn, chúng con kiên nhẫn vượt qua mọi thử thách để đức tin chúng con đạt tới sự trưởng thành. Amen
 
 
THỨ BẢY TUẦN I MÙA VỌNG
Ngày 03/12: Lễ thánh Phanxico Xavier
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 16,15-20
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.
Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
 
II. SUY NIỆM
Hôm nay mừng lễ kính thánh Phanxicô Xavier, Giáo Hội cho đọc đoạn Tin Mừng về mệnh lệnh Chúa trao cho các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian. Thánh Phanxicô Xavier – vị thánh linh mục dòng Tên này – đã thực hiện triệt để lệnh truyền ấy, đã đem Tin Mừng đến cho Á Châu và đem rất nhiều người trở về với Chúa, và nay được phong làm Bổn Mạng các Xứ Truyền Giáo, trong đó có Việt Nam chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay tập chú đến hai điểm chính:
 
1. Lệnh truyền rao giảng Tin Mừng.
Trước khi về trời, lời trối cuối cùng của Chúa Giêsu là: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà rao giảng Tin Mừng cho mọi lời thọ tạo”.
• Hãy đi: Đây là một mệnh lệnh mang tính trách nhiệm, chứ không phải một lời khuyên. Vì thế, đã là môn đệ Chúa, thì mọi người đều mang trong mình trách nhiệm truyền giáo.
• Đi: Nghĩa là lên đường, đến với nơi mình làm việc, nơi mình sinh sống, nơi mình tham gia các sinh hoạt… Truyền giáo là một hành động cụ thể qua lời nói và đời sống chứng nhân, chứ không phải “đạo tại tâm”.
• Khắp tứ phương thiên hạ: Nghĩa là, việc raogiảng và làm chứng cho Chúa không hệ tại ở một không gian nhất định, nhưng bất kỳ nơi nào mình đến và trong hoàn cảnh nào.
• Rao giảng Tin Mừng: Rao giảng Tin Mừng là rao giảng “Lời Chúa”, việc Chúa, và làm chứng cho Chúa, chứ không phải rao giảng “lời hay ý đẹp của mình bịa ra”, làm công việc của mình hoặc ngầm ý vinh danh mình.
• Cho mọi loài thọ tạo: Lệnh truyền không giới hạn mình phải làm chứng cho Chúa trước một tôn giáo nào hay một tầng lớp xã hội nào, mà là cho bất cứ ai mình gặp gỡ.
 
2. Điều kiện để được cứu độ.
Tiếp theo lệnh truyền là lời khằng định của Chúa Giêsu: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án”.
• Điều kiện bắt buộc để được cứu độ là tin và chịu phép rửa. Nên dù mặc nhiên hay minh nhiên, không qua Đức Giêsu Kitô thì không thể vào Nước Thiên Chúa. Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”).
• Cần phân biện giữa việc được rao giảng mà không tin và chịu phép rửa, khác hẳn với việc không được nghe rao giảng. Ơn cứu độ trước việc người ta cứng lòng không tin khác với việc người ta lầm lạc không được nghe biết Tin Mừng. Vì thế, việc truyền giáo luôn là một trách nhiệm khẩn thiết của mỗi chúng ta.
 
– Phép lạ kèm theo.
Cần lưu ý, những phép lạ chỉ là “kèm theo”, chỉ đóng vai trò phụ trong việc minh hoạ cho Lời Rao Giảng, nâng đỡ niềm tin người đón nhận và xoa dịu bớt phần nào nỗi đau khổ của kiếp nhân sinh; Lời Rao Giảng mới đóng vai trò chính trong niềm tin và ơn cứu độ.
Chính vì thế, mà chính Chúa Giêsu cũng nhiều lần từ chối làm phép lạ, vì người ta đòi hỏi Người. Niềm tin mà chỉ dựa trên phép lạ thì không còn là niềm tin nữa.
 
Lạy Chúa Giê-su,
Từ ngày chịu phép rửa tội, chúng con mang trên mình vai trò ngôn sứ, là luôn phải biết đem Tin Mừng đến cho người khác trong bất cứ hoàn cảnh nào, xin Chúa cho chúng con biết noi gương thánh Phanxico Xavier, luôn hăng say rao giảng Lời Chúa với cả sự khao khát, lời nói và hành động, hầu quê hương đất nước chúng con ngày một thêm nhiều người nhận biết và tôn thờ Chúa. Amen.
 
Hiền Lâm

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...