CHÚA NHẬT V MC B
( Suy niệm của Alfonsus Trần Công Trượng -CT)
Kính thưa quí ông bà anh chị em. Đối với người làm nghề nông chúng ta không lấy gì làm lạ khi nghe Chúa Giêsu nói đến hạt lúa gieo phải thối đi rồi sinh bông hạt. Đó là điều tất yếu của tự nhiên. Đời sống siêu nhiên cũng tương tương tự vậy.
Chúng ta bước vào tuần V mùa chay và rất gần Tuần Thánh tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã hé mở cho chúng ta biết “giờ” và cuộc thương khó của Người. Phụng vụ cho thấy, khi chấp nhận cái chết thập giá, Đức Giêsu đã trở nên hạt giống gieo vào lòng đất, chấp nhận mục nát để trổ sinh nhiều hoa trái như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng.
Khi chấp nhận mục nát như hạt giống gieo vào lòng đất với cuộc Vượt Qua trên thập giá, Đức Giêsu đã sống trọn vẹn mầu nhiệm tự huỷ nơi bản thân mình. Mầu nhiệm này đã bắt đầu bằng việc Nhập Thể và kéo dài trong suốt cuộc sống của Ngài như chúng ta đã nghe trong mấy tuần lễ vừa qua. Sự tự huỷ này trước hết, hệ tại ở sự vâng phục hoàn toàn của Đức Giêsu trước Thánh Ý của Chúa Cha. Tâm tình vâng phục đó của Đức Giêsu cũng được tỏ lộ cách cụ thể qua lời Ngài thưa với Chúa Cha, mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ nầy. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ nầy. Lạy Cha, xin làm vinh danh Cha“.
Trong bản văn này tác giả nêu bật điểm chú ý là “giờ” của Đức Giêsu, cả trên bình diện lịch sử lẫn thần học. Theo quan điểm Kitô học, “giờ” này đánh dấu lúc hoàn tất sứ mạng mạc khải và cứu độ, được Ngôi Lời làm người thực hiện. Sứ mạng này tiêu biểu cho trọn cuộc sống của Đức Kitô, vì cuộc sống của Người hướng về đó. Khi đó sẽ xảy ra cuộc “phán xét” nhân loại. Khi đó xảy ra giữa loài người một cuộc “tách biệt” do người ta tin hay không tin vào mầu nhiệm Đức Kitô chịu chết và được tôn vinh. Sự chọn lựa này đảm bảo cho một số người được cứu độ và được sống muôn đời, và lôi kéo án phạt và cái chết cho những người khác.
Chúa Giêsu cũng là con người như chúng ta, vì thế khi đứng trước cuộc Thương Khó đầy kinh hoàng, Đức Giêsu cũng run sợ, cũng bồi hồi, cũng mong sao tránh được giờ này, không phải uống chén đắng này. Đó là phản ứng bình thường và lành mạnh của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Nhưng chính nhờ tinh thần Vâng Phục đầy hiếu thảo đối với Chúa Cha mà Đức Giêsu có đủ sức mạnh và sự bình tĩnh lạ lùng: “Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến!” (Ga 12, 27) và “Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mc 14,36b).
Thái độ vâng phục tuyệt vời của Đức Giêsu trái ngược hẳn với thái độ bất tuân của Ađam và Eva nguyên tổ trong vườn địa đàng. Cũng trái ngược hẳn với thái độ cứng đầu cứng cổ của các tầng lớp lãnh đạo và dân chúng Ítraen suốt dòng lịch sử Giao ước cũ. Cũng rất trái ngược với thái độ kiêu căng, tự mãn, coi thường các giá trị luân lý của nhiều nhóm người, nhiều quốc gia ngày nay. Thật vậy con người bước sang thế kỷ 21 chẳng khá hơn trong thế kỷ 20 chút nào: chiến tranh đang gây ra những hậu quả tàn khốc cho bao người, nạn ly dị và phá thai đang hủy hoại bao gia đình và giết hại bao trẻ thơ vô tội, hố ngăn cách giầu nghèo giữa các cá nhân, tập thể, quốc gia đang làm chết dần chết mòn cả một cộng đồng dân tộc… Nguyên nhân chung cho tất cả mọi tình trạng tồi tệ trên là con người không vâng phục Thiên Chúa, không tuân giữ những qui luật tự nhiên về tính dục, về hôn nhân gia đình, về sự phân bổ và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, về tình liên đới và huynh đệ giữa người với người, giữa quốc gai với quốc gia.
Muốn sống vâng phục Thiên Chúa, chúng ta phải xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng và chỉ muốn chúng ta được hạnh phúc mà thôi. Chương trình, kế hoạch và những qui luật Người đặt ra cho loài người và cho mỗi người là tuyệt hảo. Sống khiêm nhường vâng phục Người là chúng ta được đảm bảo về hạnh phúc đích thật và vĩnh cửu.
Vì vâng phục và để vâng phục Chúa Cha, Đức Giêsu đã tự hiến mình làm của lễ toàn thiêu đền tội cho nhân loại. Vì vâng phục và để vâng phục Chúa Cha, Đức Giêsu đã tự hủy ra không, khi để cho quân lính và người Do Thái vùi dập như một tên tội phạm đáng ghê tởm và đáng nguyền rủa nhất trong lịch sử nhân loại. Thật vậy Đức Giêsu chẳng những đã nhận được những roi đòn hung dữ của kẻ thù mà còn bị dân chúng và các nhà lãnh đạo tôn giáo nguyền rủa thậm tệ. Đúng là thân phận của hạt lúa, không chỉ chịu chôn sâu trong lòng đất mà còn bị thối nát ra để làm mầm sống cho một cây lúa mới, đem lại nhiều hạt lúa mới cho cánh đồng chín vàng ngày mùa mới.
Kính thưa quí ông bà và anh chị em. Mỗi người chúng ta đang sống trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ,… để cho đời sống chung phát triển mỗi người cần phải “chết đi cái tôi íc kỷ, tự cao tự mãn của mình”. Tất cả những ai muốn đưa lại lợi ích cho người khác, cũng phải chấp nhận thân phận “hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi”. Mọi Kitô hữu đều được kêu gọi sống Giờ của Đức Giêsu: trước tiên, người Kitô hữu không thể tránh giết chết trong mình chống lại sự sống đích thực (sự từ bỏ mình); đồng thời phải sống một mầu nhiệm phục sinh (niềm vui thiêng liêng).
Mỗi ngày ta tập bỏ ý riêng, bỏ quyền lợi riêng, chủ động lắng nghe Lời Chúa, quan tâm đến nhu cầu của tha nhân để vâng phục Thiên Chúa một cách ý thức hơn và để tự hiến tự hủy một cách quảng đại hơn cho anh em.