BIẾT CHẤP NHẬN NGƯỜI KHÁC
Ds 11:25-29; Gc 5:1-6; Mc 9:38-43,45,47-48
Montfort, đan viện Châu Sơn
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Đèn nhà ai, nhà ấy rạng”. Câu tục ngữ này nói lên tinh thần cục bộ, phe nhóm đã ăn sâu vào tâm tình của mọi người. Xét về mặt thực tế thì đó là phản ứng chung của con người khi sống trong một xã hội có những cuộc đấu tranh gay gắt giữa các phe nhóm để sinh tồn. Tuy nhiên, Chúa muốn con cái của Ngài có một lối sống khác với tinh thần thế gian này. Vì vậy, chủ đề của phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói về tinh thần chấp nhận những người không thuộc về phe nhóm của chúng ta. Làm thế nào chúng ta thực sự mở lòng mình ra, để nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong những người khác.
Bài đọc một hôm nay kể lại việc Đức Chúa đã lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông Môsê mà đặt trên bảy mươi kỳ mục, kể cả hai người đã không đến Lều. Thấy vậy, ông Giôsuê nói với ông Môsê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!” Nhưng chúng ta hãy lắng nghe ông Môsê trả lời: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!”
Câu chuyện trên đây gợi lên cho chúng ta nhiều suy tư: trước hết là câu hỏi: Phải chăng chúng ta ghen tương khi thấy những người khác cũng được lãnh nhận những ân huệ của Chúa Thánh Thần, những ân huệ mà chúng ta nghĩ rằng chúng được dành riêng, một cách độc quyền cho chúng ta mà thôi? Tại sao họ lại được chia sẻ như vậy? Liệu chúng ta có vui mừng khi thấy những ân huệ mà chúng ta đang có cũng hiện diện bên ngoài nhóm của mình? Hay chúng ta muốn giới hạn Chúa Thánh Thần trong nhóm của chúng ta mà thôi? Bản văn Kinh Thánh cho thấy: chúng ta không thể giới hạn các ân huệ của Thiên Chúa trong nhóm của chúng ta được.
Trong bài đọc một, chúng ta được mời gọi suy nghĩ về khả năng nhận ra các ân huệ của Thiên Chúa nơi những người khác. Còn bài đọc hai nói đến tính thích tách biệt khỏi người khác trong một hoàn cảnh cụ thể. Những người giàu tượng trưng cho những ai chỉ chú tâm vào những gì họ muốn và họ cần, và không để ý đến nhu cầu của những người khác. Những gì họ tiêu xài hoang phí cho bản thân sẽ trở lại kết án họ trong ngày chung thẩm. Họ đã lo tích trữ thật nhiều tài sản, quần áo, vàng bạc, những thứ mà họ không cần đến, không dùng hết và để chúng rỉ sét, hư nát. Họ quên rằng những người khác cũng có quyền được hưởng dụng các ân huệ này, đặc biệt là những người nghèo. Và khi những tài sản vật chất này được chia sẻ cho họ, thì hành động đó chỉ là một việc công bằng. Người ta chỉ trả lại cho họ những gì lẽ ra thuộc về họ. Thiên Chúa mời gọi chúng ta ra khỏi mình để phục vụ nhu cầu của những người khác. Nếu chúng ta đi theo con đường mà Chúa đã mời gọi này, thì cuối cùng chúng ta không còn xem xét việc Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta hay trong người khác, miễn là Thiên Chúa đang hoạt động. Ví dụ như trong bài Tin Mừng, nếu quỉ bị xua trừ, thì chúng ta chúc tụng Chúa, bất kể là do ông Gioan hay một người nào khác thực hiện.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện: khi ông Gioan thấy có người không thuộc nhóm của mình trừ quỉ nhân danh Chúa Giêsu, ông đã cố ngăn cản. Nhưng Chúa Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Tại sao ông Gioan phản ứng theo cách đó? Có lẽ ông là người có tâm trí hẹp hòi và có óc chiếm hữu. Ông nghĩ rằng ông phục vụ Thiên Chúa, nhưng ông không muốn Thiên Chúa làm việc trong những người khác. Dường như ông sợ mất đi đặc quyền của mình, và vì thế cố gắng kiểm soát ân sủng của Thiên Chúa. Ngày nay chúng ta nghĩ rằng mình không chống lại hoạt động của Thiên Chúa trong những người khác. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta khó chịu khi nghe và phải chấp nhận những ý tưởng mới mẻ và khác biệt với quan niệm của mình, đặc biệt là chúng đến từ những người ở ngoài nhóm của chúng ta.
Đường lối Thiên Chúa thì trổi vượt hơn sự hiểu biết của chúng ta. Ngài có tầm nhìn trên toàn vũ trụ này cũng như cho từng người trong chúng ta, một tầm nhìn vượt quá khả năng hiểu biết của chúng ta. Bởi vì chúng ta không nhìn thấy toàn bộ bức tranh, chúng ta có thể có thái độ xét đoán người khác, những người đi theo Chúa theo một cách thức khác chúng ta. Chúng ta cần cố gắng đặt đường lối của mình, ý riêng của mình sang một bên để đón nhận ý muốn của Thiên Chúa trong mọi sự. Để làm được như thế, chúng ta cần đến sức mạnh và sự khôn ngoan của ân huệ Chúa Thánh Thần, để loại bỏ mọi tư tưởng và tâm tình chia rẽ trong tâm hồn của chúng ta và chúng ta sẽ khiêm tốn vâng theo ý muốn của Thiên Chúa.