QUYỀN NĂNG VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT
CỦA THIÊN CHÚA
Is 35,4-7a; Mc 7, 31 – 37
Phaolô Thánh Giá Nguyễn Thị Mới, Đan Viện Phước Hải
Sống trong một xã hội đầy biến động như hôm nay, con người thích tìm những điềm thiêng dấu lạ. Khi nghe tin ở đâu có phép lạ là người ta tò mò kéo đến đó để xem. Chúa Giêsu đã từng làm những phép lạ vĩ đại như phép lạ chữa người vừa điếc vừa ngọng. Nếu “tò mò” tìm hiểu phép lạ Chúa làm, chúng ta có thể thấy ý nghĩa của các phép lạ Chúa làm và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại.
1 Ý nghĩa các phép lạ Chúa làm
Các tác giả sách Tin Mừng nhiều lần trình bày cho chúng ta về các phép lạ của Chúa. Các phép lạ nói đến những ý nghĩa hết sức lạ lùng, khác thường mà Thiên Chúa thực hiện. Cụ thể Chúa làm phép lạ cho đám đông hơn 5000 người có bánh ăn, cho người bệnh tật được lành mạnh, cho người chết sống lại…Như vậy, phép lạ Chúa làm không chỉ trợ giúp con người về thể xác, mà còn nói lên ơn cứu độ của Người.
Mỗi một phép lạ Chúa làm đều gửi đến cho chúng ta một sứ điệp đặc biệt: phép lạ Chúa ra lệnh sóng yên bể lặng, nói lên Người có quyền trên trời dưới đất. Phép lạ Chúa chữa cho người bị bại liệt được lành mạnh, nói lên Chúa là Đấng tháo gỡ con người khỏi những ràng buộc do tội lỗi. Phép lạ Chúa chữa người bị quỷ ám, nói lên quyền năng của Chúa trên các tà thần. Phép lạ Chúa chữa cho người mù được sáng, cho thấy Chúa là nguồn ánh sáng thật soi chiếu cho muôn dân. Phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân chúng được ăn no nê, cho thấy chính Chúa là bánh từ trời xuống đem lại sự sống muôn đời. Những phép lạ Chúa làm đó cũng biểu lộ tình yêu thương xót của Chúa.
2. Phép lạ, dấu chứng của tình yêu thương xót
Khi kể về phép lạ Chúa chữa lành cho người vừa ngọng vừa điếc, thánh sử Marcô mô tả hơi khác với các tác giả Kinh Thánh khác: Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh, rồi ngước mắt lên trời, thở dài và nói: “Ép-pha-tha” nghĩa là hãy mở ra, tức thì tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại, anh nói được rõ ràng. Trong các sách Tin Mừng không có trường hợp nào Chúa làm phép lạ có vẻ phức tạp như trường hợp này. Bởi vì, người vừa điếc vừa ngọng không nghe được, không nói được và cũng không thể hiểu được ngôn ngữ của người khác. Nên Chúa Giêsu phải thực hiện bằng những hành động ngoại thường là chạm trực tiếp vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh.
Theo quan điểm thời bấy giờ, người bị điếc và ngọng là do Sa Tan bịt tai và cột lưỡi người đó lại. Nay Chúa đến và đặt tay vào lỗ tai anh, nhổ nước miếng và xức vào lưỡi anh, tức thì anh được cởi trói khỏi xiềng xích của Sa Tan. Nghĩa là anh được giải thoát khỏi sự kìm kẹp của Sa Tan nhờ tình yêu thương xót của Chúa. Sự kiện này đã được sách ngôn sứ Isaia loan báo trước trong bài đọc thứ I: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35,6).
Cuối bài Tin Mừng hôm này làm cho chúng ta ngạc nhiên: Chúa đưa anh ra khỏi đám đông, chữa anh khỏi bệnh, rồi Chúa lại cấm người bệnh và cấm cả người thân của họ không được nói cho ai biết. Nhưng một điều tự nhiên là niềm vui tự nó dâng trào không ai có thể nén lại được. Vì quá ngạc nhiên, họ đã nói lên lời ca ngợi: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
Lạy Chúa, phép lạ Chúa làm cho người vừa điếc vừa ngọng không chỉ dừng lại ở việc chữa lành, mà còn là dấu chỉ thúc bách đức tin của chúng con. Xin cho chúng con biết mở rộng đôi tai để lắng nghe tiếng Chúa; xin gìn giữ môi miệng chúng con đừng bao giờ nói những điều tiêu cực, thay vào đó là những lời ngợi ca ân sủng của Chúa.