Thứ Tư, 25 Tháng 6, 2025

Suy niệm ngày trong tuần III Mùa Vọng (Hiền Lâm)

 
THỨ HAI TUẦN III MÙA VỌNG
 
I. ĐỌC TIN MỪNG : Mt 21,23-27
Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy? ” Đức Giê-su đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta? ” Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy? ” Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ.” Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”
 
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc “nhà cầm quyền tôn giáo” đến đòi kiểm tra “giấy phép hoạt động rao giảng Tin Mừng” của Đức Giêsu. Tiếc cho họ là bị Đức Giêsu bẻ lại một câu hỏi về phép rửa của Gioan Tiền Hô làm họ tiến thoái lưỡng nan rồi bỏ cuộc.
Qua sự kiện này, chúng ta đi tìm bài học mà Chúa muốn dạy chúng ta về quyền rao giảng Tin Mừng không dành cho riêng ai, mà mọi người đều có quyền lợi và nghĩa vụ đem Lời Chúa đến cho người khác tuỳ theo bậc sống của mình.
Có hai vấn đề được đặt ra, là đặc quyền và năng quyền.
 
1. Đặc quyền rao giảng.
Điều đáng nói ở đây là người đặt vấn đề “giấy phép” với Chúa Giêsu không phải là nhà cầm quyền dân sự, mà là “các đấng các bậc” tôn giáo, là mấy ông “thượng tế, tư tế, ký mục” Do Thái.
Chính sự “đòi giấy phép” để rồi làm thui chột đi những sáng kiến truyền giáo và cản trở việc mở rộng Nước Chúa. Và đôi khi, sự cản trở lại đến từ chính các đấng các bậc bề trên của mình, vì những lý do quyền bính và lợi lộc, hơn là vì lý do Hiệp Nhất.
Ngày nay không thiếu những vị giữ cho mình cái đặc quyền nhân danh Chúa để loan giảng Tin Mừng, sợ “mất quyền lợi” hoặc “nhỏ đi miếng bánh” hay “ảnh hưởng đến thế giá” và ganh tỵ với những người khác, dù ai cũng có quyền làm chứng cho Chúa bằng nhiều cách thế, mà không ngược với đức tin Kitô Giáo.
Đôi khi cộng đoàn này phản đối cộng đoàn kia, nhóm từ thiện này lên án nhóm từ thiện nọ, và ai cũng nhân danh Chúa để khiển trách các hoạt động của nhau.
Là người con Chúa trong lòng Giáo Hội, chúng ta không ganh tỵ với việc thiện của người khác, không tự cho mình có đặc quyền lo việc Chúa, nhưng tất cả đều được mời gọi có những sáng kiến làm chứng cho Chúa và giúp đỡ tha nhân.
 
2. Năng quyền rao giảng Tin Mừng.
Cần nắm vững rằng, “giấy phép” rao giảng Tin Mừng dành cho tất cả mọi Kitô hữu trong chức vụ ngôn sứ cộng đồng. Tuy nhiên, để có một Giáo Hội Hiệp Nhất và tránh những sai lạc đức tin, việc rao giảng Lời Chúa cần phải được đặt dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội.
Đây là một điều khác biệt của đạo Công Giáo với anh em Tin Lành. Các anh em Tin Lành tự do chú giải và rao giảng theo những gì họ cho là được Thánh Thần soi sáng, nên ngày nay họ đã có đến hàng trăm chi phái khác nhau. Còn chúng ta, là con cái Giáo Hội Công Giáo, chúng ta đừng vịn cớ “tự do” này, nhưng cần biết vâng theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, để cùng hiệp nhất trong một đoàn chiên và một chủ chăn.
 
Tóm lại, là Kitô hữu, chúng ta có quyền lợi và nghĩa vụ đem Chúa đến cho mọi người, thực thi nghĩa vụ truyền giáo trong bậc sống của mình, từ vai trò ngôn sứ cộng động đến vai trò ngôn sứ thừa tác. Tất cả cho vinh quang sự nghiệp Nước Chúa và Tin Mừng được loan báo, chứ không phải vì vinh quang và chỗ đứng cá nhân.
 
Lạy Chúa, xin cho chúng con trong khi dấn thân rao giảng Lời Chúa, thì cũng đồng thời biết xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội và vâng nghe sự hướng dẫn của Giáo Hội qua các chủ chăn. Để trong mọi sự Chúa được tôn vinh. Amen.
 
 
THỨ BA TUẦN III MÙA VỌNG
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 21,28-32
Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” Nó đáp: “Con không muốn đâu! ” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây! ” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? ” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”
 
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy mọi người qua dụ ngôn “người cha mời gọi hai đứa con đi làm vườn nho”. Cả hai người con đều không phải là người con ngoan thực sự. Người con thứ nhất tuy lúc đầu cãi lời cha nhưng sau hối hận lại đi làm; còn người con thứ hai dạ vâng rồi lại không làm.
Cũng cần phải nói ngay từ đầu là ở đây Chúa Giêsu không cổ võ sự cứng lòng từ chối rồi sau đó mới chịu hoán cải, nhưng Chúa trân trọng những ai lỡ lầm biết hối hận trở về. Mạc khải rằng Thiên Chúa không nhìn chúng ta “đông cứng” nhưng nhìn chúng ta “đang trở thành”.
Yếu tố cốt yếu chính là sự hoán cải của con người: nghĩa là hối hận về một thái độ sai lạc và sau khi đã ý thức, con người ước muốn thay đổi. Đây là điều thấy hiện rõ trong lời Chúa: “Rồi sau anh hối hận và đi làm”.
Dụ ngôn “hai người con” này còn nhấn mạnh đến sự tương phản giữa ‘nói’ và ‘làm’, ‘giữa nói “có” trên môi miệng và nói “không” trong hành động’; kết luận này nhấn mạnh sự tương phản giữa ‘tin’ và ‘không tin’. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta nói tiếng ‘vâng’ bằng một đức tin ‘sống động’. Tiếng ‘vâng’ ấy của đức tin thường là một ‘sự hoán cải, một sự đổi mới cuộc đời’.
Dựa theo thái độ của hai người con trong dụ ngôn, chúng ta cùng suy tư về hai điểm:
– “Ngôn hành bất nhất”
– “Đánh người chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”.
 
1. Ngôn hành bất nhất.
Dụ ngôn trước hết nhắm tới các từng lớp lãnh đạo là các thượng tế và kỳ mục Do-thái, khi Chúa Giêsu mở đầu bằng câu: “Các ông nghĩ sao?” và kết thúc: “Tôi bảo thật các ông…”
Chúa Giêsu muốn nói về những điểm khác nhau giữa những người biệt phái và luật sĩ, những người thu thuế và những kẻ khác, những người lãnh đạo tinh thần của Israel sống mãi trong một thái độ vị kỷ, làm họ xa Thiên Chúa. Những người này được ví như người con thứ hai, nói làm nhưng lại không làm:
Trong xã hội thời Chúa Giêsu, hàng tư tế, đầu mục, nhóm biệt phái và thông luật tuy đánh lừa được dư luận, nhưng thực ra, họ đã đánh mất chỗ của họ trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Thế vào chỗ của họ lại là những người thu thuế, những gái điếm, những người mà ai cũng biết là đang vị phạm ý Chúa, được bày tỏ trong lề luật và trong giới răn của Người.
Như các biệt phái, có những hạng người tỏ ra ngoan đạo, công chính, siêng năng với các việc đạo đức; lời nói thì đầy vẻ thuần phục đối với các giáo huấn của Chúa, nhưng trong hành động lại chẳng có chút vẻ gì là ưng thuận đối với điều Chúa truyền dạy. Những người bề ngoài xem ra dễ bảo, nhưng thực chất lại là người khó dạy. Họ đã có thể đánh lừa được dư luận vì cái mau mắn bên ngoài của họ. Chúa Giêsu thấu suốt thâm tâm nhân loại. Một tội nhân ý thức về tội tính của mình và hối cải khi được ơn sủng đánh động, còn giá trị hơn một người mộ đạo chỉ muốn sống trong vẻ đạo đức của mình, và vì kiêu ngạo không nghe thấy tiếng gọi siêu nhiên. Hiểu như thế, dụ ngôn bày tỏ sự nghiêm trọng và thái độ cứng rắn đặc biệt đối với những ai ở bên trong.
Khi nói về các luật sĩ Do-thái, chúng ta thử nhìn lại chính mình, lắm khi chúng ta cũng chính là đứa con thứ hai trong dụ ngôn. Chúng ta cũng tiền hậu bất nhất. Có thể chúng ta nói theo Thiên Chúa bằng môi miệng nhưng không theo bằng hành động: Vẫn ngoại tình, trộm cắp, cờ bạc, rượu chè, sống thiếu công bình và bác ái trong lời nói lẫn hành động. Có những người nói rất hay nhưng lại không thực hiện những điều mình nói. Có những người bề ngoài rất đạo đức nhưng trong lòng lại chất chứa đầy tính gian tham, lừa đảo…
Tục ngữ có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến đời sống đạo đức thực sự, lòng đạo đức được thể hiện qua việc làm cụ thể chứ không do lời nói suông, không qua hình thức bên ngoài. “Không phải những ai thưa lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, mà chỉ có những ai biết lắng nghe và thực thi lời Chúa mới xứng đáng hưởng Nước Trời”.
Những lời nói đẹp mà thôi không đủ. Chính những hành động của chúng ta mới đáng kể chớ không phải ý định của chúng ta. Dưới góc độ này, Đức Giêsu rất hợp với thời đại: Thế giới ngày nay thán phục tính hiệu quả. Người ta nghi ngờ những người nói hay -những kẻ đại ngôn- chỉ làm cho chúng ta say sưa bởi những lời tuyên bố trống rỗng. Nhưng ý thức hệ lý thuyết đều mất hết tốc độ. Người ta phán đoán những lời hứa dựa vào những kết quả có thực.
 
2. Đánh người chạy đi chứ ai đánh người chạy lại…
Ông bà ta thường nói: “Đánh người chạy đi chứ ai đánh người chạy lại”, nghĩa là con người có lầm lỗi to lớn thế nào đi nữa, nếu biết ăn năn hối hận thì được mọi người thương và tha thứ. Hơn nữa, ăn năn hối hận còn được có cơ hội để làm lại cuộc đời.
Hình ảnh người con thứ nhất nhằm đề phòng chống lại thái độ cứng lòng trong tâm hồn, sự kiêu hãnh tôn giáo, sự an bình giả tạo bên trong và đòi hỏi chúng ta phải nghe Thiên Chúa để theo tiếng gọi của Người.
Sứ điệp của Chúa Giêsu là đi tìm con chiên lạc trước chứ không phải tìm con chiên tuy không lạc nhưng lại không ở với chủ. Chúa Giêsu ưa thích hiện diện giữa người tội lỗi để tha thứ và chữa lành hơn là những người tự cho mình đạo đức không cần thống hối. Chúa Giêsu nên Ánh Sáng cho những dân đang ngồi trong bóng tối nhưng qua ánh sao lạ đã tìm đến với Người, hơn là những kẻ tưởng là đang ngồi trong ánh sáng nhưng lại thờ ơ hoặc từ chối Người. Người đến với những nơi mà người ta đem đến cho Người đủ thứ bệnh tật để được Người chữa lành, hơn là đến với những kẻ tìm đến với Người để tìm cách bắt bẻ, gài bẫy và ghanh tị…
Chúa Giêsu mạnh mẽ mời gọi những ai nghe theo tiếng Người phải thống hối, biến đổi, sẵn sàng thay đổi hay hoán cải cuộc sống theo lệnh Thiên Chúa. Chỉ có sám hối nhìn nhận mình tội lỗi thì mới được hưởng ơn tha thứ; khiêm tốn nhìn nhận mình bất toàn mới được đổ đầy ân sủng. Sám hối là điều kiện đầu tiên phải có để đón nhận Tin Mừng. Cái quan trọng không phải là khởi điểm, là những lần từ chối đã qua, là các tội dồn đống từng làm nên bao tiếng không với Chúa. Cái quan trọng là nhìn lại những tiếng “không” của mình để đổi thành tiếng “vâng”. Điều đó luôn có thể làm được với ân sủng của Thiên Chúa.
Như vậy, Chúa Giêsu đưa chúng ta về trách nhiệm của mình: Dù quá khứ của chúng ta là gì, dù trước đó chúng ta từ chối điều gì một sự thay đổi là luôn luôn có thể. Chúa Giêsu là Đấng không bao giờ giam hãm một người nào trong quá khứ, là Đấng cho mỗi người cơ hội của mình, dù đó là người tội lỗi nhất. Bởi “không có thánh nhân nào mà không có quá khứ, và không có tội nhân nào lại không có tương lai…” Con người có thể thay đổi từ “vâng” sang “không” và từ “không” sang “vâng”. Giá trị của lời nói “không” hay “vâng” không tùy vào lúc vừa được nói ra, mà tùy theo sau đó người ta có thực hiện hay không. Nói “vâng” mà không làm đâu có giá trị bằng nói “không” mà lại làm. Lời hứa không tạo nên uy tín cho con người; lời nói tốt không thể thay thế cho những việc làm tốt.
 
Lạy Chúa Giêsu, cả hai người con trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay đều có thể là bài học cho chúng con: nếu chúng con giống người con thứ nhất đã lỡ nói “không” với Chúa bấy lâu nay thì bây giờ xin giúp chúng con nói lại “xin vâng”; còn nếu chúng con giống người con thứ hai đã thưa “xin vâng” thì đừng để cho mình bị thay đổi mà sửa lại thành “không” với Chúa nữa. Amen.
 
 
THỨ TƯ TUẦN III MÙA VỌNG
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 7,19-23
Ông Gio-an gọi hai người trong nhóm môn đệ lại, sai họ đến hỏi Chúa rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? ” Khi đến gặp Đức Giê-su, hai người ấy nói: “Ông Gio-an Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: “Thầy có thật là “Đấng phải đến” không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? ” Chính giờ ấy, Đức Giê-su chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. Người trả lời hai người ấy rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
 
II. SUY NIỆM
Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay nhắn nhủ chúng ta về sứ mạng của mình trong việc chuẩn bị và đón chờ Chúa đến, một sự đón chờ trong niềm tin và hy vọng, kinh qua những thử thách, tựa như vị Tiền Hô của Chúa là thánh Gioan Tẩy Giả đã từng nếm trải. Đặc biệt, mời gọi mọi người xác định lại Đấng chúng ta đang tôn thờ là ai ? Hay là vẫn đang đi tìm một « đấng » nào khác nữa ?
 
Khi Gioan gửi môn đệ đến hỏi Chúa: “Có thật là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Người ta đưa ra nhiều giả thiết khác nhau :
Cũng có thể, là Gioan vẫn có quan niệm Chúa Giêsu là Messia theo cái nhìn Cựu Ước, là Đấng lên ngôi vương và giải phóng dân, đồng thời sẽ cứu ông khỏi cảnh tù đày, nên đã cứ các môn đệ đến như là một sự nhắc khéo với Chúa Giêsu.
Cũng có thể như là một sự thông báo cho Chúa Giêsu về kiếp tù đày của mình, và xin Chúa xác định là ông đã hoàn tất sứ vụ Tiền Hô.
Cũng có thể là Gioan cử các môn đệ đến như là một sự giới thiệu các môn đệ cho Chúa Giêsu, cũng như gửi gắm môn sinh cho Người, vì biết thân phận mình sắp chấm dứt.
 
Một cách nào đó, có thể coi như là một dấu lặng trong đêm tối đức tin của Gioan. Tuy nhiên, qua lời nhắn của Gioan : “Có thật là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” đặt ra cho chính mỗi người chúng ta một vấn nạn : Liệu chúng ta đã thật sự tin vào Đấng đã đến, hay là vẫn lo đi tìm một đấng nào đó khác ngoài Chúa ?
Khi Giêsu nhắn các môn đệ Gioan về thuật lại cho ông nghe về những gì mắt thấy tai nghe, là Đấng đã làm những điều mà ngôn sứ Isaia đã báo trước: « Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng… » (x. Is 61,1). Là muốn nhắn cho Gioan biết sứ mạng của Chúa Giêsu không như mọi người thường nghĩ mang tính trần thế, là chinh phạt kẻ quyền thế, và giải phóng dân khỏi cường quyền. Đó cũng là cách để phân biệt đâu là một Thiên Chúa đích thực. Thiên Chúa mà các tiên tri loan báo và thánh Gioan đã và phải làm chứng là một Thiên Chúa hạ thân để đồng hành với mọi hoàn cảnh của con người, đặc biệt với người đau khổ : mù, què, cùi, câm, điếc và nghèo khổ…
 
Thế nhưng, như ngày xưa người Do-thái, dù được các tiên tri tiên báo là Đấng phải đến sẽ thực hiện : « người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng » nhưng họ vẫn đi tìm một Đấng cứu thế hợp với đam mê của họ hơn, nên Chúa Giêsu đến họ đã không thể nhận ra. Ngày nay cũng thế, chúng ta vẫn ngóng chờ Chúa đến, nhưng thực tế chúng ta vẫn đang mải mê chạy theo những thứ thần tượng khác ngoài Chúa, như tôn thờ vật chất, quyền lực, dục vọng…
Lại nữa, không ít lần chúng ta cũng gặp phải những lúc “đêm tối đức tin”, khi chúng ta gặp phải muốn vàn đau khổ, khi chịu thử thách bách hại của cường quyền… chúng ta vẫn muốn Chúa phải ra tay trừng phạt kẻ áp bức, và lắm khi tự hỏi, Chúa ở đâu? Chúa ở với chúng ta, cùng chịu đau khổ và áp bức với chúng ta. Thiên Chúa của yêu thương chứ không phải trừng phạt. Chúa muốn chúng ta cầu xin cho họ ơn hoán cải, chứ không muốn chúng ta phương cách trả thù. Thiên Chúa là Đấng đã đến đầy Lòng Thương Xót, chứ không phải một Thiên Chúa chờ để đánh phạt.
 
Lạy Chúa Giê-su, trong khi mong đợi ngày Chúa viếng thăm, thì giữa cuộc đời lữ thứ này, không thiếu những lần chúng con phải lao đao vì những đau khổ thử thách. Xin cho chúng con biết can đảm và tín thác vào Chúa, để ngày trở lại Chúa vẫn thấy niềm tin đang sang ngời trên thế giới lữ khách này. Amen.
 
 
THỨ NĂM TUẦN III MÙA VỌNG
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 7,24-30
Khi những người ông Gio-an sai đến đã ra về, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em đi xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Hẳn là không! Thế thì anh em đi xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Nhưng kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện. Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa! Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!
“Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông. Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông. Còn những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông.
 
II. SUY NIỆM
Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay là những lời ca tụng của Chúa Giê-su về Vị Tiền Hô của Người là ông Gioan. Gioan Tiền Hô được kể là rất cao trọng không phải vì thân thế hay sự nghiệp, mà chính là ơn gọi cao quý là làm sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Độ xuất hiện. Tuy nhiên, khi Ơn Cứu Độ đã đến, thì những ai sống trong thời gian Cứu Độ còn được kể là diễm phúc hơn cả Gioan. Chúng ta cùng suy niệm hai điểm:
– Sự cao cả của Gioan Tiền Hô.
– Người nhỏ nhất trong Nước trời còn cao trọng hơn cả Gioan.
 
1. Sự cao cả của Gioan Tiền Hô.
Chúa Giêsu ví von việc vào hoang địa để nghe tiếng của Gioan Tiền Hô, không phải để tìm thấy một sự vô tri và mong manh như cây sậy phất phơ trước gió, cũng không phải để tìm kiếm một sự xa hoa giàu sang của kẻ cường quyền, nhưng để tìm một vị ngôn sứ và còn hơn một vị ngôn sứ nữa:
Thật vậy, sự cao cả của ngôn sứ (chứng nhân) không hệ tại ở sự giàu sang lụa là gấm vóc, nhưng là ở chỗ sự đơn sơ giản dị và khó nghèo. Gioan trở nên cao trọng hơn các kẻ quyền thế nơi đền vua hệ tại ông sống đơn sơ khó nghèo, trở thành lời tiên báo hùng hồn nhất cho sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế trong sự khó nghèo tự hủy.
Tuy nhiên, không vì thế mà vị ngôn sứ trở nên mong manh, mà là sự mạnh mẽ của ngôn sứ Êlia xưa. Gioan Tẩy Giả không mong manh phất phơ như cây sậy trước gió, mà là mạnh mẽ lên án sự xấu xa bất công và tội lỗi của cường quyền và những kẻ sống trong đường lối xấu xa.
Gioan còn hơn cả một vị ngôn sứ, bởi:
Đã có bao ngôn sứ trong Cựu Ước xuất hiện trước ông, loan báo về Đấng Cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban. Nhưng Gioan là Tiền Hô và là người duy nhất đã chỉ cho dân thấy Đấng ấy là ai, và giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa và là Đấng xoá tội trần gian”.
Là người có cơ hội được Đức Mẹ và Chúa đến thăm khi mới được 6 tháng trong bụng mẹ. Là phàm nhân mà được làm phép rửa cho Thiên Chúa Ngôi Hai.
Gioan là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ. Ông vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước, vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau: giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa, và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này. Đức Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau, nhưng Người cần Gioan trực tiếp giới thiệu.
 
2. “Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan”
Thời của nô lề luật đã qua, thời của tự do trong Đức Kitô đã đến. Người bé nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan vì những kho tàng mới do Đức Giêsu mang lại, vượt xa những gì mà các ngôn sứ thời xưa mong đợi.
Tưởng cũng cần biết, từ “Nước Trời” mà Chúa Giê-su dùng ở đây là thời đại của Thiên Chúa đã đến trên trần gian này.
Thời của Gioan và các ngôn sứ trước là thời của lời hứa, và thời của Nước Trời đã nên hiện thực nơi Đức Giêsu đem đến thì Gioan Baptista đã khuất.
Chúng ta được coi là có phần hạnh phúc hơn Gioan,vì được sống trong giai đoạn lời hứa của Thiên Chúa nên thành tựu. Ơn cứu độ viên mãn đã đến.
 
Ngày hôm nay, trong vai trò là một Kitô hữu, là chứng nhân của Chúa, chúng ta không mong manh yếu đuối dễ gãy như cây sậy, cũng không tìm kiếm sự lộng lẫy cao sang quyền thế, mà là như một sứ giả đi trước dọn đường cho Chúa đến với những ai còn đang trong bóng tối lầm lạc, bằng chính đời sống chứng tá và lời rao giảng của mình.
 
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ý thức rằng, sự cao trọng trước mặt Chúa không hệ tại ở việc tìm kiếm sự cao sang lộng lẫy thế gian, nhưng là biết làm sứ giả cho Chúa đến ngự trị, và làm cho thời gian Cứu Độ của Chúa được nên viên mãn cho hết mọi người. Amen.
 
 
THỨ SÁU TUẦN III MÙA VỌNG
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 5,33-36
Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ. Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian. Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.
 
I. SUY NIỆM
Để hiểu biết về thế giới hay về con người, chúng ta có thể tích lũy sự hiểu biết một phần nhờ lý trí và khoa học, nhưng thường hơn nhờ lời chứng của người khác đã ảnh hưởng và dẫn dắt chúng ta, nhờ những gương sống, lời nói và việc làm của họ. Lời chứng có tính thuyết phục hơn không dựa trên tự mình làm chứng cho mình, nhưng nhờ đến uy tín của người làm chứng. Người càng uy tín, thì lời chứng của họ về một ai đó sẽ thuyết phục và xác thực hơn.
Bài Tin Mừng hôm nay xoay quanh chủ đề Lời Chứng. Chúa Giêsu khẳng định Người không cần làm chứng về mình, nhưng có lời chứng từ Chúa Cha và những gì ghi trong Thánh Kinh cũng như các sứ ngôn làm chứng cho Người.
 
1. Lời chứng từ Chúa Cha.
Nói đến Lời Chứng từ Chúa Cha, trong Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta gặp thấy ít nhất hai lần là khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giođan và lúc Người biến hình trên núi Tabo. Nhưng trong Tin Mừng Gioan có lẽ chỉ nói tới một lần nhãn tiền Chúa Cha phán vọng xuống rằng: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (Ga 12,28). Tuy nhiên, ở đây Chúa Giêsu giải thích Lời Chứng của Chúa Cha tức là việc Chúa Cha sai phái Chúa Con thực thi việc Cứu Độ, và việc đó đã được chứng nhận qua bao dấu lạ Người làm. “Thật vậy, Chúa Cha yêu thương thế nào thì Chúa Con yêu thương thế ấy, Chúa Cha ban sự sống thế nào thì Chúa Con cũng ban sự sống cho những ai Người muốn… Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào thì Chúa Con cũng vậy” (x.Ga 5, 20-21.26tt). Chính sự việc được xảy ra theo lời Chúa Giêsu là do Người thực hiện theo ý Chúa Cha và Chúa Cha đã làm cho việc đó xảy ra.
 
2. Những lời chứng khác.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc đến Môisê, Gioan Tẩy Giả và Thánh Kinh đều viết về Người, dù Chúa không cần đến những chứng cớ ấy, nhưng đó lại chính là cái mà người Do Thái tìm kiếm Đấng Messia. Tiếc là sự tìm kiếm của họ chỉ nhằm thỏa mãn theo ý họ, họ tìm những gì Thánh Kinh nói đến một Đức Kitô hiển hách theo kiểu người phàm; còn nếu có tìm kiếm một Đấng Messia như Thánh Kinh loan báo, thì họ cũng chỉ dừng lại ở những gì nói đến sự hiển thắng mà không quan tâm đến con đường khổ giá để đạt đến sự hiển thắng. Chính vì vậy mà họ không thể chấp nhận và không thể tin vào Đấng đã đến và đang nói với họ. Cho nên, Chúa Giêsu đã phải nói với họ rằng: “Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi.
 
Một số người cho rằng bởi vì Thánh Kinh là Lời Chúa rồi nên họ đâu cần gì khác để hướng dẫn họ. Thế nhưng, cũng như Thiên Chúa đã nói qua các biến cố và qua các ngôn sứ, thì người cũng sẽ tiếp tục nói với chúng ta qua các biến cố thời sự và qua các vị hướng dẫn trong Giáo Hội nhờ Thần Khí. Vì thế, Chúa Giêsu tố giác những ai nghĩ họ đã nắm toàn bộ chân lý chỉ vì họ có cuốn Thánh Kinh, chứ không tin vào Người là Đấng Chúa Cha sai đến vẫn hằng ngày ở với họ.
Nhưng làm sao để phân biệt đâu là lời chứng thật? Chúa Giêsu dạy muốn nhận ra ai là sứ giả của Thiên Chúa, chúng ta không được giống như kẻ tự tôn vinh mình hay tôn vinh lẫn nhau (Ga 5,44) mà vì thế trở thành nô lệ cho những giá trị hữu danh vô thực; người sứ giả của Thiên Chúa không nhằm tìm vinh quang cho mình, nhưng tìm tôn vinh Thiên Chúa.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn là chứng nhân cho sự hiện diện của Chúa mọi nơi mọi lúc. Và xin cũng cho chúng con chỉ biết tìm vinh quang cho Chúa chứ đừng tự tôn vinh mình. Amen.
 
 
THỨ BẢY
Ngày 17 tháng 12
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 1,1-17
Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:
Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; ông Gie-sê sinh Đa-vít.1 Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.
Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.
 
II. SUY NIỆM
Suy niệm Lời Chúa ngày hôm nay, chúng ta được mời gọi đọc lại bản gia phả của Chúa Giê-su, được thánh Mát-thêu ghi lại trong phần mở đầu Tin Mừng:
 
– Mở đầu gia phả bằng hai nhân vật đặc biệt, là một vị vua trung thành với Thiên Chúa nhất và một vị được mệnh danh là cha của kẻ tin.
Gia phả là sự xác định tương quan máu huyết của một người với những người khác thuộc cùng dòng tộc. Chúa Giêsu được gắn vào dòng tộc của Abraham và Đavít. Thánh sử Matthêu như vừa giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng Messia, vừa là trung tâm niềm tin của nhân loại.
Hình ảnh Đavít, dù hơn một lần sa ngã vì yếu đuối, nhưng vẫn được kể là vị vua trung thành tuyên nhận Thiên Chúa là chủ và hết lòng vâng phục Người trong sự nghiệp xây dựng vương quyền và đánh tan kẻ thù cho dân Do Thái. Đức Giêsu trong vai trò vương đế dòng tộc Đavít đã trở nên một Người Con trung tín và vâng phục Thiên Chúa Cha trong việc giải phóng nhân loại khỏi ách tử thần.
Abraham là cha của dân tộc Do Thái, là “dân riêng” của Thiên Chúa, là dân tộc của lời hứa đã trải qua một cuộc hành trình dài của đức tin và đã bao lần vấp ngã. Thì nay, tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô trở thành một dân mới, là con cháu Abraham trong đức tin, được hướng lời hứa và được làm con Thiên Chúa nhờ công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô.
 
1. Một gia phả của sự đa tạp sang hèn, công chính và tội lỗi.
Trong gia phả, có cả những người công chính như Abraham và Giacóp, nhưng cũng có những người từng phạm tội ngoại tình như Đavít, thậm chí có cả những gái điếm và kỹ nữ như Tama hay Rakháp… Nhưng tình yêu thương của Thiên Chúa luôn lớn hơn tội lỗi loài người. Và không một phản nghịch nào của con người có thể phá huỷ được kế hoạch yêu thương từ đời đời của Người.
Chúa Giêsu chấp nhận trở thành ruột thịt của một nhân loại tội lỗi, mang vào mình thân phận và định mệnh chung của loài người để làm cho vận mệnh chung của nhân loại tội lỗi trở nên chính vận mệnh của Con Thiên Chúa. Thiên Chúa hạ mình xuống để nâng con người lên – Chúa làm người để con người làm chúa (St.Augustine).
Chúa không ngần ngại mang lấy họ hàng với người tội lỗi, thì đến lượt chúng ta, chúng ta có phân cấp và loại trừ nhau không?
 
2. Một gia phả của sự bình đẳng nam nữ trong Thiên Chúa.
Thời xưa và nhất là trong dân tộc Do Thái, phụ nữ hầu như không bao giơ được nhắc tới trong gia phả và không được lên tiếng nơi công cộng và không được nắm giữ công việc gì từ tôn giáo đến xã hội, thậm chí họ đứng hàng thứ sáu, đứng sau cả vật nuôi trong nhà. Nhưng trong bản gia phả, thánh sử Matthêu đã không ngần ngại nhắc tên 4 người phụ nữ là Tama, Rakháp, Rút và đặc biệt là Mẹ Maria. Đó là một bước tiến mới của thời đại Kitô giáo, thời mà mọi người đều là con Thiên Chúa, cùng thuộc dòng họ với Chúa Giêsu Kitô và cùng mang trên mình việc truyền giáo là tiếp tục sinh ra cho Chúa những người con trong đức tin.
 
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đã chấp nhận trở thành ruột thịt của một nhân loại tội lỗi, mang vào mình thân phận và định mệnh chung của loài người để làm cho vận mệnh chung của nhân loại tội lỗi trở nên chính vận mệnh của Con Thiên Chúa. Xin cho chúng con cũng biết sống tinh thần nhập thể và nhập thế ấy, để đem Chúa đến cho anh chị em mình đang lầm lạc chưa tin nhận Chúa. Amen.
 
HIỀN LÂM.
 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Tư Tuần XII, Thường niên, Mt 7,15-20 Kitô hữu – Người sinh quả tốt trong đời

Thứ Tư Tuần XII, Thường niên, Mt 7,15-20 Kitô hữu – Người sinh quả tốt trong đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Trong một thế giới ngày...

Thứ Hai, Tuần XII, Thường niên, Mt 7,1-5: Đừng xét đoán – Đừng lấy cái rác trong mắt anh em

Thứ Hai Tuần XII, Thường niên, Mt 7,1-5 Đừng Xét Đoán – Đừng Lấy Cái Rác Trong Mắt Anh Em Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Một câu...

Thứ Bảy, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,24-34): Tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính

Thứ Bảy Tuần XI Thường Niên (Mt 6,24-34) Tìm Nước Thiên Chúa và Sự Công Chính Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước...

Thứ Sáu, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,19-23): Đi tìm kho tàng bất diệt

Thứ Sáu Tuần XI Thường Niên (Mt 6,19-23) Đi Tìm Kho Tàng Bất Diệt Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Từ ngàn xưa đến nay, con người vẫn...

Thứ Năm, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,7-15): Tình con thảo đối với Cha

Thứ Năm, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,7-15) Tình Con Thảo Đối Với Cha Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Khi lần giở Tin Mừng, chúng ta ngạc...

Thứ Tư, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,1-6.16-18): Làm việc phúc đức với thái độ nào?

Thứ Tư, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,1-6.16-18)  Làm việc phúc đức với thái độ nào? Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. “Khi làm việc lành phúc đức,...