Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Suy niệm NGÀY TRONG TUẦN TỪ 19 ĐẾN 24 THÁNG 12 (Hiền Lâm)

 
Ngày 19 tháng 12
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1,5-25
Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên.
Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông: Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài.
Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi.” Sứ thần đáp: “Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.” Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm.
Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”
 
II. SUY NIỆM
Bắt đầu vào những ngày cao điểm cận kề lễ Giáng Sinh (17-24/12), Phụng Vụ của Giáo Hội lần lượt cho chúng ta nghe liên tiếp 3 cuộc truyền tin: truyền tin cho thánh Giuse ngay trong giấc mộng ban đêm, truyền tin cho ông Giacaria lúc dâng hương trong đền thờ và truyền tin cho Đức Maria lúc cầu nguyện tại nhà riêng. Ba cuộc truyền tin xảy ra với ba thời điểm khác nhau, không gian khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, sứ điệp khác nhau, tuổi đời khác nhau và sự đáp trả cũng khác nhau. Nhưng mục đích chung cuối cùng là chuẩn bị cho Con Thiên Chúa nhập thể và nhập thế cứu đời.
 
Hôm qua chúng ta đã được nghe về cuộc truyền tin cho thánh cả Giuse, với sứ điệp dành cho ngài là làm cha nuôi Chúa Giêsu. Thánh Giuse đã đáp trả với một sự thinh lặng đón nhận, đúng như bản tính âm thầm và chiêm niệm của ngài, đến độ toàn bộ 4 Tin Mừng không gặp thấy một lời nào của thánh nhân. Thánh nhân không vặn hỏi, không đặt vấn đề và không ra điều kiện gì cả, mặc dù ngài đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.
 
Hôm nay, cuộc truyền tin dành cho ông Giacaria, là một tư tế, với sứ điệp là làm cha của Gioan – Vị Tiền Hô của Chúa Giêsu. Giacaria lắng nghe sứ điệp từ thiên thần Gabriel với một sự nghi hoặc theo cách suy nghĩ theo kiểu khoa học của ông.
 
Có người cho rằng, hơi bất công cho ông so với Đức Mẹ còn được đối đáp vài câu, trong khi ông Giacaria nói được một câu là bị câm ngay.
Thật ra, như chúng ta đã nói ở đầu bài chia sẻ, cần phải đặt sự kiện vào không gian, thời điểm, hoàn cảnh, vị thế của thụ nhân, nội dung sứ điệp và lời vấn đáp thì mới có một nhận xét chính xác và rút ra được bài học gì cho bản thân.
– về không gian: việc truyền tin cho Giacaria không phải xảy ra trong giấc mơ như với thánh Giuse, cũng không phải nơi căn phòng nghèo nàn Nazareth như Đức Mẹ, mà là nơi linh thánh nhất của đền thờ (chỉ những tư tế trúng thăm mới được vào), trong khi Giacaria là tư tế, là bậc cao niên, và sự kiện truyền tin xảy ra nơi thánh thiêng, thì không thể là chuyện đùa được, ấy thế mà Giacaria lại nghi ngờ sứ điệp.
– về thời điểm: xảy ra trong lúc dâng hương tế lễ Thiên Chúa, tại sao Giacaria lại nghi ngờ.
– về hoàn cảnh: thánh Giuse đang trong tình thế khó xử, mẹ Maria nếu xin vâng sẽ phải đối diện với nguy cơ mất mạng và điều tiếng, còn Giacaria là một tin vui cho ông, nhất là trước khi ông thắc mắc hoài nghi thì đã được sứ thần giải thích trước là Chúa đã nhận lời ông cầu nguyện.
– về sứ điệp: tính quan trọng của việc làm cha làm mẹ Con Thiên Chúa thật nặng nề hơn nhiều, so với làm bố vị tiền hô.
– về người lãnh nhận: Một bác thợ mộc, một cô thôn nữ, thiết nghĩ không thể nào bằng một vị cao niên và là tư tế đạo đức hiểu biết Thánh Kinh hơn. Tuy nhiên, nếu sứ thần Gabriel phải cung kính mẹ Maria thì cũng phải lẽ, vì biết rằng đây là một “Bà Chúa” – Mẹ Thiên Chúa.
– về thái độ đón nhận: Đây là mấu chốt vấn đề mà chúng ta tìm hiểu tại sao Giacaria bị câm. Giacaria dám đòi một bằng chứng: “Làm sao tôi biết được, vì tôi đây đã già, và vợ tôi cũng đã cao niên?”
Như thế, Giacaria đã tin theo lý luận của loài người, của khoa học hơn là quyền năng của Chúa. Ông cho rằng ông đã teo tóp, mà bà xã ông cũng đã hết đát, nên Chúa cũng bó tay.
Lý do cuối cùng, có lẽ không phải vì ngài Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel quá nóng tính với vai vế cửa trên, nhưng tất cả là do sự sắp đặt của Thiên Chúa, để rồi đến ngày Gioan Tiền Hô chào đời, ông Giacaria từ môi miệng bị câm, đã mở miệng nói tiên tri và chúc tụng Thiên Chúa.
 
Tóm lại, qua tường thuật Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta luôn sẵn sàng đón nhận Lời Chúa mà không so đo tính toán, bắt bẻ hoặc nghi ngờ.
Nhất là đặt Lời Chúa làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi suy tư và hành động của mình, chứ đừng lấy lý luận khoa học để biện minh chống lại sứ điệp mà Chúa muốn gửi trao cho chúng ta qua Lời Chúa mỗi ngày.
Cuối cùng, vì không tin Lời Chúa, nên môi miệng tâm hồn chúng ta đang bị câm, xin Chúa hãy mở miệng chúng ta, để chúng ta chúc tụng Người và đem Lời Chúa đến cho tha nhân.
 
Lạy Chúa Giê-su, miệng lưỡi chúng con như bị câm và không thể ca tụng Chúa vì chúng con còn nghi ngờ quyền năng của Chúa, niềm tin của chúng con chưa đủ lớn vì còn dựa theo tính thựng nghiệm của khoa học. Xin Chúa đến thánh hóa môi miệng chúng con và ban ơn đức tin cho chúng con, để chúng con tuyên xưng và cao rao danh Chúa cho mọi người. Amen.
 
 
Ngày 20 tháng 12
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1, 26-38
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! “
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
 
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay là cuộc truyền tin thứ ba sau hai cuộc truyền tin cho thánh Giuse và ông Giacaria, tuy nhiên, cuộc truyền tin này mang một ý nghĩa sống còn khi tạo vật nín thở chờ tiếng “xin vâng” của Đức Maria để Con Thiên Chúa nhập thể đi vào trần gian.
 
Đức Maria nhận ra ý muốn của Đấng Toàn Năng trong lời thiên sứ và tùng phục quyền năng của Người, Mẹ đáp lại: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).
Như thế, Mẹ đã ưng thuận sự lựa chọn của Thiên Chúa, để nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành Mẹ của Thiên Chúa, vì Mẹ được hướng dẫn bởi tình yêu hoàn toàn “tận hiến” cho Thiên Chúa một con người nhân bản, để cộng tác trọn vẹn mối hiệp thông vào chương trình cứu độ.
 
– Lời xin vâng – xác tín
Lời “xin vâng” không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục cách đơn thuần, nhưng còn hơn thế nữa, Người xác tín và hoàn toàn đồng ý với chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là “ngay bây giờ sẽ thụ thai”, mà Giuse không biết gì cả. Khi chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, thụ thai để làm Mẹ Đấng Cứu Độ, Đức Maria biết rất rõ sự nguy hiểm đang chờ đón mình là có thể mất mạng vì luật Môsê sẽ ném đá thiếu nữ đã đính hôn mà có thai ngoài hôn nhân (x. Đnl 22, 22- 23).
 
– Lời xin vâng – phó thác:
Tiếng “xin vâng” là một tiếng can đảm vâng phục, tin tưởng phó thác cả mạng sống vào tay Thiên Chúa và tiếng “xin vâng” đó sẽ theo suốt cuộc đời của Đức Maria cho đến cây thập giá. Âm thầm chấp nhận tất cả, vì chương trình của Thiên Chúa.
 
– Lời xin vâng – tự do:
Tuy nhiên, cũng cần hiểu đúng trong sự “xin vâng” của Đức Maria chất chứa hoàn toàn với tất cả ý thức và tự do, Người được thiên sứ Gabriel giải thích ý nghĩa công trình của Thiên Chúa muốn được thực hiện nơi con người của Mẹ. Thật vậy, ý định của Thiên Chúa luôn được thi hành và chương trình của Thiên Chúa luôn được thực hiện, nhưng không phải bằng cách cưỡng bách hay ép buộc. Khi chương trình Thiên Chúa liên can đến con người mà Thiên Chúa trang bị cho được tự do, thì có thể nói, chương trình ấy phần nào lệ thuộc vào sự cộng tác của con người. Nếu Thiên Chúa sử dụng con người như những “con tốt” trên bàn cờ hay như những vật vô tri trong vũ trụ, thì mọi sự sẽ diễn ra trong trật tự và ổn định, nhưng Thiên Chúa đã không muốn thế, vì như vậy sẽ tước đi sự tự do -điều quí giá nhất trong tình yêu- con người, làm cho sự đáp trả mất đi ý nghĩa và giá trị của nó. Cũng thế, Đức Maria, với cả “nhân vị” của mình, Người đã thưa tiếng “xin vâng” với sự cộng tác cao nhất, trong sự tự do và trách nhiệm, cùng với một tình yêu không mức độ.
 
Như vậy, qua lời “xin vâng”, Đức Maria để lại cho chúng ta một mẫu gương chói ngời về sự vâng phục và tín thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa, với cả ý thức tự do tận hiến cho Chúa. Mẹ trở thành một khí cụ tuyệt hảo trong tay Thiên Chúa để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Mẹ đã qui về Thiên Chúa tất cả mọi đặc ân và vinh quang nhận được, khiêm tốn nhìn nhận mình là “nữ tỳ hèn mọn” và tất cả là do Thiên Chúa. Đặc biệt Mẹ đã can đảm thưa tiếng “xin vâng” để suốt cuộc đời âm thầm chấp nhận phó thác mình cho Thiên Chúa hầu cộng tác cứu độ loài người.
Xin mẹ cầu bầu cho chúng ta cũng được tràn đầy ân sủng, khiêm tốn và xin vâng, để trở thành khí cụ trong bàn tay Thiên Chúa hầu đem Tin Mừng đến cho mọi người. Xin cho chúng ta luôn bước đi trong ân sủng, khiêm tốn qui hướng mọi sự về cho Thiên Chúa và không tự phụ về những thành công mình đạt được. Đặc biệt, luôn phó thác hoàn toàn cho Thiên Chuá trong sự vâng phục thánh ý Người, để nên hiến lễ hằng ngày dâng lên Thiên Chúa hầu mưu ích cho các linh hồn.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương Mẹ Maria, luôn bước đi trong ân sủng, khiêm tốn qui hướng mọi sự về cho Thiên Chúa và không tự phụ về những thành công mình đạt được. Đặc biệt, luôn phó thác hoàn toàn cho Thiên Chuá trong sự vâng phục thánh ý Người, để nên hiến lễ hằng ngày dâng lên Thiên Chúa hầu mưu ích cho các linh hồn. Amen.
 
 
Ngày 21 tháng 12
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1, 39-45
Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
 
II. SUY NIỆM
Con Thiên Chúa, từ ngày truyền tin, lại còn là con Đức Maria. Hồng ân ấy, Đức Maria không giữ cho riêng mình, Người đã vội vã lên đường, đi thăm người bà con để chia sẻ cho nhau. Ở Nazareth, Đức Maria là người đầu tiên được mạc khải cho biết sự mang thai lạ thường của Elisabeth, một người chị họ ở làng Ain Carem. Sự xuất hiện của Mẹ sau tiếng chào đã làm cho bà Elisabeth được tràn đầy Thánh Thần và Gioan Tẩy Giả được cứu độ. Biến cố gặp gỡ giữa Maria và Elisabeth đã làm nổi bật lên tầm quan trọng của đức tin trong việc đón nhận, gặp gỡ và trao ban.
 
1. Gặp gỡ.
Sự gặp gỡ là khởi đầu cho những giao ước và nối kết các mối liên hệ trong cuộc sống. Muốn gặp gỡ đòi hỏi phải ra khỏi mình, ra khỏi chính nơi yên ổn của mình, ra khỏi những vướng bận ràng buộc mình để đến với tha nhân. Chính vì vậy, mà với khoảng cách giữa Nazareth và Ain Carem cả trăm cây số, nhưng vì tình yêu và muốn đem Chúa đến cho người chị họ, nên Mẹ Maria đã không quản ngại ra đi để gặp gỡ bà chị, dù khi đi phải chấp nhận nhiều từ bỏ đầy rủi ro.
Nhưng theo Tin Mừng, để có được cuộc gặp gỡ này, đòi hỏi một sự tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, từ đó mới dám ra đi, mới dám dấn thân không ngại rủi ro đường xa nguy hiểm. Tin rằng Chúa đã thực hiện cho mình và tin rằng Chúa cũng đã rất thương đối tượng mình gặp gỡ.
Thật vậy, lúc nhận lời mời gọi của Thiên Chúa, Đức Maria cũng chưa biết Thiên Chúa sẽ đưa mình tới đâu, nhưng Đức Maria chắc chắn tin vào Thiên Chúa và chương trình của Người. Chính lòng tin sắt đá ấy đã làm cho Đức Maria xứng đáng được đón nhận Chúa Giêsu Kitô vào trong dạ mình, thông chia cho Người bản tính nhân loại để Người trở nên một phần tử loài người mới, và bắt đầu từ đó, một nhân loại mới đã được thai sinh. Chức vụ làm mẹ này là kết quả của lòng tin nơi Đức Maria vào Thiên Chúa. Đức Maria không những được tôn vinh về chức vụ làm Mẹ Đấng Cứu Thế về mặt thể xác, nhưng Mẹ còn cao trọng hơn mọi người về mặt đức tin. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: “Đức Maria là người môn đệ đầu tiên trọn hảo nhất của Đức Kitô và trọn hảo nhất về mặt đức tin”. Nếu Abraham là “tổ phụ những kẻ tin” (x. Rm 4, 12), thì Đức Maria là hiện thân sự hoàn hảo của đức tin. Abraham ra đi còn có một lời hứa “đất và dân”; Đức Maria đón nhận trách nhiệm trong một niềm tin phó thác mạng sống mình vào tay Thiên Chúa. Dù không có bất cứ một lời hứa nào, Đức Maria vẫn phó thác và đi hết con đường vâng phục của mình trên trần gian. Thiên Chúa còn sai sứ thần nắm bàn tay sát tế của Abraham để khỏi hạ gươm giết con một mình, còn Đức Maria không thấy bàn tay nào ngăn cản các lý hình giết chết Người Con yêu dấu .
 
2. Trao ban.
Đọc Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng của Đức Thánh Cha Phanxico, chúng ta hình dung ra ngay lúc này đây qua bài Tin Mừng, cảnh hai con người tràn ngập niềm vui: Niềm vui Mẹ đem Chúa đến cho nhà Giacaria, niềm vui của bà Eliazabeth phải kêu lên, niềm vui của Gioan trong bụng mẹ phải nhảy lên vui sướng, niềm vui của hai bà mẹ hạnh phúc vì đều đang được mang trong mình một mầm sống mới.
Niềm vui chỉ thật sự viên mãn khi biết chia sẻ niềm vui, và khi chia sẻ thì cũng được nhận lại niềm vui để nên phong phú và trọn vẹn. Mẹ Maria đem niềm vui đến chia sẻ cho bà Elizabeth, thì cùng lúc mẹ đón nhận niềm vui vì Chúa đã thương cất đi nỗi nhục nhằn son sẻ của bà chị họ.
Niềm vui càng nên trọn vẹn khi được cụ thể hóa bằng lời ca ngợi Chúa và phục vụ nhau. Mẹ Maria đã thốt lên bài ca Magnificat bất hủ và tận tình phục vụ bà chị họ Elizabeth trong thời kỳ thai nghén. Một tấm gương tuyệt diệu của “Bà Chúa” đối với con người.
Dù được diễm phúc hơn mọi người phụ nữ vì đã cưu mang Con Thiên Chúa, cưu mang Đấng Cứu Thế mà cả dân Israel và muôn dân trông đợi, nhưng Đức Maria đã không tự coi mình cao trọng trong phẩm vị “Hoàng Thái Hậu” mà hạ mình để phục vụ, mà người đầu tiên được diễm phúc Mẹ Thiên Chúa đến phục vụ là bà Elisabeth. Nếu Đức Giêsu là Chúa và là Thầy mà đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ, thì trước đó chính Mẹ Người là Mẹ Thiên Chúa đã hạ mình phục vụ một thụ tạo, và với một công việc rất thấp hèn suốt một thời gian ba tháng theo lời kể của Luca (x. Lc 1, 56).
 
Lạy Chúa, như Mẹ Maria đã chia sẻ vào mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô trong tất cả chiều kích cuộc đời trần thế của Người, đặc biệt trong sự gặp gỡ và phục vụ. Xin cho chúng con trong cuộc lữ hành đức tin cũng biết noi gương Mẹ Maria, là sẵn sàng ra khỏi mình để đến gặp gỡ tha nhân, để phục vụ và trao ban Chúa cho họ. Amen.
 
 
Ngày 22 tháng 12
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1,46-56
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”
Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
 
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh của cuộc thăm viếng. Mẹ Maria khi gặp chị họ là bà Elizabeth, Mẹ đã thốt lên bài ca chúc tụng Thiên Chúa, quen gọi là lời kinh MAGNIFICAT được đọc trong Giờ Kinh Chiều mỗi ngày.
 
Xuất xứ của lời kinh Magnificat cho đến nay vẫn chưa hết những tranh luận của nhiều nhà thần học, nhưng dựa theo chính những lời được thốt ra trong lời kinh “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” mà đặc ân “đầy ơn phúc” lúc này chỉ có nơi Đức Maria và được khẳng định qua sứ thần Gabriel cũng như của bà Elisabeth, nên ta không nghi ngờ gì nữa mà chắc chắn lời kinh này được hát lên từ môi miệng Đức Maria, ca ngợi lòng thương xót của Chúa đã thực hiện lời hứa cứu chuộc dân Người. Tuy lời kinh hoạ lại tâm tình của bà Anna mẹ của Samuel (x. 1Sm 2, 1- 10) cùng với những chắt lọc ý nguyện của các lời kinh Cựu Ước đương thời, nhưng quan trọng hơn cả là được đọc trong một tâm tình của một người nữ tỳ được chọn làm Mẹ Thiên Chúa và cộng tác trực tiếp trong chương trình cứu độ.
 
Kinh Magnificat được khởi đầu bằng niềm vui của một con người được cứu độ (x. Lc 1, 47), kế đến nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho những ai hèn mọn (x. Lc 1, 48- 53). Đặc biệt, điều được nói đến nhiều nhất là sự đối nghịch giữa thế lực giàu và người nghèo bị áp bức, và Thiên Chúa đã yêu thương cứu giúp người nghèo khó khiêm hạ.
 
Có thể nói, Đức Maria đã cất lên bài ca của những người bị áp bức, mà trong đó Mẹ và bà Elisabeth diễn tả mối bận tâm của mình dành cho dân Israel. Đức Maria đã nhận vào trong con người của Mẹ một cảm thức và mối bận tâm của bà Anna sau khi bà này sinh hạ Samuel, và ca ngợi về tất cả những điều này vào trong một bài ca biết ơn. Luca giữ lấy cảm thức này cho chúng ta trong kinh Magnificat mà ngài đặt như là một lời dẫn cho việc công bố của Đức Giêsu về sứ mạng của Người là giải phóng người nghèo và những kẻ bị bỏ rơi (Lc 4, 18- 19).
 
Cụm từ tapeinoi (tapeinoi) hoặc anawim (anawim) theo ngôn ngữ Hy Lạp muốn nói về một người nghèo bình thường, không quyền hành, không ảnh hưởng. Khi hát lên lời này, Đức Maria như muốn tuyên bố, Thiên Chúa không đánh giá con người theo tiêu chuẩn trần thế. Những con người thành đạt, giàu sang và leo lên đỉnh cao quyền lực, có lẽ sẽ làm cho mọi người kính nể và sợ sệt, nhưng đối với Thiên Chúa thì không. Giàu sang và quyền lực trần thế chỉ là thứ chóng qua như “con người chóng qua như cỏ”. Thiên Chúa chú tâm đến người góa bụa, trẻ mồ côi, người hèn mọn, những con người không có chút quyền hành gì, những con người vô tích sự trước mắt người đời. Kẻ giàu sang quyền thế thường thoả mãn về mình; người nghèo hèn chỉ trông cậy vào Thiên Chúa. Kinh Magnificat là tuyên ngôn: Thiên Chúa là Thiên Chúa của người nghèo và người bị áp bức; phúc cho người nghèo vì có Thiên Chúa là Đấng luôn chăm sóc họ. Đức Maria là mẫu gương sự nghèo khó và lời kinh Magnificat mà Mẹ hát lên phản ánh việc Mẹ đứng về phía những người bị áp bức. Điều này làm cho lời kinh này mang một tính cách mạng vĩ đại: cần phải thay đổi vị trí xã hội để mọi người được bình đẳng trước mặt Thiên Chúa.
 
Tóm lại: Lời kinh Magnificat được thốt lên trong bối cảnh của cuộc thăm viếng bà chị họ Elisabeth, bao hàm hành trình truyền giáo đầu tiên của Mẹ Maria với đầy đủ tính năng của một cuộc truyền giáo thực thụ, khi Mẹ đem Chúa Giêsu đến cho người khác và trao ban Chúa Giêsu để những người lãnh nhận được tràn ngập niềm vui vì được cứu độ. Điều này cũng tựa như việc Phêrô cho anh què ở Cửa Đẹp Đền Thờ chính Chúa Giêsu và anh được chữa lành để rồi anh nhảy nhót tưng bừng ca ngợi Thiên Chúa. Biến cố thăm viếng làm nổi bật lên đặc trưng của người môn đệ là: Đức tin, đức ái và cảm thông -nghĩa là mỗi Ki-tô hữu đều mang trên mình niềm tin phó thác cho công trình cứu độ của Thiên Chúa, thực hiện đức ái Kitô bằng việc dấn thân phục vụ và trao ban niềm vui, đồng thời cảm thông và bênh vực cho những người nghèo hèn và những người bị áp bức trong xã hội.
 
Lạy Chúa, xin dạy chúng con sống tinh thần của Mẹ Maria là sống trong ơn nghĩa của một tâm hồn đầy Chúa, cưu mang Chúa trong trái tim mình, để rồi mau mắn đem Chúa đến cho tha nhân. Đặc biệt cụ thể hoá việc làm chứng cho Chúa qua chính đời sống phục vụ. Amen.
 
 
Ngày 23 tháng 12
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1,57-66
Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.
Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an.” Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? ” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.
 
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Gioan Tẩy Giả chào đời. Một sự chào đời đặc biệt đem lại nhiều điều lạ lùng, như:
– Được thiên thần báo tin và đặt tên trước khi chào đời.
– Được sinh ra trong lúc bà Êlizabeth đã hết thời sinh nở.
– Ông Giacaria hết bị câm khi viết tên Gioan mà sứ thần loan báo.
Chúng ta cùng lần lượt suy tư về những điếu lạ lùng này, để nhận ra sứ điệp Chúa muốn nói gì với chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay:
 
1. Thiên thần báo tin và đặt tên cho hài nhi Gioan.
Thời Tân Ước, ngoài sự sinh hạ của Chúa Giêsu, thì chỉ có Gioan là người duy nhất được Thiên Chúa sai tổng lãnh thiên thần Gabriel loan báo về cuộc sinh hạ và truyền lệnh cho người cha đặt tên gì cho con trẻ.
Theo văn hoá Phương Đông, người nào đặt tên cho ai, thì có toàn quyền pháp lý trên vận mệnh của người được đặt tên. Lại nữa, việc đặt tên cùng đồng nghĩa trao ban một sứ mệnh, như trường hợp các sư phụ đặt tên mới cho đệ tử. Vì thế, việc Thiên Chúa sai thiên thần đến loan báo sự đầu thai và đặt tên cho Gioan, nói lên việc Gioan đã được thánh hiến và hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa ngay từ trong lòng mẹ, đồng thời việc đặt tên cũng là trao ban cho Gioan một sứ mệnh là sẽ là Tiền Hô cho Con Thiên Chúa nhập thể và nhập thế.
Chiêm ngưỡng biến cố này, mọi Kitô hữu cũng ý thức hơn về sự tái sinh của mình trong ngày nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta được sinh ra trong Giáo Hội, được phục hồi quyền làm con Thiên Chúa và nhận một tên mới theo tên vị thánh bổn mạng. Và cũng từ đó chúng ta phải sống xứng đáng với ơn thánh, cũng như mang trên mình sứ mạng như vị Tiên Hô của Chúa, dọn đường cho Chúa đến với những nơi chưa nhận biết Người.
 
2. Gioan được sinh ra bởi một người mẹ son sẻ và đã hết tuổi sinh nở.
Việc Thiên Chúa làm thật kỳ diệu, trong khi con người bất lực và dường như tuyệt vọng, thì Thiên Chúa lại can thiệp và ban lại niềm vui to lớn hơn.
Câu chuyện ông Giacaria đã già và bà Êlisabeth son sẻ đã cao niên, dưới ngòi bút mô tả của thánh sử Luca, phảng phất hình ảnh của tổ phụ Abraham và Sara xưa. Các ngài đều là những cặp đôi hiếm muộn và quá tuổi, Abraham trước lời Chúa hứa cũng đã nói với Chúa rằng: “con đã tuổi cao và vợ con cũng đã lão”, bà Sara thì bật cười trước lời hứa sinh con; Giacaria cũng nói lời tương tự với thiên thần, và Êlizabeth cũng cũng thốt lên “Chúa đã làm cho tôi cười được” (x. St 18,10-15 // Lc 1,13-25). Và cuối cùng, Thiên Chúa đã thực hiện điều đã hứa khi ban Isaac cho Abraham và cho Êlisabeth sinh hạ Gioan.
Như vậy, mỗi cuộc đời chúng ta là một kế hoạch của Thiên Chúa, đòi hỏi chúng ta phải bước đi trong niềm tin, dù cuộc đời không thiếu những lúc tưởng chừng như không còn gì để hy vọng, chúng ta được mời gọi tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi nhưng ai kêu cầu Người, dù chúng ta lắm khi không hiểu được cách thức can thiệp của Chúa, giống như Abraham hay Giacaria đã hơn một lần cảm thấy vô lý trước Lời Hứa.
 
3. Ông Giacaria hết bị câm khi viết tên Gioan mà sứ thần loan báo.
Khi nghi ngờ Lời Thiên Chúa thì ông Giacaria bị câm, đến lúc ông thực hiện Lời Thiên Chúa hứa để đặt tên cho con trẻ là Gioan thì ông lại nói được để chúc tụng Thiên Chúa.
Điều này cho thấy, bao lâu con người còn nghi ngờ Lời Thiên Chúa, là bấy lâu tâm hồn con người còn bị đóng băng và không thể ca tụng Thiên Chúa, cũng như không thể thi hành chức vụ “ngôn sứ” là loan báo Ơn Cứu Độ cho người khác. Tắt một lời, khi chúng ta không có một tâm hồn đầy Chúa, thì không thể ca tụng Chúa và loan báo Tin Mừng.
 
Như vậy, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy đón nhận Lời Chúa và thi hành Lời Chúa muốn chúng ta làm gì cho Người (như ông Giacaria đã làm là đặt tên cho con theo lệnh Chúa). Để rồi cũng như ông Giacaria, chúng ta mở miệng ca tụng Chúa và nói về Ơn Cứu Độ dành cho muôn dân.
 
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con biết sống xứng đáng với ơn thánh, cũng như mang trên mình sứ mạng như vị Tiên Hô của Chúa, dọn đường cho Chúa đến với những nơi chưa nhận biết Người. Amen
 
 
Ngày 24 tháng 12
Thánh lễ ban sáng.
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1,67-79
Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:
“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en
đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.
Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,
Người đã cho xuất hiện
Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,
như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ
mà phán hứa tự ngàn xưa:
sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,
thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;
sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
và nhớ lại lời xưa giao ước;
Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham
rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,
và cho ta chẳng còn sợ hãi,
để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người,
mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.
Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,
bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.
Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,
soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.
 
II. SUY NIỆM

Lời Chúa trong bài Tin Mừng ngày hôm nay là bài ca mang tính ngôn sứ của ông Giacaria, quen gọi là “Bài ca chúc tụng” (Benedictus), được Giáo Hội chọn làm bài thánh ca Tin Mừng trong giờ Kinh Sáng mỗi ngày.

Bài ca Benedictus này xuất phát từ sự kiện sinh ra cách lạ của thánh Gioan Tiền Hô. Việc sinh ra này làm nổi bật lên ý nghĩa: Khi nghi ngờ Lời Thiên Chúa, ông Giacaria đã bị câm, đến lúc ông thực hiện Lời Thiên Chúa hứa đặt tên cho con trẻ là Gioan thì ông lại nói được để chúc tụng Thiên Chúa. Giacaria đã tin theo lý luận của loài người, của khoa học hơn là quyền năng của Chúa. Ông cho rằng ông đã teo tóp, mà bà xã ông cũng đã hết đát, nên Chúa cũng bó tay. Điều này cho thấy, bao lâu con người còn nghi ngờ Lời Thiên Chúa, là bấy lâu tâm hồn con người còn bị đóng băng và không thể ca tụng Thiên Chúa, cũng như không thể thi hành chức vụ “ngôn sứ” là loan báo Ơn Cứu Độ cho người khác.

Đặc biệt, hiện tượng câm rồi lại mở ra của ông Giacaria như là một biểu tượng của việc ngay từ lúc này thời Cựu Ước đã đóng lại và thời Tân Ước mở ra.

Thật vậy, bài thánh ca này cũng được coi là những nhịp cầu cuối cùng của Cựu Ước bắc qua Tân Ước, đóng lại những gì thuộc tiên báo, chuẩn bị, hình bóng… để bắt đầu giai đoạn ứng nghiệm, giai đoạn của một khởi đầu mới. Để rồi, từ nay cách tính lịch sử chọn mốc “Trước Chúa Giáng Sinh” và “Sau Chúa Giáng Sinh”

Có thể nói, cùng với lời kinh của ông Giacaria, chúng ta nhớ lại giai đoạn thời khắc giao thừa của ơn cứu độ, để cùng mang lấy tâm tình của ông, là:

– Nhớ lại quá khứ để tạ ơn Chúa đã viếng thăm cứu chuộc dân Người

– Hướng về tương lai để làm chứng nhân cho Người.

 

1. Nhớ lại quá khứ để tạ ơn Chúa đã viếng thăm cứu chuộc dân Người

Lịch Sử Cứu Độ cho thấy Thiên Chúa luôn trung thành và viếng thăm cứu chuộc con người, dù bao lần con người bội phản. Thiên Chúa đã dùng lời ngôn sứ mà loan báo sự xuất hiện của Đấng Cứu Tinh quyền thế, đến để cho con người được sống công chính thánh thiện mà phụng thờ Thiên Chúa.

Trong bài đọc I, sách Samuel quyển 2, qua miệng ngôn sứ Na-than, Thiên Chúa đã hứa với Đa-vít rằng từ dòng dõi vua sẽ kế vị vững bền: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2Sm 7,16). Lời sấm ngôn này ban đầu dân Do-thái vẫn hiểu là dành cho triều đại Salômon. Tuy nhiên, từ sau khi vua Salômon chết, đất nước đã bị phân chia thành hai, dần dần lụi tàn để rồi lưu đày và mất nước. Vì thế, từ sau lưu đày, lời ngôn sứ này được hướng về một tương lai xa hơn, và dân Do-thái mòn mỏi mong chờ một Đấng Cứu Thế đến xuất thân từ dòng dõi Đa-vít.

Mở đầu bài ca của ông Giacaria đã xác tín rằng: Đấng thuộc dòng Đa-vít nay đã đến, vì Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người khi trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước…

Cũng vậy, hôm nay, đứng trước biến cố kỷ niệm Con Thiên Chúa Giáng Sinh, cùng với lời kinh của ông Giacaria, chúng ta ôn lại bao nhiêu hồng ân Chúa ban trong một thời gian đợi chờ của Mùa Vọng. Để rồi ngày mai kỷ niệm Giáng Sinh giúp chúng bắt đầu một khởi đầu mới cho việc làm chứng nhân cho Chúa.

 

2. Hướng về tương lai để làm chứng nhân cho Chúa.

Phần hai của bài ca chúc tụng nói lên sứ vụ của Vị Tiền Hô. Sứ vụ của Vị Tiền Hô là luôn đi trước mặt Chúa, mở lối cho Người, nói về tình thương tha thứ của Chúa, soi sáng cho ai còn ngồi trong bóng tối tử thần và dẫn họ vào nơi bình an.

Điều này đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi Gioan Tẩy Giả, khi chính ngài đã rao giảng kêu gọi sự sám hối để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Đặc biệt, thánh Gioan Tẩy Giả không chỉ ra giảng bằng lời nói mà còn bằng cả cuộc đời chứng nhân sống động của mình.

Để thấy rõ hơn đời sống chứng nhân mẫu mực của thánh Gioan tẩy Giả, chúng ta đọc lại lời của Giêsu trong Tin Mừng Luca 7, 24b-27: “Anh em đi xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Hẳn là không! Thế thì anh em đi xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Nhưng kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện. Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa! Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!”.

Với những lời này, điểm nổi bật hơn cả nơi thánh Gioan Tẩy Giả chính là sự can đảm chứng minh cho sự thật, và đời sống nghèo khó khiêm nhường.

Dựa theo đó, chúng ta cũng có thể tự hỏi:

Thế gian đến với chúng ta để tìm gì? Thấy một “cây sậy” phất phơ trước gió chăng? Người ta sẽ không thể chấp nhận một người mang danh con Chúa mà sống phất phơ, mong manh, hèn nhát và gió bên nào thì ngã theo bên ấy.

Cách riêng đối với các vị đại diện Chúa hay những ai sống đời thánh hiến, mọi người tìm đến để xem gì ? Một vị giàu sang tiện nghi lộng lẫy sống xa hoa trong cung điện ư? Thưa không ! Điều mà người ta chờ đợi nơi các vị là đời sống giản dị khó nghèo theo gương Chúa, chứ không phải đua đòi thời trang và tiện nghi…

Người ta đến với chúng ta là vì chúng ta là chứng nhân: luôn đi trước mặt Chúa, mở lối cho Người, nói về tình thương tha thứ của Chúa, soi sáng cho ai còn ngồi trong bóng tối tử thần và đem lại cho họ sự bình an.

 

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta khi đứng trước thời khắc giao thừa kỷ niệm ngày Chúa Giêsu Giáng Sinh, cùng với lời kinh của ông Giacaria, chúng ta ôn lại bao nhiêu hồng ân Chúa ban trong quá khứ để tạ ơn Chúa. Để rồi ngày mai kỷ niệm Giáng Sinh giúp chúng bắt đầu một khởi đầu mới cho việc làm chứng nhân cho Chúa. 

 
Lạy Chúa Giê-su, miệng lưỡi chúng con như bị câm và không thể ca tụng Chúa vì chúng con còn nghi ngờ quyền năng của Chúa, niềm tin của chúng con chưa đủ lớn vì còn dựa theo tính thựng nghiệm của khoa học. Xin Chúa đến thánh hóa môi miệng chúng con và ban ơn đức tin cho chúng con, để chúng con tuyên xưng và cao rao danh Chúa cho mọi người. Amen.
 
Hiền Lâm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...