Thứ 3 tuần 7 Phục sinh
(Cv 20, 17-27; Ga 17,1-11a).
Trước khi đi vào cuộc thương khó, Chúa Giêsu không chỉ nói những lời trăng trối dạy dỗ các môn đệ mà Ngài còn cầu nguyện tha thiết cho các môn đệ nữa. Tin mừng hôm nay và trong hai ngày tới sẽ cho chúng ta nghe những lời nguyện đó. Những lời nguyện này các nhà thần học gọi là lời nguyện của vị Thượng tế.
Khi đến giờ tự hiến đời mình làm lễ vật hy sinh, Chúa Giêsu đứng trước Chúa Cha trong tư cách là vị Tư tế cầu nguyện cho tất cả những ai liên kết với Người nhờ đức tin và đức mến. Đọc qua Gioan chương 17, chúng ta thấy lời cầu nguyện của Đức Giêsu được chuyển qua ba ý: Trước hết, Người cầu nguyện cho chính mình(Ga 17,1-8), sau đó Người cầu nguyện cho những người thuộc về mình là các môn đệ (Ga 17, 9-19),và cuối cùng Ngài cầu nguyện cho những kẻ sẽ tin Người nhờ lời rao giảng của các môn đệ(Ga 17,20-26).
Bài Tin Mừng hôm nay là phần đầu, Chúa Giêsu xin Chúa Cha tôn vinh Người để Chúa Cha cũng được tôn vinh, vì vinh quang của Chúa Giêsu và vinh quang của Chúa Cha là một. Khi Chúa Giêsu xin Chúa Cha tôn vinh mình, Ngài không nhắm tới vinh quang riêng cho mình, nhưng nhắm cho vinh quang Chúa Cha. Nếu như “giờ” đã được nhắc tới ngay đầu chương 13, khởi đầu của những diễn từ ly biệt[1], thì ở đầu chương Ga 17 này, “giờ” lại được nhắc đến, và được nhắc đến cách khẩn thiết và quyết liệt hơn[2]. Đây là giờ Thiên Chúa được tôn vinh, sự tôn vinh này được thực hiện qua Người Con: “xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha”. Như chúng ta biết, sứ vụ của Đức Giêsu khi đến trần gian là mạc khải cho mọi người biết và tin vào Thiên Chúa qua lời giảng dạy cũng như đời sống của Ngài. Vì thế, suốt cuộc đời dương thế, Đức Giêsu luôn nói về Cha. Mục đích của việc loan báo này là để nhân loại nhận biết Chúa Cha, Đấng đã sai Người Con đến thế gian để ai tin vào Người Con thì được sự sống đời đời. Khi nhận biết Con thì cũng nhận biết Cha. Cha với Con là một. Bởi thế, Chúa Cha nhiều lần đã tỏ Chúa Con cho loài người như trong trường hợp khi Chúa Con chịu phép rửa ở sống Giođan: “Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng”. Khi Chúa hiển dung trên núi Tabo Chúa Cha cũng phán như vậy. Ngược lại, Chúa Giêsu trong sứ vụ và cuộc sống của mình đã mạc khải Chúa Cha cho nhân loại, chẳng hạn khi Ngài nói : “Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha vì đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”(Mt 11,25-27). Khi Chúa dạy các tông đồ cầu nguyện bằng Kinh lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trện trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…” Đặc biệt vào giờ cao điểm, giờ Chúa Giêsu đi vào cuộc thương khó, Chúa Giêsu lại khẩn thiết xin cho Danh Cha được vinh hiển qua cái chết và phục sinh của mình.
Là Kitô hữu, chúng ta có nhiệm vụ làm hiển Danh Chúa qua đời sống thường ngày, như chúng ta hay đọc sau mỗi đoạn Thánh vịnh: “Vinh Danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa. Biết bao lần chúng ta không làm rạng ngời Danh Chúa, vì không sống đúng với căn tính người Kitô hữu, còn gian dối, thiếu bác ái, thiếu nhân bản,.. Chúng ta được mời gọi noi gương bắt chước Chúa Giêsu sống và cầu nguyện làm sao cho sáng Danh Chúa bằng tất cả cuộc sống mình.
Lm. Louis Gonzaga Hoàng Luật
[1] Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến – Ga13,1
[2] Lạy Cha, giờ đã đến! Ga 17,1
[1] Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến – Ga13,1
[2] Lạy Cha, giờ đã đến! Ga 17,1