VƯỢT QUA SỰ SỢ HÃI
1V 19,9a.11-13a; Mt 14,22-3
Nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người có thể bay lên cung trăng hay xuống tận đáy đại dương. Những bước tiến vượt bậc đó đã nâng cao cuộc sống con người. Nhưng có phải nhờ thế mà con người sống hạnh phúc hơn khi họ vẫn còn bị chi phối bởi những lo âu và sợ hãi? Đức Thánh Giáo Hoàng Jean Paul II, khi nhận tác vụ giám mục Rôma đã kêu gọi mọi người vượt qua những sợ hãi, ngài lập lại lời của Chúa Giêsu khi nói: “Đừng sợ!” (Mt 14,27).
- Sự sợ hãi
Chúng ta thường bị chi phối bởi những nỗi sợ hãi khác nhau. Có thể phân chia sự sợ hãi thành hai loại: nỗi sợ hãi có thật và nỗi sợ hãi do ta ảo tưởng. Nỗi sợ hãi có thật như trường hợp ông Êlia trong bài đọc thứ nhất. Ông sợ hãi chạy trốn vì bà Isơven đang tìm bắt mạng sống ông. Nỗi sợ hãi không có thật như trường hợp của các môn đệ nhìn thấy Chúa Giêsu nhưng lại tưởng là ma. Cho dù là nỗi sợ hãi nào đi nữa, nó cũng gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến chúng ta.
Có nỗi sợ làm chúng phải lẩn trốn, không dám đối diện với thực tế. Ông Êlia đã phải chạy trốn để bảo toàn tính mạng (x. 1V 19,3). Có nỗi sợ làm chúng ta hoảng loạn, mất khả năng tự chủ. Các môn đệ khi nhìn thấy Chúa đi trên mặt nước đã hốt hoảng la lên: “ma đấy” (Mt 14,26). Có nỗi sợ làm chúng ta bị nhận chìm, không còn hy vọng. Ông Phêrô đã chìm xuống khi thấy gió thổi (x. Mt 14,30).
Để có thể tránh những ảnh hưởng và phương hại của nỗi sợ hãi gây ra, chúng ta phải làm gì để vượt qua?
- Vượt qua sợ hãi
Có rất nhiều khó khăn và thử thách xảy đến cho chúng ta, nhưng nếu nhận ra sự hiện diện của Chúa, chúng ta sẽ vượt qua. Ông Êlia đã sợ hãi nên lẩn trốn. Ông chui vào một cái hang. Nhưng khi nghe tiếng gió thổi, ông lấy áo choàng che mặt và ra đứng ở cửa hang (x. 1V 19,13a). Ông không còn sợ hãi vì nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa.
Các môn đệ trong Tin Mừng, lúc đầu vì không nhận ra Chúa Giêsu, các ông sợ hãi. Nhưng khi Chúa Giêsu lên thuyền, thì gió lặng. Lúc này “sóng gió” trong lòng các môn đệ cũng im lặng. Các ông không còn sợ hãi, nhưng xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa và bái lạy Người (x. Mt 14,25-33).
Phêrô chìm xuống vì ông nghi ngờ và sợ hãi. Nhưng khi bắt đầu chìm thì ông đã nhớ đến Chúa đang hiện diện nên ông đã mau mắn kêu xin: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” (Mt 14,30).
- Vượt qua sợ hãi để lớn lên
Như Phêrô dám bước ra khỏi thuyền đi trên mặt nước đến với Chúa, chúng ta cũng được mời gọi đối diện với những thử thách và sợ hãi trong cuộc đời. Đối diện với thử thách không phải để vấp ngã và chìm xuống, nhưng để có được kinh nghiệm và chỗi dậy. Một kinh nghiệm mới mẻ về sự yếu đuối và sự vấp ngã, sợ hãi và hoảng loạn. Qua đó, ta khám phá ra sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Và cũng qua đó, đức tin của chúng ta được lớn lên và trưởng thành.
Cuối bài Tin Mừng cho ta một hình ảnh thật sinh động: “Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: ‘Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa’” (Mt 14,33). Đây là một bước ngoặt. Sau khi vượt qua những thử thách, đức tin của họ được lớn lên. Sau này, thánh Phêrô đã khẳng định trong thư của ngài: “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội…” (1Pr 1,7).
Sự dữ, dù là sự dữ thể lý hay luân lý, cũng đang có mặt và hoành hành khắp nơi. Dù muốn dù không, chúng ta sẽ đối diện với mọi thử thách và sợ hãi. Nhưng là Kiô hữu, chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài. Khi vượt qua sợ hãi, chúng ta sẽ được biến đổi và triển nở trong tình yêu. Bởi như lời thánh Gioan nói trong thư thứ nhất của ngài: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” (1Ga 4,18a).
Clara Diệu