GIÁ TRỊ TUYỆT ĐỐI CỦA NƯỚC TRỜI
Mc 9,38-43.45.47-48
M. Giuse Hoàng Văn Thắng, đan viện Châu Thủy
Bài Tin Mừng hôm nay dưới ngòi bút của thánh sử Mác-cô ý nghĩa rất phong phú, súc tích, nên chỉ xin được dừng lại ở phần cuối của bài Tin Mừng (cc. 42-43.45.47-48). Qua đoạn Tin Mừng này thánh sử cho thấy sự đòi hỏi triệt để của Lời Chúa và giá trị tuyệt đối của Nước Trời : dù quan trọng như mắt, như tay chân, nếu gây dịp tội cản trở cho chúng ta thì cũng phải loại bỏ để được vào Nước Trời. Hơn nữa, điều mà bài Tin Mừng nhắm đến đó là : luôn nhìn nhận mình là kẻ bất toàn, khiếm khuyết « không lành lặn, không toàn thân » để sống khiêm tốn, đó là con đường khiêm hạ mà Đức Giêsu đã đi và mời gọi chúng ta bước theo Ngài.
Thật vậy, nếu hiểu những câu Lời Chúa này theo sát mặt chữ thì sẽ có những tư tưởng tiêu cực gợi lên trong chúng ta : Đạo Chúa đòi hỏi quá ! Mang thân phận con người ai lại không hơn một lần sa ngã, lầm lỡ: không mắt thì tay, không tay thì chân… Con người không ai hoàn hảo. Thế mà trong bài Tin Mừng này, Chúa bảo nếu chân, tay hay mắt của chúng ta làm đều xấu, thì phải chặt, móc bỏ phần đó đi, nói vậy đạo của Chúa xem ra «hơi tàn bạo, không dám nói là độc ác » và mất hẳn lòng nhân từ, thương xót, thứ tha như chúng ta thường nghe. Nếu thân thể chúng ta hư hỏng (nên dịp tội) tới đâu chặt bỏ tới đó, hầu như ai trong chúng ta cũng hơn một lần trong đời trở thành phế nhân : cụt tay, què chân, chột mắt…. Vậy đâu là điều mà bài Tin Mừng nhắm đến ? Thưa, nói vậy nhưng ý nghĩa thì sâu xa hơn, động từ chặt đứt, vứt bỏ tay chân hay khoét mắt đó, đưa tới hình ảnh « không lành lặn, không toàn thân » để chúng ta biết sống khiêm tốn. Khi phê bình hay lên án ai hãy nhìn lại mình trước, khi đấm ngực ai hãy đấm ngực mình trước đã. Và bài Tin Mừng đưa ra câu hỏi, ai trong chúng ta dám tự hào mình là người hoàn thiện để rồi vênh vang lên án kẻ khác ?
Tuy nhiên, Chúa chấp nhận chúng ta khuyết tật, không hoàn hảo, vì thế Chúa mới đến tìm chúng ta như tìm những con chiên lạc để cứu vớt, nhưng đáng buồn thay, chúng ta quá tự mãn nên nhiều khi không thấy Chúa. Ngược dòng lịch sử Cựu Ước, trình thuật con rắn phỉnh gạt bà Eva trong vườn địa đàng (x. St 3, 1-24) mà ngày nay vẫn còn làm cho bao người tiếc nuối một thiên đàng đã mất cũng do tính ngạo mạn, tự cao, tự mãn của con người chúng ta gây ra; tội nghiệp cho thân phận mỏng dòn của chúng ta, dễ vỡ, dễ sa lầy. Hơn nữa, vì yêu thương nhân loại, Chúa Giêsu đã xuống thế làm người sinh ra trong cảnh nghèo hèn, với một cuộc sống ẩn dật, lao động vất vả ở làng Nazareth vô danh, ra đi rao giảng Tin Mừng và chết đau thương trên Thập giá cũng vì cái tính « trịch thượng » của chúng ta.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta : trong cuộc sống hằng ngày dù chúng ta là ai, được công thành danh toại, địa vị cao sang hay là gì đi nữa cũng nên nhớ đến Đức Khiêm Nhường, đó là kim chỉ nam để chúng ta không lạc lối và xa rời Chúa. Biết mình là người không hoàn hảo, khiếm khuyết, nghĩa là nhận ra thân phận yếu đuối của mình nên phải liên tục tu luyện để nên giống hình ảnh Chúa đã tạo ra chúng ta thuở ban sơ, thuở con người chưa tự kiêu, tự mãn trước khi bị sập bẫy của ma quỉ. Chúng ta hãy sống khiêm tốn, đi trên con đường khiêm hạ mà Đức Giêsu đã đi. Chúa Giêsu Kitô đã tự hạ mình đi xuống (x. Pl 2, 6-11), nên chỉ những ai sống khiêm tốn hạ mình xuống mới gặp được Ngài mà thôi.