CHÚA GIÊSU KIỆN TOÀN LUẬT YÊU THƯƠNG
(Mt 5,38-48)
M. Matthêu Lê Văn Viết, PL
Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đã hơn một lần được nghe lời phân trần của Chúa Giêsu: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,7). Thiết nghĩ lời giáo huấn của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay phần nào đó để minh chứng lời phân trần của Ngài. Cách kiện toàn của Chúa Giêsu hoàn toàn đối nghịch với luật trong Cựu Ước. Nếu như trong luật Môsê được thiết định theo nguyên tắc mang tính đối trọng: “Mắt đền mắt, răng đền răng” (c.38) để bảo đảm sự công bằng và nhằm hạn chế khuynh hướng báo thù cực đoan, hay ngăn cản bản năng bạo lực của con người mà trả thù, thì trong lời giáo huấn của Chúa Giêsu yêu cầu người môn đệ: “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (c.39-42).
Quả thế, cách kiện toàn lề luật của Chúa Giêsu cũng có thể được gọi là một cuộc “cách mạng”. Cuộc “cách mạng” này mang tên là luật tình yêu. Nếu như trong Cựu Ước người ta tưởng rằng khi lấy một điều dữ để tháo cởi một điều dữ đang bị trói buộc thì sẽ giải quyết được vấn đề. Nhưng không phải thế, cách giải quyết này lại kéo theo một điều dữ khác, hậu quả là các điều dữ cứ mãi tiếp diễn. Nói đúng hơn, cách phản ứng như thế sẽ không bao giờ đem đến hòa bình và giải quyết được những cuộc tranh chấp. Trong cuộc “cách mạng” của Chúa Giêsu, chúng ta vẫn thấy Ngài không bảo các môn đệ thỏa hiệp hay chịu đựng những điều dữ xảy đến, ngược lại Ngài kêu gọi các một đệ phản ứng lại. Nhưng khác với luật cũ ở chỗ là lấy một điều thiện để phản ứng một điều dữ, làm như thế người ta mới có thể bẻ gãy được xiềng xích đang trói buộc điều dữ.
Ngoài việc dùng điều thiện để phản ứng với một điều dữ đã xảy đến, cuộc “cách mạng” của Chúa Giêsu còn mở ra một tiến trình mới đó là tình yêu với tha nhân, tình yêu này bao gồm cả việc “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (c.44) hoàn toàn đối nghịch với luật cũ “hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (c.43). Ở một mức độ nào đó, chúng ta có cảm tưởng lời giáo huấn của Chúa Giêsu khó có thể chấp nhận và không hề dễ dàng để chúng ta thực hành trong thời đại hôm nay. Tuy nhiên, nếu chúng ta có cái nhìn sâu hơn, xa hơn theo kiểu con cái của “Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (c.45). Điều này giải thích cho chúng ta rằng, tất cả mọi người, không phân biệt người làm điều tốt hay kẻ làm điều ác, người công chính hay kẻ bất lương, người giàu sang hay kẻ bần cùng đều được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được Ngài ban cho phẩm giá như nhau.[1]
Qua đó, chúng ta tìm được những điểm cốt yếu trong cách kiện toàn luật của Chúa Giêsu như sau: Thứ nhất, nhằm ngăn chặn vòng xoáy của sự ác, sự leo thang của bạo lực theo nghĩa “lấy oán báo oán, oán càng chồng chất”. Thứ hai, nhằm chinh phục và cảm hoá kẻ ác, bởi họ cũng là con người, chính sự bao dung tha thứ mới có khả năng biến thù thành bạn, như Chúa Giêsu đã nói: “Như vậy là các con đã được món lợi là người anh em mình” (Mt 18,15b). Thứ ba, để chúng ta có được một tâm hồn bình an, thanh thản của con cái Thiên Chúa. Thứ bốn, là để trở nên giống như Cha trên trời là Đấng nhân từ, bao dung và tha thứ[2].
Qua bài Tin Mừng hôm nay, lời giáo huấn của Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta về đặc tính tình yêu trong Kitô giáo được biểu lộ qua lòng nhân từ, nghĩa là báo thù sẽ không bao giờ mang tới cho con người sự bình an và hạnh phúc. Ngược lại, chỉ có tình thương, sự tha thứ, lòng bao dung cùng với con tim yêu mến thực thi điều thiện sẽ giúp chúng ta hàn gắn những vết thương, thiết lập lại mối tương quan đang bị đổ gãy trong cuộc sống. Thực hành được những điều đó, chúng ta sẽ trở thành những người kiến tạo sự hiệp thông, người xây dựng tình huynh đệ ngay trong gia đình, trong cộng đoàn và trong môi trường chúng ta đang sống, để mỗi ngày chúng ta sẽ đáp lại được mời gọi của Chúa Giêsu là “nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (c.48).
________________________
[1] x. Huấn của Đức Phanxicô, JB Lưu Văn Lộc chuyển ngữ, Nxb Đồng Nai, 2019, tr. 88.
[2] x. https://gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-7-thuong-nien-a (bài 12)