NÊN THÁNH LÀ YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
Suy niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 7, Thường niên, Năm A
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist.
Phụng vụ Lời Chúa, Chúa nhật VII thường niên mời gọi chúng ta sống thánh như Cha chúng ta là Đấng thánh:
Sách Lêvi (19,1-2.17-18), kêu gọi dân Ítraen: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh”. Ítraen dân Chúa phải là “Dân Thánh”, vì dân Ítraen đã được thánh hiến (qadosh) dành riêng cho Thiên Chúa là Đấng Thánh (qadosh). Sự thánh thiện của “Dân Thánh” trong Cựu ước được tỏ lộ ra bằng những hành vi nhân linh trong cuộc sống hằng ngày: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em… ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi… ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”.
Như dân Israel xưa, Giáo hội Công giáo hôm nay thực là Dân Thánh hợp như lời thánh Phaolô nói:“Anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trong anh em” (1Cr 3,16-23). Thánh Phaolô nói như vậy có nghĩa là tự bản chất mỗi chúng ta là “thánh”, nên hãy làm sáng tỏ “chất thánh” nơi mình nhờ sự gắn bó mật thiết với Đức Kitô – “thuộc về Đức Kitô”.
Dân thánh phải tuân giữ luật thánh. Cho nên, Đức Giêsu đến để kiện toàn, làm cho luật Cựu ước nên trọn. Nếu luật Cựu ước dạy: “mắt đền mắt, răng đền răng” thì nay Đức Giêsu dạy: đừng chống cự người ác, nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái, nghĩa là sẵn sàng đón lấy cái tát đau còn đau hơn cái vả. Nếu ai muốn lấy áo trong của anh thì hãy cho nó cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm thì hãy đi luôn hai dặm. Ai xin thì hãy cho, ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi. Như vậy, rõ ràng giáo huấn của Đức Giêsu vượt trên sự công bằng, vươn đến đức ái hoàn hảo.
Chúa dạy chúng ta đừng chống người ác: tức là không dùng cái các chống lại cái ác, mà trái lại, lấy đức bác ái mà thực hiện hơn những gì được yêu cầu, không phải để được yêu thân, không phải vì sợ hãi ai hay vì một lý do tầm thường, nhưng chỉ vì yêu thương đồng loại. Xét cho cùng, chỉ những ai có tình yêu đại độ mới làm được như vậy! “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu”. Dĩ nhiên, yêu thương không phải là nín thinh trước chân lý, hay để mặc sự bất công lộng hành. Chính Đức Giêsu đã chất vấn tên lính vả mặt Ngài trước mặt thượng tế Cai-pha: “… Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao lại đánh tôi?” (Ga 18,23).
Chúa Giêsu làm cho luật nên trọn hảo khi dạy chúng ta: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Từ trước tới nay chưa từng có một vị thầy nào truyền dạy một Giáo lý mới mẻ – yêu thương cách tuyệt đối như vậy. Theo lẽ tự nhiên, chúng ta chỉ yêu những người yêu mình, hay ít ra không làm hại mình, hoặc những người thấp kém đáng thương… chứ ai dại gì yêu thương kẻ thù, kẻ làm hại mình! Thành ra, chính khi yêu thương kẻ thù, mà chúng ta trở nên thánh thiện giống như Thiên Chúa nhất.
Chẳng phải Thiên Chúa đã biểu lộ sự thánh thiện của Ngài khi yêu thương chúng ta bất kể chúng ta là hạng người nào, Ngài yêu chúng ta ngay cả khi chúng ta là tội nhân (x. Rm 5,8) đó sao? Ngài vẫn luôn cho ánh sáng chân lý chiếu soi, cho mưa hồng ân cứu độ đổ xuống trên hết thảy chúng ta qua Đức Giêsu Kitô và qua Giáo hội của Ngài.
Bởi thế, nếu kitô hữu chúng ta chỉ yêu những kẻ yêu mình thì đó là lẽ công bằng tự nhiên mà thôi “có vay có trả” sằng phẳng; ta chẳng nợ gì nhau, chẳng có gì đáng nói, ngay các băng đảng xã hội cũng tỏ ra quý mến, bao che cho đồng bọn vì những lợi ích phe nhóm… Bởi thế cho nên, Đức Giêsu đòi buộc môn đệ: phải trở nên thánh thiện như Cha trên trời. Mà con đường thánh thiện như Đức Giêsu đã sống và dạy ta là yêu thương, là tha thứ, là cầu nguyện cho kẻ thù ghét mình.
Nhưng làm sao chúng ta có thể yêu thương kẻ thù được, nếu trước đó không sống gắn bó mật thiết “thuộc trọn về Đức Kitô”, như thánh Phaolô đã nhắn nhủ (1Cr 3,16-23). Bởi lẽ, khi Đức Kitô cùng sống và hoạt động trong ta thì mọi hoạt động của chúng ta đều là hoạt động yêu thương. Chính Đức Kitô đã yêu các kẻ ghen ghét, chống đối, và thủ tiêu Ngài. Ngài ân cần yêu thương họ, cho họ biết những tai họa sắp xảy ra với Giêrusalem (x. Mt 23,37), thức tỉnh kẻ phản bội “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48). Đức Kitô luôn yêu thương tha thứ và tự hiến mạng cứu độ nhân loại: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Được thúc đẩy bởi tình yêu quảng đại của Đức Kitô, trong lịch sử đã có biết bao kitô hữu “nên thánh bằng tình yêu thương kẻ thù”. Thánh Têphanô khi bị ném đá, đã tha thứ và cầu nguyện cho những kẻ giết mình. Hơn 300.000 phúc nhân tử đạo tại Việt Nam đã không nửa lời oán hận những kẻ giết mình, trái lại các ngài luôn yêu thương tha thứ tha thiết cầu xin cho họ được ơn cứu độ…
Khi lãnh Bí tích Rửa tội chúng ta được làm con Thiên Chúa chí thánh, được gia nhập đoàn “Dân Thánh” nên có sứ mạng quang tỏa sự thánh thiện đó qua đời sống yêu thương kẻ thù. “Kẻ thù” của chúng ta có khi chẳng ở đâu xa, mà là những người thân thiết đang sống ngay bên chúng ta. Do đó:“Tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh qua việc sống cuộc đời yêu thương và làm chứng trong mọi việc ta làm, ở bất cứ đâu. Bạn được gọi vào đời sống thánh hiến ư? Hãy thánh bằng cách sống cam kết của mình với niềm hân hoan. Bạn là người lập gia đình ư? Hãy thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho vợ cho chồng, như Đức Kitô đã yêu thương và chăm sóc Hội thánh. Bạn đang phải làm việc để mưu sinh ư? Hãy thánh bằng cách lao động với sự chính trực và khả năng để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ, ông bà ư? Hãy thánh bằng cách kiên trì dạy dỗ con cháu để chúng biết đi theo Đức Kitô. Bạn là người có quyền ư? Hãy thánh bằng cách làm việc cho công ích và từ bỏ các lợi lộc bản thân” (GE, số 14).
Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận cũng cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu:“Muốn nên thánh, con hãy làm những việc thường ngày, có khi xem ra vô ý nghĩa nhất. Nhưng con đặt vào đó tất cả lòng mến yêu của con”(ĐHV, 814).