Cây nến sáng
Lc 2,22-40
Bosco Hùng, đan viện Phước Sơn
Cây nến được thắp sáng là hình ảnh quen thuộc trong phụng vụ. Cây nến càng nổi bật hơn trong ngày lễ Dâng Đức Giêsu Vào Đền Thánh hay còn gọi là Lễ Nến. Cây nến chỉ cháy sáng khi chấp nhận tiêu hao. Đức Giêsu đã hiến dâng và trở thành ánh sáng cho trần gian khác nào một cây nến cháy sáng. Ngày Đức Giêsu được dâng vào đền thánh, ông Simêon được thấy tận mắt, được trực tiếp bồng ẵm, ông nhận ra Đức Giêsu là ánh sáng cho dân ngoại.
Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chọn ngày lễ Dâng Đức Giêsu Vào Đền Thánh làm ngày Thế Giới Về Đời Sống Thánh Hiến và ngài đã cử hành ngày Đời Sống Thánh Hiến đầu tiên vào năm 1997. Việc chọn lựa này như muốn nói rằng: người linh mục, tu sĩ cũng được thánh hiến và dâng cho Chúa, họ cũng trở thành cây nến tỏa sáng.
1. Đức Giêsu là cây nến sáng
Đức Mẹ và thánh Giuse tiến dâng Đức Giêsu cho Thiên Chúa theo luật Môsê: “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa.” Nghi lễ này gợi nhớ sự kiện ngày xưa khi Môsê xin vua Pharaô thả cho dân Israel ra khỏi Ai Cập, vua đã không nghe. Đức Chúa đã cho xảy ra những tai ương khủng khiếp để cho vua Pharaô nhận ra bàn tay Đức Chúa can thiệp mà thả cho dân Israel ra đi, nhưng Pharaô vẫn cứng lòng. Cuối cùng Đức Chúa dùng hình phạt là mọi con trai đầu lòng của người Ai Cập bị giết, còn con trai đầu lòng của người Israel thì được sống.
Với sự kiện này, sau khi ra khỏi Ai Cập, Môsê truyền cho dân hãy tạ ơn Chúa và tưởng niệm biến cố xuất Ai Cập bằng nghi lễ dâng hiến con trai đầu lòng. Sự kiện Đức Mẹ và thánh Giuse dâng Đức Giêsu vào đền thánh liên hệ đến nghi lễ dâng hiến này. Hôm ấy, tại đền thánh có mặt ông Simêon. Ông được Tin Mừng gọi là người công chính sùng đạo, chắn chắn ông đã lên đền thờ nhiều lần và nhiều lần được chứng kiến việc dâng hiến tương tự như thế. Tuy nhiên, ngày Đức Giêsu được dâng vào đền thánh ông nhận thấy một sự lạ lùng xảy ra nơi ông cũng như nơi trẻ Giêsu. Nơi ông, ông được Thánh Thần thúc đẩy lên đền thờ. Nơi trẻ Giêsu, ông nhận thấy đó là Đấng tỏa ra một thứ ánh sáng cứu độ, vì thế ông mở miệng chúc tụng Thiên Chúa: “…Chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài.”
Lễ Dâng Đức Giêsu Vào Đền Thánh còn được gọi là Lễ Nến. Gọi là Lễ Nến thật thích hợp, không chỉ vì đầu lễ có nghi thức làm phép nến và thắp nến, mà còn vì trong lời chúc tụng, ông Simêon gọi Đức Giêsu là ánh sáng. Đức Mẹ bế Đức Giêsu vào đền thánh và Đức Giêsu tỏa ra ánh sáng thần linh, nên chúng ta cũng có thể nói là Đức Mẹ bế “cây nến sáng” là Đức Giêsu. Nói như thế không quá đáng, vì chính thánh Gioan trong Lời tựa Tin Mừng thứ IV gọi Đức Giêsu là Ngôi Lời, và Ngôi Lời là ánh sáng cho nhân loại (Ga 1,1.3).
Hình ảnh Ngôi Lời là ánh sáng, hay Đức Giêsu là ánh sáng được diễn tả bằng cây nến sáp thắp lên, đặc biệt trong phụng vụ đêm Phục Sinh. Đầu thánh lễ nến, với nghi thức thắp nến và rước nến, mỗi người tham dự cầm cây nến cháy sáng trong tay. Những cây nến được thắp sáng này gợi nhớ việc mình được chia sẻ sự sáng của Đức Giêsu, đồng thời có bổn phận tỏa sáng cho nhân loại. Ngày Thế Giới Về Đời Sống Thánh Hiến được chọn vào ngày lễ Dâng Đức Giêsu Vào Đền Thánh, điều này gián tiếp như muốn nhắc nhở giới linh mục và tu sĩ là những người đã hiến dâng hãy trở thành cây nến sáng.
2. Người dâng hiến trở thành cây nến sáng
Ngày xưa Đức Maria và thánh Giuse đã bế Đức Giêsu lên đền thờ Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa. Mỗi người Kitô hữu cũng được đưa đến nhà thờ tiến dâng cho Chúa qua bí tích Thánh Tẩy. Hôm ấy, nếu là đứa bé lãnh nhận bí tích, cha mẹ hay người đỡ đầu cầm cây nến được thắp sáng và nói lời tuyên xưng đức tin thay cho đứa bé; nếu là người lớn lãnh nhận bí tích thì chính họ cầm cây nến được thắp sáng và nói lời tuyên xưng đức tin. Cây nến sáng trong ngày lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy cũng gợi nhớ nhiệm vụ tỏa chiếu ánh sáng của Đức Giêsu mà mình lãnh nhận.
Rồi lớn lên, với lời mời gọi của Chúa và với ý thức, một số người muốn đáp trả lời mời gọi và sống trọn vẹn hơn những đòi hỏi của bí tích Thánh Tẩy, nên dâng hiến cuộc đời mình qua việc khấn dòng. Cho dù trong nghi thức khấn dòng người tu sĩ không cầm cây nến khi đọc lời khấn, nhưng chính nội dung lời khấn mà mình công khai đọc đã nói lên rằng con người mình là cây nến tự nguyện dâng hiến, chấp nhận tiêu hao vì tình yêu đối với Chúa và đối với tha nhân. Bởi lẽ sống nội dung của các lời khấn không gì khác hơn là sống những đòi hỏi của tình yêu: “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Đnl 6,5; Mt 22,37). Yêu đến mức độ “hết” ấy chính là tiêu hao con người của mình như cây nến sáp cháy càng lúc càng tiêu hao đi.
Yêu mức độ “hết” hay tiêu hao hết nhiều khi phải hy sinh lắm! Mất mát lắm! Nhưng chấp nhận yêu hết mức độ, tiêu hao hết con người của mình thì cuộc đời dâng hiến của mình mới thật là dâng hiến trọn vẹn, mới toả sáng. Và cái mà chúng ta gọi là hy sinh vì yêu, hy sinh chấp nhận tiêu hao mới mang lại niềm vui to lớn và cuộc đời dâng hiến của mình mới thực sự có giá trị.
Niềm vui dâng hiến chấp nhận hy sinh và tiêu hao như cây nến cháy cũng đức giáo hoàng Bênêdictô XVI, trong thánh lễ ngày Thế Giới Về Đời Sống Thánh Hiến, ngày 2.2.2013, được cử hành tại đền thánh Phêrô, đã nói tương tự: “Niềm vui của đời thánh hiến nhất thiết phải tiến qua sự thông phần thập giá Chúa Kitô… Từ đau khổ, hy sinh hiến thân mình mà những người thánh hiến sống vì yêu Thiên Chúa và tha nhân, chiếu tỏa ánh sáng, loan báo Tin Mừng cho dân ngoại.”
Người tham dự lễ nến, tay cầm cây nến cháy sáng. Chắc chắn không ai muốn cầm cây nến cứ thắp lên lại tắt, hay cầm cây nến để nguyên xi vậy không thắp sáng. Trái lại, mong muốn cho cây nến của mình cháy sáng không bị tắt, dù có bị gió thổi.
Khi Đức Giêsu được hiến dâng, ông Simêon đã nói tiên tri về hài nhi Giêsu rằng: “Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng.” Rồi ông nói về Đức Maria: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” Lời tiên tri ấy đã hiện thực qua cuộc thương khó và cái chết của Đức Giêsu. Nay những người thánh hiến qua ơn gọi linh mục và tu sĩ cũng đã và sẽ tiếp tục bị chống báng hay bị “lưỡi gươm” nào đó đâm thâu, làm cho con người của mình tiêu hao trong Chúa. Có như thế con người dâng hiến mới thật là cây nến sáng. Và cây nến mà mình cầm đầu lễ là hình ảnh của cây nến thật là chính con người dâng hiến của mình.