Thánh Thể tình yêu và biến đổi
Ga 6, 51-58
Câu chuyện về Thánh Thể – Mình và Máu Thánh Chúa Giê-su vẫn là một câu chuyện rùng rợn cho người Do Thái ngày xưa và nhiều người không tin ngày hôm nay. Đồng thời cũng là một câu chuyện “tréo ngoe” của nhiều Ki – tô hữu.
Ngày xưa, khi Chúa Giê – su nói: “Tôi là bánh hắng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để thế gian được sống” (Ga 6,51), vừa nghe lời đó, những nghi vấn, sự khó hiểu liền xuất hiện nơi những người Do Thái. Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?” (Ga 6,52). Sự khó hiểu và những nghi vấn lại được đẩy lên cao, khi Chúa Giê – su nói thêm: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Lần này không chỉ những người Do thái mà cả những môn đệ từng theo Chúa Giê – su cũng tỏ bày sự nghi ngại và rùng rợn. “Lời này chướng tai quá. Ai mà nghe nổi”( x Ga 6, 60 – 66). Thế là họ đã bỏ đi.
Ngày hôm nay, đối với những người không cùng niềm tin, khi nói đến Thánh Thể là ăn thịt và uống máu của một người, người ta cũng cảm thấy khó hiểu và rùng rợn, nếu không nói là man rợ đối với nền văn minh của nhân loại hiện nay. Và họ cũng bỏ đi.
Ngày xưa khi những môn đệ bỏ đi, Chúa Giê – su đã hỏi nhóm mười hai: “Còn anh em, anh em cũng bỏ đi hay sao?” (x Ga 6, 67). Câu hỏi này, ngày hôm nay Chúa cũng hỏi mỗi người chúng ta: “Trước sự khó tin của Thánh Thể, các con có đủ niềm tin hay không, hay cũng bỏ đi để Ta ở một mình?” Trong miếng bánh nhỏ xíu, yếu ớt, im lìm nơi nhà tạm, các con có tin là chính Ta đó không? Các con có ở lại với Ta một phút, một giờ hay không? Hay các con cũng bỏ đi?”
Sở dĩ, chúng ta cũng bỏ đi, vẫn cảm thấy chán khi ngồi, quỳ trước Thánh Thể, vì chúng ta chưa cảm nhận được tình yêu, cốt lõi của của bí tích Thánh Thể. Đó là câu chuyện tréo ngoe của nhiều Ki – tô hữu, nhiều tu sĩ.
Ăn thịt và uống máu một người quả là một điều rùng rợn cho nền văn minh ngày nay, nếu không nói là man rợ. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tình yêu, sự tự hiến thì đó quả là một tình yêu đến tột cùng. Chỉ có người yêu đến tột cùng mới dám hy sinh cả tính mạng, lấy thịt và máu mình làm của ăn, của uống nuôi sống người mình yêu. Nói thế chắc hẳn chúng ta vẫn chưa hết rùng rợn, nhưng nghe câu chuyện sau chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu tự hiến như thế nào: Chuyện kể trong một trận động đất, có hai mẹ con bị vùi dưới đống đổ nát. Khi nhân viên cứu hộ tìm thấy hai mẹ con trong tình trạng người con vẫn khỏe mạnh, nhưng người mẹ trong tình trạng kiệt sức. Sau ít ngày, khi người mẹ phục hồi sức khỏe, người ta cũng khám phá ra một sự thật rất cảm động. Người ta hỏi người mẹ, làm sao đứa con vẫn khỏe mạnh khi bị chôn vui dưới đống đổ nát suốt cả tuần lễ. Người mẹ trả lời: “Mỗi khi con tôi kếu đói, kêu khát tôi lại cắn tay của mình để con của tôi uống máu tôi (sự sống của người mẹ) để sống”. Khi đó đứa trẻ được khỏe mạnh nhưng người mẹ thì càng ngày càng suy yếu.
Đức Giê – su không chỉ ban một chút máu như người mẹ kia, nhưng Ngài đã ban trọn vẹn con người, mình và máu của Ngài để nuôi sống nhân loại. Như máu là sức sống của người mẹ kia đã đi vào người con như thế nào, thì máu và thịt của Đức Giê – su cũng đi vào và trở nên sức sống của mỗi người chúng ta như vậy. Chính vì yêu và muốn ở lại với mỗi người chúng ta mà Đức Giê – su đã tình nguyện trở nên thịt và máu cho chúng ta, nhờ đó chúng ta được sống muôn đời.
Khi ăn hay uống thức gì, qua quá trình chuyển hóa thì cái đó trở nên máu thịt và sức sống của chúng ta. Vậy khi rước Mình và Máu Chúa Giê – su, liệu rằng Thánh Thể Chúa có trở nên sức sống cho chúng ta không? Và chúng ta có được đồng hóa với Giê – su không? Thánh Thể mà cốt lõi là tình yêu, vậy khi rước Thánh Thể Chúa vào lòng, cuộc sống của chúng ta có biển đổi nên tình yêu không? Ki-tô hữu đã rước lễ biết bao lần trong cuộc đời, đặc biệt với tu sĩ, nếu có bảy mươi năm đời tu thì không thể đếm hết bao nhiêu lần rước Thánh Thể. Nhưng qua biết bao nhiêu lần rước lễ như thế cuộc đời của chúng ta biến đổi như thế nào? Con người chúng ta có biến đổi thành tình yêu, là Giê – su, Giê – su thay thảy hay không?
Trong thực tế, có khi việc rước lễ chỉ là xếp hàng, chìa tay ra và nhận lấy Thánh Thể. Việc đó trở nên quen, nên thường do vậy con người cũ vẫn là con người cũ, vẫn chưa biến đổi, vẫn gây ra cho nhau những đau khổ, vẫn vắng bóng tình yêu, và vẫn đầy hận thù, ghen ghét… Đón nhận Thánh Thể là tình yêu nhưng cuộc sống không chịu biến đối, không để mình được biến đổi. Đó là câu chuyện tréo ngoe với nhiều Ki – tô hữu và nhiều tu sĩ.
Khi dùng từ “câu chuyện tréo ngoe của nhiều người”, nhưng không dùng từ “tất cả mọi người”, người viết không vơ đũa cả nắm. Vì vẫn có nhiều người được Thánh Thể biến đổi, nuôi dưỡng và hoa trái đời sống của họ là: Đức mến. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. (1 Cr 13, 4 – 7). Những người như thế họ an ủi Chúa biết bao nhiêu! Họ xoa dịu nhân loại biết chừng nào!
Lạy Chúa! Xin đừng để chúng con thờ ơ với Thánh Thể, nhưng biết chạy đến với Thánh Thể để thờ lạy, ở với Thánh Thể mỗi khi vui cũng như khi buồn, khi hân hoan cũng như khi thất vọng… Xin cho chúng con biết đến với Thánh Thể để kín múc nguồn sức mạnh cho cuộc sống, nguồn an ủi cho cuộc đời.
Xin cho chúng con để Thánh Thể biến đổi, để chúng con trở thành tình yêu của Chúa và chiếu tỏa tình yêu đó trên trần gian, để xoa dịu, an ủi những đau khổ trên trần gian. Amen.
Ân Tâm – Cộng đoàn Phước Vĩnh