THỨ HAI TUẦN X THƯỜNG NIÊN
ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5,1-12
Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.
SUY NIỆM
Bài giảng trên núi được coi là bản Hiến Chương Nước Trời, Chúa Giê-su đưa ra tám mối phúc, mà mỗi mối phúc là một phương pháp ta có thể chọn để nên giống Chúa Giêsu và là một phương thế nên thánh. Những mối phúc này xem ra không hợp với những quan niệm của cuộc sống thông thường, nhưng đó lại là một nghịch lý mà không vô lý. Nghĩa là trong khi thế gian chạy theo mọi thứ có giá trị tạm thời, thì người theo Chúa dám đi ngược dòng, là tìm những giá trị vĩnh cửu ngay trong những thứ trần thế ấy:
– Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó: Là không lo tìm vật chất hưởng thụ và bị vật chất che khuất, để rồi lo chạy theo vì lòng tham và thủ đoạn mà lãng quên Nước Trời.
– Phúc thay ai hiền lành: Ngày nay sự ác đang tràn lan, đạo đức xuống cấp, dễ dàng giết người không nương tay, thì người theo Chúa biết khiêm nhu hiền hậu.
– Phúc thay ai sầu khổ: Biết kết hợp với đau khổ của Chúa Kitô và dâng hết cho Người.
– Phúc thay ai khát khao nên người công chính: Nên thánh là một cuộc chiến đấu trường kỳ, một ước muốn mãnh liệt, một ý chí cao; phải ước muốn mãnh liệt chứ không phải chỉ là mơ ước. Muốn nghĩa là phải tiến tới hành động, phải thành công mới thôi.
– Phúc thay ai xót thương người: Là biết vui với người vui, khóc với người khóc, cảm thông với nỗi đau của tha nhân. Thay vì lo thu vén gom góp cho mình, người theo Chúa biết sống trao ban và chia cơm sẻ áo cho nhau.
– Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch: Giữa một thế giới xuống cấp về đạo đức luân lý, buông mình theo dục tính khoái lạc, thì người theo Chúa phải biết sống tiết chế, chừng mực và trong sạch.
– Phúc thay ai xây dựng hoà bình: Tránh sự gây gỗ hận thù và đem bình an đến cho nhau.
– Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính: Vì đức tin và lòng mến Chúa, dám làm chứng nhân trong mọi hoàn cảnh, dù đôi khi phải chịu thiệt thòi vì danh người có đạo.
Chúa Giêsu không chủ trương đói khát và cùng khốn, nhưng Chúa rất yêu thương những thân phận nghèo khó vì họ tin thác vào sự quan phòng của Người. Hơn nữa, trong kiếp sống nghèo, họ đã phải chịu thua thiệt nhiều hơn, nên Chúa sẽ bù đắp Nước Trời cho họ cũng là phải lẽ, dĩ nhiên cái nghèo này không do sự biếng nhác mà có thể vì thiếu may mắn, nhất là do bị áp bức vì dám sống thật và trung thực trong việc làm.
Chúa Giêsu đang ám chỉ đến những người thiếu thốn, người thấp cổ bé miệng, những người không ai che chở vì thế họ chỉ còn biết tin cậy vào Chúa. Như thế, người nghèo khó được chúc phúc mà Chúa Giêsu muốn nói, chính là những người nhận thức được rằng họ không thể tìm được hạnh phúc cậy dựa vào của cải vật chất đời này. Và từ đó họ sẽ tìm kiếm hạnh phúc chỉ ở nơi Chúa.
Chúa Giê-su không dạy ta tìm sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Chúa Giêsu đã sinh ra trong cảnh nghèo hèn, và đã chết trần trụi trên Thập Giá để mang lại ơn cứu độ, hạnh phúc đời đời cho chúng ta.
Cái nghèo thì bao hàm những thiếu thốn chung, nhưng khi nói đến đói cái ăn thì chạm nay đến sự tồn tại, đến mạng sống. Thật vậy, có thể sống nghèo, nhưng không ai sống được nếu phải nhịn đói.
Hình ảnh đối lập giữa những người ăn chơi tiền tỉ bên cạnh những người thoi thóp cần miếng bánh lót dạ cho qua ngày vẫn hằng ngày đập vào mắt chúng ta. Chúa ở bên người đói khát nhưng cũng nhìn thấy kẻ xa xỉ ăn chơi. Chúa nhận ra nỗi đau của kẻ đói để an ủi họ trong ngày phán xét.
Theo Chúa thì luôn có thập giá trên vai mà vác, nghĩa là thử thách không thể thiếu trong cuộc đời kitô hữu. Nhưng rồi chính Chúa sẽ lau khô dòng lệ cho những ai theo Người (x. Kh 21,3). Chính Chúa Giêsu cũng chảy nước mắt vì thành Giêrusalem sẽ sụp đổ, khóc thương Lazarô bạn Ngài chết và đổ mồ hôi máu khi nhìn thấy viễn cảnh thập giá dành cho Ngài. Cuộc đời Kitô hữu cũng sẽ phải khóc cho thế giới hư hoại, khóc cho nội đau của đồng loại và khóc vì thập giá nặng trên vai. Con Thiên Chúa đã khóc và chúng ta cũng khóc, nhưng sự khóc lóc đó sẽ biến thành niềm vui trong Chúa và Chúa Giêsu giúp chúng ta vượt qua đau khổ, biến nó thành nguồn mạch của niềm vui trong Nước Trời.
Ngày nay, để được vinh thân phì gia và có chức quyền giàu sang, không ít người Công Giáo đã không ngại “chối Chúa” là từ bỏ lề luật, bỏ đạo để bán mình cho “tà thần”(…). Nhẹ hơn, không ít người giấu diếm để khỏi người khác biết mình là người Công Giáo vì sợ bị chê cười hoặc bị kỳ thị trong công việc… Còn những ai dám sống thật và dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…
Tóm lại, dù xem ra phải sống ngược đời và lội ngược dòng, nhưng nếu chúng ta thực thi với cái nhìn đức tin thì chúng ta sẽ tìm thấy hiệu quả đích thực trong cuộc sống. Nội dung của các mối phúc hướng chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân, chứ không phải chỉ sống ích kỷ cho riêng mình. Nhờ sống vì Chúa và sống cho người khác mà chúng ta cảm nhận hạnh phúc thiêng liêng và đích thực.
Lạy Chúa Giê-su, lời kêu gọi của Ngài trong Bát Phúc đã trở nên lý tưởng phấn đấu cho chúng con. Xin cho chúng con biết vượt lên những khó khăn để sống một cuộc đời thanh tao giữa vũng lầy tội lỗi. Amen.
THỨ BA TUẦN X THƯỜNG NIÊN
ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5,13-16
“Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.
“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.
SUY NIỆM
Vai trò của mọi Kitô hữu chúng ta hôm nay là giữ cho xã hội khỏi suy thoái, đồng thời giúp cho xã hội được thăng tiến. Lời Chúa hôm nay là một lời mời gọi các Kitô hữu làm chứng cho Tin Mừng trong cuộc sống, như ánh sáng soi thế giới và như muối ướp cho đời.
Anh em là muối cho đời.
Muối được kể là một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống con người. Muối vừa làm phân bón cho đất đai màu mỡ, vừa làm gia vị cho các món ăn thêm thơm ngon đậm đà, vừa bảo quản thực phẩm cho khỏi hư thối.
Khi Chúa Giêsu định nghĩa: “Anh em là muối cho đời”, Người muốn Kitô hữu chúng ta gắn liền với cuộc đời và hòa mình với mọi người, như muối thấm vào thức ăn và giữ cho nó khỏi hư và thêm đậm đà. Nghĩa là giữ cho xã hội khỏi bị suy thoái và làm cho cuộc sống thêm hương vị và ý nghĩa nhờ đời sống đạo đức.
Khi muối dùng để ướp thực phẩm thì muối phải chịu tan biến đi, thì Kitô hữu khi dấn thân làm chứng cho Chúa cũng biết chấp nhận hoà tan, biến mình đi trong chất mặn vị kỷ, để hiến dâng cho đời hương vị thơm ngon, mặn nồng của quảng đại và vị tha.
Thế nhưng, Chúa Giêsu cũng lưu ý: “Nếu muối đã nhạt thì chỉ có vứt bỏ đi và để cho người ta chà đạp”. Thật vậy, vị mặn là yếu tố quan trọng và là bản chất của muối, nên nếu muối ra nhạt thì chẳng đáng gọi là muối, vì chẳng ướp được gì nữa. Cũng vậy, khi đánh mất bản chất Kitô hữu của mình thì đời sống đạo chỉ là vô ích và trở nên phản chứng cho người ta xúc phạm danh Chúa và đạo thánh Người.
Anh em là ánh sáng cho trần gian.
“Thiên Chúa mới là Ánh Sáng” (1Ga 1,5) và chỉ có Chúa Giêsu mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8,12). Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ là Kitô hữu chúng ta trở thành ánh sáng cho thế gian. Vì thế, muốn trở thành ánh sáng như Chúa Giêsu, chúng ta phải ở gần Người và kết hiệp với Người, bởi “gần đèn thì ta được toả sáng”. Chúng ta trở thành ánh sáng cho thế gian khi phản chiếu vinh quang Chúa bằng đời sống chứng nhân.
“Thà thắp lên một ngọn nến hơn là cứ ngồi đó mà than khóc bóng tối”. Chúng ta ngồi than trách thế giới hôm nay tuy tiến bộ về khoa học kỹ thuật lại là một thế giới nhạt nhẽo, mất ý nghĩa, một thế giới tối tăm và vẩn đục xấu xa tội lỗi, nhưng chúng ta lại không dám dấn thân thì thật là vô ích. Chúng ta hay phàn nàn về sự xuống cấp và suy đồi đạo lý, nhưng người Kitô hữu ít khi nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trước thực trạng đó. Thế giới chìm trong bóng đêm tội lỗi đang rất cần những tia sáng để giảm bớt và xua tan. Ánh sáng có sức mạnh hơn bóng tối – một cây nến nhỏ được thắp lên cũng đủ làm ánh sáng tràn ngập một căn phòng lớn.
Khi lan toả ánh sáng cho thế gian, người Kitô hữu cũng chấp nhận sự tiêu hao bằng những vất vả hi sinh, tựa như ngọn nến cháy phải chịu tiêu hao để cả căn phòng được sáng. Thật vậy, người Kitô hữu phải mất đi cho chính mình, phải tan biến đi để Ánh Sáng Chúa Kitô được loan toả khắp nơi, khắp mọi nhà và khắp mọi tâm hồn.
Không ai đốt đèn rồi để xuống đáy thùng.
Không ai đốt đèn mà lại để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên đế để mọi người thấy ánh sáng… Nghĩa là Đức Tin của chúng ta không phải “đạo tại tâm” giấu diếm, mà cần được toả sáng, để mọi người nhìn vào đó mà nhận ra Chúa.
Ánh sáng thì không thiên vị phân biệt ai, tựa như ánh mặt trời lan tỏa khắp nơi, chiếu sáng mọi người và mọi nhà. Cũng vậy, ánh sáng của chúng ta phải “đặt trên đế” – phải ở trên cao, vượt trên mọi danh vọng, tiền tài, lạc thú”.
Vẫn còn nhiều Kitô hữu, có khả năng nhưng lại rụt rè, đặt ngọn đèn đời mình dưới thùng. Nghĩa là họ không dám dấn thân vào đời, vì sợ nguy hiểm, vì thiếu tự tin hoặc vì hiểu sai thế nào là khiêm tốn thực sự.
Niềm tin cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể của một người có đức tin. Khi làm điều gì, người có đức tin vào Chúa sẽ hành động dưới sự hiện diện của Thiên Chúa và lý tưởng đời sau. Còn người không có đức tin thì làm mọi cách kể cả thủ đoạn để đạt được điều trước mắt mà thôi.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng, cuộc sống chúng con phải tỏa sáng qua bao điều tốt đẹp chúng con làm vì Chúa, để mọi người nhận ra Chúa là Nguồn Ánh Sáng mà bước theo hầu vượt ra khỏi bóng đêm tội lỗi. Xin cho chúng con dám dấn thân vì Tin mừng của Chúa, chấp nhận tiêu hao mà tan biến đi, để như men muối chúng con ướp mặn thế giới trong tình thương Danh Chúa được mọi đời tôn vinh. Amen.
THỨ TƯ TUẦN X THƯỜNG NIÊN
ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5,17-19
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”.
SUY NIỆM
Bất cứ quốc gia hay tổ chức lớn nhỏ nào trong xã hội loài người đều cần có luật, để giữ kỷ cương phép tắc, giữ trật tự an ninh và đảm bảo sự công bằng xã hội. Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng việc Chúa Giêsu khẳng định Người đến không phải để phá bỏ lề luật mà là để kiện toàn Lề Luật và lời các Ngôn Sứ.
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các Ngôn Sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5,17-18).
Việc kiện toàn ít nhất mang những ý nghĩa sau:
Đối với Do Thái, lề luật và ngôn sứ liên kết với nhau, nên việc kiện toàn của Chúa Giêsu có nghĩa là Người thực hiện và đưa đến mức độ viên mãn những gì Thiên Chúa hứa trong Sách Thánh. Người là điểm đến và ứng nghiệm những gì chép trong Cựu Ước. Luật không bị mất hiệu lực một chấm một phẩy nào, nhưng đạt tới sự viên mãn nơi Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô.
Chúa Giêsu không phá bỏ lề luật cũ, nhưng“gạn đục hơi trong”, thích nghi với thời đại của Đấng Messia, đặt tiêu chuẩn đức ái và sự sống trên những bó buộc giết chết.
Muốn huấn luyện việc ý thức nơi trái tim chứ không phải giữ luật chỉ vì sợ bị phạt. Từ nay trong Chúa Giêsu, luật được tuân giữ với tinh thần tự do và yêu mến Chúa, chứ không phải là một sự bó buộc phải làm hay phải giữ.
Từ nay luật mang lấy một diện mạo mới là luật vì sự sống con người chứ không phải kềm hãm con người theo mặt chữ.
Cuối cùng, vì luật cũ được khắc trên bia đá nên cứng ngắc và giết chết, còn luật Tin Mừng được khắc trên tâm hồn nên uyển chuyển và đầy sức sống.
Như vậy, kiện toàn lề luật mà Chúa Giêsu dạy chúng ta là không bãi bỏ luật nhưng mặc cho luật một tinh thần mới, nghĩa là vượt qua sự giữ luật cách tiêu cực để thi hành cách tích cực trong Chúa Kitô:
- Giữ luật không vì sự bó buộc phải làm mà là với cả sự tự do muốn làm vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân,
- Biến luật từ việc kìm hãm bản thân thành sự thanh thoát thánh hoá bản thân,
- Giữ luật không dừng lại ở sự thể hiện ở ngoài mà là cả một tâm hồn ngay thẳng và trong sạch.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết vâng theo lời dạy của Chúa, để hân hoan giữ luật Chúa và Hội Thánh truyền trong tinh thần yêu mến và liên kết trong Người, hầu cho luật không còn là gánh nặng, nhưng giúp chúng con nên giống Chúa hơn. Amen
THỨ NĂM TUẦN X THƯỜNG NIÊN
ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5,20-26
“Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.
SUY NIỆM
“Khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,20-26).
Có câu chuyện kể rằng: Một ngày Chúa Nhật kia, có hai bà đang cãi nhau và nhiếc mắng nhau thậm tệ, bỗng nhiên tiếng chuông nhà thờ đổ báo giờ lễ chiều, một bà vội bảo bà kia: “Mày đợi đấy, để tao đi lễ tao rước lễ đã, rồi về tao hay tội cho…”
Nghe câu chuyện này, thiết nghĩ bà kia đi lễ và rước lễ lấy sức ra xử nhau tiếp? Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng, của lễ của chúng ta không có giá trị gì trước mặt Người nếu trong tâm hồn chúng ta đang ngổn ngang những oán giận hờn ghét tha nhân.
Mở đầu bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ phải công chính hơn các kinh sư, không phải xét theo tiêu chí luân lý đạo đức, nhưng đòi hỏi phải gắn bó với Chúa và đặt sự công chính trên nền tảng là chính Người, thay vì chỉ hài lòng với sự công chính theo kiểu các kinh sư tự mãn vào việc tuân giữ Luật Môsê.
Tiếp tục về bài giảng kiện toàn lề luật, Chúa Giê-su giải thích sự kiện toàn giới răn thứ năm trong Thập Điều: “chớ giết người”:
Luật Môsê quy định kẻ giết người phải bị đem ra toà xử, và tuỳ nghi luật lấy lại sự công bằng đúng sai xét về mặt xã hội và được áp dụng mắt đền mắt răng đền răng khi phạm nhân đã hành động sai.
Sự kiện toàn của luật Tin Mừng không chỉ dừng lại ở hành động cụ thể tay chân mới là tội, mà ngay cả việc giận hờn mắng nhiếc nhau đã xứng bị đem ra hội đồng và đáng phải sa hoả ngục rồi. Thật vậy, giết nhau không chỉ dừng lại ở thể xác, nhưng bằng lời lẽ và hiểm kế thâm độc còn đáng sợ hơn biết chừng nào…
Sự kiện toàn không chỉ dừng lại ở tính tương quan con người, mà là thành tương quan đối với Thiên Chúa, xúc phạm đến nhau tức là xúc phạm đến Thiên Chúa và xứng đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.
Hãy giải quyết với nhau khi còn dọc đường, đừng để khi đến toà rồi thì đã muộn. Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta, bao lâu chúng ta còn thời giờ (trong thời đại chúng ta đang sống), hãy lo giao hoà với Chúa, với anh em và lo canh tân đời sống, đừng để khi phải ra trước toà chung thẩm, chúng ta không còn cơ hội để sửa sai nữa, và chúng ta sẽ phải đền trả nơi luyện tội cho tới khi đủ số đủ ngày (đồng kẽm cuối cùng).
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết sống công chính theo lề luật Chúa dạy, là không làm hại tha nhân cả trong tư tưởng, lời nói và việc làm, để mỗi lần đến trước nhan Chúa và dâng hy lễ, tâm hồn chúng con thanh thản vì được Chúa yêu thương tha thứ, như chúng con đã từng tha thứ cho tha nhân. Amen
THỨ SÁU TUẦN X THƯỜNG NIÊN
ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5,27-32
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.
“Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.
SUY NIỆM
Tiếp nối phần nói về sự kiện toàn lề luật của Chúa Giêsu, bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến việc “cấm ngoại tình” từ tư tưởng, lời nói đến hành động và phải xa lánh dịp tội cách dứt khoát.
Tránh xa dịp tội
Việc Chúa Giêsu nói cái gì trở nên dịp tội thì hãy lo cắt đi, chấp nhận mất một bộ phận mà tránh được hoả ngục. Ở đây không hiểu theo nghĩa đen là phải chặt tay móc mắt, vì nếu thế thì không còn ai toàn vẹn vì bản năng yếu đuối của con người. Điều Chúa muốn nói ở đây chính là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nghĩa là phải cất đi và xa lánh những nguy cơ có thể đẩy chúng ta đến phạm tội, dù phải chấp nhận phần thiệt về mình, như lánh xa những ấn phẩm đen, không đến những nơi chốn không thích hợp, tránh dùng những thúc uống làm mình mất kiểm soát…
Luật Môsê chỉ cấm ngoại tình bằng hành động, nhưng Chúa Giêsu muốn con cái Thiên Chúa phải có một tâm hồn trong sạch từ tư tưởng đến lời nói việc làm. Khi trong lòng có ý nghĩ đen tối và ao ước phạm tội thì đã là tội rồi. Toà án thế gian chỉ xử những gì bên ngoài, nhưng Thiên Chúa thấu suốt mọi bí ẩn sẽ xét xử chúng ta từ tâm hồn.
Tính bất khả phân ly trong hôn nhân
Luật cũ cho ly dị thực ra không phải Thiên Chúa ban, nhưng vì sự yếu đuối của dân mà Môsê đã chấp nhận. Chúa Giêsu đã kiện toàn theo tinh thần mới khi khẳng định sự bất phân ly của hôn nhân.
Có lần nhóm Biệt Phái đến hỏi Chúa Giêsu xem họ có được phép ly dị không? Thay vì trả lời “Có” hay “Không”, thì Chúa Giêsu lại nhắc cho họ điều căn bản là từ thuở ban đầu trong ý định của Thiên Chúa đã muốn con người nam và nữ kết hợp với nhau trong việc cộng tác sáng tạo và bất khả phân ly. Thế nhưng, vì ích kỷ mà con người phản bội dối gian dối gian nhau, thiếu tình yêu thương và tha thứ cho nhau… dẫn đến đổ vỡ. Chính vì thế mà Môsê cho phép ly dị như một chọn lựa ngoài ý muốn để giải gỡ cho họ.
Ngày hôm nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn trung thành với luật Chúa là duy trì sự bất khả phân ly, nghĩa là khi một cuộc hôn nhân đã thành sự thì Hội Thánh không thể chấp nhận cho ly dị. Vì như lời Chúa Giêsu dạy hôm nay, khi hôn nhân đã thành sự thì việc rẫy vộ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình. Chỉ trừ những trường hợp chứng minh được tiêu hôn, hoặc một số trường hợp được ly thân mà thôi.
Lạy Chúa Giê-su, giữa xã hội hôm nay, mọi giá trị luân lý, nhất là hôn nhân bị đảo lộn, xin cho mọi Kitô hữu, đặc biệt là những ai sống bậc vợ chồng, biết chuyên cần cầu nguyện, tránh xa mọi dịp tội, sống hy sinh và vị tha, để xây dựng hôn nhân Kitô Giáo vững chắc, từ đó giúp nhau thắng vượt được mọi khó khăn có thể làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Amen.
THỨ BẢY TUẦN X THƯỜNG NIÊN
ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5, 33-37
“Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.
SUY NIỆM
Giới răn thứ hai trong Thập Điều cấm việc lấy danh Chúa mà thề hay nhân danh Người mà làm điều trái; giới răn thứ tám cấm làm chứng gian hại đồng loại. Còn Chúa Giêsu kiện toàn những điều luật này khi dạy rằng, đừng thề chi cả, cứ có thì nói có và không thì nói không, còn gian dối là bởi ma quỷ:
Ý nghĩa giới răn II và VIII trong Thập Điều
Giới răn II:
Theo Cựu Ước: Giới răn thứ hai này dạy ta phải tôn kính tên Chúa.Và bởi vì tên của Chúa cũng thánh như chính Ngài cho nên tôn kính tên Chúa đòi ta phải thánh hoá tên Ngài. Cấm dùng tên Chúa để làm những việc không xứng đáng và những việc xấu : Không được dùng tên Chúa để làm những trò ma thuật (như trong 1 số tôn giáo khác). Không được dùng tên Chúa để thề gian dối hoặc dùng tên Chúa một cách vô cớ.
Giới răn VIII:
Tuy giới răn VIII nguyên thuỷ chỉ cấm làm chứng dối trước toà, nhưng bản chất của lời chứng dối chính là nói dối, nên ta cũng có thể hiểu rộng giới răn này cấm những hình thức gian dối khác như nói dối, tung tin đồn sai sự thật, vu khống, hối lộ vv.
Xét theo phương diện tích cực, giới răn này không chỉ cấm làm chứng gian mà còn buộc phải bênh vực sự thật. Tôn trọng sự thật cũng là tôn trọng chính Thiên Chúa vì Thiên Chúa chính là nguồn sự thật, Luật của Ngài là sự thật (2Sm 7,28 Tv 119,142).
Chúa Giêsu kiện toàn
Còn Chúa Giêsu thì bảo: “Đừng thề chi cả… Những lời của các con phải là Có thì nói Có Không thì nói Không” Mt 5,33-37). Đây không phải là cấm thề nhưng là dạy phải sống chân thật và tìm lại đúng ý nghĩa của việc thề : nếu đáng chuyện thì mới thề và thề theo sự thật (chính Đức Giêsu cũng đáp lại lời thề của vị Thượng Tế – Mt 26,63).
Khi nói điều này, Chúa Giêsu muốn trong tinh thần mới hãy mặc lấy Thiên Chúa là Đấng Chân Thật để sống trung thực, đối nghịch với mưu mô lọc lừa của ma quỷ là cha đẻ của sự gian dối. Đừng lợi dùng “lời thề” để che dấu sự gian dối của mình và làm hại đến tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang phải sống giữa thế giới ngày hôm nay đầy bon chen lọc lừa, xin giúp chúng con biết sống và làm chứng cho sự thật; giữa những mưu mô của Satan đang dùng những nhóm này phe kia để xuyên tạc về Giáo Hội của Chúa, xin giúp chúng con biết cảnh tỉnh và biện phân cùng bảo vệ cho sự thật về đức tin và căn tính của Giáo Hội. Amen.
Hiền Lâm.