Suy niệm thứ sáu tuần thánh
Tại sao người công chính phải chịu đau khổ?
(Ga 18-19)
M. Hiếu Liêm
Hôm nay, cùng với Giáo hội, chúng ta tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu Kitô, qua đó, chúng ta đi vào mầu nhiệm thập giá tình yêu của Người. Vì nhờ Thánh giá Chúa mà chúng ta được ơn cứu độ. Chúng ta vừa nghe bài thương khó, và cũng là vụ án giết người vô tội, tôi xin rút ra hai điểm chính để cùng nhau suy niệm và sống lời Chúa hôm nay:
- Chúa Giêsu là người công chính.
- Người công chính chịu đau khổ.
1. Chúa Giêsu là người công chính
Bài thương khó chứng minh rằng Chúa Giêsu là người công chính thánh thiện, vì chẳng ai thấy miệng người thốt ra điều gì gian dối. Ngài không làm điều xấu, cũng chẳng làm hại ai. Trái lại, Ngài đã đến trần gian để thi ân giáng phúc cho con người như: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người mù được thấy, kẻ què đi được, người điếc được nghe, người câm nói được. Ngài cũng xua trừ ma quỷ cho con người. Thậm chí cho người chết sống lại. Biết bao việc lành phúc đức Chúa Giêsu đã làm cho nhân loại. Điều đó chứng tỏ Ngài là người công chính thánh thiện, đầy lòng nhân nghĩa và xót thương. Không ai có thể vạch ra điều gì sai trái nơi Người. Do đó, đứng trước cả hai tòa án, giáo quyền và thế quyền, Đức Giêsu đều chứng minh Ngài vộ tội. Trước tòa án tôn giáo, vị thượng tế chất vấn Đức Giêsu về những giáo huấn mà Ngài đã giảng dạy cho dân chúng, nhưng ông không tìm ra một chút sai trái nào. Đức Giêsu còn thách thức tên lính đã vả mặt Ngài rằng «Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?». Trước câu nói này của Đức Giêsu, tòa án tôn giáo đã phải câm miệmg.
Người Do thái muốn giết Đức Giêsu, nhưng họ không có quyền xét xử, nên họ đẩy Ngài sang cho Philatô để mượn tòa án thế quyền Roma kết tội Ngài. Đứng trước quan tòa Philatô, Chúa Giêsu đã chứng minh Ngài vô tội. Philatô không tìm thấy Đức Giêsu có tội gì, và cũng không tìm ra một lý do nào để kết án Ngài. Chúa Giêsu còn khẳng định với Philatô rằng «Ông không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ông». Không những thế, Chúa Giêsu còn cảnh cáo Philatô và những kẻ đã kết án Ngài đều có tội: «kẻ nộp tôi cho ông thì mắc tội nặng hơn ông”. Dù là người công chính, nhưng cuối cùng Chúa Giêsu vẫn bị kết án tử hình thập giá.
2. Người công chính chịu đau khổ
Chúa Giêsu là người lương thiện, nhưng đã bị kết án khổ hình thập giá như một tội nhân. Đây là một bản án phi lý, bất công, sát hại người vô tội.
Tử hình thập giá là một hình phạt ghê gớm nhất, chính quyền Roma dùng để trừng phạt tội nhân. Vào chiều thứ sáu tuần thánh, năm 2008, tôi được hân hạnh đi hành hương thánh địa Giêsrusalem, tôi đã hòa nhập vào đoàn người đông đảo, vác thập giá đi trên con đường dốc dài hơn 500m, từ dinh tổng trấn Philatô đến đỉnh đồi Golgotha, tôi cảm nhận được phần nào nỗi đớn đau, tủi nhục mà Đức Giêsu đã trải qua trên con đường thập giá. Chúa Giêsu không chỉ đớn đau về thể xác vì phải vác thập giá nặng trên vai và lý hình hành hạ dọc đường nắng cháy, mà Ngài còn phải chịu sự đè nặng của nỗi cô đơn sỉ nhục về tinh thần, vì bị người thân ruồng rẫy, các môn đệ thân tín kẻ thì bán đứng Ngài, kẻ thì chối bỏ Ngài. Chúng ta không thể tưởng tượng hết được nỗi đớn đau tủi nhục của khổ hình thập giá.
Bài thương khó hôm nay cho chúng ta cảm nhận được phần nào tội ác của con người và sức mạnh quyền năng của Thiên Chúa. Đọc lại Kinh Thánh giữa cuộc sống hôm nay, chúng ta không khỏi ra rứt cõi lòng vì có quá nhiều vụ án oan sai liên tục diễn ra trên đất nước chúng ta. Có quá nhiều người vô tội bị kết án tù đày, còn kẻ tội phạm lại được tha, hay sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Giống như khi xưa người ta đã kết án Chúa Giêsu và tha bổng cho Baraba.
Chẳng hạn như trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn, tỉnh Bắc Giang, là người vô tội bị kết án tù chung thân. Sau 10 năm tù đày, ông mới được trả tự do vì tên tội phạm đã tự ra đầu thú vào tháng 10 năm ngoái (x. http://www.doisongphapluat.com/su-kien/121/vu-an-oan-10-nam-o-bac-giang.html) .
Một nạn nhân khác là Hồ Duy Hải, một thanh niên vô tội, nhưng đã bị công an tỉnh Long An ghép vào tội giết người, và bị tòa kết án tử hình (2008), trong khi đó kẻ sát nhân thì vẫn thăng quan tiến chức (x. http://laodong.com.vn/phap-luat/lat-lai-ho-so-vu-an-ho-duy-hai-dua-chung-cu-gia-khac-gi-lay-gay-dap-chan-minh-307561.bld). Hơn nữa, nếu chỉ tính trong vòng ba năm nay thôi, đã có hơn 200 người chết oan ức trong các đồn công an. Công an là người giữ an ninh trật tự và bảo vệ mạng sống của người dân, nhưng tại sao lại có những án mạng xảy ra như vậy?
Suy niệm bài thương khó hôm nay đặt ra cho chúng ta rất nhiều câu hỏi: Tại sao người công chính lại phải chịu đau khổ? Tại sao kẻ ác lại được giàu sang phú quý? Tại sao Chúa công bình, thông biết mọi sự lại để cho sự dữ xảy ra sát hại người vô tội? Tại sao Chúa quyền năng như vậy, những vẫn phải chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá? Phải chăng Chúa không có cách nào khác để cứu độ trần gian, ngoài con đường thập giá? Phải chăng, đứng trước đau khổ và sự chết, Chúa cũng bất lực? Không, Chúa không bất lực. Chúa cũng không làm ngơ hay dửng dưng trước sự dữ và đau khổ của con người. Bởi vì Ngài đã chiến thắng sự dữ và tử thần. Ngài đã đi trọn con đường thập giá, để biểu lộ tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa luôn lớn hơn sự ác và tội lỗi của con người. Chúa có thể dùng cách khác và chọn con đường khác để cứu độ trần gian mà không phải chịu đau khổ, chịu chết. Nhưng không có con đường nào khác tuyệt hảo hơn con đường thập giá. Vì chỉ có đau khổ và chịu chết mới chứng minh được tình yêu. Yêu là chết cho người mình yêu. Qua con đường thập giá Chúa đã cảm thông và chung chia mọi nỗi thống khổ với con người. Nhìn lên khổ hình thập giá con người mới có thể cảm nhận được tình yêu bao la của Thiên Chúa. Một tình yêu dám liều mạng sống vì người mình yêu. Qua thập giá, Chúa Giêsu đã ngụp lặn trong đau khổ tột cùng của kiếp nhân sinh, để đồng hành cùng với những ai khốn cùng nhất. Vì thế, thập giá là câu trả lời cho vấn nạn đau khổ, sự ác và những phi lý của kiếp người. Chúa Giêsu đã mang lấy đau khổ, tội lỗi và tử thần mà treo lên cây thập giá. Chúa Giêsu đã dùng chính đau khổ, sự ác và tội lỗi của con người để hòa giải nhân loại với Chúa Cha. Thập giá là biểu tượng của đau khổ, nhưng cũng là tột đỉnh của vinh quang. Thập giá là biểu tượng của tình yêu tha thứ. Thập giá là dấu chỉ của lòng thương xót Chúa. Thập giá là cầu nối hòa giải nhân loại với Chúa Cha. Thập giá là chìa khóa mở lối thoát cho người công chính đau khổ. Thập giá mở đường vào cõi sống vĩnh hằng. Qua thập giá mới đến vinh quang.
Như vậy, nhờ sự điền rồ của thập giá Chúa Giêsu, ngày nay, chúng ta mới có thể bền bỉ chịu đựng mọi hình thức đau khổ, hành hạ và nhục nhã, vì chúng ta biết rằng ngày xưa Chúa đã từng chịu sỉ nhục và thống khổ tột cùng như thế. Với vinh quang thập giá Chúa Kitô, sẽ không có đau đớn nào làm chúng ta gục ngã, bởi chúng ta luôn nhìn thấy đôi mắt đầy đau khổ của Chúa. Con đường cô độc mà Chúa từng đi qua giúp chúng ta chịu đựng cay đắng, nhục hình sự dữ một cách khôn ngoan. Tình yêu thập giá của Chúa đã biến màn đêm tăm tối trần gian thành nguồn ánh sáng phục sinh huy hoàng. Tạ ơn Chúa đã chọn con đường thập giá. Đường tình đó Ngài cũng dành cho chúng ta. Amen.