Thứ Bảy, 12 Tháng 7, 2025

Suy niệm Tin Mừng tuần IV Thường Niên (Hiền Lâm)

 

THỨ BA TUẦN IV THƯỜNG NIÊN

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 5,21-43

Đức Giê-su xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi? ” Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi? ” Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”
Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa? ” Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy! ” Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi! ” Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ. Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu đến nhà ông Giairô là trưởng hội đường để chữa cho con gái của ông được sống lại. Câu chuyện bị gián đoạn bởi trên đường đi xảy ra việc xuất hiện một phụ nữ bị bệnh loạn huyết lẻn vào đám đông vây quanh Chúa Giêsu để chạm và Người. Xuyên suốt tường thuật nổi bật lên chứng từ niềm tin của hai nhân vật và Chúa Giêsu đã ra tay thực hiện điều họ ao ước bởi niềm tin của họ.

 

1. Niềm tin và sự can đảm.

“Lòng tin của con đã cứu con”.

– Hầu như mọi lần chữa lành bệnh tật cho ai, Chúa Giêsu đều nói đến lòng tin đã cứu họ. Đức Tin là điều kiện đầu tiên để được chữa lành và phép lạ chỉ xảy ra khi thụ nhân tin vào Đấng chữa lành. 
Người phụ nữ bị loạn huyết mang trên mình vừa căn bệnh thân xác cả nỗi đau tinh thần. Thân xác bị đau đớn và ra dơ dáy, tinh thần đau khổ vì bị mọi người xa lánh vì sợ bị nhiễm uế theo luật. Bởi sách Lêvi quy định ai bị loạn huyết sẽ phải bị coi là ô uế, ai chạm đến họ thì cũng bị ra ô uế, họ đụng đến thứ gì thì thứ đó ra ô uế, và ai đụng đến những thứ người ô uế đã ngồi hay nằm lên thì cũng bị ô uế (x. Lv 15,18-30) . Như vậy, người bị rong huyết nếm trải tận cùng của nỗi đau và tuyệt vọng: tuyệt vọng vì đã 12 năm tán gia bại sản, tuyệt vọng vì bệnh vô phương cứu chữa., tuyệt vọng vì bị loại trừ khỏi cộng đồng. Thế nhưng, người phụ nữ bị loạn huyết trong Tin Mừng hôm nay đã liều lĩnh vượt lên trên mọi mặc cảm và sự cấm kỵ để được chạm vào Chúa Giêsu.

Thật vậy, hôm nay Chúa Giêsu đang trên đường đi, đám đông chen lấn vây quanh Chúa Giêsu, vì ai cũng sợ bị nhiễm uế theo luật, nên nếu xuất hiện một kẻ ô uế trà trộn chen vào đụng hết người này qua người khác, thì chắc chắn sẽ phải mang tội chết. Nhưng không, chính niềm tin vào Đấng duy nhất có thể chữa căn bệnh quái ác của mình, người phụ nữ đã liều lĩnh lẻn vào đám đông để được gặp Chúa Giêsu. Niềm tin đó còn mãnh liệt hơn khi bà nghĩ rằng, chỉ cần được chạm vào gấu áo Chúa thôi là được khỏi rồi, và niềm tin của bà đã được đền đáp khi Chúa Giêsu phát hiện ra và nói với bà với lời đầy cảm thông yêu thương: “Này con, đức tin của con đã chữa con”.
Như vậy, đức tin đôi khi cần một sự can đảm và liều lĩnh, vượt trên mọi mặc cảm và cả sự nguy hiểm để được chạm vào Chúa Giêsu. 
– Mọi người chúng ta muốn đến được với Chúa rất cần một sự can đảm và liều lĩnh, nhất là khi chúng ta đang sống trong sự bi đát của tội lỗi, sống tách biệt với cộng đoàn đã lâu năm, bị mọi ngăn trở xã hội và cả tôn giáo tạo nên ngăn cản chúng ta đến với Chúa. Hãy can đảm đứng lên, mau chạy đến bí tích hoà giải để được Chúa chữa lành thương tích linh hồn, để hoà nhập với cộng đồng. Hãy chạy đến bí tích Thánh Thể để tâm hồn được chạm đến Chúa Giêsu và sinh lực từ Thánh Thể sẽ phát ra làm cho chúng ta nên mạnh mẽ. 

 

2. Niềm tin và lòng kiên nhẫn.

“Đừng sợ! Cứ vững tin”

Thông thường, việc chữa bệnh của Chúa Giêsu xảy ra tại nơi ngài đang giảng dạy hoặc đang trên hành trình, đôi khi Ngài chữa bệnh từ xa bằng cách nói: “Ông về đi, con ông sống…”. Nhưng hôm nay, khi Chúa Giêsu đang giảng dạy, có ông Giairô đến sụp lạy xin chữa lành cho con gái ở nhà, Chúa Giêsu lại lên đường đi với ông về nhà. Quãng đường không biết bao xa, nhưng vì đám đông đi theo chen lấn, và xuất hiện một bà bị loạn huyết chen vào ‘phá đám’ nên chưa đến nơi thì có người đến báo là con ông Giairô đã chết. Có lẽ lúc này đức tin của ông trưởng hội đường bị đặt trước một thử thách rất lớn bởi lẽ ra Chúa Giêsu đã có thể đến sớm hơn để “bệnh nhân không chết nếu bác sĩ Giêsu đến kịp”. Thế nhưng Chúa Giêsu đã vội trấn an: “Ông đừng sợ, cứ vững tin!”. Và vì vững tin mà con gái ông Giairô đã được Chúa cho hồi sinh.

– Cũng vậy, hành trình đức tin của mọi Kitô hữu chúng ta là một chặng đường dài, đôi khi còn bị gián đoạn với bao yếu tố ngoại cảnh mà chúng ta không lường trước được, thậm chí có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng. Nhưng nếu chúng ta vững chí như ông Giairô thì sẽ được cứu độ.

Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta luôn vững tin vào Chúa dù gặp phải bao khó khăn thử thách. Đức tin được rạng ngời nhờ sự thanh luyện gian nan và trường kỳ. Đức tin đòi hỏi một sự can đảm liều lĩnh và một sự kiên nhẫn vững tâm, để nhờ đó chúng ta mới đạt đến chân lý cuối cùng là Ơn Cứu Độ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con can đảm bước theo Chúa giữa những thử thách đau thương của cuộc đời. Xin cũng cho chúng con biết năng chạy đến với bí tích hoà giải để được Chúa chữa lành bệnh tật thiêng liêng trong tâm hồn chúng con. Amen

 

 

THỨ TƯ TUẦN IV THƯỜNG NIÊN

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 6,1-6

Đức Giê-su về nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? ” Và họ vấp ngã vì Người. Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.

 

II. SUY NIỆM

Tin Mừng hôm nay, thánh sử Marcô kể chuyện Chúa Giêsu về quê, mang theo những kiến thức rao giảng Lời Chúa và năng quyền chữa bệnh. Bước đầu tưởng chừng như thành công về Lời Rao Giảng, nhưng sau đó được coi như là một thất bại vì sự thành kiến và ghen tị của những người quê hương.

Những người ở quê hương nhìn Chúa Giêsu với cái nhìn đầy thành kiến, vì họ biết quá rõ nguồn gốc nhân loại của Người, là con một bác thợ mộc Giuse nghèo nàn ở Nazareth, học hành chỉ ở trường làng, nhất là trong thâm tâm họ, Đấng “Kitô” phải là con cái trong hoàng tộc, sống nơi thành phố hoa lệ và được học hành nơi các bậc thầy danh giá… Chính vì thế, khi thấy Chúa Giêsu nổi tiếng giảng dạy thì bắt đầu họ gièm pha chê bai.

Điều đó cho thấy, giữa “biết” và “yêu” đôi khi chẳng song hành với nhau, biết là một chuyện, yêu lại là chuyện khác.

Tôi biết anh A chị B, nhưng chắc gì tôi đã yêu mến họ, tôi tin có ông này bà nọ hiện hữu, nhưng chắc gì tôi yêu thích họ và tìm đến gặp họ?

Cũng vậy, người quê hương Na-da-rét biết rất rõ về nguồn gốc Chúa Giêsu và họ rất thông thạo Thánh Kinh nói về Người, nhưng họ không tin và không yêu mến…

Ma quỷ tin có Chúa Giêsu hiện diện, nó biết rất đúng về Chúa Giêsu, thậm chí còn tuyên xưng Ngài giữa đám đông, nhưng liệu nó có yêu Ngài không? Thưa không.

Chúng ta cũng cần tự vấn về mình, chúng ta vẫn cho rằng mình tin có Chúa, chúng ta tin Chúa Giêsu ngự trong Bí Tích Thánh Thể… nhưng liệu chúng ta có yêu mến Ngài thật không? Tin là một chuyện, nhưng có yêu mến hay không lại là một chuyện khác.

Chúng ta tự hào là biết Thiên Chúa, qua học hỏi, qua nghiên cứu, qua những khảo luận thần học, chúng ta thậm chí tự hào về kiến thức đầy mình về Thiên Chúa, nhưng có bao giờ chúng ta cầu nguyện tâm sự với Ngài không? Có đến viếng Thánh Thể không?

 

Thậm chí khi tự cho mình hiểu biết đã tạo nên sự thành kiến, và chính thành kiến đã ngăn cản con người tiếp cận chân lý, rồi sinh ra sự ghanh tỵ và gièm pha những ai thành công. Đây cũng là một thực trạng nơi mỗi quê hương chúng ta, chúng ta thường khinh miệt, yên trí và gièm pha những người con nơi quê hương chúng ta thành công trở về, vì trong chúng ta luôn bị cái tính thành kiến (yên trí) cha này, thầy nọ, soeur kia con ông này bà nọ không ra gì… Ngược lại, một vị nào đó từ nơi khác đến, dù xét về tài năng, về đạo đức, về giảng dạy đôi khi còn thua kém xa một người trong quê hương, thì chúng ta lại rất hồ hởi tung hô vì chúng ta không yên trí – thành kiến gì về họ.

Nhưng đó là một thực trạng mà Chúa Giêsu từng trải qua, thì những người môn đệ của Người cũng thế, hãy biết vui vẻ chấp nhận. Là cha, là thầy, là dì, là Giáo Lý Viên hay các cử nhân đại học… chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận và luyện tập đức khiêm tốn…

Lại nữa, “gần chùa kêu bụt bằng anh”, khi người Nazareth quá gần gũi nên đã sinh ra lơ là và coi thường. Chúng ta cũng thế, thích đi hành hương nơi này, cầu xin nơi nọ, nhưng ngay nơi giáo xứ mình, chúng ta lại bê trễ việc đến gặp Chúa trong các Thánh Lễ và Giờ Kinh…

Lạy Chúa Giêsu, trò không thể hơn thầy, nhưng nếu được bằng thầy thì đã là có phúc. Xin cho chúng con, nếu có phải nếm trải những sự thành kiến, kỳ thị và ghen ghét mà Chúa đã từng trải qua, thì cũng biết vui vẻ khiêm tốn đón nhận, để trong tất cả mọi sự Chúa được vinh danh. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN IV THƯỜNG NIÊN

Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh – Lễ trọng

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 2,22-32

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

“Muôn lạy Chúa, giờ đây

theo lời Ngài đã hứa,

xin để tôi tớ này được an bình ra đi.

Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ

Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:

Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,

là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

 

II. SUY NIỆM

Biến cố Mẹ Maria và thánh Giuse đem Đức Giêsu vào đền thánh để dâng cho Thiên Chúa được Tin Mừng  thánh Luca lồng ghép hai nghi thức thánh tẩy cho Mẹ Maria sau khi sinh và dâng Đức Giêsu (Con đầu lòng) cho Thiên Chúa thành một. Có người cho rằng đây là một cách Luca dùng để ngầm ý làm nổi bật sự kết hợp giữa Đức Giêsu và Mẹ Người trong việc tiến dâng cho Thiên Chúa Cha. Thánh sử Luca muốn diễn tả biến cố này là một sự thánh tẩy đền thờ hơn là Mẹ Maria được thanh tẩy. Thật vậy, cách trích dẫn Cựu Ước ở đây, cho thấy thánh Luca chú ý đến tính thần học hơn là về phương diện lịch sử.

“Khi đã đến lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môisê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Thiên Chúa, như đã chép trong luật Chúa rằng: ‘Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh dành cho Chúa; và cũng để dâng của lễ theo luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” (Lc 2, 22- 24).

Ở đây, chúng ta dễ nhận thấy có một sự trích dẫn không thống nhất khi áp dụng các nghi thức và bản văn lề luật. Trình thuật trên cho thấy của lễ để dâng con đầu lòng là một cặp chim gáy hoặc một cặp bồ câu non là của lễ của người nghèo (Lv 12, 8). Thế nhưng, theo luật Môisê, của lễ dâng con đầu lòng (hay chuộc lại) là mười lăm chỉ bạc (x. Ds 18, 15-16), còn đôi chim gáy hay cặp bồ câu non là lễ vật tạ tội của người phụ nữ sau sinh con khi đã mãn thời kỳ thanh tẩy (x. Lv 12). Có lẽ, như đã nói ở trên, Luca không quan tâm lắm đến việc Mẹ Maria cần tẩy uế, vì Người không thể bị ô uế khi sinh ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh và thanh sạch, cũng như Mẹ là Đấng thanh sạch vì được tràn đầy ân sủng, nên lễ thanh tẩy ở đây có lẽ Luca muốn ám chỉ đền thờ Giêrusalem. Vì từ khi Hòm Bia bị mất (vào 587), đền thờ đã trở nên trống rỗng và xem như Thiên Chúa không còn hiện diện nữa. Nay Đức Giêsu Cứu Thế đến, đền thờ lại được tràn đầy, Thiên Chúa lại hiện diện, và như thế, đền thờ được tẩy uế. Tuy nhiên, dù giải thích theo nghĩa nào, thì việc cha mẹ Đức Giêsu đem Người vào đến thánh để dâng cho Thiên Chúa, trước hết là để chu toàn lề luật (x. Lc 2, 27).

 

Đọc lại sách Xuất Hành chương 13, 1-2, cho thấy luật dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa xuất phát từ sau tai ương thứ mười, khi thần sứ Đức Chúa giết các con đầu lòng Ai Cập. Đức Chúa đã phán với ông Môisê: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Israel, dù là người hay thú vật: nó thuộc về Ta” (Xh 13, 1-2). Như thế, tất cả những con đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa, nghĩa là có quyền phục vụ Lều Thánh. Tuy nhiên, từ khi xảy ra chuyện “con bò vàng” (x. Xh 32, 1-6), đặc quyền dành cho “con đầu lòng” phục vụ Lều Thánh không còn nữa, mà việc phục vụ Lều Thánh được dành cho con cái Lê vi:

…“Môisê từ trên núi xuống, hô to “Ai trung thành với Đức Chúa thì theo tôi” “tất cả con cái ông Lê vi đều tập họp bên ông Môisê”. Họ tuốt gươm tàn sát ba ngàn người thờ bụt thần. Môisê chúc phúc cho họ: “Hôm nay, anh em được phong chức để phục vụ Đức Chúa, vì kẻ thì đã hy sinh con mình, kẻ thì hy sinh anh em mình, khiến Người chúc phúc cho anh em hôm nay” (x. Xh 32, 25-29). Đức Chúa phán: “Đây chính Ta đã chọn các thầy Lêvi giữa con cái Israel thay thế tất cả các trưởng nam, các con đầu lòng trong số các con cái Israel, cho nên các thầy Lêvi thuộc về Ta” (Ds 3, 11-12)…

Như vậy, ban đầu những người được dâng vào phục vụ đền thánh phải là những con trai đầu lòng (x. Xh 13, 1-2), nhưng về sau được thay thế bằng con cái dòng tộc Lêvi (x. Xh 32, 1-6.25-29; Ds 3, 11-12). Đây cũng là ý nghĩa của suy tư thần học về việc Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu vào đền thánh hay Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Như đã nói ở trên, không có chuyện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh nữa, vì Mẹ Maria không dâng Chúa Giêsu vào để Người phục vụ đền thờ, mặt khác, Mẹ Maria trước đó đã không khấn dâng Chúa Giêsu vào như trường hợp của bà Anna khấn dâng Samuel cho Thiên Chúa trước khi Samuel chào đời (x. 1Sm 1, 11), hơn nữa, Đức Giêsu không thuộc dòng Lêvi. Và rõ ràng sau đó Mẹ Maria và thánh Giuse đã đưa Đức Giêsu về lại Nazareth (x. Lc 2, 39- 40).

Tuy nhiên, dù những người con đầu lòng không phải phục vụ đền thờ nữa, nhưng vẫn thuộc về Thiên Chúa, nên phải chuộc lại bằng lễ vật (x. Ds 18, 15-16) và Mẹ Maria đã chu toàn điều luật đó. Vì vậy, biến cố dâng Chúa trong đền thánh cho thấy Mẹ Maria vừa chu toàn luật thanh tẩy, luật dâng con đầu lòng vừa chu toàn luật chuộc lại con đầu lòng bằng lễ vật.

Cách kể chuyện của Luca còn cho thấy việc dâng Chúa Giêsu trong đền thánh như là một cuộc gặp gỡ giữa Cựu Ước và Tân Ước (giữa Simêon và Anna đại diện cho Cựu ước với Đức Giêsu là Đấng khai mở Tân Ước). Trong khi Matthêu cố minh chứng Đức Giêsu chính là Môisê mới, thì có vẻ như Luca lại thích áp dụng Đức Giêsu như là vị ngôn sứ Samuel mới. Thực ra Luca thấm nhuần hình ảnh của Samuel từ bài ca của bà mẹ hiếm muộn Anna, cho đến việc Samuel được bà Anna dâng vào đền thờ để phục vụ Thiên Chúa (x. 1Sm 1, 22-28); còn “cha mẹ Đức Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người” (Lc 2, 27). Điều này cho thấy Giuse và Maria tuân giữ lề luật rất kỹ càng, làm cho việc “sống dưới lề luật” của Đức Giêsu càng nổi bật.

 

Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn dạy chúng ta ba bài học:

– Noi gương Mẹ Maria tuân giữ lề luật.

Mẹ Maria tuân giữ lề luật Thiên Chúa và những qui định tôn giáo rất đầy đủ, ngoài ra, còn chấp hành cả những gì thế quyền qui định nữa. Điều này được chứng minh qua việc Mẹ Maria dù đang thời kỳ thai nghén và sắp đến ngày sinh nở cũng đã cùng với Giuse vượt đường xa về nguyên quán để khai sinh, rồi sau đó dâng lễ thanh tẩy, dâng con đầu lòng và cử hành việc chuộc lại con đầu lòng theo như những gì luật tôn giáo qui định. Đây là một trong những ưu điểm nổi bật của Mẹ Maria, vì hơn ai hết, các ki-tô hữu phải là người gương mẫu trong việc tuân giữ lề luật Thiên Chúa và biết vâng phục Hội Thánh, vâng phục các vị chủ chăn trong Hội Thánh là những người đại diện Chúa Kitô, đồng thời cũng biết tôn trọng thế quyền cách chính đáng nơi mình đang sống.

– Ai sống thánh thiện và khao khát Chúa thì Chúa sẽ cho gặp.

 Cũng như cụ già Simêon, nữ ngôn sứ Anna ngày đêm ăn chay cầu nguyện, và bà đã được gặp Chúa và chúc tụng Người. Điều này cho thấy, muốn được gặp Chúa và được biến đổi đời sống, chúng ta cần có một đời sống thánh thiện và khao khát thật sự.

– Muốn con cái lớn lên trong ơn nghĩa thánh, cha mẹ cần biết dâng con cho Chúa.

Tin Mừng kể sau sự kiện được cha mẹ dâng mình cho Thiên Chúa, trẻ Giêsu lớn lên đầy khôn ngoan và trong ơn nghĩa Chúa. Điều này mang ý nghĩa việc dâng trẻ Giêsu vừa để chu toàn lề luật, vừa ký thác cuộc đời cho Thiên Chúa hướng dẫn. Cũng vậy, các bậc làm cha làm mẹ hãy biết dâng con mình cho Thiên Chúa (dâng ở đây không có nghĩa là đi tu), nhưng là phải biết ký thác cho Chúa, xin Chúa soi sáng, ban sức mạnh và hướng dẫn con cái mình biết sống đẹp lòng Chúa và có ích cho Giáo Hội cũng như xã hội.

 

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa đã trở thành trẻ thơ cho người ta nâng niu và ôm ẵm. Chúa đã cảm nhận tình yêu chia sẻ của con người. Xin cho chúng con biết mở rộng vòng tay đón nhận và tôn trọng mọi người, nhất là các trẻ thơ vô tội. Xin cũng giúp chúng con biết noi gương Mẹ Maria mà cộng tác với Chúa trong việc cứu độ nhân trần. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN IV THƯỜNG NIÊN

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 6,14-29

 Vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” Kẻ khác nói: “Đó là ông Ê-li-a.” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ.” Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói: “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy! “

Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài! ” Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây? ” Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

 

II. SUY NIỆM

Ngày nọ mèo Tom vác súng vào nhà chuột, nó dí súng vào năm con chuột đang ngơ ngác run sợ.

Mèo Tom hỏi con chuột thứ nhất: 1+1 = mấy?

– Dạ, bằng 2

– Pằng, mày biết quá nhiều rồi đấy !

Mèo Tom hỏi con chuột thứ hai: 1+1= mấy?

Con chuột thứ hai thấy con chuột thứ nhất trả lời đúng thì bị bắn chết, nên nó thưa:

– Không biết.

– Pằng, đồ vô tích sự không đáng sống.

Đến lượt con chuột thứ ba, mèo Tom tiếp tục: 1+1=?

Con chuột thứ ba trả lời:  Nói biết cũng chết, nói không biết cũng chết, rốt cuộc là anh Tom muốn gì?

– Pằng, mày nói quá nhiều rồi đấy, dám lý luận với cấp trên hả?

Mèo Tom tiếp tục dí súng vào con chuột thứ tư: 1+1=?

Con chuột thứ tư co ro run cầm cập và im thít không dám nói gì. Mèo Tom không bắn mà vui vẻ bảo: Biết sợ và biết im lặng vậy là khôn hồn đó mày, mày đứng đó.

Cuối cùng đến lượt con chuột Jerry, mèo Tom hếch hàm hỏi: 1+1=?

Con chuột Jerry rất láu cá, nó vội nói: Úi dời ơi, bài toán này hóc búa lắm, chỉ có cái đầu siêu thông minh như ngài Tom mới giải được thôi !

Mèo Tom khoái chí nói: Ơ, thằng này được, mày theo tao.

(Tiếc là 2 con chuột mà mèo Tom để cho sống này sau đó đã làm cho mèo Tom chết dở sống dở…)

 

Thiết nghĩ, nếu Gioan Tẩy Giả ngày xưa im lặng không lên tiếng cho sự thật thì ngài đã không bị tống ngục, và nếu ngài biết xu nịnh thì đã không bị cái mưu mô ác hiểm của phụ nữ làm cho đầu lìa khỏi thân.

Giữa cuộc trần thế này, trong mọi lãnh vực của xã hội, biết im lặng và xu nịnh thì dễ tiến thân, và ngược lại, ai dám sống cho sự thật và lên tiếng vì công lý thì dễ bị trù dập và hãm hại.

“Trung thực thật thà thường thua thiệt

Lọc lừa lươn lẹo lại lên lương”

Im lặng và xu nịnh để tiến thân đến cả trong môi trường giáo dục, đến nơi công sở và trên mọi cơ quan công quyền, thậm chí ảnh hưởng vào cả đời sống Giáo hội và nơi cả những dòng tu và tu hội. Kẻ dám nói và dám sống thường bị trù dập và thua thiệt đủ điều, còn kẻ nào biết im lặng lươn lẹo và nịnh “cấp trên” thì luôn được thuận buồm xuôi gió.

Âu cũng vì người có chức quyền thì hành xử kiểu Hê-rô-đê, mà kẻ gian xảo thì mang tâm địa của bà Hê-rô-đi-a-đê như trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe mô tả:

 

–   Hêrôđê Antipas để cho mình bị thú vui nhục dục che khuất, loạn luân, rơi vào cái bẫy “mỹ nhân kế” của mẹ con bà Hêrôđiađê bày ra, rồi lỡ miệng thề thốt trong cơn say, cuối cùng để bảo vệ danh dự, ông đã phạm vào tội ác giết người vô tội. Cũng vậy, xã hội ngày hôm nay, và cách riêng mỗi người chúng ta, giữa những cám dỗ thế tục lôi cuốn làm cho chúng ta sa ngã, những thú vui nơi các cuộc ăn chơi – tụ điểm múa nhảy, rồi kéo theo những hệ luỵ sau đó không còn kiểm soát được. Rồi một khi, ai đó dám cảnh tỉnh chúng ta, thì thay vì biết quay đầu sửa lỗi, lại tìm các ám hại người nhắc nhở mình, thậm chí sẵn sàng hãm hại người khác để bịt đầu mối và bảo vệ danh dự của mình.

 

–   Bà Hêrôđiađê từng là vợ của tiểu vương Hêrôđê Philipphê (cũng là một trong ba người con của Hêrôđê Cả), do bị thánh Gioan Baptista can ngăn, làm ảnh hưởng đến chuyện tư tình của mình với Hêrôđê Antipas, nên nuôi lòng thù hận và đã bày ra trò “mỹ nhân kế” của cô con gái rồi dùng bàn tay tình nhân để hãm hại người công chính.. Giữa xã hội hôm nay cũng thế, nhiều người không ngại dùng nhiều thủ đoạn thậm chí còn tàn độc hơn cả Hêrôđiađê để trả thù những ai dám cản trở những cuộc tình mờ ám hay những việc làm sai trái của mình.

 –   Đứng trước tội loạn luân của Hêrôđê Antipas và Hêrôđiađê, thánh Gioan Baptista không ngại khiển trách can ngăn, mặc dù biết rằng phải đối diện với cái chết, và ngài đã phải trả giá bằng việc bị trảm quyết. Ngày hôm nay, giữa một xã hội đầy giả dối cùng với lối sống suy đồi đạo đức luân lý, Giáo Hội rất cần những con người dám nói lên sự thật, rất cần những người dám đi ngược dòng bằng việc sống trong sạchh đạo đức…

 

Lạy Chúa, giữa xã hội ngày hôm nay đầy cám dỗ buông thả và toan tính lọc lừa, xin cho chúng con biết sống tiết độ, xa lánh những lối vui chơi không lành mạnh và đặc biệt dám can đảm làm chứng cho sự thật. Amen

 

 

THỨ BẢY TUẦN IV THƯỜNG NIÊN

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 6,30-34

 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc các Tông Đồ đi rao giảng về hồ hởi báo cáo những thành quả tốt đẹp với Chúa Giêsu, Chúa Giêsu bảo các ông lui vào nơi vắng vẻ để nghỉ ngơi đôi chút. Tuy nhiên, vì nhu cầu của dân chúng khao khát được nghe rao giảng, Chúa Giêsu và các Tông Đồ đã không còn thời giờ nghỉ ngơi vì lòng thương dành cho họ.

Qua đoạn Tin Mừng, chúng ta cũng suy niệm hai điểm sau đây:

 

1. Hoàn cảnh của dân chúng.

Họ giống như đoàn chiên đang bơ vơ không có mục tử chăn dắt . Đây là hình ảnh đáng thương của dân Ít-ra-en thời bấy giờ. Không phải dân không có các vị lo việc phụng tự và dạy dỗ, bởi vì trong 12 chi tộc thì đã có cả một chi tộc Lêvi làm tư tế, trung bình 1/12. Họ còn có những tầng lớp lãnh đạo, các kinh sư, các tiến sĩ luật… Thế nhưng, những đầu mục, các tư tế và các kinh sư chỉ lo tìm kiếm tư lợi hơn là lo dạy cho dân nghe Lời Chúa. Họ lo tìm cách chú giải những điều luật theo ý mình và có lợi cho mình hơn là Lời Chúa. như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm: “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi giết, còn đàn chiên thì các ngươi lại không lo chăn dắt” (x. Ed 34,2-6). Họ nói mà không làm, lời họ giảng chỉ là những gánh nặng hơn là giải thoát và niềm vui của Lời Chúa. Chính vì thế mà sự xuất hiện của Tin Mừng mà Chúa Giêsu và các môn đệ rao giảng làm họ phấn khởi đi theo. Chính điều này đã đặt ra một sự cấp bách truyền giáo, mà Chúa Giêsu và các môn đệ phải xả thân đến nỗi không còn giờ để nghỉ ngơi vì sự khao khát của dân chúng.

 

2. Những giây phút tĩnh lặng.

Trước hết, Chúa Giêsu cảm thông với nỗi vất vả của các Tông đồ khi làm việc truyền giáo nên cần có thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe cả về thể xác cũng như tâm hồn. Nghỉ ngơi để lấy lại sức, để nhìn lại những việc đã làm, để sống thân tình với Chúa và với nhau. Đây là nhu cầu chính đáng và rất bổ ích nhằm quân bình cuộc sống.

Kế đến, theoTin Mừng Marcô luôn luôn sau mỗi khi tiếp xúc với dân chúng, Chúa Giêsu rút lui vào yên lặng không chỉ để cầu nguyện hay nghỉ ngơi mà còn để phủ nhận sự phấn khởi của quần chúng cứ muốn lôi Người vào quan niệm đầy trần tục về Ðấng Thiên Sai và vai trò cứu thế của Người. Họ muốn một vị cứu tinh làm thỏa mãn tâm tư tham lam của họ. Chính vì thế mà Chúa Giêsu cũng muốn các Tông Đồ xa lánh sự tung hô của dân chúng cũng như tránh đi sự nhầm tưởng không đúng về sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Lại nữa, Chúa Giêsu muốn các Tông Đồ cần có sự quân bình giữa đời sống cầu nguyện và truyền giáo, giữa chiêm niệm và hoạt động, giữa việc đạo đức kết hiệp với Chúa và công việc mục vụ. Đó cũng là một điều hết sức cần thiết cho các vị lo việc truyền giáo và mục vụ ngày nay. Có những vị “quá dấn thân” cho việc “mục vụ” và “xây dựng” đến nỗi không còn thời giờ để đọc kinh Phụng Vụ, không còn những phút thinh lặng cầu nguyện và dần dần đời sống đạo đức èo uột, nói về Chúa mà không sống với Chúa và cuối cùng chỉ còn công việc mà không có Chúa đồng hành nữa…

 

Lạy Chúa Giêsu, cánh đồng truyền giáo thật bao la, xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình chạnh lòng thương của Chúa, để chúng con biết lên đường làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc không ngơi nghỉ, hầu cho Nước Chúa ngày càng lan rộng khắp nơi, cách riêng trên đất nước chúng con. Amen.

 

Hiền Lâm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Bảy, Tuần XIV Thường niên (Mt 10,24-33): “Đừng sợ! Con quý giá trong mắt Cha”

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên (Mt 10,24-33) "Đừng Sợ! Con Quý Giá Trong Mắt Cha" Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Lời Chúa hôm nay...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường Niên (Mt 10,16–23) Khôn như rắn, đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường Niên (Mt 10,16–23) Khôn như rắn, đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Khi sai các môn đệ ra...

Thứ Năm, Tuần XIV Thường niên, Mt 10,7-15: Được cho không, phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên – Mt 10, 7-15 Được Cho Không, Phải Cho Không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Mỗi lần tiễn ai đó lên...

Thứ Tư, Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7: Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay ghi lại việc...

Thứ Ba, Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Xin “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Xin “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay kể lại một phép lạ: Chúa Giêsu...

Thứ Hai, Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa

Thứ Hai, Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ xảy ra...

Thứ Bảy, Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay vì nhiều lý...

Thứ Sáu, Tuần XIII Thường niên, Mt 9,9-13: Phải chăng Chúa đã chọn lầm Matthêu?

Thứ Sáu tuần XIII thường niên – Mt 9,9-13 Phải Chăng Chúa Đã Chọn Lầm Mátthêu? Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Ơn gọi của thánh Mátthêu là...

Ngày 3/7, Thánh Tôma Tông Đồ, Ga 20,24-29 “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”

Ngày 3/7, Thánh Tôma Tông Đồ, Ga 20,24-29 "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hình ảnh Thánh Tôma Tông...

Thứ Tư, Tuần XIII Thường niên, Mt 8,28-34: Từ bỏ ma quỷ giữa đời thường

Thứ Tư Tuần XIII Thường niên, Mt 8,28-34 Từ bỏ ma quỷ giữa đời thường Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Liệu có ma quỷ trong thế giới...

Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, Lc 2,41-51: Trái tim vô nhiễm nguyên tội

Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội  (Lc 2,41-51) Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hướng nhìn lên Trái Tim Vô Nhiễm giữa thế giới nhiễm tội Thế...

Thứ Bảy, Tuần XII Thường Niên (Mt 8,5-17): Phép lạ của lòng tin

Thứ Bảy, Tuần XII Thường Niên (Mt 8,5-17) Phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà...