Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Suy niệm Tin Mừng tuần lễ từ ngày 02/01 đến 07/01 (Hiền Lâm)

 

Ngày 02 tháng giêng

 

I. BÀI TIN MỪNG: Ga 1,19-28

Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai? ” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không? ” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? ” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? ” Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ? ” Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

 

II. SUY NIỆM

Trong Mùa Vọng, chúng ta được nghe nhiều bài Tin Mừng nói về thánh Gioan Tiền Hô, hôm nay sau Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, phụng vụ Giáo Hội tiếp tục cho đọc những bài Tin Mừng nói về lời rao giảng của Vị Tiền Hô cao cả này.

 

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, tôi nhớ tới câu chuyện của một người bạn. Hồi đi học, môn tiếng Pháp, anh bạn của tôi luôn đạt hạng nhất hoặc hai tính từ dưới lên. Vậy mà trong một ngày họp lớp gần đây, các bạn đều ca tụng anh ta giỏi ngoại ngữ, bởi anh đã dịch được 3 cuốn sách (tặng mà không bán). Tôi hơi ngỡ ngàng khi nhận món quà anh trao tặng, về nhà mở ra đọc vài trang, tôi mới vỡ lẽ ra là anh chẳng dịch gì cả, mà chỉ là khôn khéo sử dụng sự phong phú của Tiếng Việt, để đạo dịch của người khác mà thôi: Đại loại như, trước đó người khác đã dịch rằng “chú chim hót líu lo” thì anh bạn dịch lại là “tiếng chim ca ríu rít”, hay người ta dịch là “nếu không có mẹ thì làm sao có mình” thì anh ta dịch lại là “giá như không có mẹ thì có mình được sao”.

Để ý một chút, ngày hôm nay trên các trang mạng, kể cả facebook, rất nhiều người cứ sao chép từ trang mạng khác những bài viết hay rồi đăng lên tường nhà mình, nhóm mình hoặc trang mạng của mình, nhưng lại “cố tình quên” trích dẫn nguồn từ đâu, để rồi sung sướng khi nhận được nhiều like và nhiều lời comment khen ngợi.

Thực trạng thích được ca tụng “bám” vào công lao của người khác đang trở thành một căn bệnh, và trở nên mãn tính di căn với đất nước Việt Nam, ăn cắp bản quyền để tìm danh và tìm lợi cho mình.

 

Bài Tin Mừng hôm nay vẽ lên bức chân dung tuyệt vời Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế. Bao quanh thánh Gioan Tiền Hô, từ cấp lớn đến dân bé Do Thái đều coi ngài là Đấng Cứu Thế. Nhưng thánh Gioan đã không háo danh nhận lấy cái vinh quang không thuộc về mình. Sự khiêm tốn của thánh nhân không phải là việc ngài không nhận cái mình có, mà là xác định rõ mình là ai trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúa mới là Đấng Cứu Thế mà thánh nhân làm chứng, chứ không phải làm chứng mình cái chỉ thuộc quyền của Chúa.

 

Còn chúng ta, chuyện ham danh thích khen đâu chỉ là chuyện của người đời, mà còn len lỏi vào cả đời sống phụng sự và phục vụ của Kitô hữu, từ các “đấng” đến “con chiên”. Bề ngoài tưởng chừng như việc phục vụ để Chúa được vinh danh, nhưng thực chất đang ngầm ý để được mọi người ca tụng, tìm vinh danh mình hơn là Chúa được nhận biết. Khi làm được điều gì hay xây dựng được cái gì, thì coi như do công sức, tài năng của mình, mà quên rằng là do Chúa ban và sự đóng góp của mọi người. Thành công thì gán cho mình và lên mặt khinh khi kẻ khác, thất bại thì tìm cớ để đổ thừa đổ lỗi.

 

Tóm lại: Lời Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta hãy học lấy tấm gương của thánh Gioan Tiền Hô. Hãy làm tất cả cho vinh danh Chúa, để Chúa được lớn lên và được mọi người nhận biết, chứ đừng lo tìm kiếm vinh quang cho mình, để rồi gạt Chúa ra ngoài và làm hại hạ bệ tha nhân.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức rằng, để vào được nước Chúa cần phải có sự khiêm tốn, đồng thới dám can đảm dấn thân chiến đấu vì Chúa, nhờ vào những phương thế phát sinh từ Ơn Cứu Chuộc viên mãn của Ngài. Amen.

 

 

Ngày 03 tháng giêng

 

I. BÀI TIN MỪNG: Ga 1,29-34

Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.

Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước.” Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”

 

II. SUY NIỆM

“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá ‘tội trần gian”. 

Có lẽ khắp toàn văn Thánh Kinh, đây là câu nói rõ nhất về sứ mệnh và cách thức cứu chuộc của Chúa Giêsu: Ơn cứu độ không chỉ xoá bỏ Tội Nguyên Tổ, mà còn xoá bỏ Tội Trần Gian. Lại nữa, cách thức cứu chuộc không phải theo cách thức binh hùng tướng mạnh mà là như là con chiên chịu sát tế, làm của ăn và dấu hiệu cứu dân trong Đêm Vượt Qua.

 

  1. Xoá bỏ tội trần gian.

TỘI TRẦN GIAN nơi thần học Gioan (x. Ga 1,29), được hiểu như là sự lạm dụng tự do Nguyên Tổ đã vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa, rồi một khi tội lỗi bắt đầu xuất hiện thì đà xuống dốc không thể dừng lại được và kéo theo một môi trường hay một tình trạng hư hoại. Trải qua từ thế hệ này đến thế hệ khác, tội lỗi cứ thêm chồng chất và mọi người đều đóng góp vào “tội trần gian” ấy. Đó là tình trạng khi một người sinh ra đã ở trong môi trường tội lỗi và rồi lệ thuộc tình trạng sẵn có này. Với khả năng nhỏ bé con người không thể lướt thắng mãnh lực tội lỗi nên cần đến Ơn Cứu Rỗi.

 

  1. Agnus Dei – Chiên Thiên Chúa.

Mỗi ngày trong Thánh Lễ, linh mục nâng Mình Thánh lên và lặp lại lời của thánh Gioan Tiền Hô nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian…”. Lời này gợi lại cho chúng ta hình ảnh con chiên chịu sát tế trong đêm vượt qua xưa , khi Chúa cứu Israel khỏi cảnh nô lệ Ai Cập và vượt qua Biển Đỏ; thịt chiên làm của ăn lễ vượt qua, máu chiên bôi lên khung cửa để thoát thần tru diệt hại dân. Hôm nay, Chúa Giêsu được ví như Con Chiên chịu sát tế để giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, vượt qua biển trần gian từ cõi chết vào cõi sống. Đặc biệt, Thịt Máu Chúa Giêsu nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta và rửa sạch chúng ta hết mọi tội khiên.

 

Tóm lại: Qua chứng từ của thánh Gioan Tiền Hô trong bài Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta ý thức hơn về công ơn của “Con Chiên Thiên Chúa” đã chịu sát tế để cứu chuộc chúng ta. Để chúng ta luôn năng chạy đến với Bí Tích Thánh Thể, dọn mình sốt sắng rước lễ, để nhờ Bánh trường Sinh này, chúng ta càn được nên mạnh mẽ can trường chống lại mọi nguy cơ bởi “tội trần gian”, xứng đáng vào dự Tiệc Chiên Chúa mai sau trên Nước Trời.

 

Lạy Chiên Thiên Chúa,

Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con.

Lạy Chiên thiên Chúa

Đấng xóa tội trần gian, xin ban bình an cho chúng con

Amen.

 

 

Ngày 04 tháng giêng

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 1,35-42

Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế? ” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? ” Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).

 

II. SUY NIỆM

Có lẽ hiếm tìm được ai như thánh Gioan Tiền Hô. Thay vì lôi kéo người khác theo mình, không dành giật đệ tử đã là may, thì ngài lại giới thiệu đệ tử của mình cho thầy khác là Chúa Giêsu. Thánh Gioan làm thế, vì ngài ý thức về thời gian và sứ vụ của vị Tiền Hô, là chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến và khi Đấng Cứu Thế đến thì sứ vụ ngài đã hoàn thành.

Chúng ta cũng thế, mỗi người đều nhận một sứ vụ và một giai đoạn trong chương trình của Thiên Chúa. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy ý thức chỗ đứng của mình và biết mình là một giai đoạn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Cũng như thánh Gioan, chúng ta biết giới thiệu Chúa cho những ai chúng at gặp gỡ.

 

  1. Giới thiệu Chúa cho nhau.

Một ý tưởng nữa bao trọn bài Tin Mừng hôm nay đó là việc giới thiệu cho người chúng ta gặp gỡ đến với Chúa.

Thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu cho môn đệ đến với Chúa. Đến lượt Anrê (học trò cũ của Gioan) đem anh mình là Phêrô đến giới thiệu với Chúa Giêsu.

Ý nghĩa của những sự giới thiệu này mang tính tiếp nối của ơn gọi trong Giáo Hội và sứ vụ truyền giáo của chúng ta.

Ơn gọi làm Kitô hữu hay ơn gọi tu trì, đôi khi được Chúa gọi cách trực tiếp qua sự thôi thúc trong lòng, nhưng có lúc cũng cần đến những người khôn ngoan, những người đã đi trước, cha xứ… hướng dẫn và giới thiệu chúng ta đền với đạo hay đến với đời tu. 

Sứ vụ truyền giáo là một sự tiếp nối trường kỳ, khi chúng ta được phúc đón nhận Tin Mừng, thì đến lượt chúng ta cũang phải làm cho Tin Mừng đó được lan toả trên mọi người xung quanh chúng ta và hết những ai chúng ta gặp gỡ.

 

  1. Ở với Chúa.

Một điểm nữa cần lưu tâm mà bài Tin Mừng dạy chúng ta là, khi chọn theo Chúa thì hãy đến ở lại với Chúa.

Ở với Chúa không chỉ là ở với người bằng một thân xác và một nơi chốn cụ thể, mà là mọi ý nghĩ và hành động đều luôn trong sự hiện diện của Chúa, trong sự kết hiệp mật thiết với Người.

Đang khi nhiều người khi đã chọn theo Chúa, thì thay vì đến ở với Chúa, thì lại vẫn tìm ở với “ai đó” hoặc ở với ông ‘thần tài” hay danh vọng. Mọi chuyện lo lắng việc đời và đam mê danh vọng đã lấn át sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời thì làm sao theo Chúa được.
“Hãy đến mà xem”: Việc biết Chúa không phải là chuyện bàng quang không thèm gia nhập đạo; theo đạo không phải là dửng dưng không quan tâm đến việc đạo đức, tham dự thánh lễ và cầu nguyện với Chúa; việc trở nên bạn hữu của Chúa không phải chỉ là chuyện nghe nói về Người… Nhưng cần sự gặp gỡ giữa ta với Chúa, không ai giữ đạo thay cho ta được, không ai tu thay cho chúng ta được, không ai đền tội hay lập công cho chúng ta được… Vì thế, cần một sự “đến mà xem” nghĩa là phải đến gặp gỡ Chúa qua các bí tích và đời sống đạo để được Người cứu độ. 

 

 

Ngày 05 tháng giêng

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 1,43-51

Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói: “Anh hãy theo tôi.” Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô.

Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được? ” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem! ” Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? ” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! ” Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay kể về ơn gọi của Nathanael tiệm tiến qua từng bước: Chúa thấy ông ngồi suy tư, ông được người đến trước giới thiệu, ông đến gặp Chúa và theo Người. Đó cũng là hành trình ơn gọi của mỗi người chúng ta:

 

– Chúa thấy ta trước: “Trước khi Philipphe gọi ngươi dưới gốc cây và thì Ta đã thấy ngươi”. Thiên Chúa nhìn thấy chúng ta trước cả khi chúng ta tìm kiếm người. Mọi việc chúng ta làm dù ở đâu và lúc nào Chúa đều thấu tỏ. Nathanael dù có đức tin chưa trọn hảo nơi đạo cũ, nhưng với tấm lòng không gian dối và khát khao tìm chân lý, nên Chúa đã gọi ông theo làm môn đệ Người. Tuy nhiên, cách thế Chúa Giêsu gọi Nathanael không phải cách trực tiếp mà qua một trung gian là thánh Philipphe dẫn Nathanael đến cho Người.

 

–  Cần người giới thiệu: Ơn gọi làm Kitô hữu hay ơn gọi tu trì, đôi khi được Chúa gọi cách trực tiếp qua sự thôi thúc trong lòng, nhưng có lúc cũng cần đến những người khôn ngoan, những người đã đi trước, cha xứ…  hướng dẫn và giới thiệu chúng ta đền với đạo hay đến với đời tu. Cũng như thánh Philipphê khi đã gặp được Chúa, thánh nhân đã đi giới thiệu cho Nathanael và dẫn Nathanael đến gặp Chúa; chúng ta cũng vậy, sứ vụ của mọi Kitô hữu chúng ta là truyền giáo cho bất cứ những ai chưa nhận biết Chúa, giới thiệu về Chúa cho họ và đưa họ đến với đức tin.

 

–  “Hãy đến mà xem”: Việc biết Chúa không phải là chuyện bàng quang không thèm gia nhập đạo; theo đạo không phải là dửng dưng không quan tâm đến việc đạo đức, tham dự thánh lễ và cầu nguyện với Chúa; việc trở nên bạn hữu của Chúa không phải chỉ là chuyện nghe nói về Người… Nhưng cần sự gặp gỡ giữa ta với Chúa, không ai giữ đạo thay cho ta được, không ai tu thay cho chúng ta được, không ai đền tội hay lập công cho chúng ta được… Vì thế, cần một sự “đến mà xem” nghĩa là phải đến gặp gỡ Chúa qua các bí tích và đời sống đạo để được Người cứu độ.

 

–  Thái độ trước và sau khi gặp Chúa: Trước khi gặp Chúa, Nathanael vẫn mang trong mình cái biết và cái thành kiến của một xã hội đã nắn đúc lên trong tư tưởng ngài và không thể thoát ra được. Ngồi dưới gốc cây vả, ông vẫn tìm kiếm trong vô vọng về những gì dân Do-thái dựng nên trong đầu ông về một Đức Giêsu quyền lực và phải xuất thân ở một nơi danh giá, chứ không phải nơi một bác thợ mộc và quê nghèo Nazareth. Chính vì thế mà vừa nghe giới thiệu, ông phản kháng ngay: “Ở Nazareth nào có cái chi hay?” Tuy nhiên, ông vẫn dám bước ra khỏi cái thành kiến kia để đến gặp Chúa, và khi đã gặp Chúa rồi, ông đã tuyên xưng và được biến đổi trở nên người môn đệ. Chúng ta cũng thế, khi chưa gặp Chúa, chúng ta vẫn mang trong mình những thành kiến, những tư tưởng không tốt. Chúng ta chắc chắn sẽ hành động sai khi chúng ta thiếu đi sự cầu nguyện gặp gỡ  xin Chúa soi sáng…

 

Lạy Chúa Giê-su, để gặp được Ngài, xin cho chúng con luôn biết suy niệm Thánh Kinh và đến gặp Chúa qua các Bí tích, nhất là Bí Thánh Thể, hầu chúng con trở dám bước ra khỏi cái tôi thành kiến của mình và được biến đổi trở nên người môn đệ đích thực của Chúa. Amen.

 

 

Ngày 06 tháng giêng

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 1,7-11

Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”

Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”

 

II. SUY NIỆM

Để hiểu biết về thế giới hay về con người, chúng ta có thể tích lũy sự hiểu biết một phần nhờ lý trí và khoa học, nhưng thường hơn nhờ lời chứng của người khác đã ảnh hưởng và dẫn dắt chúng ta, nhờ những gương sống, lời nói và việc làm của họ. Lời chứng có tính thuyết phục hơn không dựa trên tự mình làm chứng cho mình, nhưng nhờ đến uy tín của người làm chứng. Người càng uy tín, thì lời chứng của họ về một ai đó sẽ thuyết phục và xác thực hơn.

Khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu, Người được chính Chúa Cha chứng nhận và thánh Gioan làm chứng. Một lời chứng đến từ chính Thiên Chúa và một lời chứng đến từ một con người đầy uy tín lúc bấy giờ là Gioan Tẩy Giả.

 

  1. Lời chứng từ Chúa Cha.

Nói đến Lời Chứng từ Chúa Cha, trong Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta gặp thấy ít nhất hai lần là khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giođan và lúc Người biến hình trên núi Tabo. Hôm nay khi tường thuật biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, thánh ký Marcô ghi lại rõ rang lời Chúa Cha phán xuống từ trời: “Này là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11).  Lời chứng này xác bao gồm việc xác nhận thiên tính của Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, và Chúa Cha hài lòng về mọi công việc của Chúa Giêsu.

Lời Mặc Khải đến từ chính Thiên Chúa Cha, chứng thực Chúa Giê-su Con Thiên Chúa Cha tự đời đời nay đến trần gian hầu cứu độ nhân loại. Thật vậy, Chúa Giê-su là mặc khải tròn đầy của Thiên Chúa Cha. Vì thế, sau Người, không nhất thiết phải có những mặc khải nào nữa. Nên Giáo hội đã rất dè dặt với “những mặc khải tư”. Bởi “mặc khải tư” chỉ như là một sự giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa, chứ không phải đi ngược hoặc thay thế những Lời Thiên Chúa mà Chúa Giê-su “đã tỏ cho các Tông đồ”. Thế nhưng, vấn đề này đã trở nên lạm dụng khá nhiều khi không thiếu những người tự xưng là “thị nhân” này, “con gái yêu” nọ, “tông đồ…” kia…

 

  1. Lời chứng của Gioan Tẩy Giả.

Với lời rao giảng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người” là lời chứng xác nhận Chúa Giêsu là Đấng phải đến, và khi Người đến thì sứ vụ của Gioan hoàn thành. Công việc của Gioan chỉ là dọn đường cho Chúa khi kêu gọi mọi người chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối đón chờ Chúa đến. Thánh Gioan Tẩy Giả không ngần ngại nói thẳng về hiện trạng của những người nghe ngài giảng và đến lãnh phép rửa.

Cũng để minh chứng lời rao giảng, thánh nhân là mẫu gương của sự khiêm tốn khi nhận mình không đáng xách dép cho Chúa Giêsu đến sau ngài.

Không những làm chứng cho Chúa Giêsu bằng lời nói, thánh Gioan Tẩy Giả còn làm chứng bằng việc làm, nghĩa là bằng đời sống đạo đức thánh thiện của mình. Đời sống của thánh Gioan Tẩy Giả rất thánh thiện, đến nỗi dân chúng cho rằng chính ngài là Đấng Cứu Thế đã đến (x. Lc 3,15). Nhưng ngài đã khiêm tốn nói lên vai trò tiền hô của mình, tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, là kẻ dọn đường cho Chúa đến mà thôi.

Bằng lời nói và bằng việc làm, thánh Gioan Tẩy Giả đã làm tròn sứ mạng chứng nhân cho Chúa Cứu Thế. Chúng ta hãy noi theo gương thánh nhân để làm chứng Chúa bằng lời nói và bằng việc làm của mình.

Nhưng làm sao để phân biệt đâu là lời chứng thật? Chúa Giêsu dạy muốn nhận ra ai là sứ giả của Thiên Chúa, chúng ta không được giống như kẻ tự tôn vinh mình hay tôn vinh lẫn nhau (Ga 5,44) mà vì thế trở thành nô lệ cho những giá trị hữu danh vô thực; người sứ giả của Thiên Chúa không nhằm tìm vinh quang cho mình, nhưng tìm tôn vinh Thiên Chúa.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn là chứng nhân cho sự hiện diện của Chúa mọi nơi mọi lúc. Và xin cũng cho chúng con chỉ biết tìm vinh quang cho Chúa chứ đừng tự tôn vinh mình. Amen.

 

 

Ngày 07 tháng giêng

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 2,1-11

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi! ” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày.

 

II. SUY NIỆM

Hôm nay, Chúa Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng một phép lạ, nhưng điều đặc biệt là trong phép lạ này có một sự cảm thông và can thiệp của Đức Maria Thân Mẫu Người. Phải chăng tác giả Tin Mừng Gioan có một sự ngụ ý đây?

Đức Giêsu, Mẹ Ngài là Đức Maria và các môn đệ đều hiện diện tại tiệc cưới Cana. Với sự kiện “Mẹ của Đức Giêsu” được đề cập đến ngay trong câu đầu tiên của tường thuật tiệc cưới Cana, điều này cung cấp bối cảnh cho phép lạ, và sự kiện Đức Maria đặt câu hỏi liên quan đến “rượu”, rõ ràng hướng sự chú ý của độc giả vào sự cộng tác của Mẹ. Tiệc cưới cũng như các bữa tiệc trong Kinh Thánh đều có tính biểu tượng về ngày Messia (Is 25, 6; Đn 5, 1; Mt 22, 2).

Khi rượu sắp hết, một sự bối rối cho mọi người trong phòng tiệc, Đức Maria đã đề cập đến vấn đề này và yêu cầu các người phục vụ “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Sứ điệp này cũng muốn nói với cộng đoàn Hội Thánh sơ khai, gồm những ai cần tham dự vào “rượu” của thời đại mới.

Tác giả Tin Mừng thứ tư mô tả sự đáp trả của Đức Maria đối với Đức Giêsu trong một cách thức cho thấy rằng đức tin của Mẹ không bao giờ có chút nghi ngờ. Vai trò nổi bật của Đức Maria trong tiệc cưới Cana này bao gồm sự cảm thông, sự chuyền cầu và hướng mọi người về với Đức Giêsu.

 

  1. Đặc trưng về sự cảm thông.

Câu chuyện tiệc cưới Cana cho thấy hình ảnh thật đẹp của Đức Maria về sự cảm thông chia sẻ với hoàn cảnh của đôi tân hôn. Đức Maria đã nhạy bén thấu hiểu sự bối rối của chủ tiệc. Tiệc đang vui mà rượu hết giữa chừng là một tai nạn, làm cho chủ tiệc mất mặt và cô dâu chú rể bị chê cười, cảm thông với hoàn cảnh như vậy, Đức Maria đã “gợi ý” với Đức Giêsu.

Sự cảm thông được diễn tả như đôi cánh của đức ái, là y tá săn sóc cho bệnh nhân … Sự thông cảm còn tiên liệu trước cho những tâm trí chậm chạp, đó là thấy trước nhu cầu. Sự cảm thông là quảng đại tự bản chất, xuất phát từ một trái tim biết nhìn ra xung quanh. Chính sự cảm thông này là một nhân đức nổi bật nơi Đức Maria, với một trái tim mẫu tính quảng đại, Mẹ thấu hiểu trước những thiếu thốn của nhân loại và cảm thông trước những nỗi đau của nhân loại để khẩn cầu Đức Giêsu Con yêu dấu của Mẹ trợ giúp họ. Sự cảm thông với đôi tân hôn và chủ tiệc nơi tiệc cưới Cana là biểu trưng cho một sự cảm thông liên lỉ của Mẹ Thiên Chúa đối với những người con của Mẹ được sinh ra dưới chân thập giá Đức Kitô. Đức Maria không chỉ cảm thông với những ai chạy đến kêu xin Mẹ, mà còn đi bước trước cảm thông với những ai gặp đau khổ thiếu thốn cả khi họ chưa kịp cầu xin, tựa như việc Mẹ cảm thông với hoàn cảnh bi đát và quá tế nhị có thể làm mất danh dự của đôi tân hôn, và đã lo lắng cho họ trước khi họ xin được giúp đỡ.

 

  1. Đặc trưng chuyển cầu.

Việc “hết rượu rồi” là một khía cạnh cụ thể sự nghèo túng của nhân loại, điều này cũng mang một giá trị tượng trưng:  đoán trước những nhu cầu con người, cũng đồng thời đưa chúng vào chiều kích sứ mạng thiên sai và sức mạnh cứu độ của Đức Kitô.  Vậy cần phải có một sự trung gian: Đức Maria đứng giữa con mình và loài người trong hoàn cảnh đầy thiếu thốn, nghèo túng và khổ đau của họ. Mẹ đứng “ở giữa”, nghĩa là hoạt động trong vai trò trung gian, không phải bên ngoài, nhưng với tư cách là Mẹ, và ý thức mình có thể trình bày cho Con các nhu cầu của nhân loại, hay đúng hơn là “có quyền làm điều đó”.

Một khía cạnh thiết yếu khác trong vai trò làm Mẹ của Đức Maria được tỏ hiện qua điều Mẹ nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Thân Mẫu của Đức Kitô xuất hiện trước nhân loại như người phát ngôn ý muốn của Chúa Con; Mẹ đưa ra một số đòi hỏi phải làm để quyền năng cứu độ của Đấng Thiên Sai được thể hiện… ở Cana, nhờ sự can thiệp của Đức Maria và sự tuân phục của các gia nhân mà Đức Giêsu đã bắt đầu “giờ” của Người. Cũng như ở Cana, Đức Maria xuất hiện như một kẻ tin vào Đức Giêsu: lòng tin của Mẹ làm phát sinh “dấu lạ” đầu tiên của Đức Giêsu và góp phần khơi dậy đức tin nơi các môn đệ (x. Ga 2, 11).

Biến cố Cana miền Galilê được xem như lời tiên báo đầu tiên về sự trung gian của Đức Maria, hoàn toàn hướng về Đức Kitô và hướng về mạc khải quyền năng cứu độ của Người. Nói cách khác, xét trên bình diện thần học, chỉ cần Chúa Kitô, Đấng trung gian duy nhất để cứu độ nhân loại, nhưng đứng về khía cạnh nhân loại, thì đến với Chúa Giêsu, nhờ Đức Maria, là một điều rất thích hợp. Ơn cứu độ mà Đức Giêsu mang đến cho toàn thể nhân loại, trên phương diện khách quan, đã hoàn tất đầy đủ, nhưng trên phương diện chủ quan, con người tiếp nhận ơn cứu độ của Chúa Giêsu, qua sự trợ giúp của Đức Maria. Với tấm lòng từ mẫu của Đức Maria, ơn cứu độ mà Đức Giêsu đem đến cho thế gian, sẽ mang đến một hình ảnh khoan dung nhân ái.

Như vậy, vai trò trung gian của Đức Maria tự bản chất không thay thế Đức Kitô, vì chỉ mình Đức Kitô là Đấng Trung Gian cần thiết, sung mãn và hoàn hảo, nhưng đức Maria qua cái nhìn của nhân loại về Chúa Kitô, Mẹ có tất cả quyền thế của một Nữ Trạng Sư.

 

Tóm lại, tường thuật tiệc cưới Cana trong Tin Mừng Gioan đã làm nổi bật hai đặc trưng của Đức Maria là lòng cảm thông trắc ẩn trước nhu cầu cũng như đau khổ của người khác, và vai trò trung gian chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho nhân loại và cách riêng cho các tâm hồn. Đây là tinh thần mà mọi thành phần dân Chúa phải mặc lấy. Đặc biệt giữa thế giới hôm nay, biết bao người đang chìm đắm trong đau khổ thể xác và lầm than tội lỗi, rất cần lòng cảm thông chia sẻ tình tương thân tương ái và nhiệt thành ra đi để giúp mọi người đón nhận Tin Mừng hầu được giải phóng khỏi lầm than tội lỗi. Đồng thời, các con cái Mẹ Maria hãy học lấy gương Người để ngày đêm cầu xin ơn Thiên Chúa thương xót và ban ơn cứu độ cho các tâm hồn và cho thế giới thoát cảnh chiến tranh và nghèo đói.

 

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã trao cho nhân loại một người Mẹ tuyệt vời là Đức Maria, Đấng đầy lòng trắc ẩn, cảm thông với mọi nhu cầu của chúng con. Xin cho chúng con biết chạy đến với Mẹ, để được Mẹ che chở và cầu bầu cho chúng con trước mặt Chúa., hầu chúng con cũng biết sống cảm thông và chia sẻ với tha nhân. Amen.

 

Hiền Lâm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...