Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Suy niệm Tin Mừng tuần V Mùa Chay (Hiền Lâm)

 

THỨ HAI TUẦN V MÙA CHAY

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 8,1-11
Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.
Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? ” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? ” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! “

II. SUY NIỆM
Hôm nay, các kinh sư và người Pharisêu sử dụng “nguyên lý triệt tam” để tung ra một đòn quyết định, đặt Chúa Giêsu vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan, mà nếu Người ngả theo phía nào thì họ cũng có cái cớ để tố cáo Người. Họ đưa đến trước mặt Chúa Giêsu một người phụ nữ phạm tội ngoại tình, rồi hỏi Người sẽ xử lý thế nào khi luật Môsê dạy phải ném đá chết. Cái bẫy của họ gài vào là nếu Chúa Giêsu nói không thì họ kết án Chúa lỗi luật Môsê, còn nếu Người nói có thì họ sẽ có cớ phản bác trái với luật yêu thương mà Người giảng dạy.
Mưu kế này cũng tương tự như họ gài bẫy Chúa Giêsu vào vấn đề nộp thuế cho Xêda. Tuy nhiên, cái trí nham hiểm của con người làm sao gây khó được cho Đấng là Thượng Trí vô song. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp với họ, nhưng với một lời nói của Người đã đặt các kinh sư và người Pharisêu vào một sự chất vấn của lương tâm và phơi bày lòng dạ khi đối diện với Đấng thấu suốt mọi sự: “Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy lấy đá mà ném trước đi”. Cuối cùng họ lặng lẽ rút êm, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất. Như thế, với một lời chất vấn nhẹ nhàng của Chúa Giêsu, chính những người Pharisiêu hả hê tưởng rằng họ gài bẫy được Chúa Giêsu, thì chính họ lại rơi vào tình trạng bế tắc và lủi thủi rút đi bắt đầu từ những đầu sỏ bạc đầu.

 

1. Tội và tội nhân
Ảnh hưởng từ lối xử tử thời sơ khai, luật Do-thái áp dụng hình phạt tử hình thật tàn độc và man rợ. Họ tập trung ném đá một đồng loại cho tới chết mà không gớm tay. Ai cũng mang trong mình những tội lỗi nặng nề, nhưng lại xử thẳng tay một tội nhân khi họ bắt gặp. “Việc mình thì quáng nhưng việc người thì sáng, chân mình thì lấm lê mê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người…”
Thiên Chúa thì yêu thương cứu vớt, nhưng con người thì lại loại trừ lẫn nhau. Khi Chúa Giêsu chấn vấn họ, họ đã bỏ đi vì Chúa đã đánh thẳng vào chính cái tâm địa giả hình của họ và vạch trần lòng dạ họ cũng đầy tội lỗi bê tha. Tắt một lời, người Do-thái trong khi tự cho mình công chính, thì cũng đồng thời đánh đồng quan điểm giữa tội và tội nhân, họ sẵn sang khử trừ tội nhân như việc loại bỏ tội lỗi.

Đọc đoạn Tin Mừng hôm nay và nhiều chỗ khác trong các Tin Mừng, có lẽ không ít người cho rằng Chúa Giê-su “dung túng cho việc phạm tội”. Không phải thế, Chúa Giê-su ghét tội nên Người đã đến trần gian và chịu chết để giải thoát nhân loại khỏi tội; Chúa lên án tội, nhưng không bỏ rơi tội nhân; Chúa bảo vệ người phụ nữ ngoại tình, giải thoát nàng và tha thứ cho nàng, nhưng không phải để nàng tiếm tục con đường cũ, mà Người đã dặn nàng: “Chị hãy đi và đừng phạm tội nữa”.
Thật vậy, “Thiên Chúa không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn tội nhân bỏ đường tà để được sống” (Ed 18,23). Chính vì thế mà cần phải phân biệt rõ ràng giữa tội và tội nhân. Mọi người đều phải ghét tội, nhưng phải tạo cơ hội giúp tội nhân trở về nẻo chính đường nga.

 

2. Vấn đề “công chính hóa”
Câu chuyện “người phụ nữ ngoại tình hôm nay” là minh hoạ quan trọng cho thần học về SỰ CÔNG CHÍNH HÓA. Công chính hóa xét theo nghĩa chặt, là khi đứng trước mặt Chúa, con người chứng minh được mình vô tội. Điều này không thể có được, cụ thể là như hôm nay, đối diện với sự thánh thiện tuyệt đối nơi Chúa Giêsu, những người kinh sư và Pharisêu được coi là ưu tuyển đối với người Do-thái đã phải rút lui vì nhận ra mình cũng đầy tội lỗi.
Vì vậy, sự công chính hóa của con người chỉ có được khi nhờ ơn cứu chuộc của Đức Kitô, chứ không thể do sức riêng của mình. Tác giả Tin Mừng hôm nay đã chơi chữ rất hay rằng: “Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì ĐỨNG Ở GIỮA” (Ga 8,9).
Khi mọi người đi hết, tại sao người phụ nữ lại đứng ở giữa lúc chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu? Nếu như trước đó, chị ta đứng ở giữa những người gian ác tội lỗi vây quanh, thì bây giờ, chỉ còn mình Chúa Giêsu, chị đang đứng ở giữa tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa đang tha thứ cho chị, mời gọi chị trở về và đừng phạm tội nữa.
Đứng ở giữa vòng vây tội lỗi là cái chết, nhưng đứng ở giữa tình thương của Chúa Giêsu là được cứu sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra mình cũng đầy tội lỗi, để chúng con không kết án loại trừ những tội nhân. Xin cũng cho chúng con học lấy tấm lòng trắc ẩn của Chúa mà cứu vớt những ai lầm lỗi, đưa họ về cho Chúa. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN V MÙA CHAY

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 8,21-30
Đức Giê-su lại nói với người Do-thái: “Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được.” Người Do-thái mới nói: “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: “Nơi tôi đi, các ông không thể đến được”? ” Người bảo họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.”Họ liền hỏi Người: “Ông là ai? ” Đức Giê-su đáp: “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.” Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha. Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

 

II. SUY NIỆM
“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ sẽ biết Tôi Hằng Hữu”
Sử dụng ngôn ngữ biểu tượng, bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn của Người sắp chịu. Khác với ba lần nơi các Tin Mừng Nhất Lãm tiên báo cái chết một cách rõ ràng là Chúa Giêsu sẽ lên Giêrusalem chịu khổ nạn, thì Tin Mừng Thứ IV cũng tiên báo ba lần với cách nói: “Con Người được “giương cao lên” (x.Ga 3,14; 8,28; 12,32).
Con Người được giương cao lên, nghĩa là Chúa Giêsu sẽ phải bị treo lên trên thập giá, để nhờ công ơn Cứu Chuộc qua khổ giá, mà Người nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi Trời với Người.
Theo chiều ngang, với cách nói nơi Tin Mừng Nhất Lãm rằng ai muốn theo Chúa thì hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo. Còn theo chiều dọc, Tin Mừng Thứ IV lại nói theo chiều đi lên, không chỉ vác mà còn phải được treo lên, nghĩa là phải cùng đóng đinh chính mình vào thập giá như Thầy.
Như vậy, dù “đi theo” hay “treo lên”, thì Kitô hữu cũng chung một phương thế duy nhất là phải qua thập giá mới đạt đến ơn Cứu Độ.
Điều lạ lùng mà Chúa Giêsu nói hôm nay là: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”. Tại sao lại khi Người bị treo lên khổ giá thì lại là lúc Người “Có”? Có cái gì? Với cách dùng ngôn ngữ biểu tượng, văn chương Gioan khẳng định, Chúa Giêsu chỉ thật sự là hằng hữu khi Người chấp nhận “bị giương cao lên”, Thiên Chúa của người Kitô hữu phải là một Thiên Chúa chịu đóng đinh, “Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Thật vậy, sứ mạng thiên sai của Chúa Giêsu đến là để dùng thập giá mà cứu chuộc thế gian. Đó là niềm hy vọng lớn lao của nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã được sai đến thế gian là để cứu độ thế gian chứ không phải lên án thế gian. Xin cũng sai chúng con đến với mọi người, cho họ sự cứu vớt, chứ không phải đến để lên án đồng loại. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN V MÙA CHAY

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 8,31-42
Vậy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do? ” Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói.” Họ đáp: “Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham.” Đức Giê-su nói: “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.”
Đức Giê-su bảo họ: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.

 

II. SUY NIỆM.
Tự do khỏi lề luật, tự do khỏi tội và tự do khỏi chết là 3 chiều kích cứu độ học trong các thư tín của thánh Phaolô. Một cách tương tự, Văn Chương Gioan cũng lần lượt khai triển về ba chiều kích này mà Chúa Giêsu thực hiện. Hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với người Do-thái là: “Ai phạm tội thì nô lệ cho tội…nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga 8,34.36). Nghĩa là Chúa Giêsu giải thoát nhân loại để họ được tự do khỏi tội.

Đối tượng mà Chúa Giêsu giảng dạy hôm nay được Tin Mừng ghi rõ là “những người Do-thái đã tin Đức Giêsu”. Như thế, dù đã tin, nhưng tội vẫn còn đó khi chưa được Chúa Giêsu cứu chuộc thì vẫn bị tội lỗi giam giữ.
Thông thường, nô lệ được hiểu như là một người làm tôi tớ phục vụ một ông chủ, hoàn toàn lệ thuộc ông chủ, không còn quyền lợi gì trên mình kể cả mạng sống. Người Do-thái cũng nghĩ như thế, khi họ nói, chính họ nói họ không làm nô lệ cho ai cả. Thế nhưng, hiểu rộng hơn là, khi chúng ta bị lệ thuộc điều gì thì chính chúng ta đang nô lệ cho điều đó. Chẳng hạn người ham tiền bạc thì nô lệ cho tiền bạc, kẻ sống theo dục vọng thì bị lệ thuộc bởi xác thịt…
Thời chế độ chiếm hữu nô lệ, thì nô lệ như một món hàng để mua bán, ông chủ có nhiều tiền thì mua được nhiều nô lệ về làm công. Nô lệ thì vĩnh viễn là nô lệ, không có tài sản, không có quyền lợi, và mất hết tự do, thậm chí còn hèn kém hơn cả một vật nuôi trong nhà. Trừ khi có một ai đó đến trả một giá đắt mà chuộc lại họ và cho họ được tự do.
Khi tội lỗi xâm nhập trần gian, con người đắm chìm trong tội, nô lệ cho mọi khuynh hướng xấu, bị giam hãm trong tội nguyên tổ, sự xuống cấp của một luân lý suy đồi “tội trần gian” và làm tôi cho ma quỷ. Tự sức con người không thể tự giải thoát mình, nên cần đến ơn Cứu Độ, Chúa Giêsu đã phải trả giá đắt để chuộc con người và đưa con người trở nên con cái tự do.
Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi” (Ga 8,35). Các ông chủ mua bán nô lệ với nhau, và người nô lệ rời khỏi chủ này lại bị buộc làm nô lệ chủ khác và thậm chí còn thê thảm hơn; còn Chúa Giêsu, Ơn Cứu Chuộc của Người có đó, nhưng để cho con người sự tự do lựa chọn, vì từ ngày sáng tạo, Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do. Sau khi giải phóng con người, Chúa Giêsu không bắt họ phải làm nô lệ Thiên Chúa, mà là phục hồi cho họ quyền làm con, mà làm con thì được tự do hưởng quyền thừa tự và ở mãi trong nhà Cha mình.

Có thấy lấy ví dụ minh họa rằng: Tội nguyên tổ như một quả bom pha chế bằng thuốc kiêu ngạo rơi xuống cắt đứt con đường nối nhân loại với Thiên Chúa tạo nên một cái hố sâu ngăn cách, từ đó bên phía nhân loại không làm sao vượt qua cái hố sâu để đến với Thiên Chúa được nữa. Chúa Giêsu đã dùng cây thập giá như cây cầu bắc qua cái hố sâu đó, cây cầu làm bằng gỗ khiêm tốn. Tuy nhiên, cây cầu đã có đó, nhưng nhân loại có tự do, họ có quyền chọn lựa bước qua cầu để về bên kia, hay đã quá quen và an phận trong tội mà ở lại…

Tóm lại, ơn cứu độ của Chúa Giêsu đến giải thoát nhân loại chúng ta khỏi bị nô lệ cho tội lỗi nhữa, mà được làm con cái Thiên Chúa và thừa kế gia nghiệp với Chúa Giêsu trong nước Cha của Người.

Lạy Chúa Giêsu, đã gần đến ngày tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, xin cho chúng con ý thức thân phận làm con của chúa, để nếu chúng con đang yếu đuối trong tội lỗi, thì mau mắn chạy đến với toà cáo giải xưng thú hết mọi lỗi lầm, hầu được Chúa phục hồi lại ân sủng quyền làm con. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN V MÙA CHAY

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 8,51-59
Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.”
Người Do-thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.
Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai? ” Đức Giê-su đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.”
Người Do-thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham! ” Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu! “
Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục diễn từ của Chúa Giêsu về chiều kích cứu độ. Những ngày qua, chúng ta đã suy niệm về chiều kích tự TỰ DO KHỎI LỀ LUẬT và TỰ DO KHỎI TỘI, hôm nay chúng ta suy niệm về chiều kích thứ ba là TỰ DO KHỎI CHẾT.
Để được tự do khỏi lề luật cần phải lấy luật yêu thương làm trọng (vượt qua cả sabát), để được tự do khỏi tội thì cần phải sống theo Sự Thật, và hôm nay để được tự do khỏi chết thì cần tuân giữ Lời của Chúa Giêsu.

Như thế nào là tự do khỏi chết?
Có lẽ trong chúng ta cũng không ít người có chung thắc mắc như người Do-thái xưa rằng: “Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết?”.
Có lẽ để giải thích vấn đề này, mọi người chúng ta sẽ nghĩ ngay rằng đó là Chúa Giêsu nói đến cái chết linh hồn, nghĩa là không được vào cõi vĩnh hằng.
Điều đó đúng, nhưng cách mà Chúa Giêsu nói hôm nay, mang một ý nghĩa biểu tượng gần hơn với tương lai xa mà chúng ta suy nghĩ. Khi giải thích: để được tự do khỏi tội thì cần sống trong sự thật vì sự thật sẽ giải phóng anh em, Chúa Giêsu cũng tuyên bố Người chính là Sự Thật. Thì nay khi giải thích để được tự do khỏi chết thì cần giữ Lời, mà Lời đó chính là Chúa Giêsu, là Logos, là Ngôi Lời và Lời chính là Sự Sống.
Với cách viết ảnh hưởng của triết học Hi-lạp về Logos, Tin Mừng thứ IV dùng chữ Logos (Lời) để chỉ Chúa Giêsu, nhưng Logos ở đây là một ngôi vị đồng bản tính với Thiên Chúa. Như vậy, nhiệm ý của câu nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết?”, nghĩa là ai có Lời thì không chết, hoặc ai có Chúa Giêsu thì được sống vì chính Người là Sự sống.
Đến đây ta có thể hiểu được hạn từ “chết” và “sống” mà Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng hôm nay: Khi con người không có Lời trong mình, thì con người không có Sự Sống và không có Tình Yêu, mà không có sự sống thì cũng có nghĩa là chết. Sống đối lập với chết. Con người bị cái chết trói buộc khi nằm yên trong tội, khi không có lòng yêu thương, khi không phát triển đạo đức, không rao giảng Lời… Một cái xác chết thì nằm một chỗ bất động, thì người nằm yên một chỗ và không có sự tiến tới trong nhân đức, không dấn thân, khư khư giữ lấy mặt chữ của luật đã lỗi thời, ngủ yên trong tội thì có khác gì đã chết. Trái lại, người có Lời là Lời Sự Sống và Tình Yêu thì sống động, tiến tới và dấn thân theo luật Tin Mừng để đến với tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa thì sống động, có Chúa trong tâm hồn thì chúng con nên sáng láng, sống động và vui tươi, còn không có Chúa thì chúng con chỉ là cái xác chết tối tăm và bất động. Xin cho chúng con biết mở rộng lòng để Chúa đến ở trong và ở với chúng con, để chúng con thật sự sống và sống động trong tình yêu dành cho Chúa và tha nhân. Amen

 

 

THỨ SÁU TUẦN V MÙA CHAY

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 10,32-42
Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su. Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi? ” Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” Đức Giê-su bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: “Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh”? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: “Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: “Tôi là Con Thiên Chúa”? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.”
Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.
Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.” Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

 

II. SUY NIỆM
Mở đầu Bài Tin Mừng hôm nay nhắc ngay đến việc người Do-thái lượm đá ném Chúa Giêsu, vì họ cho rằng Người phạm thượng khi dám coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
Luật Do-thái cho phép ném đá sau khi toà tuyên án tử hình cho phạm nhân. Còn đây, những người nghe Chúa Giêsu đã ném đá trực tiếp vào Người mà không cần xét xử, điều này cho thấy sự phẫn nộ của họ đã lên tới cực đỉnh. Họ coi việc phạm thượng đến Thiên Chúa như một tội tiền kết, đủ chứng cớ để tử hình mà không phải xét xử nữa.
Đối với Do-thái giáo, Thiên Chúa là Đấng duy nhất và không có thần nào khác ngoài Người. Giới răn thứ nhất và thứ hai trong thập điều dạy thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất và danh Thiên Chúa là chí thánh đến nỗi không được gọi danh Người. Cho nên ai dám xưng mình là ngang hàng Thiên Chúa thì là một trọng tội trên hết mọi tội trọng khác.
Có thể nói, người Do-thái không sai khi phản ứng lại mầu nhiệm đồng bản tính với Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng, vì toàn văn Thánh Kinh Cựu Ước (Luật và các Ngôn Sứ) không có một mặc khải minh nhiên nào về Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi. Thật vậy, mầu nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi” chỉ được Chúa Giêsu là Đấng đến từ trời mặc khải cho nhân loại. Chính vì vậy, mà ở đây chúng ta không nói gì để lên án người Do-thái là cứng lòng tin, nhưng điều cần suy niệm hôm nay là ý thức nguồn gốc “con Thiên Chúa” của mình để sống sao cho xứng đáng, đồng thời tin tưởng vào Thiên Chúa qua những kỳ công Người thực hiện trong vũ trụ, trong con người và trong mỗi cuộc đời chúng ta.

 

1. Nguồn gốc thần linh.
Chúa Giêsu nhắc lại lời Thánh Vịnh 82 rằng: “Hết thảy các ngươi đây, đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao” (Tv 82,6). Nói lên nguồn gốc con người có nguồn gốc thần linh, là con của Thiên Chúa. Mà đã là con thì không phải mang kiếp nô lệ.
Ở đây, ta không nhất thiết phải hiểu làm con theo kiểu “con vua thì lại làm vua”, nhưng cũng không sai, vì Chúa Giêsu đã cứu chuộc và cho con người được đồng thừa kế và hiển trị với Người.
Lại nữa, theo cách chú giải của thánh Augustino: “Chúa đã làm người để con người làm chúa”. Thánh nhân sử dụng chữ Domini và domini vừa có nghĩa là Chúa (viết hoa) vừa có nghĩa là ông chủ (viết thường). Như thế, nhờ công ơn cứu chuộc mà con người lãnh nhận, họ trở thành “vương đế”, nghĩa là làm chủ được chính mình trước tội lỗi, thế gian và ma quỷ.

 

2. Tin vào công việc Chúa làm.
Chúa Giêsu nói: “dù các ông không tin Tôi, ít ra cũng hãy tin các việc Tôi làm”.
Có vẻ như chính Chúa Giêsu cũng thừa nhận rằng, người Do-thái không thể tin được Người là một ngôi vị đồng bản thể với Thiên Chúa Cha, vì trong niềm tin của người Do-thái là độc thần, nên Người đành phải nại đến cớ “xem quả để biết cây” – nhìn những công việc Người thực hiện mà nhận ra quyền năng thiên tính của Người, mà cụ thể là chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền và phục sinh kẻ chết. Đặc biệt cách thực hiện của người không như các lang y, mà là ra lệnh cho mọi quyền lực ma quỷ, sự chết và tội lỗi phải tuân lệnh. Ngài dùng Lời sáng tạo để phục hồi: “hãy chỗi dậy, hãy sáng mắt, hãy ra khỏi người này…” giống như ngay từ lúc sáng tạo, Thiên Chúa phán: “hãy có ánh sáng,hãy có tinh tú…” và tức khắc xảy ra như vậy.
Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ, chính Chúa Giêsu đã khẳng định, con người chỉ biết có Thiên Chúa hiện hữu qua công trình sáng tạo, qua muôn kỳ công của Người, sự quan phòng của Người, và đặc biệt Người được mặc khải tròn đầy qua Chúa Giêsu Kitô. Người ta cũng nhận biết có Thiên Chúa qua Hội Thánh và qua các chứng nhân: vũ trụ sẽ ra sao nếu không có sự an bài của một quyền năng thượng trí sắp đặt, sự khôn ngoan ở đâu khi những con người ít học như các Tông Đồ mà lại trở nên lợi khẩu và làm những việc phi thường…
Với người vô thần thì tất cả chỉ là ngẫu nhiên và là những sự trùng hợp nào đó, đến nỗi những phép lạ hiển nhiên nơi Phatima, Lộ Đức… cũng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Họ không tin có Thiên Chúa đã đành, họ cũng tìm cách chống chế những gì tốt đẹp mà Giáo Hội và mỗi người Công Giáo đã thực hiện.
Còn không ít người Công Giáo thì lại thích tin theo những cái “được coi là mạc khải tư” nào đó hơn là tin vào Chúa Giêsu là mặc khải tròn đầy về Thiên Chúa được ghi lại trong Thánh Kinh và kho tàng đức tin nơi Giáo Hội.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con hôm nay biết ý thức vai trò làm con Thiên Chúa để sống cho xứng đáng là con thảo của Cha trên trời. Đồng thời luôn nhận ra Chúa hiện diện trong mọi kỳ công của vũ trụ, trong thế giới, trong con người và trong mọi biến cố cuộc đời. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN V MÙA CHAY

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 11,45-57
Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.
Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: “Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không? ” Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.

II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay nêu ra lý do mà Chúa Giêsu sẽ phải chịu tử nạn theo tính toán của giới cầm quyền Do-thái. Cái chết của Người làm tỏ lộ ý định nham hiểm của các thượng tế và người Pharisiêu, nhưng cũng qua cái chết của Chúa Giêsu mà ý định yêu thương của Thiên Chúa được tỏ bày: Chúa Giêsu không chỉ chết cho muôn dân mà còn để quy tụ muôn người về một mối.
Cuộc họp của giới cầm quyền Do-thái đưa ra những lo ngại rằng, nếu cứ để Chúa Giêsu làm phép lạ thì dân theo Người hết và quân Rôma sẽ đến phá hủy nơi thánh. Thời này, tuy bị đô hộ Rô-ma, nhưng do sự thỏa hiệp của phái Sa-đốc, nên giới cầm quyền được giữ lại những quyền lợi thuộc phạm vi tôn giáo, chỉ có dân đen là phải nai lưng đóng đủ loại thuế, vừa đóng theo luật tôn giáo vừa đóng cống nạp Rôma. Thế nên, cái lo ngại thực của giới cầm quyền tôn giáo không phải vì sợ mất nơi thánh, mà là mất chính cái ghế bù nhìn mà họ đang được hưởng.
Thượng tế Caipha đã nói toạc ra là: “Điều lợi cho các ông là dùng một người chết thay”. Phải, giết Chúa Giêsu thì sẽ không còn ai làm họ lao tâm khổ tứ vì lối sống tội lỗi của họ, cũng như có điểm mà báo cáo với Rôma. Như vậy, hai lý do quan trọng mà họ quyết giết Chúa Giêsu là một mũi tên nhắm hai đích: do sự ghen ghét và để lấy lòng Rôma nhằm được hưởng lợi.
Thế nhưng, theo cách viết của Tin Mừng thứ IV, Thiên Chúa lại làm phát sinh cứu độ qua sự tàn độc của con người: Con người giết Đức Giêsu nhưng đó lại là con đường cứu độ của Thiên Chúa, lưỡi đòng gian ác đâm thấu trái tim Chúa lại khơi nguồn tình yêu tha thứ… Đến nỗi trong đêm Phục Sinh Giáo Hội đã thốt lên: “Ôi, tội hồng phúc!”.

Theo cách chú giải này, Tin Mừng hôm nay đã coi lời nói vạch kế sách giết người của Caipha thành một lời tiên tri, và xa hơn nữa, không chỉ dừng lại trong phạm vi Do-thái mà là muôn dân được quy tụ trong ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô.
– Chúa Giêsu chết thay cho dân:
Xét về chính trị, Rôma sẽ xử những ai dám quy tụ dân chống lại họ và sẽ tàn phá đất nước dám khởi nghĩa. Chính vì thế, khi khép Chúa Giêsu vào tội nổi loạn, họ sẽ giết chết Người, và cứu được dân khỏi bị Rôma tàn sát. Tuy nhiên, trong ý định của Thiên Chúa, lại là ý định cứu độ: Chúa Giêsu chết để đập tan thần chết và để cứu dân khỏi tội lỗi.
– Cái chết của Chúa Giêsu quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối:
Trong bài giảng về “mục tử nhân lành”, Chúa Giêsu từng nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử’ (Ga 10,16). Như vậy, sau cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, một dân mới của Thiên Chúa được khai mở, không còn bị giới hạn trong dân tộc Israel nữa; con cháu của tổ phụ Abraham không chỉ thuộc huyết thống nữa mà là những ai tin vào Con Thiên Chúa; một cuộc tân sáng tạo bắt đầu, mọi Kitô hữu khắp nơi trên thế giới được sinh ra dưới chân thập giá và xuất phát từ cạnh sườn Chúa Giêsu. Sự sáng tạo ban đầu đã nhiệm lạ, thì ơn cứu độ còn lạ lùng biết bao.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa có thể biến tội thành phúc và làm cho toan tính của con người lại trở thành đường lối cứu độ. Xin đập tan những ý định xấu xa tội lỗi của chúng con vào trong trái tim yêu thương của Chúa, để chúng con không vì những lợi ích thấp hèn mà bàn kế hại đến tha nhân. Amen.

 

Hiền Lâm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...