Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Suy niệm Tin Mừng tuần VII Phục Sinh (Hiền Lâm)

 
THỨ HAI TUẦN VII PHỤC SINH
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 16,29-33
Các môn đệ Người thưa: “Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” Đức Giê-su đáp: “Bây giờ anh em tin à? Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.”
 
II. SUY NIỆM
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay là lời của các môn đệ thưa với Chúa Giêsu, rằng các ngài đã tin Người là Đấng từ Thiên Chúa mà đến. Chúa Giêsu ghi nhận niềm tin đơn sơ đó, nhưng Người cũng hiểu rõ các môn đệ chưa thực sự hiểu đúng về sứ mạng Thiên Sai của Người. Bởi cho đến lúc này, các môn đệ tin Chúa Giêsu được sai đến và chỉ chờ cho Người giải phóng dân Do-thái khỏi ách thống trị của Rôma và lên ngôi hiển trị, lúc đó các môn đệ sẽ được chia sẻ danh vọng và quyền lực với Thầy.
Chính vì thế mà Chúa Giêsu phải nói rõ ra là sắp đến “giờ của Người”, giờ ở đây không phải là chiêu tập binh mã để giải phóng theo kiểu trần thế, mà là “giờ đi vào cuộc khổ nạn”, giờ các môn đệ sẽ tán loạn bỏ lại Người một mình.
 
Lời nói của Chúa Giêsu vừa ám chỉ sự kiện sắp xảy đến là Cuộc Khổ Nạn của Người, khi mà các môn đệ có kẻ phản bội, người chối bỏ, kẻ chạy thoát thân để Người cô độc một mình; vừa tiên báo một tương lai xa là cuộc lữ hành trần thế của những ai theo Chúa Giêsu phải nếm trải gian nan khốn khó giữa thế gian. Nhưng ai can đảm trung kiên sẽ đạt đến chiến thắng, như Chúa Giêsu đã chiến thắng.
 
“Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,32-33).
Cùng với lời tiên báo chắc chắn cho ai theo Chúa phải kinh qua đau khổ, là lời khích lệ cho những ai can đảm trung kiên, thì sẽ được chiến thắng: ANH EM SẼ THẮNG NHƯ THẦY ĐÃ THẮNG THẾ GIAN.
 
Như vậy, sứ điệp chính của bài Tin Mừng vẫn là chân lý xuyên suốt toàn bộ Thánh Kinh Tân Ước và cũng là căn bản của Giáo Lý Kitô Giáo: “qua thập giá tới vinh quang”. Phải chiến đấu mới có chiến thắng. Những ai theo Chúa phải dám đối diện với đau khổ trong khi chống lại thế gian xác thịt, phải can đảm và trung kiên mới đạt đến chiến thắng cuối cùng. Chúa Giêsu, Đấng đã chiến đấu và đã chiến thắng vinh quang, đó là niềm hy vọng chắc chắn để Kitô can đảm chiến đấuvà đạt tới chiến thắng như Thầy Giêsu.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã kinh qua đau khổ thập giá rồi chiến thắng ma quỷ, thế gian và tội lỗi để bước vào trong vinh quang vĩnh hằng của Thiên Chúa. Xin cho chúng con can đảm chấp nhận những đau thương của cuộc đời trong thân phận làm con Chúa, để chúng con cũng đạt tới vinh phúc nước trời như Chúa đã hứa ban cho người chiến thắng. Amen.
 
 
THỨ BA TUẦN VII PHỤC SINH
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 17,1-11a
Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.
Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.
Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ. Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian
 
II. SUY NIỆM
Chương 17 của Tin Mừng Gioan là “lời nguyện hiến tế” của Chúa Giêsu.
Được gọi là lời nguyện hiến tế vì là lời cầu xin của Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc khổ nạn, chịu sát tế, hiến mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha để chuộc tội nhân loại.
 
Bài Tin Mừng hôm nay là phần đầu của lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha là Người sẽ ban cho các môn đệ sự sống đời đời: đó là nhận biết Chúa Cha và tin vào người là Đấng được Chúa Cha sai đến.
 
Chúa Giêsu muốn hễ ai thuộc về Người thì nhận biết Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi phải năng suy gẫm Lời Chúa, kiên trì cầu nguyện, tham dự phụng tự, để nhận được ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng trao ban các ơn hiểu biết và khôn ngoan (x.Cl 1,9). Từ ơn hiểu biết sẽ phát sinh tình yêu và các việc lành: Đây là khởi điểm của sự sống đời đời, trước khi tín hữu được thấy tỏ tường dung nhan Thiên Chúa viên mãn mai sau.
 
Lời khẳng định của Chúa Giêsu thật rõ ràng: “Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 17,2-3).
Được biết Thiên Chúa và nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai thật không dễ dàng, bởi vì việc nhận biết Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu không phải do trí hiểu hay thực nghiệm khoa học, mà là một ân ban của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói: Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ nếu Chúa Con không mặc khải cho, và cũng không ai đến được với Chúa Con nếu Chúa Cha không lôi kéo họ”.
 
Mọi tín hữu khi nghe lời này của Chúa Giêsu, thật là hạnh phúc khi được biết Thiên Chúa là Cha và tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và là Chúa của mình.
 
Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những người đã tin Chúa là Đấng được Chúa Cha sai đến để cứu độ chúng con; chúng con cũng được Chúa mặc khải cho biết Thiên Chúa là Cha sáng tạo và yêu thương săn sóc chúng con. Xin cho chúng con cũng biết dâng hiến cuộc đời mình để tôn vinh Cha trên trời như Chúa đã tôn vinh Chúa Cha khi hoàn tất công trình mà Cha giao phó là cứu độ chúng con. Amen.
 
 
THỨ TƯ TUẦN VII PHỤC SINH
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 17,11b-19
… Họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.
Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
 
II. SUY NIỆM
Tiếp tục trong Lời Nguyện Hiến Tế, Chúa Giê-su cầu xin Chúa Cha giữ gìn và thánh hóa các môn đệ của Người. Gìn giữ và thánh hóa là công việc của Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha cử đến làm Đấng Bảo Trợ cho Giáo Hội.
 
Có một điều rất quan trọng ở đây là, Chúa Giê-su chưa bao giờ cầu xin Chúa Cha đưa các môn đệ ra khỏi thế gian, vì chính Chúa Cha yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một là Chúa Giê-su đến để cứu thế gian; Chúa Giê-su cũng vì yêu thế gian mà Người đã nhập thể đi vào thế gian; và giờ đây Chúa cũng sai các môn đệ dấn thân vào thế gian để đem ơn cứu độ cho thế gian, như Người đã nói: “Như Cha đã sai Con thì Con cũng sai họ vào trong thế gian”.
 
Như vậy, Chúa Giê-su sai các môn đệ vào trong thế gian để tiếp bước hành trình cứu độ, chứ không phải tách các môn đệ ra khỏi thế gian. Và vì phải hòa nhập vào thế gian với bao hiểm nguy rình rập cùng những cảm bẫy làm sai lạc nên Chúa Giê-su đã cầu xin Chúa Cha giữ gìn và thánh hóa các môn đệ.
Là những môn đệ bước theo Chúa Giê-su, người Ki-tô hữu vẫn “đầu đội trời chân đạp đất”, nghĩa là Ki-tô hữu tuy đã được thánh hiến cho Thiên Chúa qua bí tích Rửa Tội thì vẫn đang sống trong thế giới này và phải đương đầu với mọi thách đố của thời đại.
Ki-tô hữu sống trong thế gian là để cùng với Chúa Giê-su cứu độ thế gian, mang trên mình vai trò và trách nhiệm thánh hóa thế gian, chứ không phải sống dửng dưng với thế gian và vô can với thế gian.
 
Tuy nhiên, như lời cầu của Chúa Giê-su xin Chúa Cha giữ gìn và thánh hóa các môn đệ, nghĩa là Người xin Cha cho các môn đệ sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian; môn đệ phải được thánh hóa trong sự thật và được gìn giữ khỏi ác thần.
Ki-tô hữu đồng hành với thế gian nhưng không bị đồng hóa, thánh hóa thế gian nhưng không để bị tiêm nhiễm những hành vi xấu của thế gian, rao giảng Sự Thật chứ không thỏa hiệp, bảo vệ những tiêu chuẩn luân lý chứ không nhân danh thời đại đễ hòa hoãn và giảm thiểu chuẩn mực sống theo ý Thiên Chúa.
 
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con là những người đang sống giữa thế giới hôm nay, một thế giới như mất niềm tin vào Thiên Chúa và sẵn sàng thỏa hiệp với sự suy đồi luân lý Ki-tô giáo. Xin Chúa gìn giữ và thánh hóa chúng con là những môn đệ của Chúa, để chúng con không dửng dưng và thỏa hiệp với sự xuống cấp đạo đức của thế giới, nhưng can đảm dấn thân để làm cho Tin Mừng Chúa được loan báo khắp nơi. Amen.
 
 
THỨ NĂM TUẦN VII PHỤC SINH
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 17,20-26
Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”
 
II. SUY NIỆM
Phần cuối của Lời Nguyện Hiến Tế là lời cầu xin của Chúa Giêsu với Chúa Cha nhắm tới tất cả những ai nhờ lời rao giảng của các môn đệ mà tin vàoChúa Giêsu. Nội dung của lời cầu xin là cho các kitô hữu được hiệp nhất nên một với nhau.
Toàn văn của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại hai chữ nên một: Nên một như tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, nên một để thế gian nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ, nên một để được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa và nên một để được nhận biết Cha…
 
+ Trước hết, mô hình tuyệt hảo của sự hiệp nhất chính là hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta”.
Sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi là tình yêu hướng về nhau: Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Con yêu Chúa Cha bằng Thánh Thần; tình yêu hướng về nhau đến độ nên một Thiên Chúa duy nhất. Như thế, Kitô hữu nên một với nhau nhờ tình yêu bác ái dành cho nhau.
Sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi là ở trong nhau: “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, Con ở trong chúng như Cha ở trong Con”. Kitô hữu được mời gọi luôn ở trong Chúa Giêsu và ở trong nhau. “Ở trong” được hiểu là cùng chia sẻ một niềm tin, một phép rửa, một tấm bánh, một Thánh Thần, và đặc biệt là trong cùng một chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô.
Thế nhưng, trải qua thời gian, Giáo Hội Chúa Kitô đã bị chia tách nhau, cụ thể là Kitô Giáo hiện nay bao gồm Công Giáo, Chính Thống, Anh Giáo, Tin Lành và ngay trong các nhánh này lại tách thêm nhiều giáo phái khác. Tấm áo choàng của Chúa Giêsu trong cuộc thương khó đã bị cắt làm 4 phần, thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô đang bị chia cắt. Chính vì thế mà lời cầu xin của Chúa Giêsu với Chúa Cha cho các kitô hữu được nên một lúc này khẩn thiết hơn bao giờ hết. Mỗi Kitô hữu có nhiệm vụ cầu nguyện và nỗ lực đóng góp phần mình cho sự hiệp nhất Giáo Hội, khởi đi từ sự hiệp nhất trong gia đình, lối xóm, giáo xứ, giáo phận…
 
+ Chính sự hiệp nhất nên một là một lời chứng hùng hồn để thế giới nhận ra Chúa Giêsu: “Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai Con và đã yêu thương họ như đã yêu thương Con”.
Thời nào cũng thế, đời sống chứng nhân luôn có tính thuyết phục hơn những bài giảng uyên thâm và hùng hồn: “lời nói lung lay, gương lành lôi kéo”. Mọi người dễ nhận ra Chúa Kitô hiện diện và tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa qua đời sống tốt lành của Kitô hữu, mà điều có sức thuyết phục hơn cả chính là các kitô hữu sống đoàn kết yêu thương nhau và hiệp một lòng một ý với nhau. Điều này luôn luôn đúng khi hầu hết những người trở lại đạo luôn làm chứng rằng họ bị thuyết phục vì đời sống chứng tá của Kitô hữu nơi học đường, xí nghiệp và đặc biệt nơi các xóm đạo.
Chính sự nối kết hiệp nhất với nhau tạo nên sức mạnh chống lại kẻ thù, mà kẻ thù lớn nhất của Kitô hữu chính là ma quỷ đang tìm mọi cách chia rẽ con cái Giáo Hội. Hiện nay, trên mọi ngõ ngách của cuộc sống và đặc biệt trong lãnh vực truyền thông xã hội, kẻ thù luôn tìm cách gieo rắc những thông tin trái chiều, cắt xén và bịa đặt để chia rẽ các thành phần trong Giáo Hội; nhiều kẻ lợi dụng các trang mạng, lập nhóm này trang nọ hay phòng chat kia để truyền bá những điều sai lạc với Giáo Lý Thánh Kinh, cào bằng và lên án các mục tử, lôi kéo nhiều người Công Giáo đặc biệt là các bạn trẻ theo chúng mà xa lìa chân lý của đạo Công Giáo. Chính vì thế, hơn lúc nào hết, sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi mọi người hãy cùng đoàn kết nên một trong một đức tin được thông truyền từ Chúa Giêsu qua các Tông Đồ đến cho Giáo Hội. Đức tin tông truyền là bất biến, đức tin đó đòi hỏi các Kitô hữu hiệp nhất với các Đấng đại diện Chúa để làm cho nước Chúa ngày một lan rộng trên thế giới này.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một lòng mến, như Chúa luôn hiệp nhất trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần Tình Yêu. Amen.
 
 
THỨ SÁU TUẦN VII PHỤC SINH
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 21,15-19
Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? ” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”
 
II. SUY NIỆM
Chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng, sở dĩ Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô “con có yêu mến Thầy không?” tới 3 lần là vì trước đó thánh nhân đã chối Chúa tới 3 lần. Điều này không sai, nhưng có lẽ không chỉnh lắm, vì việc chối Chúa là điều nghịch với đức tin, trong khi ở đây Chúa Giêsu đang hỏi thánh Phêrô về đức mến.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta không nhằm bàn chuyện 3 lần chối tương đương 3 lần yêu, mà điều quan trọng là Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta: điều kiện đứng đầu trong các điều kiện của vai trò mục tử là lòng yêu mến Chúa.
 
Khi thiết lập người đứng đầu Giáo Hội, Chúa Giêsu lại đặt một vị đã từng 3 lần chối Chúa. Nếu xét theo cách nhìn của chúng ta thì có lẽ Phêrô không xứng đáng và không đủ tiêu chuẩn làm mục tử. Nhưng dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, Người không nhìn Phêrô của ngày hôm qua mà là bắt đầu từ lúc này và hướng về tương lai. Phêrô từng lầm lỡ và khiêm tốn ăn năn để đứng lên, nên cũng chính Phêrô cảm thông được với những con chiên mà Chúa Giêsu trao phó cho ngài. Thiên Chúa đi tìm con chiên lạc thay vì ở nhà với 99 con chiên không lạc. Thiên Chúa cũng chọn một vị mục tử đã từng lạc lối, nhưng điều quan trọng là: “này Phêrô, một khi anh đã trở lại, anh hãy làm cho anh em vững tin”.
 
Khi đặt Phêrô làm mục tử chăn dắt Giáo Hội hoàn vũ, Chúa Giêsu chắc chắn không dựa trên tiêu chuẩn: thông minh, tài giỏi, oai phong, lợi khẩu… mà là lòng yêu mến. Chúa Giêsu chọn Phêrô vì thánh nhân đã yêu mến nhiều. Phêrô yêu mến nhiều là vì “ngài đã được tha thứ nhiều” (x.La 7,47).
Và vì yêu mến là tiêu chuẩn Chúa chọn mục tử, thì đòi hỏi mục tử cũng phải biết chăn dắt chiên bằng lòng yêu mến, chứ không phải bằng sự độc tài, quyền thế và chiếm hữu.
Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành hy sinh mạng sống vì yêu mến đoàn chiên, thì đến lượt mục tử Phêrô cũng hy sinh tính mạng vì đoàn chiên như Thầy: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy” (Ga 21,18-19).
 
Mục tử có thể thiếu thiếu những tiêu chuẩn khác như thông minh hay lợi khẩu, nhưng mục tử không thể thiếu lòng yêu mến; có làm được mọi sự phi thường, nhưng không có lòng mến thì vô ích. Cảm nghiệm được điều này, thánh Phaolô đã nói: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi (1Cr 13,1-3).
 
Người Do-thái không dùng thể so sánh tuyệt đối, nhưng dùng sự lặp lại 3 lần để chỉ điều tuyệt đối. Vì thế, khi lặp lại 3 lần sự tuyên xưng yêu mến thì có nghĩa là mức độ yêu mến của mục tử là trên hết và là điều kiện quan trọng nhất trong mọi điều kiện. Cuộc đối thoại hôm nay giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô nói rõ cho biết làm Kitô hữu có nghĩa là gì. Mỗi ngày, Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta có yêu mến Người một các đặc biệt và ‘trên hết mọi sự’ hay không: “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Cũng như thánh Phêrô, chúng ta trả lời “có”, mặc dù chúng ta đầy những yếu đuối; và Chúa Giêsu lại mời gọi chúng ta bước theo Người vì tình yêu (x.Ga 19), và cùng với Người gánh vác Dân Thiên Chúa.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn thánh Phêrô làm người chăn dắt Giáo Hội vì thánh nhân đã yêu mến Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, tất cả mọi quyền bính trong Giáo Hội đều khởi đi từ lòng yêu mến, và đức mến là đồng phục của mọi Kitô hữu, để chúng con giữ trọn điều răn Chúa là: “Trước yêu mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy” Amen.
 
 
THỨ BẢY TUẦN VII PHỤC SINH
Ngày 14 tháng 5: THÁNH MATTHIA TÔNG ĐỒ, lễ kính
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 15,9-17
Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
 
II. SUY NIỆM
Hôm nay, mừng lễ kính thánh Matthia tông đồ, chúng ta được nghe bài Tin Mừng về “điều răn mới” của Chúa Giêsu là hãy yêu thương nhau. Tình yêu đối với người môn đệ được mời gọi ở lại trong tình yêu của Thầy Giêsu, môn đệ phải biết yêu như Thầy đã yêu và sẵn sàng trao ban tất cả. Đó là tình yêu cao quý nhất:
 
– Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.
Ở lại trong tình yêu của Chúa là muốn được gần gũi với Chúa, muốn đặt niềm tin cậy phó thác vào Chúa, muốn Chúa làm chủ đời sống và làm lẽ sống cho cuộc đời.
Ở lại trong tình yêu của Chúa là ở lại trong tình bạn hữu với Chúa. Cảm nghiệm ta có về tình bạn với Chúa giống như cảm nghiệm của hai người yêu nhau.
Hai người yêu luôn cảm thấy gần gũi nhau. Khi xa nhau, họ vẫn tưởng nhớ đến nhau, nhớ bóng dáng người yêu, ánh mắt của người yêu và cả tiếng thì thầm của người yêu. Nói cách khác, họ cách mặt mà không xa lòng.
Một anh lính ở sa trường, cách xa cô thôn nữ là người yêu của anh hàng vạn dặm, chiếc khăn mùi soa ngày anh lính lên đường trở thành một kỷ vật thiêng liêng như là hình ảnh của người yêu.
Cảm nghiệm của ta có được về tình yêu và tình bạn với Chúa cũng tương tự như vậy. Có được cảm nghiệm về tình yêu, tình bạn với Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong chúng ta, bên chúng ta và xung quanh chúng ta. Khi ăn uống, làm việc, giải trí và cả khi ngủ nghỉ, chúng ta cũng cảm nghiệm sự diện diện của Chúa.
Từ đó, cũng như hai người yêu nhau, họ muốn làm cho nhau được vui và tránh mọi thứ có thể gây buồn cho nhau. Thì đây, khi ở lại trong tình yêu của Chúa, chúng ta cũng lo tránh tội lỗi để không làm buồn lòng Chúa và lo luyện tập nhân đức là tuân giữ các điều răn của Chúa.
 
– Yêu như thầy đã yêu.
Viết Tin Mừng cho người Hi-lạp, Tin Mừng thứ IV tường thuật định nghĩa về tình yêu của Chúa Giêsu ở một mức độ cao nhất mà các học giả Hi-lạp đương thời đưa ra ba cấp độ là eros, filia và agape. Eros là chiếm hữu, filia là còn có qua có lại, còn agape là yêu một cách vô vị lợi. Chúa Giêsu đã chọn yêu con người trong mức độ cao nhất là yêu cách nhưng không và chết đi cho người mình yêu. Người cũng mời gọi các môn đệ: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”
Như một chàng trai muốn tìm kiếm bạn đời, mà cứ ở một chỗ, không đến nhà cô gái, không tìm gặp nàng, không trao đổi tìm hiểu nàng, mà cứ ở nhà gọi điện thoại, gửi tin nhắn, thư điện tử… để tỏ tình, thì làm sao cô gái kia nhận lời được? Chúa Giêsu cũng thế, nếu Ngài cứ ở trên trời nói vọng xuống: “Ta yêu các con, Ta sẵn sàng chết vì các con…” thì làm sao con người kiểm chứng được tình yêu đó và đáp lại được? Vì thế, Chúa Giêsu phải xuống với con người, cùng chấp nhận kiếp sống, cùng đồng hành chia sẻ và sẵn sàng hy sinh để cứu con người là đối tượng mà Ngài yêu.
Như vậy, yêu như Thầy đã yêu, nghĩa là không so đo tính toán mà là tình yêu nhưng không và hi sinh cho nhau. Chúa Giêsu yêu chúng ta và hy sinh chính mình cho chúng ta, thì đến lượt chúng ta cũng biết hi sinh cho nhau.
 
– Tình yêu lớn nhất:
Khi hai người yêu nhau, những thứ thư từ, quà cáp, tiền bạc, lời nói… chỉ là những thứ phụ thuộc, điều họ cần chính là con người của nhau, cần hiến dâng hoàn toàn cho nhau, cần được kết hợp với nhau tuy hai mà một…, và đó cũng là chất thể của Bí Tích Hôn Nhân. Hơn ai hết, Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu, Ngài quá thấu hiểu sự thiếu thốn của con người là đối tượng yêu của Ngài. Những lời nói, hành động của Ngài để lại thật quý, nhưng có gì quý hơn và con người cần hơn? Có gì minh chứng tình yêu hơn là sự trao ban chính thân mình Ngài cho con người?
Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13). Thổ lộ cho ai về cảnh ngộ cá nhân hay gia đình, ngay cả những tâm tư và bí mật của đời mình là dấu chỉ mình tín nhiệm người đó kín đáo, muốn gần gũi với người đó và muốn mở lòng để người đó đi vào đời mình. Ðó là cách thế Ðức Giêsu đã làm để trở nên bạn hữu với ta: Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết (Ga 15,15).
 
Tóm lại, tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào. Tuy nhiên, người môn đệ có một tiêu chuẩn để diễn tả tình yêu đích thực là tuân giữ điều răn yêu thương của Chúa dành cho tha nhân, yêu thương một cách vô vị lợi, không so đo tính toán thiệt hơn, mà là YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU khi sẵn sàng hi sinh cả tính mạng vì bạn hữu.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu và yêu đến cùng khi trao ban đến giọt máu cuối cùng trên thập giá, xin cho chúng con cũng biết yêu thương, hi sinh và trao ban cho nhau một cách không so đo tính toán, để chúng con trở nên môn đệ đích thực của Chúa, là BIẾT YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ CHÚA ĐÃ YÊU THƯƠNG CHÚNG CON. Amen
 
Hiền Lâm
 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...