Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Suy niệm Tin Mừng tuần XXII Thường Niên, 2016 (Hiền Lâm)

 
THỨ HAI TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Ngày 29/08: Lễ nhớ thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 6,17-29
Vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài! ” Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.
Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây? ” Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.”Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.
 
II. SUY NIỆM
Tin Mừng hôm nay kể lại chi tiết về cuộc “tử đạo” của thánh Gioan Tẩy Giả, làm nổi bật lên ba hình ảnh tương phản nhau, tiêu biểu cho cách sống của chúng ta ngày hôm nay:
 
– Hêrôđê – Bảo vệ danh dự bằng mọi giá: Mặc dù Hêrôđê Antipas này chỉ là một tiểu vương bù nhìn và bị hạn chế quyền hạn bởi Archelaus và Philatô, nhưng là một trong ba người con của Hêrôđê Cả, nên Hêrôđê Antipas cũng có nhiều thân hữu bá quan trong hoàng tộc. Ông đã cưới bà Hêrôđiađê từng là vợ của anh mình là Hêrôđê Philipphê (tiểu vương vùng bên kia sông Gio-đan). Ông bị thánh Gioan Baptista can ngăn việc cưới bà Hêrôđiađê. Cái tội của Hêrôđê Antipas chính là việc để cho mình bị thú vui nhục dục che khuất, loạn luân, rơi vào cái bẫy “mỹ nhân kế” của mẹ con bà Hêrôđiađê bày ra, rồi lỡ miệng thề thốt trong cơn say, cuối cùng để bảo vệ danh dự, ông đã phạm vào tội ác giết người vô tội.
Xã hội ngày hôm nay, và cách riêng mỗi người chúng ta, giữa những cám dỗ thế tục lôi cuốn làm cho chúng ta sa ngã, những thú vui nơi các cuộc ăn chơi – tụ điểm múa nhảy, rồi kéo theo những hệ luỵ sau đó không còn kiểm soát được. Rồi một khi, ai đó dám cảnh tỉnh chúng ta, thì thay vì biết quay đầu sửa lỗi, lại tìm các ám hại người nhắc nhở mình, thậm chí sẵn sàng hãm hại người khác để bịt đầu mối và bảo vệ danh dự của mình.
 
– Bà Hêrôđiađê – thủ đoạn hiểm ác của một số người phụ nữ: Bà từng là vợ của tiểu vương Hêrôđê Philipphê (cũng là một trong ba người con của Hêrôđê Cả), do bị thánh Gioan Baptista can ngăn, làm ảnh hưởng đến chuyện tư tình của mình với Hêrôđê Antipas, nên nuôi lòng thù hận và đã bày ra trò “mỹ nhân kế” của cô con gái rồi dùng bàn tay tình nhân để hãm hại người công chính.
Không ít những chị em xưa cũng như nay, không ngại dùng nhiều thủ đoạn thậm chí còn tàn độc hơn cả Hêrôđiađê để trả thù những ai dám cản trở những cuộc tình mờ ám hay những việc làm sai trái của mình.
Xa hơn, hình ảnh bà Hê-rô-đi-a-đê và cô con gái của bà phản ảnh một thực trạng xã hội ngày hôm nay, khi người ta không ngại dùng bất cứ thủ đoạn gì để thực hiện kế hoạch có lợi cho mình, sẵn sàng sát hại đồng loại vì lo ngại họ cản trở đường thăng tiến của mình.
 
– Thánh Gioan Baptista – Chứng nhân cho sự thật: Đứng trước tội loạn luân của Hêrôđê Antipas và Hêrôđiađê, thánh Gioan Baptista không ngại khiển trách can ngăn, mặc dù biết rằng phải đối diện với cái chết, và ngài đã phải trả giá bằng việc bị trảm quyết.
Giữa đời sống này, thời nào cũng thế, trước cường quyền và bất công xã hội, ai dám lên tiếng thì bị đàn áp và làm khó dễ, thậm chí mất mạng; còn kẻ im lặng và xu nịnh sẽ được trọng dụng và thăng tiến.
Giữa một xã hội đầy giả dối, cùng với lối sống suy đồi đạo đức luân lý như thế, Giáo Hội rất cần những con người dám nói lên sự thật, rất cần những người dám đi ngược dòng bằng việc sống trong sạch đạo đức… và rất cần những con người dám đấu tranh để bảo vệ công lý và đạo đức, dù phải trả giá đắt như các Đấng tử đạo vì sự thật mà phải hi sinh.
 
Tóm lại, khi tưởng nhớ ngày vị thánh Tiền Hô của Chúa chịu trảm quyết về sự thật, chúng ta được mời gọi nhìn lại mình, ngay lúc này đây và trong thế giới này, trong đất nước này, trong cộng đoàn này, TÔI LÀ AI trong 3 nhân vật kia? Tôi bất chấp để lo bảo vệ danh dự, tôi sống thủ đoạn hiểm ác hay tôi đang dám sống cho sự thật?
 
Lạy Chúa, giữa xã hội ngày hôm nay đầy cám dỗ buông thả và toan tính lọc lừa, xin cho chúng con biết sống tiết độ, xa lánh những lối vui chơi không lành mạnh và đặc biệt dám can đảm làm chứng cho sự thật. Amen
 
 
THỨ BA TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 4,31-37
Chúa Giêsu xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.
Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng:”Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! “Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này! ” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất! ” Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.
 
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay minh chứng sức thuyết phục của Lời Chúa, và sức mạnh của Lời có sức chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ ra khỏi con người.
Có hai ý chính để suy niệm:
 
1. Tin, biết và yêu.
Tôi biết anh A chị B, nhưng chắc gì tôi đã yêu mến họ, tôi tin có ông này bà nọ hiện hữu, nhưng chắc gì tôi yêu thích họ và tìm đến gặp họ?
Cũng vậy, người Do Thái biết rất rõ về nguồn gốc Chúa Giêsu và họ rất thông thạo Thánh Kinh nói về Người, nhưng họ không tin và không yêu mến… Ma quỷ cũng biết khi kêu lên: “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! “
Ma quỷ tin có Chúa Giêsu hiện diện, nó biết rất đúng về Chúa Giêsu, thậm chí còn tuyên xưng Ngài giữa đám đông, nhưng liệu nó có yêu Ngài không? Thưa không.
Chúng ta cũng cần tự vấn về mình, chúng ta vẫn cho rằng mình tin có Chúa, chúng ta tin Chúa Giêsu ngự trong Bí Tích Thánh Thể… nhưng liệu chúng ta có yêu mến Ngài thật không? Tin là một chuyện, nhưng có yêu mến hay không lại là một chuyện khác.
Chúng ta tự hào là biết Thiên Chúa, qua học hỏi, qua nghiên cứu, qua những khảo luận thần học, chúng ta thậm chí tự hào về kiến thức đầy mình về Thiên Chúa, nhưng có bao giờ chúng ta cầu nguyện tâm sự với Ngài không? Có đến viếng Thánh Thể không?
 
2. Uy quyền của LỜI.
Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!”
Lời Chúa có một uy quyền đặc biệt là xua trừ được ma quỷ ra khỏi con người, chữa lành bệnh tật linh hồn và biến đổi nên con người mới trong Chúa Kitô.
Chính Chúa Giêsu trong khi vào sa mạc chịu cám dỗ, Người cùng dùng Thánh Kinh để chống trả ma quỷ và Người đã chiến thắng.
Tự vấn lại chính mình, chúng ta có yêu mến Lời Chúa, và dùng Lời Chúa để chống lại những cám dỗ và thói quen, đam mê và ước muốn xấu không?
Lời Chúa có quyền năng xua trừ thế lực ma quỷ đang ngày đêm rình rập xui khiến chúng ta phạm tội, vì thế mong mọi người biết năng đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày.
Lời Chúa con có sức thánh hoá và tăng sức mạnh cho đời sống thiêng liêng của chúng ta, vì thế, nếu chúng ta biết yêu mến, đọc, suy niệm và cầu nguyện bằng Lời Chúa mỗi ngày, thì Lời Chúa sẽ biến đổi chúng ta ngày một nên hoàn thiện.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con không chỉ biết Chúa bằng lý thuyết, mà còn biết kết hiệp với Ngài bằng cả con tim yêu mến, và sự yêu mến Chúa trước hết được thể hiện bằng việc chuyên chăm lắng nghe và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày. Amen.
 
 
THỨ TƯ TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 4, 38-44
Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.
Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa! ” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô.
Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.
 
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục kể về một ngày cuối tuần, lịch sống và làm việc Chúa Giêsu: Sau khi đã giảng một bài làm cho dân chúng nức lòng ca ngợi trong hội đường Caphanaum, trưa Chúa Giêsu ghé nhà học trò chữa lành bà nhạc của trò Phêrô, chiều tối làm bác sĩ đa khoa, mờ sáng ngày tới đi cầu nguyện.
Chúng ta cùng dừng lại suy niệm ba điểm sau đây:
 
1. Chữa lành.
Khác với những tường thuật khác, Chúa Giêsu thường đòi hỏi một sự van xin khẩn thiết hoặc một lời tuyên xưng đức tin thì Người mới ra tay chữa bệnh, nhưng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu chỉ cầm lấy tay bệnh nhân, hoặc đặt tay lên họ để chữa bệnh mà không nói gì cả. Có lẽ đây là lần duy nhất thánh Phêrô về tham bà mẹ vợ được Tin Mừng nói đến, thiết nghĩ có lẽ Phêrô đã mời Chúa Giêsu ghé nhà bà nhạc nghỉ chân sau những ngày vất vả. Chúa đã cúi xuống, cầm tay và chữa lành bệnh cảm sốt cho bà mẹ vợ Phêrô.
Hành động này nói lên ý nghĩa, chúng ta chỉ thực sự được lành sạch bệnh linh hồn, khi mời Chúa đến ghé thăm tâm hồn ta, Chúa đã không ngại cúi xuống thì ta cũng hãy đưa tay cho Người nắm lấy và nâng chúng ta đứng dậy khỏi sự khốn cùng mà tội lỗi đang đè nặng trên chúng ta.
Mọi người đã đem đến cho Chúa Giêsu đủ loại bệnh nhân và Người đã đặt tay chữa lành họ. Cũng vậy, Chúa sẽ không thể chữa lành chúng ta nếu chúng ta không chạy đến với Người, Chúa cũng không thể tha thứ tội lỗi và chữa lành thương tích trong linh hồn chúng ta nếu chúng ta không chịu đem hết mọi tội lỗi đi xưng thú qua bí tích Hoà Giải. Hãy để cho Chúa đặt tay trên chúng ta, nghĩa là để cho Chúa đụng chạm thật sự vào linh hồn chúng ta, để chúng ta được thánh hoá.
 
2. Cầu nguyện
Nhiều lần các Tin Mừng kể về việc Chúa Giêsu cầu nguyện, chẳng hạn như: “Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình” (Mt 14,23). “Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). “Sau khi bảo các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia về thành Betsaida trước, Người ở lại giải tán đám đông rồi một mình lên núi cầu nguyện” (Mc 6,45-46)…
Chúng ta để ý đến hai chi tiết: sáng sớm thức dậy Chúa Giêsu đi cầu nguyện và chiều đến sau khi giải tán đám đông, Chúa Giêsu đi cầu nguyện.
Cầu nguyện đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Mọi người có thể cầu nguyện mọi lúc mọi nơi với nhiều phương cách. Tuy nhiên, nơi mỗi xứ đạo chúng ta từ xưa đến nay vẫn giữ được thói quen tốt là đến nhà thờ vào lúc khởi đầu và kết thúc mỗi ngày.
Tốt đẹp biết bao khi mọi Kitô hữu chúng ta luôn giống Chúa Giêsu, để rồi:
– Vừa tảng sáng, chúng ta đã đến nhà thờ để cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ để cầu xin Chúa hướng dẫn, bổ sức và đồng hành với chúng ta bắt đầu một ngày sống tốt lành.
– Tối đến, lại đến nhà thờ để đọc kinh tạ ơn Chúa về một ngày đã qua, xin Chúa thứ tha những thiếu sót, xin Chúa chúc lành và gìn giữ cho một giấc ngủ bình an.
 
3. Rao giảng.
“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.”
Rao giảng Tin Mừng luôn là một việc cấp bách và liên tục, không dừng lại ở một nơi hay một nhóm ngươi nhất định, mà phải từ nơi này đến nơi khác, cho bất cứ ai chúng ta gặp gỡ và đi đến. Cần ý thức sứ vụ của tất cả Kitô hữu chúng ta là truyền giáo, truyền giáo trong cả lời nói và hành động thiết thực qua đời sống yêu thương, bác ái và xả thân phục vụ…
 
Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn lại một ngày sống của Ngài là rao giảng, phục vụ và cầu nguyện. Xin cho mỗi một ngày sống của mỗi Kitô hữu chúng con cũng hoạ lại ngày sống của Chúa, để trong mọi sự chúng con sống dưới sự hiện diện của Ngài và làm chứng cho Ngài. Amen.
 
 
THỨ NĂM TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 5, 1-11
Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! ” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
 
II. SUY NIỆM
Rao giảng Tin Mừng không phải là một kinh nghiệm cá nhân, nhưng do bởi sự hướng dẫn của Chúa, nghĩa là “vâng lời Thầy” chúng ta ra đi, và dám đi đến những chỗ nước sâu xa bờ, mới mong cứu vớt được nhiều linh hồn về cho Chúa. “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá” là can đảm đối diện với cuộc đời và với những khó khăn phía trước để truyền bá Tin Mừng.
 
1. Chèo thuyền ra chỗ sâu mà thả lưới.
– “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá”, nghĩa là ra khơi, tiến tới nơi nguy hiểm. Trong một số huấn từ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời gọi toàn thể Giáo Hội đừng ngần ngại “tiến ra chỗ nước sâu” để đối thoại với thế giới, để gặp gỡ con người thời đại và giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người.
– “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá”. Cá nhỏ ở thường ở theo bờ, cá lớn thì ở chỗ nước sâu, muốn thả lưới ở chỗ nước sâu phải ra khơi mà ra khơi thì nguy hiểm, vì thường gặp sóng to gió lớn. Nên ra khơi đòi người thả lưới bắt cá phải can đảm, phải dấn thân. Có “dấn thân” và “yêu nghề” thì người thả lưới mới luôn năng động, biết biến đổi hoàn cảnh và tận dụng mọi thời cơ, biết rút tỉa kinh nghiệm và luôn học hỏi để nâng cao tay nghề cho khả năng làm việc của mình hữu hiệu hơn, biết tận dụng mọi phương tiện cần thiết đúng nơi và đúng lúc, biết khai thác những thuận lợi và tìm cách tháo gỡ những khó khăn trong môi trường làm việc của mình.
– “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá”, “muốn bắt cọp, phải vào hang”. Chúa khuyến khích chúng ta hãy can đảm đối diện với cuộc đời, với những khó khăn tưởng chừng như đã có lần đè ta quỵ ngã. Hãy đứng lên tiến về phía trước, vì Chúa đang mời gọi và đồng hành với chúng ta. Lịch sử truyền giáo từ xa xưa đã ghi lại những tâm gương hào hùng, đầy cảm động và thương tâm về những con người đã hy sinh khi “đến những chỗ sâu” để chài lưới bắt người, để chinh phục con người bằng Giáo Lý và đời sống bác ái yêu thương.
– Như vậy, Chúa Giêsu muốn nói với từng người trong chúng ta, dù mình ở trong vai trò nào, cũng dám dấn thân không ngại khó ngại khổ, để danh Chúa được nhiều người nhận biết. Chứ không né tránh, an thân hoặc sống phản chứng, không những không “bắt được cá” là đem các linh hồn về cho Chúa, mà còn làm lưới rách là các phương tiện thiêng liêng Chúa trao cho chúng ta cũng bị chúng ta làm cho hư hại…
– Tuy nhiên, các tông đồ ra khơi trên một con thuyền có Chúa, thì chúng ta cũng thế, không ai cho cái mình không có, chúng ta nói về Chúa thì chính mình phải có Chúa trước, chúng ta phải sống với Chúa rồi mới đem Chúa đến cho người khác được, chúng ta rao giảng Lời Chúa thì trước hết chúng ta phải học hỏi và suy niệm Lời Chúa rồi mới có khả năng truyền đạt cho tha nhân…
 
2. “Vâng lời Thầy, con thả lưới”.
– “Vâng lời Thầy, con thả lưới”. Với kinh nghiệm đầy mình về nghề chài lưới, nhưng tự sức mình Phêrô đã thất bại, nhưng khi Phêrô bỏ đi cái tôi của mình, để tin tưởng và vâng phục Chúa, ông đã thành công với “mẻ cá lạ lùng”.
– “Vâng lời Thầy, con thả lưới”. Phêrô khi đáp trả vâng lệnh Chúa, đã không sống ỷ lại căn cứ vào kinh nghiệm riêng cá nhân, không ỷ lại vào những an toàn phàm trần, không nương tựa vào những suy tư và hành động của riêng cá nhân mình.
– Mẻ cá của Phêrô năm xưa đã làm cho ông nhận ra sự yếu đuối của mình và cuối cùng ông đã bỏ lại mọi sự để theo Chúa. Thật vậy, điều quan trọng hơn cả là sau những chiến tích làm được, Phêrô không tự hào cho công trạng của mình, nhưng ông đã đến quỳ dưới chân Chúa để nhìn nhận sự yếu kém của mình. Đây là bài học lớn cho mỗi người chúng ta, đàng sau một thất bại, chúng ta không nản chí, nhưng tin tưởng vào Chúa và vâng lời Người chúng ta làm theo Chúa hướng dẫn thì thành công sẽ đến. Khi thành công, hãy quy hướng cho vinh quang Chúa, chứ đừng tự đắc là do mình.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khi rao truyền lời Chúa, không ỷ lại vào kinh nghiệm và khả năng riêng mình, nhưng biết luôn xin ơn soi dẫn, để vâng lời Ngài, chúng con dám can đảm đối diện và dấn thân đến những mảnh đất tâm hồn chai đá và nơi khó khăn nhất, để đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen.
 
 
THỨ SÁU TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 5, 33-39
Các người Pha-ri-siêu và kinh sư nói với Chúa Giêsu: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống! “Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.”
Đức Giê-su còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.
“Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư.Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: “Rượu cũ ngon hơn.”
 
II. SUY NIỆM
Ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí là ba sinh hoạt chính trong đời sống đạo đức của Do Thái Giáo. Họ có một cuộc“đại chay” bắt buộc nhân ngày lễ xá tội. Đồng thời họ cũng có những cuộc chay tịnh khác mang tính cách tập thể, chẳng hạn vào các ngày tổ quốc gặp hoạn nạn. Ngoài ra, những người đạo đức còn ăn chay vì lòng sốt sắng, như các môn đệ của Gioan Tẩy giả và những người Biệt Phái, họ thường ăn chay mỗi tuần hai lần. Chung quy lại, ăn chay đối với Do Thái Giáo bao gồm ba ý nghĩa chính:
– Để tỏ lòng sám hối và xin ơn.
– Đợi chờ Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân khỏi ách đô hộ ngoại bang.
– Lòng đạo đức.
 
Từ đó, chúng ta có thể hiểu, những người thắc mắc về việc ăn chay trong bài Tin Mừng hôm nay là ăn chay bởi sự nhiệt thành đạo đức. Bởi vì, ngay trong lời thắc mắc của họ: “Tại sao môn đệ của Gioan và Biệt Phái ăn chay, còn môn đệ thầy thì không?”
Theo trình tự của Tin Mừng, đây không phải là dịp xá tội để giữ chay theo mùa, đây cũng không phải việc cố ý thắc mắc vì không tin Đấng Cứu Độ đã đến, vì chính Gioan Tiền Hô (bao gồm các môn đệ của ngài) đã tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.
Lại nữa, trong câu trả lời của Chúa Giêsu: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?” Nghĩa là trong THỜI GIAN CỦA SỰ VUI MỪNG – thời gian của Đấng Cứu Độ đã đến và đang ở giữa họ, chứ không phải thời gian Cựu Ước đợi chờ nữa. Chúa Giêsu còn lấy ví dụ về “miếng vải mới không thể vá vào áo cũ”, nghĩa là Ngài lên án về việc người Do Thái muốn dùng cái đạo đức của mình để áp đặt cho người khác, họ muốn dùng cái bình luật cũ để đổ rượu giao ước mới vào.
 
Như vậy, qua việc chất vấn của người Do Thái, Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này, dạy chúng ta những bài học sau:
– Đừng học đòi những người bắt bẻ môn đệ Chúa Giêsu về việc ăn chay bởi vì họ xét đoán người khác, bắt người khác làm theo ý của mình, bắt người khác phải giống như họ, tạo ra một khuôn mẫu để bắt người khác phải chiều theo ý mình.
– Trở thành môn đệ Chúa Giêsu, ta phải thay đổi cách sống cũ, từ suy nghĩ đến hành động, để mặc lấy cách suy nghĩ, cách hành động, cách sống mới cho phù hợp với Tin Mừng.
– Vải vá áo, rượu trong bình là hình ảnh diễn tả đời sống của tôi. Chúa muốn tôi buớc theo Chúa thì cần phải thay đổi cách sống cho phù hợp với Tin mừng. Thay đổi tư tưởng, lời nói và hành động Thay đổi để trở nên giống như Chúa Giêsu, hiền lành, khiêm nhượng, yêu thương phục vụ, khoan dung tha thứ…
 
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết “ôn cố tri tân”, là trong khi vẫn giữ những lề luật của Chúa, nhưng biết áp dụng linh động vào cuộc sống hiện tại, sao cho phù hợp với giáo huấn Tin Mừng, theo như ý Chúa dạy chúng con hôm nay. Amen.
 
 
THỨ BẢY TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
 
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 6, 1-5
Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Nhưng có mấy người Pha-ri-sêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát? “
Đức Giê-su trả lời: “Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” Rồi Người nói: “Con Người làm chủ ngày sa-bát.”
 
II. SUY NIỆM
Bộ luật của người Do Thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho Môisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong Sách Lêvi và Đệ Nhị Luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ Sabat, thuộc giới răn thứ 3 trong thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.
Thực ra, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ – kinh sư – biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Hôm nay, họ bắt bẻ Chúa Giêsu về luật sa-bát vì 3 lý do:
Người Pharisiêu chú tâm đến hình thức của luật đến nỗi quên đi bản chất của luật là bác ái yêu thương, họ sẵn sàng để người khác đói khát chứ không thà lỗi luật. Luật là cứu sống chứ không phải giết chết.
Họ vốn chủ trương là hassidim, nghĩa là giữ luật cách khắt khe, nên khi bắt bẻ Chúa Giêsu là một ngầm ý đề cao về mình và che giấu sự giả hình của mình.
Họ xem luật như cứu cánh và bắt buộc Thiên Chúa phải theo ý họ mà thưởng công cho họ. Trong khi luật chỉ là dẫn đường, còn cùng đích phải là Thiên Chúa.
 
Còn chúng ta là người Công Giáo, ngày sa-bát (Thiên Chúa nghỉ ngơi – sau sáng tạo) của người Do Thái đã được thay thế bằng Ngày Chúa Nhật (Chúa Giêsu Phục Sinh – sáng tạo mới), chúng ta đã tuân giữ Ngày Chúa Nhật như thế nào:
– Tham dự Thánh Lễ vì lòng yêu mến hay vì bắt buộc phải đi lễ?
– Làm việc bác ái hay là dửng dưng với những hoàn cảnh khó khăn của đồng loại mà ta gặp thấy? Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
– Chúng ta giữ gìn luật Ngày Chúa Nhật cốt để phô trương chính mình và lên án người khác không?
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng biết giữ luật vì lòng yêu mến Chúa và quảng đại với tha nhân, hơn là giữ lề luật chỉ vì luật mà lỗi đến đức bác ái công bình đối với tha nhân. Amen.
 
Hiền Lâm.
 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...