Chủ Nhật, 8 Tháng mười hai, 2024

SUY NIỆM TIN MỪNG TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN (Hiền Lâm)

 

THỨ BẢY TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

 

I. BÀI TIN MỪNG: Lc 8,4-15
Người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giê-su. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng:
“Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm”. Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe.”
Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì.Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu.
“Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.

II. SUY NIỆM
Dụ ngôn “người gieo giống” trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong số ít trường hợp khi kể dụ ngôn thì Chúa Giêsu cũng chú giải luôn sứ điệp Người muốn rao giảng.
Có thể nói được rằng, Chúa Giêsu đã giảng hết rồi và mọi người nghe xong cũng đã hiểu chi tiết về từng loại thửa đất đón nhận hạt giống ví như từng trường hợp tâm hồn đón nhận Tin Mừng. Tuy nhiên, dụ ngôn về người gieo giống hôm nay cần được chúng ta dành nhiều thời gian trong ngày sống để suy niệm nhiều hơn, để lĩnh hội các ý nghĩa mà chính Chúa đã giải nghĩa có các môn đệ; chúng ta cũng cần đào sâu ý nghĩa sứ điệp Tin Mừng để ý thức hơn về chính mình đã đón nhận và sống Lời Chúa như thế nào.
Dụ ngôn về “người gieo giống” nói lên tầm quan trọng của thái độ đón nhận và thực hành Lời Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng mọi tình huống để thức tỉnh chúng ta lắng nghe và sống lời Người.

 

1. Hạt giống và người gieo giống.
– Hạt giống là Lời Chúa và là chính Chúa Giêsu Kitô. Người đi gieo chính là Thiên Chúa hiện thân trong Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã gieo trong yêu thương. Yêu thương đến độ chính Người lại trở nên một hạt giống, chịu vùi chôn, chịu mục nát để biến cải những mảnh ruộng gai góc, sỏi đá thành màu mỡ phì nhiêu, mong một mùa gặt đầy những bông lúa chín vàng trĩu nặng.
– Thiên Chúa đã luôn luôn gieo vãi lời Người khắp nơi, với mọi hạng người, với mọi hoàn cảnh. Người gieo vừa hào phóng vừa kiên trì, vừa hy vọng vừa yêu thương. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta thấy lòng quảng đại và hy vọng của Người đối với chúng ta. Người không tính toán hơn thiệt khi ban phát. Người không ngần ngại gieo hạt giống “Lời Chúa” và “Ân Sủng” vào tâm hồn mỗi người. Người gieo không loại trừ. Những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ nhận được hạt giống đã đành. Cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người gieo không bỏ rơi một mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Người gieo muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn.
– Công đồng Vaticano II, dùng một hình ảnh phong phú đã quyết định rằng: “Kho tàng Thánh Kinh đã khai mở cách dư thừa và phong phú để cung cấp cho các tín hữu” (PV 51).
– Thiên Chúa là người đi gieo không biết mệt mỏi. Chúa Giêsu là người đi gieo say mê đến quên chính cả bản thân mình. Người muốn cho các môn đệ của Người tiếp tục công việc gieo Tin Mừng đi khắp mọi nơi.

 

2. Những thửa đất khác nhau – thái độ đón nhận.
Việc giải thích dụ ngôn nhấn mạnh đến tính chất khác biệt của các thửa đất và phẩm chất đón nhận hạt giống. Tin vào hiệu quả của Lời Chúa không được làm quên đi trách nhiệm của những kẻ nghe lời: Kết quả cụ thể của việc gieo hạt tuỳ thuộc vào thái độ đón nhận.
– Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy. Đó là thái độ thờ ơ trước Lời Chúa, và vì không quan tâm đến Lời Chúa thì quỷ thần sẽ chiếm giữ linh hồn họ.
– Kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay… Là hạng người nhiệt tình theo Đức Kitô khi mọi sự dễ dàng xuôi chảy, và bỏ Người khi khó khăn, thử thách, đau khổ, ngược đãi ập đến.
– Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt khiến Lời không sinh hoa kết quả gì… Đây là “người tín hữu không đạt đến sự chín muồi của đức tin”… Bởi vì người ấy bị tinh thần của thế gian giữ lại, bị bối cảnh vô tín xung quanh bao vây. Chúng ta cảm thấy rõ ràng đối với Chúa Giêsu đức tin là một công việc phát triển lâu dài, và phải chiến đấu chống lại mọi thứ trở ngại, chống lại những ảnh hưởng của thế gian chiếm quá nhiều chỗ trong đời sống.
– Cuối cùng kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục… Sinh hoa kết quả là điều mong ước mà Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện một đời sống tràn đầy, phong phú. Đối với Chúa Giêsu, điều kiện chủ yếu để đời sống chúng ta sinh hoa kết quả là Lời Thiên Chúa được lắng nghe và hiểu lâu dài.

 

Như vậy:
– Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn “người gieo giống” hãy gieo một cách hào phóng, không sẻn so tính toán và không loại trừ. Hãy biết dùng mọi phương tiện có thể, để chuyên chở Tin Mừng, đem Tin Mừng tới mọi lãnh vực của đời sống và tới tất cả mọi hạng người không loại trừ một ai.
– Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta kiên trì gieo hạt Tin Mừng như thánh Phaolô “lúc thuận tiện hay không thuận tiện”. Hãy cứ gieo dù đá sỏi, chông gai, thất bại, nhọc nhằn. Hãy đi gieo yêu thương không chỉ những mảnh đất phì nhiêu mà cả những mảnh đất sỏi đá gai góc, vì có tình yêu thương mãnh liệt mới cảm hoá được cỏ gai, làm mềm được đá sỏi và biến tất cả thành màu mỡ phì nhiêu.
– Thiên Chúa mời gọi ta hãy lắng nghe Chúa Giê-su chỉ dạy qua lời Thánh Kinh hằng ngày. Hãy tin tưởng và đón nhận Chúa như mảnh đất tốt đón nhận hạt giống tốt. Chúa Giêsu cũng mời gọi ta tự vấn chính mình: Có bao nhiêu hạt giống “Lời Chúa” đã được gieo vào lòng tôi? Số phận của những hạt giống ấy giờ này ra sao? Hạt giống ấy đang nằm ở đâu trong cuộc đời của tôi ? Tôi đã đón nhận những hạt giống ấy như thế nào? Tôi đã làm gì để hạt giống ấy được phát triển và lớn lên.

Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho tâm hồn mọi người chúng con nên thửa đất tốt, biết mở rộng lòng mình để đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa được lớn lên trong chúng con, đồng thời làm cho Lời Chúa được lan tỏa đến mọi người nhờ đời sống đạo và những gì chúng con có thể làm được vì vinh quang Chúa. Amen.

Hiền Lâm

 

 

THỨ SÁU TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

 

I. BÀI TIN MỪNG: Lc 8,1-3
Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

II. SUY NIỆM
Giữa một xã hội Do Thái trọng nam khinh nữ, thậm chí người phụ nữ được xếp hàng thứ sáu, đứng sau cả vật nuôi. Người phụ nữ Do Thái hầu như không có tiếng nói, đến cả việc cưới xin và ly hôn cũng do quyết định của người nam.
Xuyên suốt Thánh Kinh Cựu Ước, hầu như lãng quên bóng dáng của người phụ nữ, rải rác một ít chỗ nhắc tới một số phụ nữ, nhưng phần lớn thường là những chuyện chẳng vẻ vang gì (trừ Giuđitha, Etthe và vài ngôn sứ), thậm chí còn coi họ như là cạm bẫy cho đàn ông.
Các kinh sư Do Thái tuyệt đối không nhận phụ nữ làm đồ đệ, họ phân biệt đối xử trong mọi sinh hoạt xã hội, kể cả việc phụng tự và các nghi lễ thanh tẩy.

Thế nhưng, trong thời đại Tân Ước, thánh Matthêu đã bắt đầu với việc kể tới 4 người phụ nữ trong gia phả của Chúa Giêsu (Tharma, Rakhap, Rút, Maria) xuyên suốt lịch sử cứu độ và đỉnh điểm của mẫu phụ nữ tuyệt vời là Đức Maria.

Hôm nay, chúng ta được nghe Tin Mừng kể lại việc một số các bà đi theo giúp đỡ Chúa Giêsu và nhóm 12 Tông Đồ lo việc rao giảng Tin Mừng. Điều này cho thấy Chúa Giêsu không phân biệt đối xử mà còn đón nhận những người nữ cộng tác với Ngài trong việc rao giảng Nước Thiên Chúa.

Từ đó cho chúng ta bài học: Dù chúng ta là ai, Chúa đều mời gọi chúng ta cộng tác.
– Là nữ tu chúng ta hoạt động truyền giáo theo linh đạo dòng hay tu hội của mình.
– Là những phụ nữ công giáo, chúng ta cộng tác trong những việc đóng góp công của cho công cuộc truyền giáo.
– Là các bà mẹ, chúng ta dâng những người con cho Chúa trong các ơn gọi.
– Là những người độc thân goá bụa, chúng ta cộng tác với Chúa trong sự hy sinh cầu nguyện và phục vụ.
– …
Tóm lại, dù chúng ta là ai, chúng ta đều được Chúa mời gọi cộng tác xây dựng nước Chúa trong bổn phận và bậc sống của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tôn trọng phẩm giá người nữ, và dù trong bậc sống nào chúng con đều biết cộng tác phần mình với Chúa để loan báo Tin Mừng đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen.

Hiền Lâm

THỨ NĂM TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

I. BÀI TIN MỪNG: Lc 7, 36-50
Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi! ” Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông! ” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” Đức Giê-su nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn? ” Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm.”
Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội? ” Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”

 

II. SUY NIỆM
Ngày kia, tôi đến thăm một gia đình quen biết ở quận 2, Sài Gòn. Lúc đến trước cửa nhà thì thấy hai đứa trẻ chơi với nhau rất vui vẻ, sau đó thì có một phụ nữ ra cho hai bé hai cái kẹo mút và chúng nó ăn với nhau. Người phụ nữ đó là mẹ của một trong hai đứa trẻ kia, chị ta chào tôi và tôi cũng vui vẻ hỏi thăm chị. Nhưng khi đang nói chuyện thì bà kia là ân nhân nhà dòng đi về mở cửa, nắm tay kéo đứa trẻ con của bà vào và cằn nhằn, mày về đây tao, mấy không được chơi với cái thằng bé con của loại phụ nữ hư đốn kia. Sau đó bà ra mời tôi vào phòng khách, bà cũng không quên bảo tôi rằng: thầy đừng tiếp xúc với loại đàn bà trắc nết kia, nó đi với trai ngoại đạo chán chê, giờ lại về mua đất ở bên nhà tôi đấy.

Kể lại câu chuyện có thật kia để thấy rằng, nhiều người chúng ta thường tự phong cho mình đạo đức và thành kiến cùng loại trừ xa lánh nhau, ngược với tinh thần của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay:

Đang ngồi ăn, một cô gái chạy vào rồi làm mưa làm gió dưới chân Chúa Giêsu. Hành động này đưa đến hai cái nhìn trái ngược nhau:
– Ông Pharisiêu nhìn cô gái là gái làng chơi.
– Chúa Giêsu nhìn cô gái là một tâm hồn ăn năn thống hối.

Ông Pharisiêu nhìn người phụ nữ kia chỉ thấy quá khứ và lỗi lầm của cô,
Chúa Giêsu nhìn cô gái chỉ thấy hiện tại và tương lai của cô,
Ông Pharisiêu chỉ thành kiến và kết án người phụ nữ.
Chúa Giêsu yêu thương và tha thứ cho cô gái.
Ông Pharisiêu nhìn bề ngoài với bao lầm lỗi.
Chúa Giêsu nhìn thấu tâm can của một tâm hồn tan nát khiêm cung.

Sự bao dung của Chúa đã chữa lành người con gái kia,
Sự bao dung của chúng ta là cơ hội cho những ai lầm lỡ trở về.
Hãy nhìn đồng loại với con mắt của Chúa, để không bao giờ chúng ta kết án người anh em.

Mọi lỗi lầm của cô gái đã được tha thứ vì cô đã biết ăn năn thống hối và đã yêu mến Chúa nhiều. Chúng ta cũng thế, không ai không có lầm lỡ, điều quan trọng là sau những lần vấp ngã hãy biết đứng lên trở về với Chúa. Và khi chúng ta được tha thứ thì chúng ta cần biết yêu mến nhiều hơn.

“Được tha nhiều thì yêu mến nhiều hơn”.
Chúng ta phạm đến Chúa nhiều nhiều lắm, vậy bây giờ hãy yêu và yêu mến nhiều hơn để đáp ứng lại lòng bao dung của Người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết ý thức về thân phận tội lỗi của mình cần được Chúa tha thứ, từ đó chúng con cũng biết nhìn đồng loại với con mắt của Chúa, để không bao giờ chúng con kết án người anh em. Amen.

 

Hiền Lâm.

 

THỨ TƯ TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

I. BÀI TIN MỪNG Lc 7, 31-35.
“Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói:
“Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa;
tụi tôi hát bài đưa đám,
mà các anh không khóc than.
“Thật vậy, ông Gio-an Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: “Ông ta bị quỷ ám. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi…

II. SUY NIỆM
Thói thường, con người ta dễ lấy mình làm trung tâm và muốn áp đặt tư tưởng và hành động của mình lên người khác. Vì thế mà qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải tránh hai điều:

1. Áp đặt người khác phải theo tư tưởng của mình.
Giống như bọn trẻ con thổi sáo giả bộ đám cưới đòi người khác hát, ca bài đưa đám giả bộ buồn bắt người khác khóc theo… với một hoàn cảnh không thực tế. Trong ý thức hệ của người Do Thái, họ vẽ ra trong tư tưởng của mình một lối sống kiểu Pharisiêu giả hình và đòi dân theo, họ quan niệm một thời kỳ cứu độ và một Đấng Mesia giàu sang chứ không khắc khổ kiểu Gioan Tẩy Giả và làm bạn với bậc đế vương, chứ không phải hoà đồng chung bàn với người hèn kém. Từ đó họ không nhận ra được Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Với ý thức hệ như thế, họ không những bị trói buộc trong tư tưởng thiển cận của họ, không nhận ra được dấu chỉ của thời đại, mà còn bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như họ, kể cả Chúa Giêsu.
Còn chúng ta? Chúng ta có đưa ra những hình mẫu và lối sống để bắt người khác phải theo mình, thay vì mình phải biết thay đổi? Chúng ta thuận theo ý Chúa hay bắt Chúa phải theo ý mình?

2. “Không ưa thì đổ cho dưa thối…”
Có câu chuyện kể rằng: ngày nào bà vợ cũng chỉ cho chồng xem tường và cửa sổ của nhà hàng xóm quá bẩn và chê bai người nhà hàng xóm lười biếng, thế rồi một hôm, ông chồng phát hiện ra cánh cửa kiếng nhìn ra nhà hàng xóm của mình bám đầy bụi bẩn, ông vội lau sạch và nhìn ra thì thấy nhà hàng xóm sạch sẽ không như bấy lâu nay vợ ông nghĩ.
Với một người luôn nghĩ xấu thì nhìn đâu cũng thấy rác, suy bụng ta ra bụng người, mình có ý nghĩ xấu nên cứ tưởng người ta cũng xấu như mình.
Khi trong mình tư tưởng ghanh ghét và thành kiến, thì dù đối tượng có tốt thế nào đi nữa, dưới con mắt biệt phái cũng xấu và tìm mọi lý lẽ để chê bai kết án:
Ông Gioan ăn chay khắc khổ thì bảo là lập dị và bị ma ám.
Chúa Giêsu hoà đồng ăn uống thì cho là mê ăn và bợm nhậu.
Còn chúng ta? Một linh mục hay vị nào đó đạo đức thì dễ bị coi là thiếu quan tâm và xây dựng giáo xứ, ngược lại, một vị hoà đồng với mọi người thì dễ bị đánh giá là thiếu tư cách… “Không ưa thì đổ cho dưa thối”, “miệng lưỡi không xương lắm đường lắt lẻo”… kiêng khem thì bị coi là đạo đức giả, hoà đồng thì kết án là thiếu đứng đắn…
Thật vậy, khi chúng ta thiếu thiện cảm và cố chấp, thì mọi cái nhìn của chúng ta sẽ dễ bề xuyên tạc, gièm pha và kết án…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con biết dẹp bỏ ý riêng mình, để ý Chúa được thể hiện. Xin cũng cho chúng con biết nhìn mọi sự bằng ánh mắt yêu thương của Chúa, để mọi điều xảy ra đều có ý nghĩa tích cực, mang lại niềm vui cho cuộc sống chúng con. Amen.

Hiền Lâm

 

 

THỨ BA TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

Ngày 14 – 09: LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI

 

I. TIN MỪNG Ga 19, 25-27
Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay xác nhận vai trò làm Mẹ nhân loại của Đức Maria trong bình diện cứu độ của ân sủng đạt tới đỉnh cao, đó là lúc hy tế thập giá của Đức Kitô, cũng là mầu nhiệm vượt qua của Người, được hoàn tất:
“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 25- 27).
Đọc kỹ đoạn tường thuật, thoạt đầu chỉ thấy đó là một sự lo lắng của Đức Giêsu dành cho mẹ mình, người mẹ mà Người để lại trong một nỗi đau khổ tận cùng. Thế nhưng, ý nghĩa bản tường thuật này có thể đi xa hơn vì hai lý do: Thứ nhất “môn đệ thương mến” ở đây còn là một ẩn số, không chắc chắn là Gioan, theo các nhà Thánh Mẫu Học thì có thể là một biểu trưng (symbol): người được Chúa Giêsu yêu là nghe và tuân giữ Lời (x. Ga 14, 21) . Mặt khác, nếu trên thập giá, Đức Giêsu chỉ coi Gioan là một cá nhân, thì Đức Giêsu không phải lo, vì Gioan vẫn còn đầy đủ cha mẹ là ông bà Dê-bê-đê. Chính vì vậy, có thể hiểu hình ảnh “người môn đệ được Chúa yêu” là đại diện cho loài người nhận Đức Maria làm mẹ. Thứ hai, trong thứ tự của lời trối, rõ ràng mang ý nghĩa Đức Giêsu chính thức đặt Đức Maria làm mẹ nhân loại hơn là một sự nhờ cậy “người môn đệ thương mến” nhận chăm sóc Đức Maria. Đức Giêsu nói với Đức Maria trước rồi nói với môn đệ sau. Theo lẽ thường nếu muốn gởi gắm Đức Maria cho “môn đệ thương mến” thì Đức Giêsu phải nói với “môn đệ thương mến” trước xem môn đệ có đồng ý không. Như vậy, nghĩa là Đức Giêsu trao cho Đức Maria một sứ mệnh là làm mẹ “môn đệ thương mến” đại diện cho các tín hữu, nghĩa là Đức Maria sẽ là Mẹ của chúng ta, và bản văn Ga 19, 26 là bản văn nền tảng cho tín điều ấy .
“Vai trò làm mẹ thật mới mẻ này” của Đức Maria, được thiết lập trong đức tin, là hoa trái của tình yêu “mới mẻ”, một tình yêu thấm sâu vào Mẹ dưới chân thập giá, qua việc Mẹ chia sẻ vào tình yêu cứu độ của Đức Kitô.

Đức Maria trong Tin Mừng Gioan nhắc đến chỉ vỏn vẹn có hai lần trong hai hoàn cảnh: tiệc cưới Cana và dưới chân thập giá, Cana và Calvê được nối kết bằng “giờ” hiến tế, giờ tử nạn và là giờ được “tôn vinh”. Việc Đức Giêsu ngỏ lời với Đức Maria dưới chân thập giá, đặt trong một hoàn cảnh hết sức rất long trọng được lồng trong cái chết của Đức Giêsu vào giờ Người được tôn vinh. Đức Maria hiện diện trong giây phút khai mạc cuộc đời rao giảng và tỏ lộ vinh quang của Đức Giêsu và Mẹ cũng hiện diện trong giây phút Đức Giêsu đưa cuộc đời trần thế đến đỉnh cao của tế hiến mạng sống mình, dâng lên Thiên Chúa vì loài người. Bản văn Ga 19, 26 và Ga 2, 1- 12 như có một sự đối xứng nhau, dường như Đức Giêsu hẹn Đức Maria trong tiệc cưới Cana là “một giờ nào đó hãy đóng vai trò làm mẹ mà xin”. Hôm nay, giờ Đức Giêsu đã đến, đó là “giờ” Người được tôn vinh vì Người đã vâng ý Cha mà chịu hiến tế hy sinh. Đức Maria được liên kết với giờ hiến tế này và trái tim Mẹ cũng chịu hiến tế như lời tiên báo của Simêon là “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ” (x. Lc 2, 35). Điều này cũng cho thấy Đức Maria là “thiếu nữ Sion” nên cuộc đời của Mẹ sẽ mang dấu ấn của số phận dân Người. Vì là Mẹ Đấng Messia, Đức Maria nằm trong cuộc chiến, chia sẻ mọi đau khổ với con mình.

Có thể nói rằng: nhân loại được cứu độ trước hết và chính là bởi Đức Kitô và thứ đến là nhờ sự cộng tác của Đức Maria trong sự tuỳ thuộc vào công việc của Đức Kitô , nhưng để tránh những so sánh thái quá, có thể thay từ “đồng công cứu chuộc” bằng từ “hiệp thông cứu chuộc”. Đức Maria rõ ràng đã đóng vai trò trổi vượt trên bất cứ phàm nhân nào trong sự hiệp thông với Đức Giêsu cứu chuộc. “Hiệp thông cứu chuộc” không phải “tự thân cứu chuộc” mà là cộng tác hoặc tháp nhập vào sự cứu chuộc đó. Chỉ có một mình Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc duy nhất, nhưng khi sinh hạ Hội Thánh trên thập giá, Đức Giêsu không chỉ có một mình, mà Người còn có Đức Maria đứng dưới chân thập giá, để cùng chia sẻ sự đau khổ và giúp Người chấp nhận hiến dâng. Và sau hết là “hiệp thông cứu chuộc” vì Đức Maria đã tham gia vào công trình sinh hạ Hội Thánh.

Sau cùng, trên thập giá, lúc Đức Giêsu tưởng chừng như đã bị bỏ rơi hoàn toàn, thậm chí Chúa Cha dường như vắng bóng, thì còn đó Mẹ Ngài đứng dưới chân thập giá như là một động lực cuối cùng nâng đỡ Ngài – Thiên Chúa Cha giờ này đang ở trong sự hiện diện của Đức Maria và Thánh Thần vẫn phủ bóng trên Đức Maria để trợ lực Ngài trong giờ hiến tế… Thật vậy, khi Chúa Giêsu tắt thở và bóng đêm bao trùm vạn vật (x. Lc 23, 44-46) thì Đức Maria vẫn hiện diện dưới chân thập giá, những khi thế giới tưởng chừng như vắng bóng Thiên Chúa, thì vẫn còn đó những môn đệ của Ngài hiện diện làm chứng Thiên Chúa vẫn sống trong họ, sống trong những hoạt động đức ái và tinh thần dâng hiến của họ.

Lạy Chúa Giêsu, dưới chân thập giá, Chúa đã trao chúng con cho sự chăm sóc từ mẫu của Mẹ Maria, xin cho chúng con luôn biết nhận Người là Mẹ và sống tình con thảo với Người, hầu cùng với Người, chúng con cộng tác với Chúa trong công cuộc cứu độ thế giới. Amen

Hiền Lâm

 

 

A. Hoặc đọc TIN MỪNG Lc 2,33-35
Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

B. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng vẽ lên hình ảnh Đức Maria trong biến cố dâng Chúa vào đền thánh là sẵn sàng chịu đau khổ. Lời tiên báo của ông Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn hồn Bà” (Lc 2, 35) là một mặc khải về viễn tương đau khổ của Đức Giêsu cũng như của chính Đức Maria, và từ đó cùng với Con mình, Đức Maria bước vào cách mãnh liệt sự hiệp thông cứu chuộc, để tâm hồn nhiều người được tỏ lộ, Mẹ đồng hành với công cuộc truyền giáo của Con và kết hiệp với hy tế của Con (sosio passionis) hầu mưu cầu sự cứu rỗi cho con người.

Lời của ông Simeon như một cuộc truyền tin thứ hai cho Đức Maria; vì đã cho Mẹ thấy chiều kích cụ thể trong lịch sử, trong đó Con của Mẹ sẽ thực hiện sứ vụ của mình: giữa sự cứng tin và trong đau khổ. Một mặt, nếu lời loan báo này xác nhận niềm tin của Mẹ vào việc Thiên Chúa sẽ thực hiện các lời hứa, thì mặt khác cũng cho thấy Đức Maria phải sống sự vâng phục đức tin trong đau khổ, bên cạnh Đấng Cứu Độ khổ đau; chức năng Từ Mẫu của Mẹ sẽ nằm trong bóng tối và sự đau xót . Đặc biệt, báo trước dưới chân thánh giá, nhờ lòng tin, Đức Maria chia sẻ vào mầu nhiệm kinh hoàng của sự tự hạ. Có lẽ đó là sự tự hạ (kénosis) sâu xa nhất của đức tin trong lịch sử loài người. Nhờ đức tin, Đức Maria tham dự vào cái chết cứu độ của Con mình; nhưng khác với đức tin của các môn đệ đang chạy trốn, đức tin của Mẹ thật chói ngời. Qua thập giá, Đức Giêsu đã chứng thực cách dứt khoát trên đồi Calvê rằng Người là “dấu hiệu bị người đời chống báng” như ông Simeon đã báo trước. Đồng thời, ở nơi đó những lời nói về Đức Maria cũng thành tựu: “Phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng Bà” .

“Lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” gợi lên lưỡi gươm trong sách ngôn sứ Ezechiel 14, 17, cắt đứt Israel, chỉ còn để lại một “số sót”. Lưỡi gươm nói lên sự đau khổ nội tâm của người mẹ, đau khổ ở đây là đau khổ của người mẹ nhìn người ta ruồng bỏ con mình. Lưỡi gươm trong Ezechiel vừa cắt đứt Israel vừa sinh ra số sót; ngay dưới chân thập giá, Đức Maria là “Mater dolorosa” đau xót vì sự phủ nhận của nhân loại đối với Đức Giêsu, nhìn Con chết tức tưởi, sự cắt đứt này cũng làm cho Mẹ buốt xót, sinh ra “số sót” cho nhân loại, đó là những kẻ tin vào Đức Kitô. Lưỡi gươm đâm thấu lòng Mẹ để Mẹ luôn chia sẻ khổ đau với Con, vừa đứng về phía những kẻ tin vào Đức Giêsu, ôm lấy tất cả vì Đức Giêsu đã gửi gắm tất cả cho Mẹ: “Này là Con của Mẹ” . Giờ phút hiến tế dưới chân thập giá là đỉnh điểm của lời “xin vâng”, và cả cuộc đời xin vâng của Đức Maria hướng về giờ phút hy sinh này. Cùng với Chúa Giêsu, Đức Maria đã chịu sát tế tâm hồn và làm cho lời “xin vâng” viên mãn khi Đức Giêsu kêu lên: “mọi sự đã hoàn tất”.

Cũng như Đức Kitô đã chấp nhận chịu thử thách đau khổ không phải do tội của Ngài, mà là vì gánh lấy tội thế gian, Đức Maria thánh thiện đã chịu đau khổ nhiều khi dâng lên Chúa Cha sự đau khổ của Đức Kitô và sự đau khổ của chính mình như Mẹ của Đấng Cứu Thế. Mẹ thông hiệp đầy đủ vào hy tế của Con trong giai đoạn có tính cách lịch sử của nó.
Sự đau khổ của Con Thiên Chúa thì vô cùng và sự đau khổ của Đức Maria cũng thật lớn lao. Điều này được truyền thống Hội Thánh kính nhớ qua diễn ca: “Bảy sự Thương Khó Đức Mẹ” .
Sự đau khổ tự nguyện của những người vô tội có giá trị cứu chuộc, như thánh Phaolô tuyên bố: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24). Điều này cho thấy rằng, việc Đức Maria hiệp thông trong sự đau khổ của Đức Kitô, góp phần vào việc khai sinh Hội Thánh, tức là làm phát sinh một nhân loại mới hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.

Lạy Mẹ Maria, qua biến cố Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh ngời sáng lên tinh thần sẵn sàng chấp nhận chịu thử thách đau khổ để mưu cầu phần rỗi cho nhân loại, xin cho chúng con cũng biết sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi nghịch cảnh gian lao để chuộc lấy các linh hồn về cho Thiên Chúa. Amen.

Hiền Lâm.

 

 

THỨ HAI TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

Ngày 14 tháng 09

SUY TÔN THÁNH GIÁ CHÚA GIÊ-SU

I. BÀI TIN MỪNG: Ga 3,13-17
Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng:
Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

LUẬN PHẠT HAY CỨU ĐỘ?

Triết học cổ đại Hi-lạp, đặc biệt Socrate, Platon và Aristote, thường sử dụng lối văn đối thoại để chuyển tải tư tưởng. Tin Mừng Gioan cũng từng sử dụng lối văn đối thoại này, khi kể lại cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, hầu chuyển tải ý nghĩa về ơn cứu độ.
“Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Sứ mạng thiên sai của Chúa Giêsu đến là để dùng thập giá mà cứu chuộc thế gian:

1. Phải bị “giương cao lên”.
Điều Chúa Giêsu mặc khải thật rõ ràng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
Có lẽ đây là nét độc đáo nhất chỉ gặp thấy nơi Tin Mừng thứ IV, con đường linh đạo này có một mức độ quyết liệt hơn, vì trong khi 3 Tin Mừng Nhất Lãm nói đến việc muốn đạt đến Ơn Cứu Độ phải vác lấy thập giá, còn đối với Tin Mừng thứ IV đòi phải được “giương cao lên” nghĩa là không chỉ vác mà còn phải bị treo lên, chịu đóng đinh vào khổ giá.
Khác với ba lần nơi các Tin Mừng Nhất Lãm tiên báo cái chết một cách rõ ràng là Chúa Giêsu sẽ lên Giêrusalem chịu khổ nạn, thì Tin Mừng Thứ IV cũng tiên báo ba lần với cách nói: “Con Người được “giương cao lên” (x.Ga 3,14; 8,28; 12,32).
Con Người được giương cao lên, nghĩa là Chúa Giêsu sẽ phải bị treo lên trên thập giá, để nhờ công ơn Cứu Chuộc qua khổ giá, mà Người nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi Trời với Người.
Theo chiều ngang, với cách nói nơi Tin Mừng Nhất Lãm rằng ai muốn theo Chúa thì hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo. Còn theo chiều dọc, Tin Mừng Thứ IV lại nói theo chiều đi lên, không chỉ vác mà còn phải được treo lên, nghĩa là phải cùng đóng đinh chính mình vào thập giá như Chúa Giêsu.
Như vậy, dù “đi theo” hay “treo lên”, thì Kitô hữu cũng chung một phương thế duy nhất là phải qua thập giá mới đạt đến Ơn Cứu Độ.

2. Luận phạt hay cứu độ ?
Trong cách nhìn nhân loại, ai trong chúng ta nếu chỉ có một đứa con trai duy nhất, thì chúng ta sẽ coi nó như là tất cả của đời mình, của cả cuộc sống mình, của cả giống nòi mình, nên chúng ta sẽ hết sức cung phụng nâng niu, bằng mọi giá phải bảo vệ nó, và chỉ chấp nhận san sẻ khi cho đứa con xây dựng gia đình với một người con gái để duy trì dòng tộc.
Trong mầu nhiệm Thiên Chúa: Chúa Cha đã đản sinh ra Chúa Con, và Chúa Con là đứa Con Duy Nhất của Chúa Cha từ đời đời. Vì yêu thương con người, Chúa Cha đã cho đứa Con Duy Nhất của mình đến với thế gian. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể hiểu được “văn Chương Gioan” coi Chúa Giêsu như là Tân Lang và Giáo Hội là hiền thê của Người, bởi Chúa Giê-su qua công trình cứu chuộc đã cưới “cô dâu nhân loại” về cho Thiên Chúa Cha.
Nhân loại là con Thiên Chúa theo nghĩa sáng tạo, chứ không theo tử hệ đản sinh như Chúa Con. Nhân loại đó đã ra hư hỏng, nên Chúa Cha đã sai Con mình đến để cứu chứ không phải đến để phạt.
“Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Thật vậy, sứ mạng thiên sai của Chúa Giêsu đến là để dùng thập giá mà cứu chuộc thế gian. Đó là niềm hy vọng lớn lao của nhân loại.
Trong Tin Mừng Gioan, ngay từ đầu đã nhắc tới “Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1,29). Trần gian hay thế gian được nói tới ở đây có thể là toàn thể tạo thành, mà tạo thành thì tốt bởi vì là công trình của Thiên Chúa. Nhưng trọng tâm của công trình này là con người – đã trót đặt mình dưới ảnh hưởng của Satan (x.Ga 8,34.44); nghĩa là một sự xuống cấp sa đoạ, con người chịu ảnh hưởng của cái xấu, cái tội, bị cái xấu lợi dụng và làm biến dạng đi. Do đó mà Thiên Chúa “sai Con của Người đến để thế gian được cứu độ”.
Con đường cứu độ của Con Thiên Chúa là thập giá, nên ai muốn được cứu độ thì cũng phải chấp nhận “được treo lên” trên thập giá với Chúa Giêsu. Thế nhưng, giống như hai người con, một người lo làm việc vì yêu thương bố, một người bất đắc dĩ phải làm cho bố vì sợ bố đánh, kết quả là một người đạt được niềm vui nhẹ nhàng còn người kia cảm thấy nặng nề chán nản. Cũng thế, khi đón nhận thánh giá Chúa vì niềm tin vào Ơn Cứu Độ thì thánh giá sẽ trở nên nhẹ nhàng và con người vui vẻ vác đi theo Chúa; ngược lại, nếu ai vác thánh giá vì sợ luận phạt thì thánh giá sẽ nên nặng nề và tuyệt vọng.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa được sai đến thế gian là để cứu độ thế gian chứ không phải lên án thế gian, xin cũng sai chúng con đến với mọi người, đem đến cho họ sự cứu vớt, chứ không phải đến để lên án đồng loại. Xin cho chúng con biết chấp nhận được “giương cao lên”, là chấp nhận đóng con người tội lỗi của mình vào thập giá Chúa, để sau khi chết đi cho tội lỗi, chúng con được trở nên con người mới. Amen.

Hiền Lâm

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi tin có sự sống đời đời

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi Tin Có Sự Sống Đời Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta đang sống trong...

Thứ 6 Tuần XXXIII TN, Lc 19,43-48: Thanh tẩy nhà Cha

THANH TẨY NHÀ CHA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Vào dịp trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt qua hơn hai...

Thứ 5, Tuần XXXIII TN, Mt 12,46-50: Ai thuộc về gia đình Đức Giêsu

    AI THUỘC VỀ GIA ĐÌNH ĐỨC GIÊSU Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Sau những lời khiển trách các người cứng tin,...

Thứ 5 Tuần XXXIII TN, Lc 19,41-44: Chúa Giêsu than khóc thành Giêrusalem

CHÚA GIÊSU THAN KHÓC THÀNH GIÊRUSALEM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Từ Giêrikhô, Đức Giêsu đã cuốc bộ suốt quãng đường...

Thứ 4 Tuần XXXIII TN – Lc 19, 11-20 Dụ ngôn mười yến bạc

DỤ NGÔN MƯỜI YẾN BẠC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Dụ ngôn mười yến bạc này được Đức Giêsu kể...