Chủ Nhật, 13 Tháng mười, 2024

TẤM BÁNH ĐỜI THƯỜNG – TUẦN VI PHỤC SINH (TGM GIUSE NGÔ QUANG KIỆT)

THỨ HAI TUẦN VI PHỤC SINH

LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT

Cv 16, 11-15; Ga 15, 26 – 16,4a

Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Vệ và Thần Chân Lý. Hai chức năng quan trọng và rất cần thiết cho thời đại chúng ta.

 Chúng ta cần Đấng Bảo Vệ vì chúng ta không ngừng bị tấn công. Mà không có phương tiện gì chống trả hay tự vệ. Chúa Giê-su đã từng bị tấn công rồi. Sau đó Giáo hội liên tục bị như thế. Bắt bớ 3 thế kỷ ở Rô-ma. Bắt bớ 3 thế kỷ tại Việt nam. Ngày nay các thừa sai vẫn bị giết. Nhiều cộng đoàn Kitô hữu vẫn bị ngược đãi. Ngày nay các cuộc tấn công còn tinh vi bạo tàn hơn nữa. Vì không tấn công thể lý nữa, nhưng tấn công luân lý. Người ta tố cáo Giáo hội ngược đãi trẻ em. Trọng nam khinh nữ. Ràng buộc lương tâm khiến con người không được hạnh phúc…

 Chúng ta cần Thần Chân Lý vì kẻ tấn công nguy hiểm nhất chính là sự gian dối. Những đánh tráo khái niệm. Những từ ngữ hoa mỹ phỉnh gạt. Phá thai thì gọi là pro choice. Tôi có quyền lựa chọn nhưng sao không cho bào thai có quyền được sống.

 Sự thật trần gian đã khó biết. Sự thật Nước Trời còn khó nhận hơn. Và Chúa kêu gọi chính chúng ta phải cùng với Thần Chân Lý làm chứng cho sự thật. Sự thật về Thiên Chúa, về Nước Trời có thực sự chiếu tỏa nơi ta hay không? Ta có sống thật vui tươi vì cảm nghiệm hạnh phúc Nước Trời trong một đời sống quên mình, nghĩ đến người khác không?

 Cộng đoàn tín hữu sơ khai đã sống sự thật theo Thần Chân Lý. Nên thánh Phao-lô không còn tha thiết gì với những gì xưa kia ngài coi là lợi lộc nữa. Sau khi gặp Chúa Giê-su Phục sinh ngài chỉ còn biết một mình Chúa và coi đây là mối lợi lớn lao nhất. Ngài đi tìm dấu vết những người tin Chúa để cùng hợp đoàn với họ. Ngài không còn sống theo xác thịt nữa, chỉ theo Thần Chân Lý hướng dẫn.

 Bà Ly-đi-a cũng để cho Thần Chân Lý hướng dẫn nên gặp được Phao-lô, gặp được Lời Chúa. Từ đó bà không coi trọng việc buôn bán vải điều nữa. Nhưng dành hết tâm trí sức lực vào đức tin, thực hành đức bác ái, mong được đón tiếp các tông đồ, phục vụ anh chị em.

 Ta hãy tha thiết xin Chúa Thánh Thần đến trong ta và trong xã hội hôm nay. Ta hãy kiên quyết sống theo ơn Chúa Thánh Thần. Sống và Bảo vệ Chân Lý.

 

THỨ BA TUẦN VI PHỤC SINH

ĐẤNG BẢO VỆ

 Cv 16, 22-34; Ga 16, 5-11

  Các môn đệ đã từ bỏ tất cả để gắn bó với Chúa Giê-su. Nay Người ra đi hỏi sao các môn đệ không buồn phiền lo lắng. Nhưng Chúa Giê-su quả quyết: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Vệ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em”.

 Chúa Giê-su ra đi thì có lợi. Vì các môn đệ từ nay không sống bằng thế giới khả giác nữa, nhưng đi vào thế giới siêu nhiên mầu nhiệm.  Ánh mắt dõi theo Chúa trong ngày lễ Thăng Thiên sẽ hướng về nội tâm, để họ kết hợp với Chúa Giê-su vinh hiển trong thế giới thần linh. Đó là thế giới của mầu nhiệm Ba Ngôi. Và biểu hiện mạnh mẽ qua Chúa Thánh Thần.

 Ngôi Lời nhập thể hữu hình trong thời gian phải chịu những giới hạn của con người. Nay Người ra đi về thế giới thần linh. Để quyền năng của Người thể hiện qua Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là sự sống của Chúa Giê-su. Là Thần Khí Đức Ki-tô.

Đấng Bảo Vệ đến bảo vệ các môn đệ. Điều đó thể hiện cụ thể trong bài sách thánh hôm nay. Người bảo vệ Phao-lô và Si-la tuy bị đánh đập nhưng không phải chết. Tuy bị giam cầm nhưng tâm hồn vẫn tự do và vui tươi. Vẫn ca hát và dậy dỗ, khuyên nhủ và rao giảng. Cửa sắt và gông xiềng chẳng đủ sức trói buộc các ngài.

 Thần Chân Lý đến cho thế gian thấy sự sai lầm. Thế gian cụ thể qua viên cai ngục. Sau biến cố động đất và cửa ngục cùng gông xiềng bật tung ra, viên cai ngục nhận biết mình tội lỗi  vì đã không tin Chúa. Nên quì sấp mặt xin Phao-lô tha tội. Ông muốn sống công chính khi trả về cho Chúa quyền năng trên cuộc đời minh. Nên ông tuân phục Thiên Chúa. Và ông tránh án phạt. Vì không tin Chúa là đi vào sự chết. Chỉ tin Chúa mới đem đến sự sống. Ông đã hỏi Phaolô: “Tôi phải làm gì để được ơn cứu độ”. Thánh Phaolô đã vạch cho ông con đường sự sống: “Phải tin vào Chúa Giêsu”.

 Tạ ơn Chúa Giêsu hiển vinh đã ban Đấng Bảo Vệ và Thần Chân Lý đến. Xin Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy trong con. Để con được bình an hoan lạc. Và luôn sống theo sự thật của Chúa.

 

 THỨ TƯ TUẦN VI PHỤC SINH

 SỰ THẬT TOÀN VẸN

Cv 17, 15, 22 – 18, 1; Ga 16, 12-1

 Chúa Giê-su không thể nói hết. Vì quá sức chịu đựng của các tông đồ. Các ngài không thể nhớ hết. Và càng không thể hiểu nổi. Nhưng Thần Chân Lý sẽ đến và sẽ dẫn các ngài đến chân lý vẹn toàn.

 Tiếng nói của Chúa Thánh Thần là tiếng nói thiêng liêng trong tâm hồn. Ai lắng nghe sẽ thấu hiểu những chân lý cao siêu. Và sự thật toàn vẹn sẽ vô cùng phong phú.

Chúa Giê-su  là Ngôi Lời. Nên từ cử chỉ, lời nói, hành động, và toàn bộ cuộc sống, cái chết, phục sinh của Người đều là lời, là chân lý vô cùng phong phú, sâu xa. Thánh Gio-an chỉ sống sau các tông đồ khác khoảng gần 30 năm, nhưng Tin mừng Gio-an đã vô cùng sâu sắc và phong phú. Thánh nhân cho biết ngài chỉ viết ra những điều giúp người ta tin thôi. Nếu phải viết hết mọi điều thì thế gian không đủ chỗ chứa.

 Thánh Thần sẽ dẫn ta đến chân lý vẹn toàn. Thánh Phao-lô có thể hiểu điều đó xuyên qua thất bại hôm nay. Đến A-the-na là thủ đô của sự khôn ngoan, Phao-lô đã vận dụng trí thông minh, sự khôn ngoan của người Hi lạp và kiến thức quảng bác của ngài về văn chương  triết học Hi  lạp để thuyết phục Hội đồng A-re-o-pa-go. Nhưng ngài đã thất bại. Bẽ bàng, ngài bỏ A-the-na đi Co-rin-tô.

 Tại Co-rin-tô, ngài đã nhận ra không thể dùng sự khôn ngoan của người đời, nhưng phải dùng sự điên rồ của thánh giá: “Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa.… nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm….Để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thần Khí (1Cr 2, 1-13).

 Lạy Chúa xin ban Thánh Thần cho chúng con, để chúng con biết sự thật toàn vẹn của Chúa.

 

 THỨ NĂM TUẦN VI PHỤC SINH

HIỆN DIỆN PHỤC SINH

Cv 18,1-8; Ga 16,16-20

 Trước khi chịu khổ nạn. Chúa Giê-su loan báo cho các tông đồ: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”. Khi Chúa chịu chết và an táng trong mộ, các tông đồ không còn trông thấy Thầy. Không phải chỉ không trông thấy, mà còn có tâm hồn trống rỗng, cô đơn, tuyệt vọng. Trái lại thế gian đắc thắng vui cười. Chúa đã chết. Đó là thắng lợi của trần gian. Họ niêm phong cửa mộ. Cắt đặt lính canh. Đắc thắng.

 Nhưng khi Chúa phục sinh, các tông đồ lại tràn ngập niềm vui. Vui vì được gặp lại Chúa. Nhưng ở một chiều kích khác. Hai môn đệ đi đường Em-mau đi bên Chúa suốt mấy tiếng đồng hồ. Nhưng không nhận biết Chúa. Họ nhìn thấy nhưng không nhận ra. Trái lại khi Chúa đã biến đi rồi thì họ lại thấy Chúa, nhận ra Chúa đang hiện diện. Không thấy Chúa bằng đôi mắt thể xác. Họ thấy Chúa bằng ánh mắt nội tâm. Vì Chúa vắng mặt. Nhưng lại hiện diện tràn đầy. Đó là hiện diện phục sinh. Họ đã chết. Nhưng nay sống. Sống mãnh liệt. Sống phong phú. Đó là đời sống đức tin.

 Chính ánh mắt nội tâm đó. Chính sự hiện diện phục sinh đó. Chính đời sống đức tin đó làm cho các tín hữu sơ khai. Dù bị bắt bớ, bị xua đuổi, kể cả bị giết chết, mà vẫn bình an. Và như thánh Phao-lô, bị chống đối mà vẫn bình tĩnh. Bị đánh đập mà vẫn kiên cường. Bị nhục mạ mà vẫn vui tươi. Vì có Chúa ở cùng. Chúa phục sinh luôn ở bên các ngài.

 Đó là sức sống mới. Sức sống của Chúa phục sinh. Sức sống tràn trào thôi thúc các ngài đi rao giảng, làm chứng về Chúa. Hàng ngày phải lao động sinh nhai. Cuối tuần vẫn hăng say rao giảng: “Ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều. Mỗi ngày sa-bát, ông thảo luận tại hội đường, cố thuyết phục cả người Do thái, lẫn người Hy-lạp”. Bị chống đối nơi này thì đi nơi khác. Bị người này chống đối thì rao giảng cho người khác. “Bởi họ chống đối và nói lọng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo họ: “Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại”.

 Xin cho con cảm nhận được sự hiện diện phục sinh của Chúa. Để con có niềm vui tươi hăng hái làm chứng cho Chúa.

 

 THỨ SÁU TUẦN VI PHỤC SINH

 TẦM NHÌN PHỤC SINH

Cv 18, 9-18; Ga 16, 20-23a

 Chúa Giêsu phục sinh mở ra một thế giới mới và vì thế mở ra một tầm nhìn mới. Thế giới bị phân đôi thành thượng giới và hạ giới. Chúa Giêsu về trời hiển trị. Nhưng các  môn đệ còn ở lại trần gian. Chúa như vắng mặt khỏi trần gian. Quyền lực thế gian thống trị thế giới. Sự ác lộng hành. Sự thiện bị áp chế. Thế gian reo cười đắc thắng. Các môn đệ Chúa phải khóc lóc than van.

 Nhưng giữa tình trạng tồi tệ đến tuyệt vọng đó, Chúa lại nhóm lên niềm hi vọng. Ta hi vọng vì tuy Chúa vắng mặt nhưng vẫn ở với ta. Dù thế gian toàn quyền thống trị thế giới, nhưng Chúa vẫn âm thầm ở bên cạnh con cái của Người như lời Chúa nói với thánh Phaolô: “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh”. Thế gian hung hăng nhưng Chúa dịu hiền. Thế gian ồn ào nhưng Chúa lặng lẽ. Thế gian tấn công nhưng Chúa che chở. Thế gian hủy diệt nhưng Chúa xây dựng. Thế gian giết chết nhưng Chúa cứu sống. Giữa những hỗn loạn ngay tại dinh quan thống đốc Ga-li-on, Phao-lô đã thoát đi bình an.

 Ta còn hi vọng hơn nữa vì Chúa cho biết đau khổ chính là mảnh đất tốt cho cây sự sống mọc lên và kết trái hạnh phúc. Đau khổ là lưỡi cày cày xới ruộng đất cho phì nhiêu. Buồn phiền là phân bón cho cây sự sống lớn mạnh. Khóc lóc phát sinh nước mắt tưới cho hạnh phúc kết trái. Rồi đau khổ sẽ qua. Hạnh phúc sẽ đến. Bấy giờ “nỗi buồn biến thành niềm vui”. Tất cả những gian nan thử thách ở đời này giống như giây phút người phụ nữ sinh con. Khi đến giờ thì rên la đau đớn. Nhưng khi sinh con rồi thì hạnh phúc chứa chan. Sẽ đến ngày Chúa “xé bỏ chiếc khăn che phủ muôn dân… sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người,… sẽ xóa sạch nỗi ô nhục của dân Người”. Đau khổ là điều kiện phát sinh và là tường thành chắc chắn cất giấu kho tàng hạnh phúc, không ai có thể lấy mất được.

 Khi ban cho ta niềm hi vọng hạnh phúc, Chúa mở ra một tầm nhìn mới về thế giới hôm nay. Đó là tầm nhìn phục sinh giúp ta nhìn thấy thế giới vô hình. Nhìn thấy tương lai tươi sáng qua hiện tại tăm tối. Nhìn thấy những hạt lúa vàng trên đống bùn đen lầy lội.  Nhìn thấy hạnh phúc thiên đàng qua đau khổ trần gian.

 Các thánh là những người có một tầm nhìn phục sinh sắc bén, nên có những thái độ ứng xử siêu thoát. Các thánh tử đạo đi ra pháp trường như đi dự tiệc. Các thánh tông đồ hân hoan vì đã bị đánh đập nhục mạ. Chân phước Mẹ Têrêxa Calcutta cám ơn người nghèo vì người nghèo cho Mẹ cơ hội phục vụ Chúa. Sống mầu nhiệm phục sinh ta hãy có tầm nhìn phục sinh. Sẽ thay đổi cuộc đời. Sẽ cho ta niềm hi vọng.

 

THỨ BẢY TUẦN VI PHỤC SINH

 ĐẤNG TRUNG GIAN

Cv 18, 23-28; Ga 16, 23b-28

 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lai bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha”. Vai trò con thoi đi lại nối kết giữa hai nơi xa xôi diệu vợi như trời với đất, giữa hai đối tượng nghìn trùng cách biệt như Thiên Chúa với con người đã khiến Chúa Kito trở thành Đấng Trung Gian.

 Người là Đấng Trung Gian tuyệt hảo vì đưa ta đến gặp gỡ trực tiếp với Đức Chúa Cha: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn”. Chúa Giêsu dẫn ta đến với Chúa Cha rồi để ta trực tiếp gặp gỡ với Chúa Cha.

 Người là Đấng Trung Gian tuyệt hảo vì dẫn đưa ta đến tình yêu: “Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy”. Tình yêu Chúa Ki-tô dẫn ta đến tình yêu của Chúa Cha.

 Người là Đấng Trung Gian tuyệt hảo vì dẫn đưa ta đến sự sống. Ta được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi trong vòng tròn tình yêu ngày càng lan rộng. Chúa Giê-su yêu mến Chúa Cha. Ta yêu mến Chúa Giê-su. Chúa Cha yêu mến ta. Tình yêu trao ban và nhận lãnh tạo nên một chuyển động không ngừng nghỉ làm phát sinh sự sống ngày càng sung mãn.

 Các tín hữu thời sơ khai đã sống tinh thần trung gian tốt đẹp.

 Thánh Phao-lô đi rao giảng, đi đến đâu cũng bị chống đối, nhưng thánh nhân vẫn yêu thương các giáo đoàn, đi lại thăm viếng khích lệ và làm cho tất cả các giáo đoàn được vững mạnh. A-pô-lô là người đạo mới, nhờ am tường Kinh Thánh và có tài hùng biện, đã thuyết phục được nhiều người, nhưng vẫn còn yếu kém về đạo, lập tức được vợ chồng Prít-ki-la và A-qui-la mời về nhà để bổ sung. Khi A-pô-lô muốn đi A-kai-a, anh em đã khuyến khích và viết thư giới thiệu cho các môn đệ để ông được đón nhận. Nhờ vòng tròn yêu thương ngày càng lan rộng đã làm cho sức sống của Giáo hội sơ khai mạnh mẽ và phát triển mau chóng.

 Mỗi ngày ta có nhiều gặp gỡ, tiếp xúc, xin cho ta trở nên trung gian tốt lành để mọi cuộc gặp gỡ tiếp xúc của ta đều hướng dẫn mọi người đến với Thiên Chúa, xin cho những người tiếp xúc gặp gỡ ta đều hướng đến tình yêu, như thế cộng đoàn chúng ta sẽ có sức sống mạnh mẽ trong tình yêu nồng nàn.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ 2 Tuần XXVIII Thường Niên – Lc 11,29-32 Dấu lạ diệu kỳ vĩ đại

 DẤU LẠ DIỆU KỲ VĨ ĐẠI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Có lẽ vì tò mò hay hiếu kỳ, dân...

Thứ 7 Tuần XXVII Thường Niên – Lc11,27-28 Hạnh phúc thật

HẠNH PHÚC THẬT Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Trước cử tọa thật đông đảo đang nghe Đức Giêsu giảng dạy với những...

Thứ 6 Tuần XXVII Thường Niên – Lc 11,15-26 Đức Giêsu đầy quyền năng và nhân ái

  ĐỨC GIÊSU ĐẦY QUYỀN NĂNG VÀ NHÂN ÁI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Giữa bao thử thách gian truân và đau khổ...

Thứ Năm Tuần XXVII Thường niên (Lc 11,5-13) Chẳng lẽ Chúa cũng “xin” “cho”?

Thứ Năm Tuần XXVII Thường niên (Lc 11,5-13) Chẳng lẽ Chúa cũng “xin” “cho”? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay là những...

Thứ 5 Tuần XXVII Thường Niên – Lc 11,5-13 Kiên trì cầu nguyện

  KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Sau khi Đức Giêsu dạy thể thức cầu nguyện với Kinh Lạy Cha,...

Thứ Ba, Tuần XXVII Thường Niên (Lc 10,38-42) Phục vụ Chúa hay phục vụ tôi?

Thứ Ba, Tuần XXVII Thường Niên (Lc 10,38-42) Phục Vụ Chúa Hay Phục Vụ Tôi? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay cho...

Thứ Ba, Tuần XXVII Thường Niên – Lc 10,38-42 Gia đình Bêtania đón tiếp Chúa

GIA ĐÌNH BÊTANIA ĐÓN TIẾP CHÚA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Lời Chúa hôm nay tường thuật cho chúng ta việc Đức...

Thứ 7 Tuần XXVI Thường Niên – Lc 10,17-24 Niềm vui và hạnh phúc đích thực

  NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Sau cuộc thực tập ra khơi với bao thành quả...

Thứ 2 Tuần XXVI Thường Niên – Lc 9,46-50 Ai là người lớn nhất

  AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong giai đoạn Đức Giêsu...

Thứ 7 Tuần XXV Thường Niên – Lc 9, 43-45 Con Người sắp bị nộp

  CON NGƯỜI SẮP BỊ NỘP Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Sau thời gian, Đức Giêsu công khai loan báo Tin Mừng Nước...

Thứ 6 Tuần XXV Thường Niên – Lc 9,18-22: Thầy là ai?

  THẦY LÀ AI? Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Câu hỏi: Đức Giêsu là ai? Được đặt ra không phải chỉ trong thời...

Thứ 5 Tuần XXV Thường Niên – Lc 9,7-9 Hai con người

  HAI CON NGƯỜI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Với đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe thật quá vắn, vỏn vẹn...